RÈN TÍNH TỰ LỰC
KHÁM PHÁ THIÊN NHIÊN
CHƠI MÀ HỌC
TRANG WEB HƯỚNG ĐẠO SINH SÀI GÒN
daosaigon.org là website của một đơn vị hoạt động tình nguyện, giáo dục kỹ năng sống cho các em thanh thiếu nhi theo hệ thống giáo dục Hướng Đạo, sinh hoạt tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam – Đạo Sài Gòn.
Hướng Đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu nhi đặt căn bản trên sự tự nguyện, phi chính trị, mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng, phù hợp với mục đích, nguyên tắc và phương pháp do vị sáng lập phong trào đề xướng và được mô tả trong Hiến chương của Hướng đạo Thế giới.
LỊCH SỬ PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO
Hướng Đạo bắt đầu từ ý tưởng ấp ủ của một vị tướng lãnh người Anh – Baden Powell – đã và đang thu hút hàng triệu thanh thiếu nhi trên thế giới vì những nét đặc trưng mà chỉ ở Phong trào Hướng Đạo, và hơn thế nữa là, đây còn là một hệ thống giáo dục độc đáo.
Baden Powell, gọi tắt là BP theo cách gọi thân thương của hàng triệu hướng đạo sinh trên thế giới, sinh ngày 22 tháng 2 năm 1857 tại Paddington, thuộc thủ đô Luân Đôn của nước Anh, là con thứ 8 trong một gia đình 10 người con.
Cha là mục sư, mất khi BP mới 3 tuổi. BP theo học trường Chaterhouse, lúc đầu tọa lạc ở Luân Đôn, sau dời ra vùng ngoại ô Surrey. Khi đến đây, BP như cá gặp nước, BP thỏa thích rong chơi trong các khu rừng gần trường, tò mò tìm hiểu đời sống hoang dã. Ông thích một mình lặng lẽ khám phá thiên nhiên. Có lần ông bỏ học, leo qua tường rào, vào rừng săn thỏ và tự nấu thịt ăn. Cẩn thận không để khói bốc lên cho người khác phát hiện. Trong những ngày hè, BP cùng các anh trai mình tự tổ chức các cuộc cắm trại, các trò phiêu lưu, chèo thuyền. Họ đã dùng thuyền cũ sơn phết lại, bơi dọc theo bờ biển nước Anh, xuôi theo các dòng như sông Thame, sông Avo, sông Wey… Ông thuận cả hai tay, rất giỏi các môn nghệ thuật như chơi đàn, diễn kịch, hội họa …nhưng chỉ đạt thành tích học tập trung bình trong nhà trường.
Khi hết bậc trung học năm 1876, BP ghi danh thi vào trường Võ bị và bất ngờ đỗ cao. Ông được miễn học khóa sĩ quan và được điều động thẳng sang phục vụ trong sư đoàn kỵ binh Hussars thứ 13 ở Ấn Độ với cấp bậc trung úy. Tại đây ông chuyên về kỹ thuật thám thính và vẽ bản đồ. Sau đó ông được thuyên chuyển về vùng Balkan, rồi về Châu Phi và nhiều nơi khác trên thế giới. Ở Châu Phi, ông từng chiến đấu chống lại các bộ lạc thiện chiến, trong đó có cuộc vây bắt tù trưởng Dinizulu. Tại Nam Phi, ông chỉ huy cố thủ thành Mafeking trong cuộc chiến giữa người Boer , là những di dân gốc Hà Lan, chống lại quân đội và chính quyền của người Anh.
Thành bị bao vây bởi một lực lượng 9000 quân trang bị vũ khí tối tân, trong khi quân số trong thành vỏn vẹn vào khoảng 1000 người, phần lớn là tân binh, trang bị thiếu thốn mà còn phải bảo vệ 8000 cư dân bản xứ. Nhờ sự khéo léo nghi binh, và sử dụng hiệu quả các nguồn lực mà lực lượng trong thành cầm cự trong 217 ngày, cho đến khi được tiếp viện giải vây.
Trong cuộc vây hãm đó, một nhóm các thiếu niên chưa đến tuổi quân ngũ đã được sử dụng để canh gác, liên lạc, cứu thương và nhiều việc khác nữa giúp giải phóng những người lớn khác ra tiền tuyến. Mặc dù Baden Powell đã không tự mình lập ra nhóm thiếu niên này, nhưng ông đã thật sự ấn tượng trước lòng quả cảm và sự điềm tĩnh của họ trên chiến trường.
Sau trận Mafeking, BP không được về Anh ngay mà phải ở lại huấn luyện lực lượng cảnh sát địa phương để bảo an. Trong thời gian ở Makefing, ông đã viết quyển “Aids to scouting” dùng đào tạo binh sĩ trinh sát.
Sau đó, ông trở về Anh và được đón tiếp như vị anh hùng. Năm 1903, BP được phong làm tổng thanh tra kỵ binh.
Trong chuyến trở lại nước Anh, BP nhận thấy quyển sách huấn luyện binh sĩ của ông, quyển “Aids to scouting”, được sử dụng rộng rãi trong nhà trường và các tổ chức đoàn thể để dạy các kỹ năng cho thanh thiếu niên. BP đã quyết định viết lại quyển đó cho phù hợp hơn với thiếu niên. Vì vậy, bản thảo cuốn Scouting for Boys (Hướng Đạo cho thiếu niên) được hình thành.
Mùa hè năm 1907, được sự chấp thuận của phụ huynh, BP dẫn 20 thiếu niên từ các gia đình thuộc các thành phần xã hội khác nhau, đến đảo Brownsea tổ chức một kỳ trại huấn luyện thử nghiệm từ ngày 31 tháng 7 cho đến ngày 9 tháng 8 năm 1907.
Các em được chia làm 4 đội gồm: Sói, Bò rừng, Cun cút, Quạ và được huấn luyện các kỹ năng như cắm trại, quan sát, nghề rừng, tinh thần thượng võ .v.v..
Cuộc cắm trại thành công vượt sự mong đợi, đã cụ thể hóa dự án về một phương pháp mới để giáo dục thanh thiếu nhi, một hình thức giáo dục không có tính gò bó như trong học đường, nhưng hấp dẫn và lôi cuốn các trẻ em.
Quyển “Hướng đạo cho thiếu niên” được xuất bản năm 1908 được đón nhận nồng nhiệt, và cho đến nay quyển này vẫn nằm trong những quyển sách được đọc nhiều nhất trên thế giới. Chỉ sau một năm, đã có hơn 100,000 trẻ em nước Anh tham gia sinh hoạt theo cách trong quyển “Hướng đạo cho thiếu niên”. Ngay sau đó, Phong trào Hướng Đạo nhanh chóng tự phát xuyên khắp đế quốc Anh. Ngày càng có nhiều thắc mắc khắp nơi được gởi đến, cho nên tháng 9 năm 1908, BP phải mở một văn phòng ở Luân Đôn để nhận tư vấn và giải đáp các thắc mắc.
Đơn vị hải ngoại được công nhận đầu tiên là ở Gibraltar năm 1908, theo sau đó không bao lâu là một đơn vị tại Malta. Canada trở thành lãnh thổ tự trị đầu tiên có chương trình hướng đạo được thừa nhận. Theo sau là Úc, New Zealand và Nam Phi. Chile là nước đầu tiên bên ngoài đế quốc Anh có chương trình Hướng Đạo được thừa nhận. Khoảng năm 1910, Argentina, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Malaya, Mexico, Hòa Lan, Na Uy, Nga, Thụy Điển và Hoa Kỳ có tổ chức nam Hướng đạo (Boy scouting). Cuộc diễn hành hướng đạo đầu tiên, được tổ chức vào năm 1910 tại Crystal Palace, Luân Đôn, thu hút 11.000 hướng đạo sinh.
Lúc ban đầu, chương trình chỉ lấy đối tượng là nam thiếu niên, tuổi từ 11 đến 18. Nhưng khi phong trào lớn mạnh, nhu cầu ngày càng trở nên cấp thiết là cần có chương trình huấn luyện huynh trưởng và các chương trình cho trẻ nhỏ tuổi hơn (Ấu), nam lớn tuổi hơn (Tráng) và nữ Hướng đạo (Girl Guide). Các chương trình đầu tiên dành cho Ấu sinh và Tráng sinh được thực hiện vào cuối thập niên 1910. Các chương trình hoạt động độc lập cho đến khi được chính thức công nhận bởi Tổ chức Hướng đạo Anh.
BP không thể nào một mình đảm nhiệm vai trò cố vấn cho toàn thể các nhóm yêu cầu được giúp đỡ. Vì thề các trại huấn luyện huynh trưởng Hướng đạo đầu tiên được tổ chức tại Luân Đôn năm 1910 và tại Yorkshire năm 1911. BP muốn công việc huấn luyện phải thực tế như có thể làm được để khuyến khích những người lớn khác đảm nhận vai trò lãnh đạo, vì thế khóa huấn luyện Huy Hiệu Rừng (Wood Badge) được mở ra để huấn luyện kỹ năng lãnh đạo cho người lớn. Công viên Gilwell gần Luân Đôn được ông W.F. De Bois McLAREN – một người Scotland – tặng cho phong trào để dùng làm trại trường, nơi huấn luyện huynh trưởng và cũng là nơi cắm trại Hướng đạo. Khăn Quàng Rừng được đính một miếng vải sọc Scotland để nhớ ơn này. Sau này, từ năm 1977, việc huấn luyện Huy Hiệu Rừng được ủy thác tổ chức bởi các Tổ chức Hướng Đạo tại nhiều quốc gia.
Video: BP xuất hiệm ở một trại hướng đạo
Năm 1920, tại trai họp bạn quốc tế đầu tiên tại Anh, BP được bầu làm Thủ lĩnh Hướng đạo Thế giới. Mãi đến nay, danh hiệu này chỉ được dùng duy nhất cho BP.
Video: Trại họp bạn quốc tế đầu tiên
Video: BP dự trại họp bạn quốc tế năm 1932
Năm 1929, BP được Anh hoàng phong Huân tước. Ông mất năm 1941 tại Kenya, Châu Phi.
Năm 2007, Phong trào Hướng Đạo kỷ niệm 100 năm.
Video: Bản tin của BBC về trại họp bạn quốc tế kỷ niệm 100 năm của Phong trào Hướng Đạo
Năm 2011, người ta thống kê được có trên 38 triệu hướng đạo sinh và các huynh trưởng đang sinh hoạt hướng đạo trên 216 quốc gia và vùng lãnh thổ, là thành viên của Tổ chức Hướng đạo Thế giới (WOSM).
Tháng 6 năm 2014, Văn phòng Hướng đạo Thế giới dời về về Kuala Lumpur, Malaysia từ Geneve, Thụy Sỹ.
Văn phòng Hướng đạo Vùng Châu Á Thái Bình Dương đặt tại Manila, Philippine.
Trang web của APR: http://scout.org/asia-pacific
MỤC ĐÍCH & NGUYÊN TẮC & PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG ĐẠO
1. MỤC ĐÍCH
Phong trào Hướng Đạo có mục đích góp phần vào việc giáo dục thanh thiếu nhi bằng cách giúp họ phát huy toàn vẹn các kỹ năng về thể chất, xã hội và tinh thần, trên cương vị cá nhân, trên cương vị công dân có tinh thần trách nhiệm, và trên cương vị thành viên các cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế.
Phong trào Hướng Đạo thành công trong việc giáo dục thanh thiếu nhi là do đạt được sự cộng tác chân thành của các em, khơi nguồn và phát huy mọi khả năng của các em mà không phải dồn ép, đè nén. Hướng đạo hướng các em em giỏi trong nhiều lĩnh vực khác nhau hơn là xuất sắc trong một lĩnh vực. Người sáng lập ra Phong trào Hướng Đạo, BP đã nêu ra mục tiêu này là các hướng đạo sinh sẽ trở nên “những công dân khỏe mạnh, vui vẻ và giúp ích”.
Khi đề xướng phương pháp hướng đạo, vị sáng lập muốn tận dụng thời gian nhàn rỗi của các em để bổ sung cho sự giáo dục ở học đường, gia đình và giáo hội.
2. NGUYÊN TẮC HƯỚNG ĐẠO
Mọi thành viên của Phong trào Hướng đạo hành động theo những nguyên tắc sau đây:
- Nguyên tắc tinh thần: làm bổn phận đối với Tín ngưỡng Tâm linh. Tuân theo những nguyên tắc tinh thần, trung thành với tôn giáo hay tín ngưỡng tâm linh đề ra các nguyên tắc tinh thần đó, và chấp nhận những bổn phận phát sinh từ đó.
- Nguyên tắc xã hội: làm bổn phận đối với Người khác. Trung tín với đất nước trong sự hài hòa với sự phát triển hòa bình, hiểu biết và hợp tác ở các cấp độ cộng đồng địa phương, quốc gia và quốc tế. Tham gia vào sự phát triển của xã hội trong sự tôn trọng phẩm giá con người và toàn vẹn của thiên nhiên.
- Nguyên tắc cá nhân: làm bổn phận đối với Bản thân. Chịu trách nhiệm về sự phát triển của chính bản thân.
3. PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG ĐẠO
Hướng Đạo là phương pháp giáo dục tuần tự dựa trên Lời Hứa và Luật Hướng Đạo; theo Hệ thống hàng đội; cho các em học bằng thực hành; sử dụng chương trình tiệm tiến từ dễ đến khó, dựa trên sở thích từng lứa tuổi; sinh hoạt ngoài thiên nhiên; có người lớn yểm trợ.
MÔ TẢ PHƯƠNG PHÁP HƯỚNG ĐẠO
Lời Hứa và Luật Hướng Đạo vừa là công cụ, vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng của toàn bộ giáo dục Hướng Đạo. Luật Hướng Đạo là một bộ luật cá nhân sống động, hướng dẫn cách mà mỗi hướng đạo sinh sống cuộc sống của mình. Các em tự nguyện cam kết tuân theo Lời Hứa và Luật để chính thức trở thành một thành viên trong phong trào. Đây là một qui tắc danh dự, được các huynh trưởng luôn nhắc nhở để các em cố gắng noi theo.
Hệ thống Hàng đội
Là hệ thống đặc thù của Hướng Đạo. Các em được tổ chức theo từng nhóm nhỏ 6-8 em để học cách tự quản trị, tự tổ chức huấn luyện, cùng theo dõi sự học tập của nhau, phát huy óc sáng tạo, khả năng lãnh đạo, tinh thần đồng đội . . . Một đoàn hướng đạo luôn luôn phải giữ nguyên Hệ thống Hàng đội trong mọi trong mọi sinh hoạt. Hệ thống Hàng đội không những là một phương pháp hiệu quả mà còn là phương pháp duy nhất để điều hành một đoàn Hướng đạo. Ở đâu áp dụng thành công Hệ thống Hàng đội thì ở đó có đoàn Hướng đạo thực sự thành công.
Học bằng thực hành
Đây là sự khác biệt lớn so với phương pháp giáo dục cổ điển của nhà trường, các hướng đạo sinh học hỏi trong khi thực hiện những công việc mà mình ưa thích bằng những trò chơi, bằng cách quan sát, thí nghiệm, tiếp xúc với thực tế . . . Các hoạt động của Hướng Đạo thì đầy ắp những hành động thực tiễn, mỗi hoạt đông đều nhằm đạt tới một mục tiêu rõ rệt.
Khung cảnh biểu tượng
Biểu tượng là một vật thể quen thuộc dùng để tượng trưng cho một thực thể, một tình huống, một khái niệm, một quá trình lớn hơn hay phức tạp hơn. Ví dụ Cái cân tượng trưng Công lý, chim Bồ câu tượng trưng cho Hòa bình. . . Biểu tượng thường được dùng để khơi gợi trí tưởng tượng của người xem về hướng những gì chúng ta muốn truyền đạt. Trong Hướng Đạo, khung cảnh biểu trưng kích thích các em nhìn xa hơn những gì chúng thấy, nhờ đó khiến các em có thể tiến tới biến những điều bình thường trở nên phi thường, biến cái không thể thành có thể, thấy được những điều mà bình thường ít ai nhận ra.
Bản thân từ hướng đạo sinh là một danh từ tự thân có tính biểu trưng. Hướng đạo sinh, trong tiếng Anh “scout” nghĩa là “lính trinh sát”, chỉ những binh sĩ đi trước một đoàn quân để xem xét địa thế, thám thính tình hình cho đoàn quân theo sa. Scout đặc trưng cho người sống trong rừng, nhà thám hiểm, thủy thủ, phi công, cư dân sống vùng biên giới. Từ “Hướng đạo sinh” đã bao hàm hình ảnh một con người sống trong khung cảnh mang đầy tính phiêu lưu, tinh thần đồng đội, sinh tồn bằng kiến thức về thiên nhiên hoang dã, sự tháo vát, linh động và khả năng quan sát, hòa nhập . . . là những giá trị mà BP muốn gởi gắm.
Mỗi ngành có một khung cảnh biểu trưng riêng phù hợp với lứa tuổi.
Thăng tiến cá nhân
Chương trình sinh hoạt đa dạng, đi từ dễ tới khó, dựa theo nhu cầu, khả năng và sở thích của đoàn sinh. Chương trình sinh hoạt cũng được soạn riêng cho từng ngành, phù hợp với tâm sinh lý của lứa tuổi các em, giúp các em tự tin, tự quản, tự học, không ganh đua tiêu cực.
Đơn vị Hướng đạo quản trị hệ thống Đẳng thứ – Chuyên hiệu để đảm bảo giá trị của các đẳng hiệu, chuyên hiệu được trao, đảm bảo tính hấp dẫn của hệ thống này trong sự hài hòa với các yếu tố khác trong phương pháp Hướng Đạo.
Xem chương trình đẳng thứ của Đạo Sài Gòn trong trang “Chương trình sinh họat”.
Sinh hoạt ngoài thiên nhiên.
Hướng Đạo đặc biệt chú ý vào các hoạt động ở ngoài trời, bao gồm cắm trại, kỹ năng sinh tồn nơi hoang dã, xuất du, trò chơi dưới nước, đi bộ đường dài, mưu sinh thoát hiểm, nghề rừng . . . và các môn thể thao. Mọi sinh hoạt phần lớn đều diễn ra ở ngoài thiên nhiên.
Ngoài việc giúp cho các em thoải mái, thư giãn, thoát khỏi khung cảnh tù túng quen thuộc, sinh hoạt ngoài thiên nhiên còn giúp cho việc rèn luyện một cơ thể khoẻ mạnh, một tinh thần linh hoạt, một trí tuệ phát triển; kích thích khả năng sáng tạo, óc tháo vát khi đương đầu với những thử thách trở ngại. Sinh hoạt ngoài thiên nhiên còn làm cho các em biết tôn trọng thiên nhiên và giúp tâm hồn các em hướng thượng, cao đẹp.
Trưởng yểm trợ
Các em thanh thiếu nhi khao khát làm mọi thứ, chơi mọi thứ nhưng do thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nên sẽ ít khả thành công nếu tự mình xoay sở. Người lớn nói chung, hoặc huynh trưởng nói riêng, có kiến thức và kinh nghiệm cần có mặt để giúp mọi việc chắc chắn hơn cho các em khởi đầu, giống như bắt trớn cho chiếc xe đạp, và tiến xa.
Trưởng là người phải được đào tạo phương pháp Hướng đạo để đưa dắt các em trong phong trào sử dụng 6 yếu tố kể trên đạt mục tiêu giáo dục thông qua các hoạt động, đời sống đoàn đội, qua cách cấu trúc và chức năng của đơn vị.
Phương pháp Hướng đạo ví như 07 vị thuốc của một đơn thuốc. Các huynh trưởng là người phối hợp các vị thuốc này theo một tỷ lệ nhất định và sẽ quyết định sự thành công của đơn thuốc. Phần thưởng cho các huynh trưởng, người hoạt động hoàn toàn tự nguyện, chính là khi đơn vị thành công đơn thuốc đem lại kết quả mỹ mãn.
Trong một hoạt động Hướng đạo đơn lẻ, sẽ khó thể hiện hết các yếu tố của phương pháp Hướng đạo, song nếu ghép nối một chuỗi các hoạt động của một đoàn trong một thời gian tương đối, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra đầy đủ 7 yếu tố kể trên. Các đơn vị sinh hoạt không tuân thủ phương pháp và Nguyên lý Hướng đạo không thể xem là Hướng Đạo và không được công nhận bởi các Tổ chức Hướng đạo.
Huynh trưởng có được sự mãn nguyện khi phục vụ, các em được vui chơi, trải nghiệm và tiến bộ, các hoạt động hướng đạo mang lại lợi ích cho cồng đồng. Hướng đạo sinh lớn lên sống cống hiến và thành công, một số quay lại phục vụ phong trào. Cứ như thế hệ thống giáo dục liên tục thu nhận, đào tạo tinh thần công dân, và tiến về phía trước hơn một trăm năm qua.
Video: Giới thiệu của WOSM nhân kỷ niệm 100 năm Phong trào Hướng Đạo
THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA PHONG TRÀO HƯỚNG ĐẠO
Phong trào Hướng Đạo được Liên Hiệp Quốc và cả thế giới công nhận về tính hiệu quả của phương pháp giáo dục thanh thiếu nhi.
Cho dù ở các quốc gia có Tổ chức Hướng đạo mạnh nhất thì tỉ lệ thâm nhập cũng không quá 12% thanh thiếu nhi (trung bình là 2,6% trên toàn thế giới), nhưng 60% các nhà lãnh tụ cũng như giám đốc các công ty, xí nghiệp lớn nhỏ trên thế giới xuất thân từ Hướng Đạo. Sau Thế chiến thứ II, tại các nước Âu Mỹ, phần lớn các nhà lãnh đạo cao cấp như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng… đều đã từng chơi hướng đạo. Tại Mỹ, thống kê có khoảng 15% trẻ em các thế hệ tham gia hướng đạo thế nhưng có đến 75% dân biểu và nghị sĩ từng là hướng đạo sinh; trong 54 nhà du hành vũ trụ tiên phong của Mỹ có 47 người từng là hướng đạo sinh.
Hướng Đạo được UNESCO công nhận là phong trào có đóng góp quan trọng cho hòa bình thế giới và bảo vệ môi trường.
Đến nay đã có trên 400 triệu người nhiều thế hệ khác nhau trên thế giới đã và đang tham gia Hướng Đạo.
VÀI NÉT VỀ PHONG TRÀO TẠI VIỆT NAM XƯA VÀ NAY
Phong trào Hướng đạo du nhập vào Việt Nam từ năm 1930.
Phong trào đã thu hút rất nhiều người về sau có vai trò quan trọng trong lịch sử như: Hoàng Đạo Thuý, Tôn Thất Tùng, Tạ Quang Bửu, Phạm Ngọc Thạch, Trần Duy Hưng Kha Vạn Cân, Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Cơ Thạch, Văn Cao, Lưu Hữu Phước, Hoàng Quý, Đỗ Nhuận, Thái Văn Lung, Cung Giũ Nguyên, …
Tạ Quang Bửu là trưởng huấn luyện người Việt Nam đầu tiên được huấn luyện chính thức của Hướng đạo Anh Quốc tại trại trường Giwel năm 1939, và từng được chính Baden Powel trao gỗ.
Năm 1946, Bác Hồ nhận lời làm chủ tịch danh dự của Hội Hướng Đạo Việt Nam.
Từ 1954-1975, Phong trào Hướng đạo vẫn hoạt động tại miền Nam như là một phong trào giáo dục thanh thiếu niện đặt căn bản trên sự tự nguyện, phi chính trị, mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt nguồn gốc, chủng tộc hay tín ngưỡng, phù hợp với mục đích, nguyên tắc và phương pháp Hướng đạo. Năm 1957, Hội Hướng Đạo Việt Nam được công nhận là thành viên chính thức của Tổ chức Phong trào Hướng đạo Thế giới.
Do điều kiện lịch sử, những năm sau 1975 hoạt động hướng đạo tại Việt Nam ngưng hoàn toàn. Từ những năm đầu thập kỷ 90 đến nay, do nhu cầu vui chơi và giáo dục thanh thiếu nhi của xã hội, một số đơn vị hướng đạo bắt đầu hoạt động ở Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành.
ĐẠO SÀI GÒN
Đạo Sài Gòn được thành lập vào ngày 1 tháng 6 năm 2001, và sinh hoạt thường xuyên tại Công viên Văn hóa Tao Đàn, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh.
a. Huy Hiệu
b. Các Ngành
Đạo Sài Gòn tổ chức sinh hoạt theo 4 ngành: Ấu, Thiếu, Kha, Tráng
c. Đặc trưng đồng phục Đạo Sài Gòn
Màu khăn quàng đặc trưng của Đạo Sài Gòn là xanh rêu sậm màu, viền khăn quàng 1 cm có màu đặc trưng theo ngành.
Đoàn trưởng sẽ mang khăn quàng giống khăn quàng hướng đạo sinh ngành mình trông coi.
Liên đoàn trưởng mang khăn quàng viền màu cam.
Các ủy viên điều hành thuộc Hội đồng Đạo mang khăn quàng viền tím.
Đồng phục các ngành mô tả trong nội dung sinh hoạt ngành.
d. Lời Hứa Hướng Đạo
Tôi xin lấy danh dự hứa cố gắng hết sức:
- Làm tròn bổn phận với tín ngưỡng tâm linh và quốc gia tôi
- Giúp ích mọi người bất cứ lúc nào
- Tuân theo Luật Hướng Đạo
e. Luật Hướng Đạo
- Hướng đạo sinh trọng danh dự, ai cũng có thể tin lời nói của Hướng đạo sinh
- Hướng đạo sinh trung thành với Tổ quốc, cha mẹ và người cộng sự
- Hướng đạo sinh có bổn phận giúp ích mọi người
- Hướng đạo sinh là bạn khắp mọi người, coi hướng đạo sinh nào cũng như ruột thịt
- Hướng đạo sinh lễ độ và liêm khiết
- Hướng đạo sinh yêu thương sinh vật
- Hướng đạo sinh vâng lời cha mẹ và huynh trưởng mà không biện bác
- Hướng đạo sinh gặp khó khăn vẫn vui tươi
- Hướng đạo sinh tằn tiện của mình và của người
- Hướng đạo sinh trong sạch từ tư tưởng, lời nói đến việc làm
f. Cách Chào
Đạo Sài Gòn thông qua cách chào của hướng đạo sinh trên toàn thế giới, chỉ một tư thế cánh tay dù là có nón hay không nón.
Nếu hướng đạo sinh chào khi tay cầm gậy thì các tư thế gậy giống như tập tục chung tại Việt Nam, mô tả trong các sổ tay Hướng đạo sinh.
Riêng kha sinh trong các kha đoàn có cách chào đặc trưng.
g. Bắt Tay Hướng Đạo
Các hướng đạo sinh khi bắt tay nhau thì họ dùng tay trái.
h. Thành Viên
Đạo Sài Gòn có 4 hạng thành viên:
- Hướng đạo sinh
- Huynh trưởng
- Thành viên danh dự
- Thành viên bảo trợ
i. Tôn Chỉ Đạo Sài Gòn
- Không liên kết hoặc trực thuộc một tổ chức hay đơn vị hướng đạo nào khác cho đến khi Tổ chức Hướng Đạo tại Việt Nam được thành lập lại và được Nhà Nước công nhận.
- Sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị hướng đạo và tổ chức xã hội khác vì mục tiêu giáo dục thanh thiếu nhi, giúp ích cộng đồng.
- Tham khảo các tài liệu hướng dẫn của Tổ chức Hướng đạo Thế giới để quản trị đơn vị và bảo vệ những giá trị của Phong trào Hướng đạo.
- Tuân thủ luật pháp nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
j. Chương Trình Thăng Tiến
Chương trình thăng tiến hai ngành Ấu và Tráng tham khảo nguyên bản của Hội Hướng Đạo Việt Nam trước đây.
Đạo Sài Gòn quyết định thực hiện một chương trình thăng tiến cá nhân duy nhất cho hướng đạo sinh trong độ tuổi từ 11 đến 17. Chương trình thăng tiến cá nhân chung này gồm các chuyên hiệu, và các đẳng thứ theo thứ tự từ thấp đến cao như sau: Tân Sinh, Hạng II, Hạng I, Tiền Phong, Nghĩa Sĩ.
Việc cấp huy hiệu được Đạo Sài Gòn quản lý nhằm đảm báo giá trị các huy hiệu được cấp ra. Đạo Sài Gòn quản lý việc cấp các đẳng hiệu và chuyên hiệu thông qua các yêu cầu cụ thể được viết ra, đánh giá cấp đơn vị, và cuối cùng là qua một hội đồng được ủy nhiệm phỏng vấn ứng viên. Việc thực hiện này có hướng dẫn nội bộ được phê duyệt.
Sơ đồ mô tả quy trình cấp đẳng hiệu:
Ảnh: Lễ vinh danh trao đẳng hiệu Hạng nhì cho thiếu sinh
k. Tổ Chức Sinh Hoạt
Hình thức sinh hoạt Hướng đạo trong Đạo Sài Gòn rất phong phú và đa dạng theo ngành, theo đơn và vị trí sinh hoạt.
Hàng năm, Đạo Sài Gòn có kế hoạch sinh hoạt tổng thể và thông báo đến các đơn vị trực thuộc. Theo đó mỗi Liên đoàn và Đoàn sẽ thảo luận lập cho mình kế hoạch sinh hoạt riêng trong kế hoạch tổng thể của Đạo.
Ngoài ra, hướng đạo sinh và huynh trưởng có thể tham gia các Trại họp bạn trong và ngoài nước.
Các sinh hoạt cấp đạo tiêu biểu như chào cờ hàng quý, trại Tết, trại hè, các sự kiện, lễ vinh danh, …
Các sinh hoạt cấp đoàn tiêu biểu như sinh hoạt hàng tuần, xuất du, cắm trại ngắn ngày, dự án, sự kiện theo mùa, sinh hoạt đội, lễ vinh danh, … Khi sinh hoạt, đoàn trưởng sẽ chịu trách nhiệm và làm trực tiếp với phụ huynh các em trong đoàn.
Một số hình ảnh sinh hoạt trên Tao Đàn
Một liên đoàn gồm ít nhất 2 đoàn khác ngành liên tiếp. Đạo là cơ cấu gồm 2 liên đoàn trở lên, được quản lý bởi Hội đồng huynh trưởng và đại diện phụ huynh và được điều hành bởi Ủy viên Đạo trưởng, do Hội đồng Đạo bầu ra. Các huynh trưởng cấp liên đoàn, đạo sẽ phối hợp sinh hoạt các đoàn và làm các việc khác vì mục tiêu đảm bảo và nâng cao chất lượng sinh hoạt và phát triển phong trào: Ủy viên Đạo trưởng, Ủy viên Hành chính Quản trị (Đạo phó), Ủy viên Sinh hoạt (Đạo phó), Ủy viên Sinh hoạt các ngành, Ủy viên Phụ trách Huấn luyện, Liên Đoàn trưởng, …
Kế hoạch Công tác và Ngân sách được các ủy viên và Hội đồng Đạo thảo luận và phê duyệt hàng năm.
Việc quản lý an toàn trong sinh hoạt hướng đạo được thực hiện qua:
- Huynh trưởng được huấn luyện chuyên môn nghề trưởng, phong nhậm có thời hạn,
- Có kế hoạch sinh hoạt
- Huấn luyện kỹ năng cho các em, tăng dần độ khó,
- Thực hiện hệ thống hàng đội khi số đông đang sinh hoạt ngoài thực địa,
- Đánh giá rủi ro bổ sung khi thực hiện các sự kiện và trại lớn,
- Mua bảo hiểm sinh hoạt hàng năm cho thành viên.
LÀM QUEN VÀ GIA NHẬP PHONG TRÀO
1. PHỤ HUYNH MUỐN CHO CON EM MÌNH CHƠI HƯỚNG ĐẠO
Gia nhập
Khi biết đến Phong trào Hướng Đạo, các em có thể tự mình hoặc nhờ phụ huynh dắt tới một đoàn nào đó, sẽ rất tốt nếu đoàn đó sinh hoạt gần nhà và em có vài người bạn thân đang tham gia.
Khi đến với đoàn, các em có thể sinh hoạt làm quen một vài tuần. Nếu thấy thích hợp thì nộp đơn xin gia nhập theo mẫu, nếu em dưới 18 tuổi thì phải có chữ ký chấp thuận của phụ huynh hay người giám hộ.
Một khi đã quyết tâm gia nhập, các em sẽ chấp nhận lối sống Hướng đạo: Thứ nhất các em phải tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt, kỳ cắm trại. Thứ hai các em phải chấp nhận học tập rèn luyện và tự rèn luyện theo chương trình và phương pháp do phong trào đưa ra để thăng tiến và hoàn thiện bản thân.
Một khi đã đồng ý cho các em gia nhập phong trào phụ huynh hãy tạo điều kiện cho các em tham gia các hoạt động dù có chút lo lắng. Do đặc thù sinh hoạt tại công viên trên địa bàn thành phố lớn như Hồ Chí Minh là các em đến từ các cồng đồng xa nhau, ít cơ hội họp đội, ít cơ hội sống giữa thiên nhiên hoang dã, nhiều hoạt động có tính giải trí chi phối cho nên các phụ huynh phải hết sức tuân thủ các điều kiện cam kết với huynh trưởng khi gia nhập. Hãy nên giữ liên lạc với huynh trưởng về tinh thần và sự thăng tiến của các em.
Những em năng động, có hoài bão và quyết tâm, được dẫn dắt tốt mới ở lại lâu với phong trào và thật sự sẽ hưởng được lợi ích của Hướng đạo. Không ít em sẽ rời phong trào vì lí do này hay lý do khác, mỗi đoàn sẽ có thỏa thuận và hướng dẫn cụ thể với phụ huynh. Qui ước của Đạo Sài Gòn là nếu em rời đoàn trước khi tuyên hứa, phải trả lại khăn quàng cho đoàn.
2. NGƯỜI LỚN MUỐN THAM GIA HƯỚNG ĐẠO NHƯ THẾ NÀO
Trở Thành Huynh Trưởng?
Để cho Phong trào Hướng Đạo trong tương lai, đặc biệt là tại Việt Nam, sống động, lôi cuốn và bền vững hơn, chúng ta cần có một thế hệ huynh trưởng tinh anh và hiệu quả.
Làm huynh trưởng không phải là quá khó và không đòi hỏi nhất định bạn đã từng chơi hướng đạo từ nhỏ. Các kỹ năng cơ bản của huynh trưởng là: hoạch định, huấn luyện, trình bày, phối trí nhóm, quản lý rủi ro, lãnh đạo, chỉ huy, quản trò, văn nghệ, kỹ năng ngoài trời, …cho nên những anh chị em đã hay đang làm việc trên các lĩnh khác nhau như học tập, giáo dục, bảo an, quốc phòng, sản xuất, … tâm huyết muốn dành một phần sức lực và thời giờ nhàn rỗi của mình vào công cuộc giáo dục cho thế hệ mai sau, đều là những huynh trưởng hướng đạo tiềm năng cao.
Để đào tạo huynh trưởng, những người có khả năng cầm đoàn cho các đơn vị hướng đạo, Phong trào Hướng Đạo tổ chức các khóa huấn luyện dành cho người lớn và hướng đạo sinh trưởng thành. Những khóa huấn luyện này được tổ chức tiệm tiến, từ dễ đến khó, từ thấp lên cao, hoàn tất khóa này mới được học khóa cao hơn.
Nếu bạn trong độ tuổi 18-23 muốn làm huynh trưởng, song chưa có kinh nghiệm chơi hướng đạo, đầu tiên là bạn nên tham gia sinh hoạt ngành Tráng để trải nghiệm kinh nghiệm sinh hoạt hướng đạo qua chương trình thăng tiến và hoạt động giúp ích. Sau một thời gian, dài hay ngắn tùy vào tính sẵn sàng của bạn, bạn sẽ tham gia phụ tá các đoàn và học các khóa dành cho huynh trưởng, và đảm đương dần các vai trò cao hơn theo khả năng.
Một đoàn trưởng sẽ được phong nhậm chính thức khi đáp ứng các điều kiện cần và đủ ghi trong qui chế sinh hoạt nội bộ của Đạo Sài Gòn.
Theo như hướng dẫn của Văn phòng Hướng đạo Thế giới tại Khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APR), các khóa huấn luyện dành cho đoàn trưởng như sau:
Khóa Làm Quen Phong Trào
Khóa gồm một loạt các bài nói chuyện, kết hợp với các bài trình chiếu trực quan, nhằm làm cho người tham gia quen và cảm tình với Phong trào Hướng Đạo. Chương trình nói về mục đích, phương pháp Hướng Đạo, lịch sử phong trào, các thuộc tính, cấu trúc và tổ chức của Hướng Đạo. Khóa được mở ra cho tất cả những ai muốn tìm hiểu về Phong trào Hướng Đạo, đặc biệt dành cho người lớn muốn làm huynh trưởng nhưng chưa có kinh nghiệm Hướng Đạo. Khóa này có tính mở và có thể được tổ chức không cần xin phép chính thức của văn phòng Hướng Đạo địa phương, mặc dù là có cấp chứng chỉ tham dự đi nữa. Thời lượng cho khóa làm quen này phải ít nhất 3 giờ. Có nơi tổ chức đến vài buổi, có thể kết hợp một kỳ trại ngắn.
Khóa Huấn luyện Cơ Bản: còn gọi là khóa Dự bị Huy hiệu Rừng (Basic Training Course for Unit Leaders)
Khóa học này nhằm mục đích trang bị cho khóa sinh các kiến thức cơ bản về quản lý một đoàn hướng đạo. Thành phần tham dự có thể là những huynh trưởng đang thực tế tham gia cầm đoàn hay là huynh trưởng tiềm năng. Riêng phần cơ bản, chỉ cần học khóa này là đủ. Khóa này phải được Ban huấn luyện hướng đạo địa phương cấp phép trước khi mở, để đảm bảo các tiêu chuẩn đào tạo như nội dung các bài khóa, trình độ của huấn luyện viên…. Thời lượng huấn luyện thường kéo dài 2-4 ngày, số lượng khóa sinh tối đa 40.
Trong đồ án Khóa Cơ Bản, các khóa sinh sẽ được yêu cầu nộp một bản kế hoạch sinh hoạt của đơn vị mình trong vòng 3 tháng. Bản kế hoạch này phải bao gồm chương trình sinh hoạt đoàn và các đội, trong đó có ít nhất một hoạt động ngoài trời dành cho cả đoàn, dựa trên các chủ đề của quý đó. Khóa sinh xem xét tính khả thi của bản kế hoạch với người được phân công và xác nhận điều đó với ủy viên phụ trách huấn luyện cấp Đạo, Châu. Khóa sinh sau đó cần nộp các chứng cứ chứng tỏ sự tiến bộ nhất định của đoàn sinh trong đoàn.
Khóa Huấn Luyện Nâng Cao: còn gọi là khóa Huy hiệu Rừng (Advance Training Course for Unit Leaders)
Đây là một khóa huấn luyện được tổ chức trong một kỳ trại dài ngày, thường là 4-7 ngày, mô phỏng hoạt động của một thiếu đoàn gồm các khóa sinh đóng vai thiếu sinh. Trọng tâm các bài khóa là những kiến thức và kỹ năng thực hành áp dụng cho các đoàn hướng đạo: Nguyên lý Hướng đạo, Phương pháp Hướng đạo, lãnh đạo và quản lý đoàn, truyền thông, …
Tối thiểu ba tháng sau khi kết thúc khóa huấn luyện Khóa Cơ Bản và hoàn thành đồ án Khóa Cơ Bản, các khóa sinh mới có thể đủ điều kiện theo học Khóa Huấn Luyện Nâng Cao này.
Các khóa sinh phải làm một nghiên cứu sau Khóa Huấn Luyện Nâng Cao. Có một loạt các câu hỏi dành cho học viên Khóa Huấn Luyện Nâng Cao để hướng dẫn họ những điều cần biết thêm và để đảm bảo rằng các ý niệm phải được hiểu rõ. Những câu hỏi đó cũng khuyến khích các khóa sinh đào sâu nghiên cứu thêm, hoặc thông qua việc đọc các tài liệu tham khảo hoặc thông qua việc trao đổi ý kiến với các huynh trưởng khác. Các câu hỏi này được phát cho khóa sinh sau khi kết thúc Khóa Huấn Luyện Nâng Cao.
Ít nhất 3 tháng sau khi kết thúc trại huấn luyện, ban thẩm định gặp các khóa sinh để đảm bảo rằng các khóa sinh này sau khi được huấn luyện đã nắm được những kiến thức làm việc của chương trình mà họ đang phục vụ. Ngay lập tức sau khi phỏng vấn, các khóa sinh sẽ được ban thẩm định thông báo họ có qua phần này, và có thể được đề nghị trao Huy Hiệu Rừng hay chưa. Kỳ phỏng vấn này có thể được thực hiện bởi cấp Đạo hoặc Châu.
Trở Thành Thành Viên Bảo Trợ?
Bạn không có thời gian và kỹ năng hướng đạo nhưng giàu nhiệt huyết hãy ủng hộ chúng tôi về mặt trang bị, phương tiện, mặt bằng v.v. để các huynh trưởng yên tâm đảm đương công việc giáo dục hiệu quả hơn.