Author - saigonscouts

Xác Định Phương Hướng Trên Biển

1. GIỚI THIỆU

phuonghuongTừ rất lâu, trước khi các tàu của người châu Âu đến được Ấn Độ Dương, những người đi biển Ả-rập và Trung Hoa từ phương Đông đã ngang dọc trên đại dương này. Thật vậy, người Châu Âu đầu tiên là Vasco da Gama đến được Ấn Độ an toàn là nhờ sự giúp đỡ của một hoa tiêu người Ả-rập tên Ibn Majid. Ông đã hướng dẫn chuyến hải trình vượt Ấn Độ Dương dài 23 ngày cho các con tàu của Da Gama. Cách đây 3.000 năm, các thủy thủ người Phoenicia khởi hành từ cảng quê nhà ở bờ biển phía đông Địa Trung Hải đến châu Âu và Bắc Phi để giao thương buôn bán. Làm thế nào những hoa tiêu thời xưa tìm được phương hướng trên biển?

2. ƯỚC ĐOÁN VỊ TRÍ

Những người đi biển thời xưa phụ thuộc vào cách ước đoán vị trí. Cách này đòi hỏi họ phải biết ba điều:

  • Thứ nhất: Điểm khởi hành
  • Thứ hai: Vận tốc
  • Thứ ba: Hướng đi.

Biết điểm khởi hành thì dễ, nhưng làm thế nào chọn được hướng đi?

Từ thời nhà Tống (960–1279), người Trung Quốc đã biết dùng la bàn (gọi là Kim chỉ nam). Nhưng khi chưa có la bàn, các hoa tiêu đi biển dựa vào mặt trời và các ngôi sao. Khi trời có mây, các thủy thủ định hướng bằng các cơn sóng lừng đều đều do gió tạo nên. Họ quan sát hướng những cơn sóng này so với vị trí lặn mọc của mặt trời và các ngôi sao.

Làm thế nào họ tính được vận tốc?

Trước đây người ta tính vận tốc bằng thời gian mà con tàu vượt qua một vật được quăng xuống nước ngay mũi tàu. Sau này, họ thả qua mạn tàu một miếng gỗ buộc với cuộn dây có thắt nút đều đặn theo khoảng cách ấn định. Khi con tàu chạy, miếng gỗ nổi kéo sợi dây ra khỏi cuộn. Sau một thời gian ấn định, người ta kéo sợi dây lên và đếm nút, họ sẽ biết vận tốc của tàu. Khi biết vận tốc, hoa tiêu có thể tính được quảng đường mà con tàu đi được trong một ngày. Ông sẽ vẽ một đường trên hải đồ để biết con tàu đã đi tới đâu so với tuyến đường đã định.

Tất nhiên dòng hải lưu và gió thổi ngang có thể đẩy con tàu đi chệch hướng. Do đó, theo định kỳ, hoa tiêu phải tính toán và ghi lại những điều chỉnh cần thiết để giữ con tàu đi đúng hướng.

3. TÌM HƯỚNG VỀ ĐẤT LIỀN HAY HẢI ĐẢO BẰNG MÂY BẤT ĐỘNG

phuonghuong1

Khi bị rơi uống biển hay lênh đênh trên một chiếc bè, việc trước tiên là các bạn phải biết định hướng để tìm đường vào đất liền hay hải đảo. Các bạn nhìn xung quanh mình và cố gắng để tìm thấy bất kỳ dấu hiệu từ các đám mây. Những đám mây bất động sẽ làm cho chúng ta chú ý vì nó đứng yên một chỗ trong khi các đám mây chung quanh vẫn chuyển động.

Mây bất động thường xuất hiện phía trên các hòn đảo (hoặc đồi, núi ở trên đảo) là do những ngọn gió mang nhiều hơi nước liên tục thổi vào đảo, khi đụng các khối đất ở đảo thì bốc lên cao, gặp khí lạnh thì ngưng tụ lại thành mây (đám mây này bất động là do được cung cấp hơi nước liên tục). Những hòn đảo này nằm dưới Đường Chân Trời nên rất khó thấy.

Sau khi qua khỏi đảo, ngọn gió xuống thấp và ấm lại nên không thể hình thành đám mây khác.

phuonghuong2

Những đám mây cũng có thể cho chúng ta biết hướng của đất liền, vì chúng thường hình thành trên lục địa. Hình ảnh một đám mây  khổng lồ đang phồng lên là một sự đảm bảo đó là hướng đất liền.

Một đám mây đang phồng lên

                        Một đám mây đang phồng lên

4. TÌM ĐẤT LIỀN BẰNG CHIM

Các nhà hàng hải ngày xưa họ đi biển mà không có bản đồ và hải bàn, họ chỉ dựa trên kinh nghiệm, sự phán đoán và một số mẹo vặt. Để tìm ra hướng có đất liền, họ mang theo một số chim sống ở lục địa. Khi cần, họ thả chim ra, nếu thấy đất liền, chim sẽ bay thẳng về hướng đó, nếu không, chim sẽ quay trở về thuyền.

phuonghuong4

                                                   Minh họa: Ước đoán khoảng cách đất liền bằng chim biển

phuonghuong5

Chú ý: Hướng bay của chim hải yến, cốc biển, hải âu cổ rụt, bồ câu biển vào lúc bình minh và hoàng hôn là hướng đất liền.

5. ĐỊNH VỊ VÀ TÌM PHƯƠNG HƯỚNG TRÊN BIỂN

Ở giữa biển khơi, việc xác định vị trí và phương hướng rất quan trọng. vì các bạn cần phải biết hiện tại mình đang ở đâu và mình cần đi về đâu.

Hoa tiêu thời xưa nhìn mặt trời mọc và lặn để biết hướng đông và hướng tây. Ban đêm, họ có thể nhìn mặt trăng để biết phương hướng, giờ giấc. Ở Bắc bán cầu họ có thể định vị nhờ sao Bắc Cực (trước đây thường gọi là sao Bắc Đẩu). Ở tận phía Nam, chòm sao Nam Thập giúp họ định vị hướng Nam. Vì vậy, vào đêm quang đãng, dù bất cứ đang ở đâu ngoài biển khơi, họ vẫn có thể biết được hướng đi của mình nhờ ít nhất một vì sao dẫn lối. Khi trời nhiều mây, các thủy thủ định hướng bằng các cơn sóng lừng đều đều do gió tạo nên. Họ quan sát hướng những cơn sóng này so với vị trí lặn mọc của mặt trời và các ngôi sao.

Xem thêm Tìm Phương Hướng để bết thêm  Sử dụng la bàn tìm phương hướng và Ứng dụng thiên văn tìm phương hướng.

Các thủy thủ ngày xưa còn phát hiện những cơn gió thường gặp trong một số khu vực, giúp thiết lập những đường hàng hải chính cho tàu buồm ngoài biển cả. Các hoa tiêu đã biết tận dụng những cơn gió này.

SỬ DỤNG KÍNH LỤC PHÂN (SEXTANT)

phuonghuong6

Kính Lục Phân là dụng cụ thiên văn hàng hải dùng để đo góc giữa một thiên thể nào đó với đường chân trời hoặc góc giữa hai thiên thể nhằm xác định vị trí của của tàu thuyền trên biển. Ngoài hải đồ và la bàn, 2 công cụ quan trọng để xác định tọa độ trên biển là đồng hồ chuẩn, để xác định kinh độ so với kinh tuyến gốc và kính lục phân để xác định vĩ độ là những phát minh cực kỳ quan trọng.

Tên gọi quen thuộc của loại thước đo góc này là kính lục phân, sextant, hay kính phần sáu. Vì thước đo của nó là 1/6 đường tròn (60o). Ngoài ra, tùy vào nhu cầu sử dụng, người ta có thể dùng thước đo bát phân (octant), hay tứ phân (quadrant) nhưng tại Việt Nam người ta vẫn quen gọi là kính lục phân.

Nguyên lý hoạt động Kính Lục Phân:

Ánh sáng từ đường chân trời đi xuyên qua gương chân trời tới qua ống ngắm.

Ánh sáng từ thiên thể đến gương hướng dẫn sẽ bị phản xạ từ gương hướng dẫn đến 1 nửa gương chân trời (điều cần thiết là phải chỉnh sao cho hình ảnh của thiên thể tới mắt song song với hình ảnh của đường chân trời). Kéo dài đường thẳng của gương hướng dẫn ra đúng số đo nào thì đó là chiều cao của thiên thể cần đo. Từ đó tính được vĩ độ. Kết hợp với đồng hồ đo múi giờ thì ta biết được kinh độ. Từ đó, chúng ta biết tọa độ của chúng ta. Ngoài ra còn có thể đo góc giữa 2 ngôi sao cũng tương tự cách trên.

phuonghuong7 phuonghuong8

Minh hoạt: Nguyên lý hoạt động kính lục phân

Thiết kế này cho phép người quan sát (D) đồng thời nhìn thấy đường chân trời (h) và ảnh thiên thể (A) phản chiếu qua gương bán mạ B. chỉ số góc đọc thẳng trên thước (C).

Cái tên của quang cụ này cũng đồng thời phản ảnh nhược điểm của nó: thiên thể cần đo độ cao nằm phía sau lưng người quan sát nên rất khó sử dụng.

Kính lục phân không chỉ dùng để định vị trên biển, mà nó còn là một công cụ quan trọng trong việc khảo sát chuyển động của các thiên thể, đo đạc vẽ bản đồ sao và thiên văn hàng hải.

Cho đến ngày nay, tuy đã có thiết bị định vị GPS, nhưng người ta vẫn mang theo kính lục phân để dự phòng, do đặc điểm đơn giản, dễ sử dụng, nhưng có độ chính xác cao và nhất là không dùng điện như các thiết bị định vị hiện đại, hay lệ thuộc vào một thiết bị khác (như định vị bằng vệ tinh), do đó kính lục phân vẫn được sử dụng rộng rãi trong ngành hàng hải.

ƯỚC LƯỢNG VĨ ĐỘ BẰNG SAO BẮC CỰC

phuonghuong9

Khi lênh đênh trên các vùng biển ở Bắc Bán Cầu, các bạn có thể nhìn sao Bắc Đẩu để ước lượng chúng ta đang ở Vĩ độ (Bắc) nào. Các bạn lấy điểm Thiên đỉnh và Đường Chân Trời tạo thành hai cạnh của góc vuông, giao nhau ở chính bạn. Đường Chân Trời là 0o và điểm Thiên Đỉnh là 90o, nếu sao Bắc Đẩu nằm ở bao nhiêu độ trong góc vuông thì chúng ta đang ở đúng ngay Vĩ độ đó trên mặt biển.

Trong hình minh họa, chúng ta thấy sao Bắc Đẩu đang ở 45o (giữa Thiên Đỉnh và Đường Chân Trời). Như vậy, chúng ta đang ở 45o vĩ Bắc.

Cho dù các bạn không có “kính lục phân”, các bạn cũng có thể dùng phương pháp trên để ước lượng khoảng cách khá chính xác bằng cách tính sự chênh lệch của sao Bắc Đẩu sau mỗi đoạn đường di chuyển. Cứ mỗi độ chênh lệch thì tương đương với 60 dặm (miles) hay 90 km trên mặt biển (hay mặt đất).

TỰ CHẾ DỤNG CỤ ĐO ĐỘ CAO THIÊN THỂ ĐƠN GIẢN

Độ cao của thiên thể được do bằng đơn vị góc. Hãy tưởng tượng bầu trời như một mái vòm trên đầu bạn từ chân trời trước mắt bạn là 0o lên đến thiên đỉnh (đỉnh đầu) là 90o và ở chân trời phía sau lưng là 180o.

Muốn biết chính xác một thiên thể đang ở độ cao bao nhiêu, nếu không có kính lục phân, chúng ra có thể tự chế một cái rất đơn giản bằng những vật liệu dễ tìm.

Vật liệu:

  • 1 tấm bìa carton cứng hoặc miếng nhựa
  • 1 sợi dây chỉ hoặc dây nhợ
  • 1 vật nặng (có thể là viên đá, bù lon, đoạn cây, cục chì)
  • 2 ống tròn nhỏ cỡ ngón tay bằng giấy hay nhựa.
  • Băng keo hoặc keo dán
  • Compa, thước kẻ, thước đo độ, viết, kéo.

Cách làm:

Trước tiên các bạn vẽ lên bìa cứng hay một tấm ván mỏng một thước đo có hình cung bằng một phần tư hình tròn như dưới đây, chia ra từ 0o cho đến 90o,  xong rồi cắt ra. Khi cắt nhớ chừa lại đường biên còn khoảng 1 cm.

Tại điểm giao nhau của hai đường 0o và 90o, khoét một lỗ để luồn dây qua rồi cột lại, bên dưới sợi dây cột một vật nặng như một sợi dây dọi (lập lòn).

phuonghuong10 phuonghuong11

Minh họa: chế tạo và sử dụng dụng cụ đo độ cao thiên thể

Để làm “ống ngắm”, các bạn dùng giấy để cuốn quanh một cây bút chì rồi dán lại. Sau khi lấy bút chì ra, các bạn đính ống ngắm vào cạnh 90o của cung một phần tư bằng hồ dán hay băng keo. Như vậy là các bạn đã có thước đo cung một phần tư.

Sử dụng:

Nếu các bạn đang ở Bắc Bán Cầu, hãy tìm cho được sao Bắc Cực. Nhìn xuyên qua ống ngắm thẳng đến sao Bắc Cực, chờ cho sợi dây dọi ổn định xong thì kẹp chặt nó. Sợi dây dọi nằm ở chỉ số góc độ nào thì các bạn cũng đang đứng tại vĩ độ đó.

Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

Tìm Phương Hướng Bằng Thiên Văn

Để không bị thất lạc, để đi đúng đường, đến đúng điểm đã định, để thoát ra khỏi một vùng hoang vu, xa lạ … các bạn nhất thiết cần phải tìm ra phương hướng, dù không có la bàn hay thiết bị GPS trong tay.

Có nhiều cách để tìm phương hướng chỉ dựa vào thiên nhiên, sau đây là những cách thông thường dễ sử dụng.

 1. BẰNG MẶT TRỜI

Ai cũng biết mặt trời mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây, Thực ra điều này không hoàn toàn đúng. Trong thực tế, do độ lệch của trục trái đất, nên vị trí mọc và lặn của mặt trời trong năm không cố định, mà thay đổi theo chu kỳ: Mặt trời chỉ mọc đúng hướng Đông và lặn đúng hướng Tây vào tiết Xuân Phân (20-21 tháng 3 AL) và Thu Phân (23-24 tháng 9 AL) mà thôi. Những ngày Hạ Chí (21-22 tháng 06 AL) thì mặt trời mọc ở Đông Bắc và lặn ở Tây Bắc. Những ngày Đông Chí (21-22 tháng12) thì mặt trời mọc ở Đông Nam và lặn ở Tây Nam.

Lưu ý là buổi trưa, mặt trời hơi chếch về hướng Nam (áp dụng tại Việt Nam hay các nước ở Bắc Bán Cầu khác), lúc nầy bóng mọi vật đổ về hướng Bắc. Khoảng 8 –9 giờ sáng, mặt trời ở hướng Đông Nam. Từ 15-16 giờ chiều thì ở hướng Tây Nam.

Thien van

 

2. BẰNG ĐỒNG HỒ VÀ MẶT TRỜI

a) Khi bạn ở Bắc Bán Cầu: Dùng một que nhỏ (cỡ cây tăm) cắm thẳng góc với mặt đất, que sẽ cho ta một cái bóng. Ta đặt đồng hồ sao cho bóng của cây tăm trùng lên kim chỉ giờ. Đường phân giác của góc hợp bởi kim chỉ giờ và số 12 cho ta hướng Nam, vậy đối diện là hướng Bắc (N).

b) Khi bạn ở Nam Bán Cầu: Các bạn xoay đồng hồ sao cho bóng que trùng lên trên số 12. Đường phân giác của góc hợp bởi số 12 và kim chỉ giờ sẽ cho ta hướng Bắc (N). Như vậy, hướng đối diện là hướng Nam.

 2 mat troi NB

 

3. BẰNG BÓNG GẬY VÀ MẶT TRỜI

Còn gọi là phương pháp Owendoff. Dùng một cây gậy thẳng dài khoảng 90cm, cắm thẳng góc với mặt đất. Bạn ghi dấu đầu bóng của cây gậy, lần thứ nhất gọi là điểm A.

3 bong gay

Sau đó khoảng 20 phút, bóng gậy sẽ di chuyển qua chỗ khác, bạn lại đánh dấu bóng của đầu gậy lần thứ hai, gọi là điểm B. Nối điểm A và B lại, ta có một đường thẳng chỉ hướng Đông Tây. Nếu chân trái của bạn đứng ở điểm A và chân phải đứng điểm B thì phía trước mặt bạn là hướng Bắc.

 4. BẰNG SAO VÀ CHÒM SAO (ban đêm)

Ban đêm các bạn có thể dùng sao để định hướng. Có nhiều sao và chòm sao để tìm phương hướng, nhưng dễ nhất là những chòm sao sau đây.

a) Sao Bắc Cực

Muốn tìm sao Bắc Cực, trước hết các bạn phải tìm cho được chòm Đại Hùng Tinh.

4 sao bac cuc

Chòm Đại Hùng Tinh giống như cái muỗng lớn, gồm 7 ngôi sao, các bạn lấy hai ngôi sao đầu của cái muỗng, kéo dài một đoạn thẳng tưởng tượng bằng 5 lần khoảng cách của hai ngôi sao đó, sẽ gặp một ngôi sao sáng lấp lánh, dễ nhận thấy đó là sao Bắc Cực. Sao này luôn luôn ở hướng Bắc.

Cũng có thể tìm thấy sao Bắc Cực từ chòm Tiểu Hùng tinh. Chòm này có 7 ngôi sao nhưng nhỏ hơn Đại Hùng tinh. Ngôi sao chót của cái đuôi Tiểu Hùng tinh là sao Bắc Cực.

 

b) Chòm sao Liệp hộ (Orion)

Còn gọi là sao Cày, sao Ba, sao Thần Săn, sao Chiến Sĩ.

5 chom sao5. 1 Orion

Chòm Liệp Hộ có hình dáng một người mang kiếm ngang thắt lưng (thắt lưng là 3 ngôi sao sáng xếp thành hàng ngang, còn 3 ngôi sao hơi mờ là thanh kiếm).

Nếu các bạn vạch một đường thẳng tưởng tượng từ thanh kiếm đi qua ngôi sao Capelle (sao Thiên Dương) là hướng tới Bắc Cực.

c) Chòm Nam Thập tự (Southern Cross)

Chòm sao Nam Thập Tự (hay Nam Tào, Chữ Thập Phương Nam, Nam Thập , gồm 4 ngôi sao xếp thành hình chữ thập, sao Nam Thập ở khoảng giữa chòm sao Nhân Mã và Thiên Thuyền,

Ở Nam Cực không có ngôi sao nào nằm ngay điểm cực nam như sao Bắc Đẩu ở cực bắc, cho nên người ta chỉ dựa vào những chòm sao xoay quanh điểm Nam Cực để định hướng, mà chòm Nam Thập là chòm sao dễ nhận thấy nhất.

6 nam thap

Ta gọi đường chéo dài của sao nam thập là đoạn AB. Các đoạn kéo đoạn AB đó dài ra bốn lần) rưỡi, định một điểm tưởng tượng. Điểm đó là điểm Nam Cực, nó cho ta hướng Nam địa dư, nằm ở cạnh chòm sao Kính bát phân (Octans). Ở Việt Nam, chúng ta chỉ có thể thấy sao Nam Thập từ chập tối trong khoảng tháng 5 đến tháng 7 hàng năm.

 

5. BẰNG MẶT TRĂNG

Trăng thượng tuần: (từ mùng 1 đến mùng 10 Âm lịch). Nhưng chỉ thấy rõ trăng từ  mùng 4 Âm lịch. Trăng khuyết, hai đầu nhọn quay về hướng Đông.

Trăng trung tuần: (từ mùng 10 đến 20 Âm lịch). Như mặt trời, trăng mọc ở hướng Đông và lặn ở hướng Tây.

Trăng hạ tuần: (từ 20 đến 29-30 Âm lịch). Nhưng hết thấy rõ trăng từ 25 Âm lịch. Trăng khuyết, hai đầu nhọn quay về hướng Tây.

Trong dân gian có câu: Đầu trăng, khuyết đằng Đông. Cuối trăng, khuyết đằng Tây. Hoặc một câu đơn giản dễ nhớ: Đầu tháng Tây trắng. Cuối tháng Tây đen.

Nếu là thượng tuần thì phần “trắng” sáng (lưng cong) của trăng chỉ hướng Tây. Nếu là hạ tuần thì phần đen (tức hai đầu nhọn) của trăng chỉ hướng Tây.

6 mat trang dong tay

Ngoài ra các bạn có thể vạch một đường thẳng tưởng tượng đi qua hai đầu nhọn của mặt trăng thẳng xuống đất, điểm tiếp xúc đó là hướng Nam.

6. BẰNG RÊU MỐC

Gặp thời tiết xấu không nhìn rõ mặt trời, trăng, sao… các bạn có thể phỏng định phương hướng bằng cách nhìn vào thân cây. Ở vùng Bắc Bán Cầu, phía nào ẩm ướt nhiều là hướng Bắc (vì mặt trời không đi qua hướng này). Từ đó các bạn suy ra các hướng khác.

Cách này không chính xác lắm, bạn nên xem xét thêm nhiều thứ xung quanh.

 7. BẰNG CÂY XANH

Cây xanh không bao giờ mọc đối xứng, nhất là những cây mọc đơn độc, không phải chen lấn để tranh dành ánh sáng. Những cây này thường có xu hướng “nặng” ở một bên. Nhìn vào hình hai cây dưới đây thì các bạn nhận ra điều này.

7 bong cay

Cách này đòi hỏi các bạn phải có một cặp mắt tinh tế và một số kinh nghiệm nhất định.

Ở vùng Bắc bán cầu, mặt trời dành phần lớn thời gian của mình ở phía Nam. Tất cả các loại cây đều cần mặt trời để tồn tại và phát triển. Điều này dẫn đến việc cây mọc không đối xứng. Phía mà được ánh nắng mặt trời chiếu nhiều hơn – phía Nam – thì cành lá sẽ phát triển dày đặc hơn và có vẻ “nặng” hơn. Hiệu ứng này lrất dễ nhận thấy khi cây rụng lá.

Một sai lầm mà nhiều người trong chúng ta thường mắc phải, đó là nhìn vào một cái cây chỉ từ một góc rồi sau đó tự hỏi tại sao nó không cung cấp chúng ta những bí mật của nó. Thật ra những khác biệt của cây chỉ được nhận thấy khi bạn đi bộ chung quanh nó. Và vì vậy điều quan trọng là bạn nên làm một vài vòng quanh một thân cây nếu có thể.

Mặt trời cũng tác động đến các cành cây. Các nhánh ở phía Nam có xu hướng phát triển theo chiều ngang hơn, về phía mặt trời, trong khi các nhánh phía Bắc có xu hướng vươn thẳng đứng lên.

Ngoài ra, chúng ta cũng biết hoa hướng dương lúc búp hoa còn non, luôn hướng theo đường đi của mặt trời. Khi đã nở hoa thì luôn quay về hướng Đông.

8. BẰNG GIÓ

Chúng ta có thể căn cứ vào ngọn gió để tìm phương hướng. Gió có thể thổi từ hướng nào, những ngọn cây nghiêng về hướng đó.

8 gio

Việt Nam ở vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa. Cho nên nước ta có hai loại gió mùa:

Gió mùa Đông Bắc: Từ tháng 11 đến tháng 3 Dương lịch – Thổi từ Đông Bắc xuống Tây Nam.

Gió mùa Tây Nam: Từ tháng 5 đến tháng 10 Dương lịch – Thổi từ Tây Nam ngược lên Đông Bắc.

Có nhiều cách để biết hướng gió ngoài cách nhìn ngọn cây:

Tạo một đám khói và nhìn hướng khói bay.

Thả rơi một số giấy vụn hay lá khô vò nát.

Ngậm ngón tay trỏ vào miệng trong 10 giây, sau đó lấy ra đưa lên cao. Phía nào lạnh trước là gió đến từ hướng đó (khi ngậm tay trong miệng, các bạn làm cho ngón tay ẩm ướt và ấm lên. Khi đưa ngón tay lên gió, nó sẽ làm cho độ ẩm bốc hơi nhanh làm lạnh phía mà gió tiếp xúc).

Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

(Code 8.1.3.2)

Chi tiết...

Mô Hình Cấp Cứu Tai Nạn – Dr.CAB

KHÁI NIỆM VỀ SƠ CẤP CỨU

Sơ cấp cứu là làm những công việc cần thiết lúc ban đầu để trợ giúp hoặc chữa trị bất cứ một chấn thương, tai nạn hay bệnh tật đột ngột nào đó, để (có thể) làm giảm bớt cơn đau cho nạn nhân, ngăn chặn không cho tình hình xấu thêm; động viên trấn an nạn nhân trong khi chờ đợi bác sĩ hay phương tiện cứu hộ, giúp họ dễ dàng hơn trong việc điều trị.

Mục đích:

  • Bảo toàn tính mạng cho nạn nhân (và có khi chính bản thân mình).
  • Hạn chế ảnh hưởng của vết thương, không cho căn bệnh nặng hơn.
  • Giúp cho các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc điều trị sau đó.
  • Giúp nạn nhân mau hồi phục.

MÔ HÌNH CẤP CỨU CĂN BẢN

Mô hình Cấp cứu Căn bản (Basic Course of Life Support) là những nguyên tắc mà các bạn phải tuân theo khi thực hành việc sơ cấp cứu.

I/ KHẢO SÁT CƠ BẢN

Khi tiếp cận với một tai nạn hay bệnh tật đòi hỏi chúng ta phải có một kế hoạch. Trước tiên đó là việc “Khảo sát cơ bản” để xem xét tổng thể tình hình hiện trường và tình trạng nạn nhân. Để cho dễ nhớ trong khi thực hành, chúng tôi đưa ra bảng chữ cái (bằng tiếng Anh) sau đây:

D R C A B

D Danger = Nguy hiểm Đánh giá nguy hiểm ở hiện trường
R Respond = Phản ứng Kiểm tra phản ứng của nạn nhân
C Circulation = Tuần hoàn Kiểm tra tim mạch
A Airway = Khí đạo Kiểm tra đường thở
B Breathing = Hơi thở Kiểm tra hô hấp

 

D – DANGER = NGUY HIỂM:

1/  Quan sát – Phân tích – Đánh giá:coban

Khi bạn đứng trước một tai nạn, hãy dừng lại, nhìn, nghe, ngửi.

Nhìn: Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Kiểm tra những mối nguy hiểm đối với bạn, đối với người khác hoặc đối với nạn nhân (Cháy nổ, điện giật, khói độc, rắn rết, vực thẳm…).

Nghe:  Những âm thanh cảnh báo: tiếng rên la của nạn nhân, tiếng xăng đang chảy, tiếng động cơ xe đang nổ…

Ngửi: Mùi xăng dầu, mùi khói, mùi khét của nhựa cháy…

2/ Kêu cứu:

  • “(Bớ làng xóm!) Bớ người ta! Cấp cứu! Cấp cứu!”.
  • Yêu cầu ai đó giúp đỡ hay gọi xe cứu thương.
  • Gọi 115.
  • Chuẩn bị vật dụng tự bảo vệ: găng tay, khẩu trang (Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm)

3/ Xin phép giúp đỡ:

 Nói với nạn nhân: “Tôi có học căn bản cứu thương, xin được giúp đỡ ông/bà”

II/ KHÁM LẦN 1:

R – RESPOND = PHẢN ỨNG:coban1

Kiểm tra phản ứng của nạn nhân bằng cách hỏi, gọi lớn tiếng, giật tóc mai… Tuyệt đối không được lay hoặc lắc nạn nhân vì nếu nạn nhân tổn thương cột sống thì đây là hành động cực kỳ nguy hiểm.

Nếu nạn nhân còn tỉnh, hô hấp bình thường thì cho nằm tư thế hồi sức.

Nếu nạn nhân bất tỉnh nhân sự, gọi gấp 115. Trong khi chờ

đợi ta có thể tiến hành các bước tiếp theo.

Tư thế hồi sức

Tư Thế Hồi Sức

Sau khi đã thực hiện trình tự D (Nguy hiểm) và R (Phản ứng), chúng ta chuyển sang giai đoạn CAB

C – CIRCULATION = TUẦN HOÀN:

Kiểm tra mạch đập bằng cách ấn 2 ngón tay vào động mạch cảnh ở cổ tay trong hay ở cạnh cổ hoặc áp tai xuống ngực để nghe và đếm nhịp tim (thường thì 72 lần/phút).

coban3 coban4

Nếu không bắt được mạch hay không nghe được nhịp tim, lập tức tiến hành thủ thuật “Hồi Sinh Tim Phổi” (CPR)

A – AIRWAY = KHÍ ĐẠO (ĐƯỜNG THỞ):

Kiểm tra đường thở của nạn nhân xem có dị vật gì hay không? Nếu có thì mở miệng nạn nhân rồi dùng ngón tay để móc dị vật ra.

coban5 coban6

Lật ngửa đầu ra sau (trừ trường hợp chấn thương cổ), kéo cằm lên, đẩy hàm dưới ra trước để cho khí đạo thông thoáng.

B – BREATHING = HÔ HẤP:coban7

Kiểm tra xem nạn nhân có thở hay không bằng cách nghiêng tai xuống để lắng nghe và cảm nhận hơi thở của nạn nhân lên má của mình. Đồng thời nhìn xuống và sờ lồng ngực nạn nhân xem có nhấp nhô lên xuống hay không ?

Nếu nạn nhân còn thở thì lắng nghe, đếm nhịp thở (thường thì từ 10-20 lần /phút), xem có bình thường hay không?

Nếu nạn nhân ngừng thở thì ngay lập tức tiến hành Hô hấp nhân tạo (nên sử dụng phương pháp miệng qua miệng với tần suất 5 giây 1 lần).

coban8 coban9

THỦ THUẬT HỒI SINH TIM PHỔI (CPR):

Nếu nạn nhân không thở và không bắt được mạch hay không nghe được nhịp tim, lập tức tiến hành thủ thuật “Hồi sinh tim phổi”

coban10 coban11

Quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, chồng hai bàn tay đặt lên lồng ngực ngang hai đầu vú nạn nhân, đan những ngón tay lại với nhau.

Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống, rồi buông ra  theo tốc độ 100 lần/phút. Các bạn ép ngực 30 lần và thổi ngạt 2 lần. Sau mỗi 5 chu kỳ, các bạn kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân một lần bằng cách lắng nghe và đặt hai ngón tay lên động mạch cổ. Nếu nạn nhân không thở sẽ làm tiếp 5 chu kỳ nữa .

Xem thêm [Kỹ thuật CPR-Hồi sinh tim phổi]

III/ KHÁM LẦN 2:

Khám tổng quát nhanh chóng khắp thân thể bệnh nhân.coban12

  • Tìm kiếm những tổn thương khác.
  • Nếu có những vết thương xuất huyết, phải tìm mọi cách để ngăn chận chảy máu.
  • Giữ yên các vết thương, không cố rút các vật lạ đã ghim vào cơ thể nạn nhân.
  • Nếu nạn nhân bị gãy xương, lập tức cố định xương gãy, giúp nạn nhân bớt đau đớn.
  • Nếu phát hiện những nguy hiểm, hãy cứu chữa ngay.
  • Luôn tôn trọng thứ tự DR.CAB.

IV/ TIẾP TỤC CHĂM SÓC

  • Đặt nạn nhân ở tư thế nằm hay ngồi an toàn, thoải mái.
  • Phủ kín hay nới lỏng y phục nạn nhân tùy trường hợp.
  • Không nên cho ăn uống.
  • Tiếp tục giám sát trình trạng của các giai đoạn CAB.
  • Ghi chép để tường trình khi nhân viên cấp cứu đến.

Lưu ý quan trọng:

  • Đảm bảo an toàn, không có mối nguy hiểm cho bản thân, cho nạn nhân, cho người khác.
  • Gọi trợ giúp
  • Luôn luôn tuân thủ các trình tự Dr.CAB.

 

Tham khảo tài liệu của Viện Tim Hoa Kỳ và một số tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu dùng cho ngành Dầu Khí.

Hướng dẫn áp dụng cho đa số trường hợp, tuy nhiên bạn cần phải là người tự quyết định tại hiện trường và chịu trách nhiệm vì có rất nhiều yếu tố tác động đồng thời. Để tăng hiệu suất thành công, bạn cần được hướng dẫn và thực hành bởi người đã biết.

Bởi: SaigonScouts

(code 8.2.1.0)

Chi tiết...