Sơ Cứu Khi Bị Rắn Cắn
Hiện nay ở Việt Nam, các loài mãnh thú có thể xâm hại đến mạng sống con người thì gần như tuyệt chủng (trừ loài voi) hoặc còn thì số lượng không đáng kể, nguy cơ đối đầu với chúng rất ít. Nhưng loài rắn thì khác. Chúng vẫn tồn tại rất đông đúc và số lượng nạn nhân của chúng chỉ riêng tại Việt Nam nhiều năm trước đây hàng năm lên đến hàng ngàn người.
Các hướng đạo sinh hay dân phượt thường đi xuất du, cắm trại, sinh hoạt ngoài trời, nơi hoang dã nên nguy cơ bị rắn cắn rất cao. Cho nên, cần phải lưu ý đến phần này, vì nếu bị rắn độc cắn mà không biết xử lý hay xử lý sai, có thể dẫn đến tử vong.
NHỮNG LOÀI RẮN ĐỘC CÓ Ở VIỆT NAM
Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, trong đó 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn lục và rắn hổ. Nhiều loài có nọc độc gây chết người chỉ sau một thời gian ngắn.
+ Rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris): Là một trong các loài rắn có nọc độc chỉ đứng sau loài rắn hổ mang. Chúng có thân mình màu xanh và đuôi màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60 cm với cân nặng khoảng 300gram.
+ Rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus): Là một loài rắn độc được tìm thấy ở Việt Nam. Đầu chúng có hình tam giác phân biệt rõ với cổ, có vảy trên mắt phát triển thành cái sừng trên mắt. Kích thước trung bình là 50 cm.
+ Rắn lục mắt đỏ (Trimeresurus stejneger): Bên ngoài tương tự với loài rắn lục xanh, trừ đôi mắt đỏm, là loài ăn đêm. Cú đớp loài rắn độc này cũng có thể giết chết bất cứ loài động vật nào lớn hơn nó gấp nhiều lần.
+ Rắn lục mũi hếch (Deinaglistrodon acutus): Đầu chúng có hình tam giác, mặt trên đầu có phủ lớp vảy lớn. Chiều dài cơ thể khoảng 80 – 150 cm, có khi tới 180 cm.
+ Rắn lục Miền Nam (Viridoviper vogeli): Đỉnh đầu và thân màu xanh lục, phần bụng màu nhạt hơn. Chúng thường ăn đêm, sống ở trong bụi rậm, lùm cây thấp ở Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng.
+ Rắn lục đầu bạc (Azemiops feae): Loài rắn có kích cỡ trung bình, đầu hơi dẹp phân biệt rõ với cổ. Chiều dài cơ thể khoảng 80 cm. Tại Việt Nam, rắn lục đầu bạc phân bố ở Cao Bằng, Vĩnh Phú, Lạng Sơn.
+ Rắn hổ mang (Naja naja): Còn gọi là hổ đất, là một loài rắn độc thuộc họ rắn hổ Elapidae). Rắn hổ mang có nhiều loài khác nhau, đầu liền với cổ, có khả năng bạnh cổ khi bị kích thích. Chiều dài cơ thể tới 2 m.
+ Rắn hổ mang chúa – Rắn hổ mây (Ophiophagus hannah): Là loài rắn độc cỡ lớn nhất thế giới, có chiều dài có thể lên đến 5 hoặc 7 mét. Đầu và lưng màu nâu xám, vàng lục hay màu chì, có thể giết chết người chỉ bằng một cú cắn. Rắn hổ mang chúa thường sống trong hang dưới những gốc cây lớn trong rừng, bên bờ suối...
+ Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus): Còn có tên là rắn mai gầm, có nơi gọi là rắn mai gầm vàng, rắn đen vàng, rắn vòng vàng. Rắn cạp nong thường sống ở cả đồng bằng và miền núi, con rắn này rất đặc biệt ở chỗ thân nó hơi hình ba cạnh, gồm những khoanh đen và vàng vòng quanh cả bụng.
+ Rắn cạp nia (Bungarus candidus): Hay rắn mai gầm bạc, còn gọi là rắn đen trắng, rắn hổ khoang. Loài rắn này thường ngắn hơn loài cạp nong. Màu rắn đen xanh hay nâu sẫm có những khoanh màu trắng hay trắng vàng, khoanh màu trắng hẹp hơn khoanh màu đen.
+ Rắn chàm quạp (Calloselasma rhodostoma): Loài này có chiều dài khoảng 90cm với chín vảy che rắn chắc và cân đối ở phía trên đỉnh đầu. Mõm nhọn và chĩa lên phía trên. Thân không dày lắm, các vảy trơn nhẵn. Hoa văn trên thân gồm từ 19 đến 31 dấu hình tam giác sẫm màu trên nền nâu đỏ tía hoặc hung đỏ đậm nhạt. Loài rắn sống trên cạn này thích những khu đất rừng thấp, khô ráo, nọc cực độc và có khả năng gây chết người. Nó được tìm thấy ở Ninh Thuận, Sông Bé, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang.
+ Con nưa – Rắn hổ bướm (Daboia russelii): Là một loài rắn độc phân bố khắp châu Á từ Ấn Độ cho đến phần lớn Đông Nam Á. Loài rắn này to như một con trăn gấm nhưng nhanh nhẹn và có chiếc đầu tam giác với hai túi nọc chứa độ 200cc. Điều khác biệt là hoa văn trên mình của nó gần giống trăn gấm. Nó là loài gây ra phần lớn các vụ rắn cắn gây tử vong trên thế giới.
+ Rắn Đẻn – Rắn biển: Đẻn là một loài thuộc họ rắn biển (Hydrophidae). Thân mình rất giống rắn nhưng khác là phần đuôi dẹp dần về phía sau như một mái chèo để thích nghi với việc bơi lội dưới nước. Hiện nay trên thế giới có hơn 50 loài rắn biển với 16 giống, riêng ở nước ta phát hiện được 15 loài. Rắn biển nhỏ nhất dài khoảng gần nửa mét, con lớn nhất có thể dài trên 3 mét. Trong 15 loài đẻn có mặt tại vùng biển Việt Nam thì hầu hết đều có nọc độc, trong đó có một số loài được coi là cực độc so với rắn trên cạn nhưng đẻn chỉ cắn người khi cần phải tự vệ…
Tùy theo hình dạng và màu da mà dân ta đặt tên cho từng loại rắn biển như: Đẻn xoắn ốc, Đẻn đầu nhỏ, Đẻn gù, Đẻn sọc dưa, Đẻn lửa, Đẻn bông, Đẻn chấm, Đẻn mỏ, Đẻn vết… hoặc cỡ to nhỏ mà được gọi là Đẻn xà, Đẻn kim, Đẻn cơm…
PHÂN BIỆT RẮN ĐỘC VÀ RẮN KHÔNG ĐỘC
Khi có một người bị rắn cắn, hãy cố tìm xem đó là loại rắn độc hay không độc. Điều này cũng rất khó vì chúng ta không phải là chuyên viên về rắn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào vết cắn, hình dạng, các điểm đặc trưng bên ngoài và môi trường sinh sống của rắn. Ví dụ: Rắn hổ mang khi chuẩn bị tấn công thì ngóc cao đầu, cổ bạnh, phát âm thanh phì phì đặc trưng; rắn cạp nong (thân mình “khoang vàng khoang đen”), rắn cạp nia (thân mình “khoang trắng khoang đen”); rắn chàm quạp có mõm nhọn và hếch lên phía trên; rắn lục đuôi đỏ có mình xanh lục và đuôi có màu nâu đỏ; rắn biển hay con đẻn, có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là đuôi dẹt hình mái chèo.
Dựa vào vết cắn
Rắn độc: Rắn độc có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng (có một hoặc hai lỗ nhỏ) có thể giúp phân biệt rắn độc. Vết cắn của rắn độc ít chảy máu, sưng phù có màu xanh tím, đau nhức dữ dội.
Rắn không độc: Vết cắn của rắn không độc thì để lại dấu của hai hàm răng, không thấy có vệt răng nanh, vết cắn chảy máu, sưng đỏ hồng, ít đau nhức.
Mỗi loại rắn độc đều có một cấu trúc răng và móc độc khác nhau, cho nên vết cắn để lại trên mình nạn nhân cũng khác nhau. Nếu có kinh nghiệm, dựa vào dấu răng, người ta có thể chẩn đoán loại rắn đã cắn.
Dựa vào địa thế
Theo tập tính và nơi ở của rắn, chúng ta thường gặp:
Rắn hổ mang: Nơi đồi núi, gò đống, bụi rậm, nơi cao ráo… Khi cắn, thường ngóc cao, bành cổ, thở phì phì.
Rắn cạp nong, cạp nia: Thường sống nơi ẩm ướt, ban đêm thường kiếm ăn theo bờ ruộng ẩm.
Rắn lục xanh: Thường sống nơi bờ cỏ, bụi cây.
Rắn chàm quạp: Thường sống ở các vùng đất đỏ, đồn điền cao su, rừng cát ven biển… hay nằm bên lề đường. Ban đêm khi gặp người đi ngang thì phóng tới cắn và ngậm rất chặt, phải đá mạnh chân mới văng ra, do đó răng còn dính lại. Ban ngày, chàm quạp chỉ cắn khi cần tự vệ, cắn xong là bỏ chạy ngay nên không để lại răng.
Dựa vào triệu chứng của nạn nhân
Thành phần hóa học của mỗi loại nọc rắn khác nhau, do đó tác động sinh học trên cơ thể nạn nhân cũng khác nhau. Người ta thường phân nọc rắn thành hai nhóm chính:
Nhóm độc tố máu (hermorragin): Tác động chủ yếu liên quan đến tim mạch, gây phân giải hồng cầu, đông máu và chảy máu, làm co huyết quản, gây trụy tim… Nhóm này gồm các loài rắn có nọc của các loài thuộc họ Rắn lục (Viperideae), Rắn rung chuông (Crotalidac).
Nhóm độc tố thần kinh (neurotoxin): Tác động chủ yếu liên quan đến thần kinh, hô hấp, gây liệt tay, liệt cơ hoành; cuối cùng ngạt thở và chết… Nhóm này gồm các loài Rắn biển (Hydrophydac), Rắn hổ (Elapidac)
TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG GIỮA HAI NHÓM ĐỘC TỐ
TRIỆU CHỨNG | ĐỘC TỐ MÁU | ĐỘC TỐ THẦN KINH |
Đau đớn tại vết cắn | Rất đau | Ít đau |
Phù nề tại chỗ cắn | Sưng to | Sưng ít |
Da chỗ bị cắn | Tái nhợt | Bầm tím |
Nặng mi – mờ mắt | Không rõ | Rất rõ |
Nhức đầu | Dữ dội | Tương đối |
Nói và nuốt khó – ra nhiều đờm dãi | Không rõ | Rất rõ |
Trụy tim mạch – hạ huyết áp | Không rõ | Tương đối rõ |
Buồn ngủ – Suy sụp | Trạng thái kích thích | Trạng thái suy sụp |
Đau vùng bụng | Rất rõ | Ít rõ |
Đau các huyệt bạch huyết | Rất rõ (sưng to) | Ít rõ |
Yếu cơ – liệt | Run giật | Liệt từ nhẹ đến nặng |
SƠ CỨU RẮN CẮN
Khi bị rắn độc cắn, hãy bình tĩnh, càng ít cử động chỗ rắn cắn càng tốt. Nếu bị cắn ở chân thì không nên đi lại, ngay cả một bước (nếu điều đó có thể được). Cần phải sơ cứu ngay lập tức, tiến hành trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
Mục tiêu của việc sơ cứu rắn cắn là:
- Làm cho nọc độc của rắn xâm nhập vào cơ thể nạn nhân chậm hơn và ít hơn, nhờ đó chúng ta có đủ thời gian để kịp vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.
- Bảo vệ tính mạng của nạn nhân, chữa các triệu chứng nguy hiểm xuất hiện sớm và ngăn chặn các biến chứng trước khi nạn nhân đến được cơ sở y tế.
- Chọn phương tiện vận chuyển nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (Ví dụ: Có máy cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu).
- Mục tiêu trên hết: Không làm gì có hại thêm cho bệnh nhân!
Các bước sơ cứu nên làm khi bị rắn cắn là:
- Động viên bệnh nhân bình tĩnh, yên tâm, bớt lo lắng (gọi 115 nếu có thể).
- Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
- Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang khác): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt.
Lưu ý: Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.
- Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất, đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (Hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay…).
Kỹ thuật băng ép bất động:
- Dùng băng rộng khoảng 10 cm (nếu có điều kiện) dài ít nhất khoảng 4 hay 5 m. Có thể băng thun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo.
- Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng, còn sờ thấy mạch máu đập).
- Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
- Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng…) cố định chân, tay với nẹp.
Xử lý vết rắn cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay:
- Băng ép bàn tay, cẳng tay.
- Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay.
- Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân.
- Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (bác sỹ là người quyết định tháo băng ép hay không).
Xử lý vết rắn cắn ở thân mình:
Băng ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.
Xử lý vết rắn cắn ở vùng đầu, mặt, cổ:
Khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CẦN TIẾN HÀNH VỚI SỰ CẨN TRỌNG KHI BỊ RẮN CẮN
+ Đặt Garô: Là một phương pháp rất nguy hiểm vì làm cho chân tay rất dễ bị thiếu máu, nhiều trường hợp sau đó phải đoạn chi. Tuy nhiên nếu ở xa bệnh viện, thời gian vận chuyển kéo dài thì có thể đặt garô với tất cả sự thận trọng. Cho đến nay, trại rắn Đồng tâm vẫn cho phép đặt garô nhưng khuyến cáo là không nên siết quá chặt và khoảng 30 phút nới lỏng khoảng 1 phút.
+ Hút nọc độc: Theo các sách hướng dẫn sơ cứu rắn cắn trước đây thì hút nọc là biệp pháp chủ lực. Nhưng hiện nay các bệnh viện khuyên không nên hút nọc vì không có lợi ích. Tuy nhiên đây vẫn là phương pháp cổ truyền, đã từng cứu được rất nhiều người. Cho nên khi cần thiết thì các bạn có thể làm với sự cẩn trọng cao. Chi hút nọc đối với nhóm độc tố máu (họ rắn lục) và chỉ hút ngay sau khi vừa bị cắn, quá 15 phút khi mà nọc đã đi sâu vào cơ thể thì việc hút nọc không hiệu quả mà còn gây hại.
+ Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Tuyệt đối không được chích, rạch vết thương, nhất là khi bị “rắn lục đuôi đỏ” cắn; bởi việc này khiến bệnh nhân càng gặp nguy hiểm, do nọc rắn lục gây rối loạn cơ chế đông máu dẫn đến mất máu.
Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích, mà còn gây hại thêm cho nạn nhân như tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng…
+ Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền: Chúng ta không thể phủ nhận là có những bài thuốc chữa rắn cắn rất hay, những “thầy rắn” rất giỏi, đã cứu sống được rất nhiều người bị rắn cắn; nhất là trong thời kỳ chiến tranh và thời khai hoang. Nhưng các bạn hãy cẩn thận, có nhiều bài thuốc do chữa rắn không độc cắn nên có sự hoang tưởng, nhầm lẫn về sự hiệu nghiệm của nó, cần phải chú ý. Chỉ trừ những bài thuốc đã thực nghiệm lâm sàng hiệu quả, còn phần lớn là không tác dụng mà đôi khi còn có thể gây hại cho nạn nhân. Hơn nữa, các bài thuốc dân gian đôi khi chỉ hiệu nghiệm với loài rắn và nhóm độc tố này nhưng lại không hiệu nghiệm với loài rắn và nhóm độc tố khác, cần phải nghiên cứu thêm.
+ Cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với nạn nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người, cần cẩn thận khi mang chúng theo.
Lưu ý: Cho dù bạn có thể rất tự tin về các biện pháp chữa trị truyền thống hoặc bài thuốc dân gian nhưng bạn không được phép làm chậm trễ việc sơ cứu và vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện.
ĐỀ PHÒNG RẮN CẮN
Rắn thường không chủ động tấn công người, phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là do con người vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe doạ. Trong sinh hoạt hàng ngày, để tránh được hoàn toàn không bị rắn cắn là rất khó. Rắn hay ẩn núp trong các lùm cây, bụi cỏ, đống lá ủ, trên các cành cây, ven bờ nước… Khi di chuyển trong các khu vực nghi ngờ có rắn, các bạn nên:
- Cẩn thận xem chỗ mà mình sắp đặt chân xuống.
- Dùng cành cây khua khắng vào bụi rặm trước khi thọc tay chân vào để lấy vật gì hay hái trái cây.
- Mang giày cao cổ hoặc mặc quần áo rộng, dài, dày… đặc biệt khi đi trong đêm tối; đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
- Khi ở nơi hoang dã, cẩn thận trước khi mang giày hay mặc quần áo vì rắn có thể ẩn núp trong đó.
- Tìm hiểu về các loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Biết thời gian trong năm, trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhiều nhất.
- Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.
- Càng tránh xa rắn thì càng tốt: Đe doạ rắn, không bắt rắn, không chơi đùa với rắn, ngay cả khi rắn đã chết (Đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người).
- Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.
- Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn.
- Học cách sơ cứu khi bị rắn cắn.
Bài Viết Liên Quan:
Saigonscouts