Hành Trang Hiệp Sĩ

Qui định về Bia rượu trong hoạt động Hướng Đạo

Bia rượu và Hướng Đạo

Bia rượu làm phát sinh một số vấn đề cả đối với thanh thiếu nhi và Huynh trưởng

Hướng dẫn dưới đây là để giải quyết những câu hỏi liên quan đến việc sử dụng bia rượu có thể xảy ra trong môi trường sinh hoạt Hướng Đạo.

Dẫn nhập

Bia rượu là một phần của cuộc sống của rất nhiều người, bất kể là chúng ta có sử dụng nó hay không. Vấn đề của việc sử dụng bia rượu không chỉ nằm ở việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Uống bia rượu có liên quan đến những mối nguy thật sự. Mức độ rủi ro phụ thuộc vào người đang uống rượu là ai, uống bao nhiêu và uống trong tình huống nào.

Uống bất kỳ một lượng chất có cồn nào đều ảnh hưởng đến cơ thể và có thể làm chậm một cách nghiêm trọng đến khả năng suy xét cũng như sự nhanh nhạy trong phản ứng. Trong vòng vài phút sau khi sử dụng, bia rượu được hấp thụ vào trong máu và tiếp cận đến não làm suy giảm chức năng của não ngay lập tức. Phải mất hơn một giờ để cơ thể của một người lớn xử lý một lượng bia rượu.

Thanh thiếu nhi thường tìm hiểu về bia rượu bằng cách tự thử chúng, quan sát người khác và thông qua ba mẹ, ở trường học và các kênh truyền thông như các quảng cáo, v.v… Là một người lớn hoạt động trong Hướng Đạo, bạn là hình mẫu cho thanh thiếu nhi. Thanh thiếu nhi thì lại rất ấn tượng và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những người lớn mà chúng tôn trọng. Uống bia rượu không có nghĩa là người lớn đã tạo ra một ví dụ xấu đối với thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc uống bia rượu có nguy cơ ảnh hưởng đến người lớn trong trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc thanh thiếu nhi.

Chính sách đảm bảo an toàn của Đạo Sài Gòn

Đạo Sài Gòn nói riêng cũng như Hội Hướng Đạo nói chung có một chính sách quan trọng, nó đòi hỏi phong trào Hướng Đạo phải đảm bảo an toàn, không làm nguy hại đến sức khỏe và thực tế điều đó đã được thực hiện. Tất cả những người lớn tham gia phong trào Hướng Đạo cần phải có thể chất và tinh thần phù hợp để thực hiện trách nhiệm của họ trong lĩnh vực đảm nhận. Khi nhận lãnh một trách nhiệm nào đó đối với thanh thiếu nhi, người lớn không được uống rượu bia.

Quy chế của Đạo Sài Gòn

Người lớn không được uống bia rượu khi họ đang chịu trách nhiệm trực tiếp đối với thanh thiếu nhi trong một hoạt động Hướng Đạo và không được phép cho thanh thiếu nhi (dưới 18 tuổi) uống bia rượu trong các hoạt động Hướng Đạo.

Những điều nên làm

Trong các sự kiện Hướng Đạo có sự tham dự của những người dưới 18 tuổi, những điều sau đây sẽ được áp dụng:

  • Người dưới 18 tuổi không được uống rượu trong bất kỳ trường hợp nào.
  • Tại bất kỳ thời điểm nào phải có tỷ lệ quy định người lớn chịu trách nhiệm không được sử dụng bia rượu (tối thiểu là hai người) và đánh giá rủi ro tại chỗ tùy thuộc vào quy mô và tính chất của sự kiện.
  • Nói chung, người lớn không nên uống rượu khi có mặt các em dưới 18 tuổi. Đây là quy định nghiêm ngặt cần tuân thủ, mặc dù có vài trường hợp ngoại lệ, ví dụ như trong hoạt động gây quỹ và các sự kiện xã hội. Lúc đó, việc tuân thủ cần được quyết định, giải quyết bằng cách đánh giá rủi ro.
  • Nếu người lớn sử dụng bia rượu, nên được bố trí trong một khu vực tách biệt với những thanh thiếu nhi, và cần có một khu vực chỉ dành riêng cho người lớn, được xác định rõ ràng, mà các em không có quyền tiếp cận. Điều này được chấp nhận nhưng không phải lúc nào cũng được phép trong các hoạt động gây quỹ và sự kiện xã hội.
  • Người lớn uống bia rượu chú ý luôn luôn tuân thủ qui tắc “đặt việc giáo dục thanh thiếu nhi lên trên hết”, ngay cả khi họ không trực tiếp chịu trách nhiệm liên quan đến thanh thiếu nhi.
  • Cần lưu ý đến những tác động có thể có của bia rượu và cách nó có thể ảnh hưởng đến khả năng một cá nhân hoàn thành trách nhiệm Hướng Đạo đã đảm nhận. Điều này nên là một phần của việc đánh giá rủi ro (ví dụ nếu một người nào đó uống quá mức họ có thể sẽ không hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ sáng hôm sau).
  • Nên xem xét và đưa ra các hoạt động không có việc sử dụng bia rượu và quan tâm đến đặc trưng văn hóa, tôn giáo của tất cả những người tham gia sự kiện.
  • Bất kỳ những hội, nhóm tình nguyện viên, và tổ chức liên kết hỗ trợ Hướng Đạo nên áp dụng các hướng dẫn về sử dụng bia rượu giống với các huynh trưởng Hướng Đạo.
  • Tất cả thanh thiếu nhi và người lớn nên nhận thức được các tiêu chuẩn về hành vi được mong đợi. Cách tốt nhất là phải lập quy tắc ứng xử trước mỗi sự kiện Hướng Đạo.
  • Thanh thiếu nhi và người lớn cần được trợ giúp để hiểu các vấn đề liên quan đến sử dụng bia rượu và các cách tiếp cận thông tin, nhận lời khuyên khi cần đưa ra quyết định liên quan.

 

Thông tin tham khảo

Nội dung trên được cung cấp theo sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu Bia rượu và Quỹ Từ thiện Giảm thiểu Hậu quả Bia rượu Anh quốc. Để có thêm thông tin, vui lòng truy cập:

Chi tiết...

ĐỂ SINH TỒN TRONG RỪNG

Biết đâu trong một chuyến lang thang ngoài trời để ngắm nhìn cảnh vật, khám phá thiên nhiên, sưu tầm các tiêu bản … rồi đột nhiên bạn thấy chung quanh mình hoàn toàn yên ắng, cô độc giữa rừng sâu. Bạn đã bị lạc!

Điều gì sẽ đến với bạn nếu bạn không thể tìm được đường ra?  Bị lạc trong rừng có thể là một tình huống đáng sợ, và để sống sót một mình trong hoang dã, các bạn cần phải có một số kỹ năng và kiến thức, sự kiên nhẫn, biết sử dụng những món quà mà thiên nhiên cung cấp một cách khôn ngoan. Nếu bạn muốn biết làm thế nào để sống sót trong rừng, chỉ cần chuẩn bị các việc sau sau

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI VÀO RỪNG

Nghiên tìm hiểu môi trường xung quanh

Đừng đi vào nơi hoang dã nếu bạn chưa có được một sự hiểu biết vững chắc về môi trường nơi đó. Hãy nghiên cứu trên bản đồ khu vực nơi mà bạn đang chuẩn bị tiến hành cuộc khám phá, và khi đi nhớ mang theo nó (bản đồ) với bạn. Như vậy sẽ làm giảm thiểu nguy cơ bị thất lạc xuống rất nhiều.

Ghi nhớ về hệ thực vật, động vật và đất đai của khu vực bạn đang khám phá. Kiến thức về các loài thực vật động vật và đất đai địa phương có thể cứu sống bạn.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã ăn uống đầy đủ trước khi khởi hành, và đảm bảo một ai đó biết bạn đi đâu và bao giờ thì bạn về. Đó là một cách dự phòng. Khi một người nào đó nhận ra rằng bạn không về đúng như lịch hẹn, họ sẽ nhanh chóng thông báo cho các đội cứu hộ, và cho họ biết khu vực mà họ có thể bắt đầu tìm kiếm bạn.

Mang theo dụng cụ mưu sinh

Một số dụng cụ tồn tại cơ bản như một con dao, đá đánh lửa (hay diêm không thấm nước), một số dây (dây dù là tốt nhất), một cái còi, tấm bạt hay poncho, một gương tín hiệu, thuốc lọc nước và một la bàn. Từng đó thôi cũng đủ tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Hãy luôn mang theo những vật này bên người bạn, thậm chí ngay cả khi bạn chỉ ra ngoài để đi dạo trong một ngày mà thôi.

Nếu có thể, bạn nên có một con dao mưu sinh, loại dao có lưỡi cố định với một chuôi dao rỗng, trong đó dựng la bàn và một số vật dụng linh tinh như đá lửa, kim chỉ, lưỡi câu, dây câu … Một con dao xếp chỉ nên được sử dụng như là một vật dự phòng, mặc dù có nó thì vẫn tốt hơn là không có gì.

Cho dù các bạn có tất cả các thiết bị thì cũng vô ích nếu bạn không thể sử dụng nó cho đúng cách. Hãy chắc chắn là bạn đã thực hành nhiều lần trong một môi trường an toàn trước khi mạo hiểm vào nơi hoang dã.

Đừng quên mang theo một túi sơ cứu. Bạn nên mang theo thuốc sát trùng và nhíp để loại bỏ mảnh vụn có thể làm nhiễm trùng.

Bạn nên mang theo một cái poncho (áo mưa hình vuông có mũ trùm ở giữa) nó có thể được sử dụng rất đa dạng như để ngăn chặn gió và nước mưa, quấn quanh cơ thể để giữ ấm, chống hạ thân nhiệt, quấn hành trang để làm phao vượt sông, căng lên làm lều trú ẩn, túm hai đầu để làm võng, lót nằm để chống hơi đất …

Mang theo bao cao su. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn và buồn cười. Nhưng bạn biết không, bao cao su có thể chứa tới một gallon (khoảng 4 lít) nước, đây là một ân sủng cứu độ cho bạn, vì bạn sẽ rất cần nước để tồn tại và bao cao su thì có thể thay thế nột bình chứa nước (nên bỏ bao cao su trong một chiếc vớ để bảo vệ nó).

Trước khi ra khỏi nhà, bạn phải chắc chắn là mình hiểu và có thể sử dụng được la bàn. Nếu bạn có một bản đồ và có thể nhận ra một vài điểm mốc nổi bật của địa hình, bạn có thể sử dụng la bàn để kiểm tra chéo vị trí của bạn, từ đó, tìm ra nơi bạn cần phải đến.

Nên mang theo trong ba lô một cuốn sách hướng dẫn cách sinh tồn nơi hoang dã.

Hãy chắc chắn rằng bạn có một đôi giày thích hợp. Giày dép là vô cùng quan trọng khi đi rừng. Đừng đi vào rừng với một đôi dép, thậm chí với một chuyến đi bộ ngắn. Hãy mang một đôi giày tốt nhất và vớ. Nếu bạn đi lạc, bằng tất cả mọi giá, hãy bảo vệ cho đôi chân của bạn, vì nếu chân của bạn bị thương không đi được thì thật là một thảm họa, nó còn tồi tệ hơn cả việc bạn bị lạc trong rừng.

Mang theo phương tiện liên lạc

Một điện thoại di động với pin dự phòng hoặc một máy bộ đàm viễn liên có thể di động là tốt nhất. Đây là phương tiện cứu hộ nhanh nhất của bạn nếu bạn đang thực sự bị lạc hoặc bị thương. Tín hiệu cho điện thoại hay bộ đàm đôi khi chỉ có thể bắt sóng từ đỉnh một ngọn đồi hoặc một ngọn cây, nhưng vẫn tốt hơn là không có tín hiệu gì.

Tuy nhiên, các bạn đừng quá ỷ lại vào điện thoại di động, cho dù một số người đã được cứu thoát nhờ vào nó. Nhưng điện thoại có thể trở nên vô dụng nếu hết pin hay bạn ở ngoài tầm phủ sóng.

Những người chuyên nghiệp có thể đầu tư vào một máy định vị thông tin cá nhân như SPOT Messenger cho những chuyến đi xa dài ngày, hay qua những vùng núi non hiểm trở chập chùng, khó bắt sóng.

Một SPOT Messenger là một thiết bị thông tin vệ tinh, cho phép bạn liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp để được giúp đỡ trong trường hợp cần thiết, hoặc chỉ đơn giản là thông báo với bạn bè và gia đình của bạn để họ biết là bạn đang bình an. Thuê bao dịch vụ này là điều cần thiết nhưng chi phí thì không rẻ.

 

Tốt nhất là bạn chuẩn bị để hoạt động mà không có điện thoại di động, và việc bạn đã thông báo với một người nào đó về lịch trình của bạn cũng là nằm trong kế hoạch này. Khi bạn không về đúng hẹn, người ta sẽ biết bạn gặp rắc rối và sẽ tổ chức tìm kiếm.

Nếu mang điện thoại thông minh có GPS, trước khi đi hãy download bảng đồ GPS , tức là bản đồ có thể hoạt động mà không cần dữ liệu qua sóng điện thoại. 

LÀM GÌ KHI LỠ BỊ LẠC TRONG RỪNG?

Đừng hoảng loạn nếu bạn thấy mình bị thất lạc. Hoảng loạn là điều nguy hiểm nhất so với bất cứ điều gì khác, bởi vì nó can thiệp vào tâm trí và hành động của bạn, làm tê liệt hệ thần kinh làm bạn rối trí, không còn suy nghĩ một cách sáng suốt. Vào khoảnh khắc mà bạn nhận ra rằng mình bị lạc, việc trước tiên là DỪNG LẠI (STOP) hít thở thật sâu để bình tỉnh trở lại. Trước khi hành động, hãy làm theo các nguyên lý của chữ STOP viết tắt:

S = Sit down (Ngồi xuống)

T = Think (Suy nghĩ)

O = Observe (Quan sát môi trường xung quanh)

P = Prepare (Chuẩn bị cho sự sinh tồn)

Dừng lại!

Đừng tiếp tục băng rừng để tìm đường ra, vì điều này có thể làm cho bạn thêm mất phương hướng và có thể lạc sâu hơn. Ở tại chỗ làm tăng cơ hội được cứu thoát của bạn, bởi vì bạn đang ở gần nơi bạn đã mất tích, đó là nơi mà toán cứu hộ sẽ tìm kiếm đầu tiên. Ở tại chỗ còn giúp bạn bảo tồn năng lượng cơ thể, tiết kiệm số lượng nước và thực phẩm ít ỏi mà bạn mang theo.

 

Suy nghĩ sáng suốt và lên một kế hoạch

Hãy cố gắng bình tĩnh và hít thở sâu. Nếu bạn có thể suy nghĩ sáng suốt, bạn sẽ có một cơ hội tốt hơn để sống sót. Hãy hồi tưởng lại, bạn lạc lúc nào? địa điểm cuối cùng mà bạn còn nhớ rõ? Phương hướng nào để quay lại đó? Lệu bạn có thể tìm được đến đó hay không? Nếu không thì hãy ở tại chỗ. Nếu trời gần tối, bạn sẽ cần một kế hoạch để có thể tồn tại qua cái đêm đầu tiên trong rừng. Lên kế hoạch rõ ràng giúp bạn tập trung vào sự sinh tồn và để quên đi tình trạng hiện tại của mình..

Xây dựng một nơi trú ẩn

Điều này sẽ giúp bạn giữ ấm, cung cấp một nơi khô ráo để ngủ, và làm cho bạn cảm thấy an toàn hơn. Chỗ trú ẩn không cần phải tiên nghi mà chỉ đủ để chống mưa, gió và để giữ cho bạn ấm áp và an toàn. Nếu không có đủ thời gian để thực hiện, hãy tìm một tán cây rậm rạp để núp bên dưới qua đêm.

Nếu không có chỗ trú ẩn, bạn sẽ bị phơi ra trước các yếu tố thời tiết nguy hiểm và sẽ có nguy cơ hạ thân nhiệt. May mắn thay, các khu rừng luôn đầy dẫy các vật liệu  để làm nơi trú ẩn và đốt lửa để sưởi ấm, nấu nướng hay báo hiệu

Các bạn có thể tìm một cái cây ngã hoặc nghiêng để xây dựng một nơi trú ẩn bằng cách dùng các cành cây dụng dọc hai bên thân cây ngã, sau đó lấy các cành cọ, lá dừa, lá buông hoặc các loại lá cây khác để phủ lên

Hang động thì tuyệt vời, nhưng phải kiểm tra xem có thú hoang như gấu, hổ báo, rắn hoặc động vật không thân thiện khác. (xin xem CHỖ TRÚ ẨN)

Các bạn không nên dành tất cả thời gian ở trong chỗ trú ẩn, vì như vậy  các toán cứu hộ sẽ khó mà nhìn thấy bạn và bạn cũng khó mà nhìn thấy họ.

Tạo ra lửa

Đây là điều quan trọng nhất vì nó sẽ cho phép bạn sưởi ấm, nấu ăn, đun nước, xua đuổi động vật hoang dã và quan trọng nhất là giúp cho những người tìm kiếm bạn dễ nhìn thấy. Nếu bạn không có diêm hay đá đánh lửa, thì bạn có thể sử dụng những kỹ thuật khác để tạo lửa. Hai trong số những phương pháp phổ biến nhất là khoan tay và khoan cần cung. Cả hai phương pháp này đều có thể thu thập nguyên liệu từ môi trường xung quanh.

(xem Tạo Ra Lửa)

Đừng đốt lửa trong khu vực mà bạn cảm thấy là không an toàn, vì lửa có thể dễ dàng bén vào lớp lá khô, các cành cây thâp … và gây ra một trận cháy rừng. Hãy xem xét thời tiết và các yếu tố khác và nhớ rằng, bạn khó mà sống sót trong một đám cháy rừng hơn là chỉ bị thất lạc.

Tìm nguồn nước

Việc này cũng rất quan trọng cho sự sống còn của bạn. Sau đêm đầu tiên, bạn nên đi tuần tra chung quanh khu vực, tìm kiếm các nguồn nước gần đó. Gần đó có nghĩa là trong vòng nửa giờ đi bộ. Hãy thử lắng nghe tiếng nước chảy và lần tìm ra nó. Dòng nước chảy là nước tương đối sạch, có thể uống trực tiếp. Nếu không thì phải tìm vũng nước, hố nước … nhưng phải cẩn thận, vị nước ở đây không tinh khiết, bạn cần phải lọc hay dùng thuốc lọc.

(xem TÌM NƯỚC TRÊN ĐƯỜNG MƯU SINH)

Một phương pháp lọc nước đơn giản là đun sôi, nhưng các bạn cần phải mang theo nồi để nấu. Muốn tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả, các bạn phải để nước sôi trong ít nhất ba phút.  Bạn cũng có thể đổ nước vào một chai nhựa trong suốt và đặt nó dưới ánh mặt trời trong 6 giờ để tiêu diệt hầu hết các vi sinh vật. Tuy nhiên, nếu các bạn có loại nước đùng đục, chứa đầy các trầm tích, thì mặt trời không thể xuyên qua nó, vì vậy phương pháp này sẽ không hiệu quả. Nếu gặp trường hợp này, các bạn thêm một ít muối vào nước để cho các trầm tích lắng xuống đáy.

Tìm thực phẩm an toàn

Chúng ta biết rằng, một người lớn khỏe mạnh có thể tồn tại tới ba tuần mà không cần thức ăn, trừ khi người đó ở vùng lạnh. Cho nên tốt hơn thà để bị đói mà khỏe mạnh còn hơn là ăn tầm bậy để bị bệnh. Hãy chắc chắn rằng bạn biết thực phẩm nào là an toàn trước khi ăn.Nếu có bất cứ điều gì làm giảm khả năng tồn tại của bạn, thì đó là đang thất lạc mà bị bệnh nặng. Bị đói thì không phải là một vấn đề lớn.

Đừng sợ ăn côn trùng và các động vật nhỏ khác. Tuy trông có vẻ kinh tởm khi ăn một vài con châu chấu, nhưng chúng cung cấp dinh dưỡng hữu ích cho cơ thể bạn. Tất cả các loài côn trùng cần phải được nấu hay nướng chín vì chúng có thể chứa ký sinh trùng có thể giết chết bạn. Không ăn bất cứ sâu bướm, côn trùng có màu sắc rực rỡ. Ngắt bỏ chân, đầu và cánh của bất kỳ loài côn trùng trước khi ăn.

Tránh ăn các loại nấm mà bạn không biết rõ, cho dù bạn đói đến thế nào đi nữa. Thà để bị đói hơn là ăn một cái gì đó có độc. Nhiều loại quả mọng trong rừng ăn được, nhưng cũng có nhiều loại có độc, đặc biệt là quả mọng màu trắng, rất độc.

Tạo tín hiệu để cầu cứu

Sau khi đã tạm ổn định, bạn nên thiết lập các dấu hiệu để được cứu sống. Hãy thử mọi cách để báo hiệu cho bất cứ ai và bằng bất cứ thứ gì để có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa, giúp người khác tìm thấy bạn

Để cho những người đi tìm kiếm các bạn (hoặc phi cơ bay ngang qua) dễ dàng nhận ra nơi ở của mình, các bạn có thể đốt lửa (ở nơi trống trải), căng những tấm vải màu, quần áo, nón mũ … lên cao hoặc nơi dễ thấy, tạo những dấu hiệu theo quy định quốc tế như đốt 3 đống lửa (hay khói) tạo thành một hình tam giác đều. Chuẩn bị những thiết bị phát tín hiệu cầu cứu khác nếu có thể.

Gây ra những tiếng động lớn như: la hét, huýt sáo, thổi còi, gõ vào những thân cây rỗng, đập 2 cục đá vào nhau, đốt tre để nguyên cây (sẽ gây ra những tiếng nổ lớn), bắn 3 phát súng (nếu có).

Bảo tồn năng lượng

Năng lượng trong cơ thể của các bạn được cung cấp liên tục bằng thức ăn và nước uống. Trong tất cả mọi trường hợp, các bạn cố gắng tiến hành mọi biện pháp để tránh mất năng lượng. Nếu ở vùng lạnh thì cố gắng đừng để mất thân nhiệt bằng cách:

  • Tìm kiếm chỗ trú ẩn ấm áp.
  • Giữ cho cơ thể ấm và khô.
  • Cách ly cơ thể khỏi mặt đất.

Nếu ờ trong vùng nhiệt đới thì đừng để bị mất nước bằng cách:

  • Tìm kiếm chỗ trú ẩn thoáng mát.
  • Mặc quần áo và che đầu (đội mũ).
  • Cách ly cơ thể khỏi mặt đất.

Thám thính khu vực của bạn

Mặc dù bạn được khuyến cáo là không nên di chuyển quá nhiều để bảo tồn năng lượng. Tuy nhiên bạn cần phải tìm hiểu những khu vực trước mắt và xung quanh bạn, biết đâu bạn có thể khám phá ra một điều gì đó hữu ích. Bạn có thể tìm thấy những dấu vết mà ai đó trước đây đã để lại, có thể là một cái lon rỗng hoặc một cái bật lửa nhỏ, những thứ này có thể hữu ích đáng kể. Hoạc may mắn gặp một con đường mòn dẫn đến một trang trại hay một khu dân cư. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn luôn có thể tìm thấy đường trở lại “điểm trú ẩn” của bạn, cả những khi bạn đi tìm nước, tìm thức ăn hay tìm đường về nhà.

Tìm đường ra

Nếu bạn cảm thấy không thể ở lại tại chỗ vì chắc chắn là không ai biết để mà tìm bạn, thì cũng đừng chọn đại một hướng đi rồi lên đường, cho dù khi bạn có phương tiện (la bàn) để đảm bảo rằng bạn sẽ tiếp tục đi theo đúng hướng đó. Thay vào đó, bạn hãy thử hoặc đi lên dốc hoặc xuống dốc. Khi đi lên dốc các bạn sẽ có cơ hội tìm thấy điểm thuận lợi, có thể giúp bạn có được cái nhìn tổng thể của khu vực và biết đâu có thể tìm ra một hướng đi. Nếu đi xuống dốc, có thể bạn sẽ tìm thấy một con suối mà bạn có thể bám theo xuống vùng hạ lưu; vì mọi con suối đều đổ ra sông, mà hai bên sông thì thường có các làng chài hay các điểm dân cư và bạn sẽ được cứu thoát.  Nhưng không đi theo dòng nước xuống hạ nguồn vào ban đêm hoặc trong sương mù, vì có thể các bạn bị rơi vào thác gềnh hay vực sâu. Cũng đừng bao giờ đi xuống một hẻm núi, cho dù không có nguy cơ bị lũ quét, thì những vách đá quá dốc và trơn trợt là những chướng ngại khó mà vượt qua. Điều tồi tệ, nếu có một dòng suối trong hẻm núi, nó có thể biến thành một dòng sông cuồng nộ, buộc bạn phải quay lại.

MỘT SỐ BÍ QUYẾT

  • Nếu trời lạnh và bạn cảm thấy gần bi hạ thân nhiệt, hãy cố mà tĩnh táo, đừng để rơi vào giấc ngủ.Nó có thể dẫn đến tử vong.
  • Một trong những công cụ sinh tồn quan trọng mà hầu hết mọi người không bao giờ quan tâm: vỏ lon đồ hộp. Nó có thể thay cho nồi để nấu nhiều loại thực phẩm. Nắp của nó có thể chế biến thành dao, muỗng.
  • Bạn có thể sử dụng rêu như một chất cầm máu, sẽ giúp bạn không bị mất máu khi bị thương. Rêu cũng là loại dễ tìm thấy ở trong rừng, nhât là hai bên bờ sông.
  • Đối với những vết thương nghiêm trọng, tay áo sơ mi có thể được cắt ra và sử dụng như dãi băng.
  • Bạn có thể tồn tại vài tuần mà không có thức ăn, nhưng chỉ vài ngày mà không có nước uống, và trong điều kiện thời tiết xấu, có lẽ chỉ vài giờ mà không có nơi trú ẩn. Vì vậy hãy ưu tiên cho 2 nhu cầu đó.
  • Vào ban đêm, bạn có nguy cơ lạnh cóng cho đến chết. Hãy cố gắng để giữ ấm cho mình bằng mọi cách; đốt lửa, nằm trên lớp lót thực vật, tìm chỗ khuất gió, che phủ cơ thể bằng cành cây, vỏ cây … 

LỜI DẶN

  • Không quá ỷ lại vào công nghệ hiện đại như điện thoại di động, hệ thống GPS, hoặc máy truyền tin để cứu bạn nếu bạn bị lạc. Mang chúng theo với bạn nếu có sẵn. Nhưng hãy nhớ rằng các thiết bị này chỉ hoạt động khi hội đủ một số điều kiện; do đó phải có một kế hoạch dự phòng.
  • Tránh cắt bớt một phần quần áo của bạn. Xé một tay áo để tạm dùng cho một điều gì đó, có vẻ như là một ý tưởng tốt vào thời điểm đó, nhưng khi đêm xuống, bạn sẽ ước gì mình đừng có xé nó đi.
  • Không nên uống nước tiểu của chính mình như một nguồn nước.
  • Không bao giờ đi di chuyển trực tiếp trong một dòng sông (bơi) vì nước hấp thụ nhiệt của bạn nhiều hơn không khí, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt.
  • Giữ lửa của bạn luôn cháy! Nhưng phải cẩn thận, không để vật liệu dễ cháy gần lửa. Đừng để bị bao vây bởi một đám cháy rừng gây ra do sự sơ suất của bạn.

 Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

KỸ NĂNG CẦN BIẾT KHI VÀO RỪNG

Khám phá một khu rừng mưa nhiệt đới là một trong những trải nghiệm du lịch thú vị và lành mạnh nhất. Rời xa những tiện nghi của nên văn minh đô thị, của máy điều hòa không khí, của màn chống muỗi và chất khử mùi mồ hôi, của công việc căng thẳng … Nhưng hòa nhập vào môi trường rừng nhiệt đới là bạn sẽ phải đối mặt với sự thiếu thốn tiện nghi, nhiệt độ nóng bức làm bạn dễ kiệt sức, giá rét về đêm có thể làm bạn bị hạ thân nhiệt, các sâu bọ côn trùng rình rập sẵn sàng cắn chích bạn ở những nơi bất ngờ nhất.

Điều đó nói lên rằng: nó là giá trị thật sự của tinh thần tự thắng bản thân, vượt qua những thử thách khó chịu khi bạn đang nhập vai cho một màn diễn vĩ đại nhất trên trái đất.

Nếu vì bất cứ một lý do nào đó mà các bạn phải đi vào một cánh rừng, để an toàn và đạt được mục đích, các bạn cần phải biết cách chuẩn bị cũng như am hiểu về một số nguyên tắc khi đi lại trong rừng.

TRANG BỊ TRƯỚC KHI VÀO RỪNG

10 VẬT DỤNG THIẾT YẾU (10 ESSENTIALS)

Những nhà phiêu lưu mạo hiểm, những người thường xuyên sinh hoạt ngoài trời có kinh nghiệm đưa ra một bản liệt kê 10 Vật dụng Cần thiết (The Ten Essentials) là 10 vật dụng chủ yếu đầu tiên được những người leo núi và di hành dã ngoại chọn lọc. Những vật dụng này không phải tất cả là đồ dùng thường ngày mà có những món chỉ sử dụng khi gặp tình huống khẩn cấp.

  1. Túi cứu thương (first aid kit), hay túi vật dụng khẩn cấp (emergency kit)
  2. Đèn pin – ánh sáng
  3. Thực phẩm đi đường
  4. Diêm và đá đánh lửa
  5. Vật dụng chống nắng
  6. Còi (Tu huýt, tù và)
  7. Áo mưa – áo lạnh
  8. Nước uống
  9. Bản đồ và la bàn
  10. Dao bỏ túi đa năng

Các bạn nên nhớ rằng, 10 vật dụng này chỉ là những vật dụng cần thiết mà thôi, không thể thay thế cho những vật dụng thường ngày, cho nên các bạn cần tiên liệu, thu ếp để mang theo một số vật dụng khác như lều võng, dây, y phục, giày dép, dao rừng, thực phẩm, nồi nêu soong chảo, tô chén, muỗng đũa, giấy vệ sinh … đừng quên thuốc lọc khử trùng nước và thuốc chống côn trùng.

GIẢM THIỂU TRỌNG LƯỢNG MANG THEO

Khi chuẩn bị hành trang để vào nơi hoang dã, các bạn thường luôn luôn đặt câu hỏi trước một thiết bị: Mang nó theo hay bỏ nó lại? Hầu như tất cả những người đi rừng  đều tìm cách giảm thiểu trọng lượng và đơn giản hóa các trang bị mang theo. Một chiếc ba lô nhẹ hơn sẽ giúp người đi rừng ít mệt hơn, ít bị chấn thương và có thể đi xa hơn. Mỗi trang bị được tính toán cân đối giữa dụng cụ mang theo và trọng lượng. Giảm thiểu trọng lượng tối đa thường phải hy sinh bỏ bớt một số dụng cụ, trang bị.

Ngày nay, với hàng ngàn loại quần áo và vật dụng dã ngoại có bán sẵn trên thị trường, sự chọn lựa của bạn không còn là vấn đề. Tuy nhiên, trong giới hạn của thể lực, chúng ta cần lưu ý đến các những vật dụng cung cấp cho chúng ta sự an toàn, khô ráo ấm áp và tiện nghi. Càng mang nhiều áo quần và vật dụng thì các bạn càng tiện nghi. Nhưng với thể lực của bạn, thì bạn có thể Mang nó được bao lâu? Đi được bao xa?  Leo được bao cao? …

Lưu ý: những tiêu chuẩn mà chúng tôi đưa ra sau đây dành cho những người đã có sự chuẩn bị từ trước. Còn nếu như các bạn là nạn nhân của một sự sinh tồn bắt buộc thì hãy xem đây là tài liệu tham khảo và tìm chọn cho mình những ứng xử thích hợp với hoàn cảnh.

Y PHỤC

Y phục không chỉ có tác dụng làm ấm cơ thể mà còn che chở, bảo vệ bạn trước thởi tiết thay đổi, ngăn chặn côn trùng chích đốt và gai rừng cào xước.

Nên mặc nhiều lớp áo mỏng hơn là một chiếc áo dày, đó là bí quyết khi di hành ở những vùng lạnh, vì bạn có thể dễ dàng điều chỉnh khi thời tiết thay đổi hay khi cơ thể của bạn nóng lên bằng cách cởi bớt áo ra. Dĩ nhiên các bạn phải mang theo áo lạnh dày để mặc khi đi ngủ.

Khi thời tiết ẩm ướt kéo dài, thậm chí trong điều kiện nhiệt độ mát, vẫn có thể làm cho các bạn bị hạ thân nhiệt, nếu y phục không đủ tiêu chuẩn để bảo vệ cơ thể. Có nhiều người không may sử dụng quần áo không đủ tiêu chuẩn, đã dẫn tới sự giảm nhiệt, gây ra sự nguy hiểm không kiểm soát được, đây là nguyên nhân thường xuyên gây ra những cái chết trên núi cao. Vì vậy, các bạn cần phải cẩn thận khi chọn lựa y phục, đảm bảo cho sự sống còn của bạn trong những vùng ẩm ướt và lạnh lẽo.

LỀU VÀ VÕNG

Để nghỉ ngơi trong rừng, tiện lợi nhất là các bạn nên mang theo một tấm bạt cá nhân và một cái võng. Khi cần, các bạn căng bạt ở trên và mắc võng ở dưới.Khi nằm võng dưới lều, nếu gặp trời mưa, nước mưa thường chảy theo hai đầu dây treo võng làm ướt lưng. Để khắc phục, các bạn chỉ cần dùng hai khoen sắt (cỡ vòng đeo tay), cột ở hai đầu võng. Nước chảy đến khoen sắt sẽ tự nhỏ hết xuống đất. Nếu không có khoen sắt, các bạn phải trồng thêm mỗi đầu một cột phụ.

Khi mắc võng, các bạn nên:

  • Chọn thân cây chắc chắn và có khoảng cách phù hợp để mắc võng
  • Chỗ mắc võng phải bằng phẳng, bên dưới không có đá hay vật nhọn nào (đề phòng đứt võng).
  • Sử dụng nút “Kéo gỗ” để mắc, vì nằm thì chắc chắn mà tháo thì phải dễ dàng.
  • Mắc võng cách mặt đất 0,8 – 1,0 m

NƯỚC

Người đi rừng luôn mang theo một lượng nước từ lúc khởi hành để uống trong lúc đi đường. Đối với các chuyến đi ngắn, các bạn có thể mang đủ nước để dùng cho suốt chuyến đi, nhưng đối với các chuyến đi xa,dài ngày, thì điều này không thực tiễn. Thông thường người ta mang từ hai đến bốn lít nước tùy theo điều kiện và nguồn nước thiên nhiên sẵn có khi cần, lúc đó các bạn có thể lấy nước từ sông, suối ao, hồ…

Nước uống và nước nấu ăn gần như luôn cần được lọc với một dụng cụ lọc nước hoặc thuốc lọc khử trùng để loại bỏ vi khuẩn và làm tinh khiết nước. Nếu trong khu vực không có nước hoặc nước không thể dùng được, các bạn cần mang theo số lượng nước lớn cho những khoảng đường dài hoặc các bạn phải biết cách tìm nước từ thiên nhiên.

(xem đề bàiTìm nước trên đường mưu sinh) 

DI CHUYỂN TRONG RỪNG

Nếu địa thế bằng phẳng, thời tiết tốt, sức khỏe của các bạn sung mãn, ít gặp chướng ngại, thì chắc các bạn sẽ sải bước nhanh chứ gì? Không! điều chủ yếu khi băng rừng không phải là đi nhanh cho mau đến đích mà quan trọng là biết giữ gìn sức khỏe. Luôn luôn dùng la bàn để kiểm tra hướng đi, nhất là khi các bạn phải vượt qua một cánh rừng hoang vu xa lạ. Ghi nhớ “phương giác tiến” (hướng đi) mà bạn đang di chuyển, để khi cần quay lại, bạn sẽ áp dụng công thức “phương giác thoái” để trở ra.

Nếu đó bản đồ, đi đến đâu các bạn chấm tọa độ đến đó, vẽ trên bản đồ con đường các bạn di chuyển và những địa hình địa vật nổi bật nhưng không được in trên bản đồ.Đánh dấu trên đường đi để đề phòng bị thất lạc, nhất là những ngã ba, những lối rẽ.

Khi di chuyển, cứ mỗi nửa giờ các bạn nên tạm nghỉ chừng 5 phút, không nên nghỉ quá lâu sẽ bị giãn cơ gây đau nhức hay bị chuột rút.

Thời gian có thể di chuyển được trong rừng là từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Do đó các  bạn phải biết tiên liệu để tìm chỗ nghỉ ngơi và cơm nước trước khi trời tối. Sau 4 giờ thì rừng đã sập tối.

ĐỀ PHÒNG THẤT LẠC

Mỗi năm, hàng chục người bị lạc trong rừng và họ trở thành nhiệm vụ của các đội tìm kiếm và cứu hộ. Trong hầu hết các trường hợp, những người này chỉ đơn giản là đi lang thang trên những con đường mòn đã có sẵn và rồi họ bị mất phương hướng. Một người bị lạc trong rừng có thể là một tình huống đáng lo ngại. Nếu bạn đi theo theo các điểm đã đánh dấu hoặc các cột mốc, bạn sẽ không gặp rắc rối. Nhưng, nếu bạn đã lang thang ra khỏi con đường mòn, hãy dừng lại ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn có thể thấy được những dấu chân của bạn, hãy đi ngược lại, nó sẽ đưa bạn trở lại con đường mòn. Nếu không, hãy làm theo các điều sau:

  • Hãy chú ý đến cảnh quang xung quanh và các điểm mốc của bạn. Liên hệ những điểm này với vị trí của bạn trên bản đồ (nếu bạn có mang theo).
  • Giữ bình tĩnh nếu bạn bị lạc. Hoảng loạn là kẻ thù số một của bạn. Nếu bạn điên cuồng chạy lòng vòng, thậm chí chỉ trong chốc lát, bạn có thể mất khả năng định hướng của bạn hoàn toàn. Cố gắng để nhớ lại làm thế nào bạn đến được điểm này.
  • Tin tưởng vào bản đồ và la bàn của bạn (nếu bạn có) và không đi lại vu vơ hú họa. Sử dụng la bàn để tìm phương giác thoái. Hãy suy nghĩ về cách mà bạn đã đến được đây. Thí dụ, nếu bạn đến từ hướng Đông Bắc, thì sau đó đi ngược về hướng Tây Nam. Nếu bình tĩnh, bạn có thể nhớ lại rất nhiều thứ. Nếu bạn đang ở trên một con đường mòn, đừng rời khỏi nó.
  • Bắt đầu đi ngược lại với các bước chân của bạn (nếu có la bàn thì sử dụng phương giác thoái). Nhớ để lại dấu vết nơi nào bạn đi qua, vì bạn có thể phải quay trở lại nơi mà bạn đang đứng. Ngoài ra, nếu ai đó đang cố gắng để tìm kiếm bạn, họ sẽ tìm thấy các dấu hiệu. Vì vậy, bạn làm càng nhiều càng tốt, những dấu hiệu cần nổi bật để dễ nhận ra, và cố gắng để đánh dấu hướng bạn đang đi. Các bạn có thể sử dụng những ký hiệu dấu đường của các Hướng đạo sinh để đánh dấu.

Một ví dụ; bạn đã rời khỏi đường mòn khoảng mười phút trước đây, vì vậy nếu bạn đi ngược lại mà mất nhiều thời gian hơn nhưng vẫn không thấy, bạn biết bạn đang đi sai đường.

Hãy nhớ rằng, nếu các bạn không thể quay lại hướng mà mình đã đi qua, thì tốt nhất là nên ở lại nơi mà những người tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy bạn. Tạo những dấu hiệu ở nơi trống trải để phi cơ có thể dễ dàng nhìn thấy. Tạo ra tiếng động lớn hay la hét khi bạn nghe văng vẳng như có ai đó đang ở gần đấy. Nếu bạn có một cái còi thì hãy thổi lên. Nếu bạn ở nơi trống trải, người ta có thể tìm thấy bạn dễ dàng. Đừng giấu mình trong một hang động hay dưới những bụi cây rậm rạp.

Ở lại nếu thấy trời đã sập tối hay nếu bạn bị thương hoặc nếu bạn đang kiệt sức. Tìm hay tạo dựng một chỗ trú ẩn khô ráo, ấm áp và an toàn để hồi sức. Ngày mai các bạn có thể tìm đường ra trong ánh sáng ban ngày.

Cuối cùng, nếu cảm thấy không thể ở lại, hãy tìm một con suối hay một dòng sông để di theo nó xuống hạ nguồn.  Điều này có thể khó đi nhưng thường sẽ dẫn đến một đường mòn hay đường bộ, và cuối cùng bạn sẽ đến với nền văn minh.  

DI CHUYỂN BAN ĐÊM TRONG RỪNG

Trừ những trường hợp bất khả kháng hay vì nhiệm vụ phải hoàn thành, các bạn không bao giờ nên di chuyển ban đêm ở trong rừng. Vì khó mà lường được những khó khăn nguy hiễm đang chờ đón chúng ta. Tuy nhiên nếu buộc phải đi thì các bạn phải biết cách hạn chế những rủi ro, tai nạn… nhất là những người chưa bao giờ đi đêm ở những nơi hoang dã.

Hạn chế dùng đèn pin tỏa sáng rộng mà nên che bớt lại, chỉ chừa một điểm sáng nhỏ đủ để thấy lối đi. Nếu không, chắc chắn  sẽ bị lóa mắt, mất phương hướng mà đi lạc.

  • Nếu có địa bàn, nên kiểm tra lại phương hướng thường xuyên mỗi 5 – 10 phút.
  • Nếu không có địa bàn, phải biết cách giữ hướng đi bằng cảm ứng, không nhìn gần trước mặt mà nhìn xuyên qua rừng (như) xuyên qua màn đêm.
  • Có thể giữ phương hướng bằng cách quan sát hướng gió, hướng mặt trăng và các chòm sao. 

 

  • Khi di chuyển nhiều người mà không có đèn, các bạn nên nối với nhau bằng dây, bằng gậy, nắm tay nhau …
  • Dùng những cây mục có phát quang (trong rừng có rất nhiều) cột vào sau lưng hay ba lô. Cũng có thể dùng khăn hay giấy màu trắng để những người đi sau dễ dàng bám theo người trước. Nếu không các bạn rất dễ lạc nhau.

Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

TẠO RA LỬA

Từ ngàn xưa, khi tổ tiên chúng ta còn sống trong hang động, đã biết dùng lửa. Có lẽ họ đã biết dùng lửa rất lâu (do tình cờ) trước khi biết cách làm ra lửa.

Ngày nay, chúng ta quá quen với các tiện nghi văn minh đến độ đôi khi chúng ta quên đi sự quan trọng của lửa, có thể là do chúng ta đã tạo ra lửa một cách quá dễ dàng bằng diêm, bật lửa, điện … Nhưng nếu các bạn đi vào rừng hay lạc vào nơi hoang dã, các bạn sẽ thấy: lửa là một nhu cầu không thể thiếu được trong đời sống của con người. Là một nguồn năng lượng rất quan trọng trong việc mưu sinh để tồn tại nơi hoang dã.

  • Lửa cung cấp ánh sáng và hơi ấm, giúp ta tự tin và thư giãn tinh thần.
  • Lửa làm cho chúng ta có cảm giác được che chở trước các thú dữ lẫn trong bóng tối.
  • Lửa giúp chúng ta nấu nướng thức ăn, sấy khô các thực phẩm cần tồn trữ.
  • Lửa hong khô các y phục và đồ dùng ẩm ướt, giúp chúng ta không bị nhiễm lạnh.
  • Lửa được dùng đun sôi để khử trùng và làm tinh khiết nước.
  • Lửa và khói có thể dùng làm tín hiệu.
  • Lửa dùng để đốt một đầu cây, tạo thành mũi nhọn để làm vũ khí.
  • Lửa có thể thay cưa rìu trong việc cắt cây để dựng nhà, làm nơi trú ẩn.
  • Lửa và khói có thể xua đuổi một số động vật, côn trùng muỗi mòng … khỏi nơi chúng ta đang  trú ẩn.
  • Lửa và khói giúp hun đuổi cho ong bay ra khỏi tổ để chúng ta có thể lấy mật và nhộng.
  • Lửa còn dùng để xua đuổi thú ra khói nơi ẩn náu để rồi bị rơi vào bẫy hoặc bị đón bắt.
  • Một khúc cây đang cháy có thể dùng làm vũ khí để chống trả hay xua đuổi mãnh thú.
  • Lửa dùng để soi cá và các động vật khác, làm cho chúng bị chói mắt để chúng ta dễ dàng tiếp cận . . .

Nếu khi nào cần mà bạn có thể làm ra được lửa, thì khả năng sinh tồn nơi hoang dã của các bạn được đảm bảo hơn.

Lửa là yếu tố quan trọng nhất ở nơi trú ẩn, nếu không có lửa các bạn sẽ chìm trong bóng tối lạnh lẽo. Như vậy tình hình sẽ càng xấu đi rất nhiều. Cho nên các bạn phải biết nhiều phương pháp lấy lửa khác nhau, để có thể áp dụng với những vật liệu có thể tìm thấy tại chỗ hay chuẩn bị sẵn từ trước.

TẠO RA LỬA BẰNG ĐÁ ĐÁNH LỬA

Đây là một bộ dụng cụ tạo lửa gọn, nhẹ mà bạn nên có. Diêm quẹt khi bị ướt thì trở nên vô dụng, nhưng đối với bộ đá lửa và thép này thì bạn chỉ cần lau qua cho khô bề mặt trước khi đánh lửa. Sweedish Firesteel-Army là một bộ đánh lửa điển hình.

Kẹp chặt viên đá lửa và vải than giữa ngón cái và ngón trỏ của bạn để lộ ra một cạnh dài cở 5cm. Tay còn lại nắm lấy con dao bằng thép, tuy nhiên bạn dùng sống dao để đánh lửa. Khi bạn cạ chúng vào nhau sẽ làm phát sinh những tia lửa và rơi lên mảnh vải than làm nó cháy đỏ. Kế đến bạn kẹp mảnh vải than đó vào tổ bùi nhùi và thổi cho đến khi có lửa.

Đường dẫn video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=gi1uaeYxM18

TẠO RA LỬA DÙNG KÍNH LÚP

Đây cũng là một phương pháp khá dễ dàng, chỉ cần trời nắng và các bạn có một cái thấu kính hội tụ. Thấu kính hội tụ có thể lấy từ các vật dụng thông thường như kính lúp, ống dòm, ống kính máy ảnh, kính lão cao độ, đít chai tròn …

Các bạn đưa thấu kính lên, đặt thẳng góc với mặt trời, đoạn xê dịch sao cho điểm sáng hội tụ gom lại thành một đốm trắng nhỏ nhất, chiếu thẳng vào mớ bùi nhùi dễ cháy. Vài giây sau khói sẽ bốc lên. Chờ khi thấy có điểm lửa, các bạn cầm bùi nhùi lên thổi nhè nhẹ, lửa sẽ bùng lên.

(Nếu các bạn có vài hạt thuốc súng hay phân dơi thì chỉ vài giây sau lửa sẽ tự bùng lên ngay)

Lưu ý: thổi lửa từ bùi nhùi đang cháy ngún để cho ngọn lửa cháy bùng lên là cả một kinh nghiệm và nghệ thuật. Không thể thổi quá mạnh hay quá yếu mà thổi nhè nhẹ, khi thấy khói càng lên nhiều thì càng tăng cường cường độ và cho thêm bùi nhùi vào, cho đến khi lửa cháy bùng lên.

Đường dẫn video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=D2ym8wt5NWo

TẠO RA LỬA DÙNG ĐÁY LON NHÔM LÕM VÀ THANH CHOCOLATE

Tất cả những gì bạn cần là một vỏ lon nước ngọt bằng nhôm, một thanh sô-cô-la, và một ngày đầy nắng.

Mở thanh sô-cô-la và bắt đầu xát nó trên mặt lõm của đáy lon coca cola. Dùng giấy lau miệng chà sát lên đó theo kiểu đánh bóng. Lau sạch, rồi lại chà thêm Sô-cô-la, sau đó tiếp tục đánh bóng. Lập lại động tác đánh bóng cho đến khi đáy lon có thể chiếu sáng như một tấm gương. Nếu bạn không có sô-cô-la thì có thể dùng kem đánh răng cũng được. Ở đây, Sô-cô-la hay kem đánh răng hoạt đông như chất bôi trơn và mài mòn đáy nhôm của lon.

Sau khi đánh bóng bạn có một gương parabol. Hướng đáy lon thẳng góc với mặt trời, và tìm điểm hội tụ ánh sáng. Khi bạn đưa một mảnh giấy từ xa đến gần dần so với đáy lon cho đến một khoảng cách mà điểm sáng hội tụ có kích thước nhỏ nhất (chính là lúc có sức nóng mạnh nhất). Nếu khoảng cách gần quá thì dùng sáng hội tụ cũng không phải là nhỏ nhất. Đặt bùi nhùi về phía trước của đáy lon với khoảng cách như bạn đã xác định được thì trong một vài giây, bạn sẽ có một ngọn lửa.

Đường dẫn video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=ipMd5A7eUsc

5 CÁCH TẠO LỬA TỪ … NƯỚC

Đường dẫn xem video clip minh họa cả 5 cách: https://www.youtube.com/watch?v=HCyHC7lnMyQ

Cách 1: Lấy một bóng đèn tròn cũ, khoét bỏ phần lõi. Cho nước vào trong, lắc mạnh để rửa sạch bóng đèn. Làm lại vài lần để bóng đèn trở nên trong suốt. Sau đó, đổ đầy nước vào bóng đèn, bịt chặt phần đầu bóng lại. Như vậy bạn đã tạo ra một chiếc kính lúp rồi.

Tiếp đó, dùng bóng đèn chiếu ánh sáng mặt trời vào tờ báo cũ. Một lúc sau, tờ báo sẽ bốc cháy.

 Cách 2: Lấy một chiếc bát nhỏ rồi lót mặt trong của bát bằng một miếng màng nilon bọc thực phẩm. Đổ đầy nước vào bát rồi túm miếng nilon để tạo thành một quả bóng nước. Vặn thêm vài vòng phần cuống quả bóng cho quả bóng căng lên.

Dùng quả bóng nước bạn vừa tạo ra để tập trung ánh mặt trời lên mảnh giấy tối màu. Miếng giấy sẽ bốc cháy sau vài phút.

 

Cách 3: Lấy một khung ảnh, bọc lại bằng một miếng nilon bọc thực phẩm rồi đặt lên một giá đỡ cao từ 30- 60cm. Cẩn thận đổ nước ấm lên miếng bọc thực phẩm. Bạn sẽ thấy miếng bọc thực phẩm trũng xuống và tạo thành một thấu kính.

Dùng một ít cỏ khô đặt vào nơi tập trung ánh sáng dưới khung ảnh. Ngay lập tức cỏ khô sẽ bốc khói và bắt lửa một cách tự nhiên.

Cách 4: Đổ đầy nước vào một chai nhựa trong suốt có phần phình ra giống một quả bóng. Điều chỉnh sao cho ánh nắng qua chai nhựa tập trung tại một điểm trên nhúm cỏ khô. Thêm một chút lá khô, kết hợp thổi nhẹ sẽ là lá khô bốc cháy.

 Cách 5: Nếu trời không có nắng, chúng ta có thể dùng lõi giấy vệ sinh và một vài viên natri. Cắt một nửa lõi giấy vệ sinh, cắt một chút ở phần đáy rồi nhét phần giấy thừa lên đầu. Lấy một cái nắp nhựa, đặt một miếng giấy vệ sinh lên rồi để vài viên natri lên đó. Đặt phần giấy vệ sinh vừa làm lên rồi che lại bằng cỏ khô hoặc rơm. Cẩn thận đổ một thìa nước vào phần đáy và lùi lại. Chỉ trong vài giây, ngọn lửa từ phần đáy lõi giấy sẽ bốc lên.

TẠO LỬA DÙNG PIN HAY BÌNH ĐIỆN (ACCU)

Nối hai đầu dây điện vào hai cực âm dương rồi đánh vào nhau. Nếu cường độ đủ mạnh và bùi nhùi dễ bắt lửa (có tẩm xăng dầu càng tốt), thì sau vài lần đánh, lửa sẽ bùng cháy (các bạn cần đánh nhanh và liên tiếp).

 DÙNG PIN VÀ LEN THÉP (BATTERIES AND STEEL WOOL)

Cách làm này thật đơn giản, bạn chỉ cần dùng tay làm tơi một mảnh len thép rồi chà sát mặt tiếp xúc của pin vào mảnh len thép để tạo lửa. Bất kỳ pin nào cũng tạo lửa được, nhưng loại pin 9 volt dễ tạo lửa nhất. Khi có đốm lửa thì bạn nhẹ nhàng thổi vào nó rồi chuyển vào tổ bùi nhùi. Ngọn lửa của len sẽ bị tàn lụi nhanh chóng nên bạn phải nhanh tay làm việc này. Cách tốt nhất là bạn hãy kẹp sẳn len nùi len thép này giữa mớ bùi nhùi rồi hãy chà pin lên len thép, sau khi có đốm lửa thì bạn chỉ cần lật úp tổ bùi nhùi thì lửa sẽ bốc cháy.

Đường dẫn xem video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=xbwNJhJwnSs

DÙNG PIN TIỂU VÀ GIẤY BẠC

Cắt hoặc xé vát chéo sao cho phần giữa của giấy bạc gói kẹo cao su (hay vỏ trong của bao thuốc lá) mảnh và nhỏ khoảng 2mm. Nếu bạn để phần giữa mảnh giấy bạc quá to thì lượng điện tạo ra nhỏ sẽ không lớn hơn sức tải của phần giữa mảnh giấy, khiến mảnh giấy không thể bốc cháy được.

 

 

Sau đó gắn một đầu giấy bạc vào cực âm (hoặc dương) pin.Cuối cùng, bạn gắn đầu giấy thứ hai vào cực còn lại của viên pin và chờ đợi.

Đường dẫn xem video minh họa:

https://www.youtube.com/watch?v=7VY7ZO938fo

https://www.youtube.com/watch?v=-63ZsOEzsVg

TẠO LỬA BẰNG MA SÁT

DÙNG KHOAN CẦN CUNG

Đây có thể là cách khó nhất so với các phương pháp khác, nhưng nó khả thi và hiệu quả. Có những kỹ thuật khác nhau mà bạn có thể sử dụng để tạo ra lửa bằng cách ma sát, nhưng quan trọng nhất là loại gỗ mà bạn sử dụng làm bàn lửa và trục xoáy.

Trục xoáy là một thanh gỗ mà bạn sẽ sử dụng để quay nhằm tạo ra ma sát giữa nó và một mảnh gỗ được gọi là bàn lửa. Nếu bạn tạo ra đủ sự cọ sát giữa trục xoáy và bàn lửa, bạn có thể tạo ra một sức nóng đủ để tạo ra một ngọn lửa. Cây bông gòn, cây bách xù, cây dương, liễu, gỗ tuyết tùng, cây bách, và quả óc chó là những vật liệu tốt nhất để làm bộ bàn lửa và trục xoáy.

Trước khi bạn có thể sử dụng gỗ để bắt đầu tạo lửa dựa trên ma sát thì gỗ phải thật là khô.

 

Mũi khoan

Là một cây tròn, đường kính cỡ 2cm, dài khoảng 30-40cm, làm bằng xương hoặc các cây gỗ cứng. Đầu trên tròn, có thể thoa thêm dầu mỡ để giảm ma sát. Đầu dưới hơi nhọn.

Khi khoan, cố gắng giữ cho mũi khoan thẳng góc với bàn ma sát. Lúc đầu khoan chậm và đều cho đến khi thấy khói bốc lên thì khoan nhanh dần, nhanh dần cho đến khi qua khe của bàn ma sát thấy có đốm lửa thì lấy bàn ma sát ra, thêm bùi nhùi và và thổi nhè nhẹ cho lửa bùng lên.

Đường dẫn xem video clip minh họa:

https://www.youtube.com/watch?v=DC_54ICw-ao

https://www.youtube.com/watch?v=rcg9bCiAeMw

ĐÁNH LỬA BẰNG KHOAN BÁNH TRỚN

Đây là công cụ đánh lửa của thổ dân Iroquois ở Bắc Mỹ. Thay vì sử dụng cần cung thì họ sử dụng một bánh trớn làm bằng gỗ cứng và nặng gắn cố định vào mũi khoan. Dùng một miếng ván có đục lỗ ở giữa rộng hơn mũi khoan một tí. Lấy một sợi dây, hai đầu dây cột vào hai đầu tấm ván và giữa dây luồn qua một lỗ trên mũi khoan. Khi chuyển động miếng ván lên xuống sẽ làm quay bánh trớn, như thế mũi khoan sẽ vận hành.

TẠO LỬA BẰNG CÁCH XE BẰNG TAY

Người Navajo sử dụng đôi bàn tay của họ để xe tới lui một mũi khoan trên một bàn ma sát (như các phương pháp trên). Để thực hiện phương pháp này, ngoài việc bạn phải có một bàn tay chai đá thì cũng cần phải có sức khỏe và sự kiên nhẫn.

Đường dẫn xem video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=0WjHZJbebJc

MỘT CÁCH KHOAN KHÁC

Nếu có hai người thì các bạn không cần phải dùng cần cung hay xe bằng tay mà chỉ cần một sợi dây dài khoảng 1 mét, quấn hai vòng quanh mũi khoan. Một người giữ mũi khoan còn một người kéo tới lui cho tới khi bốc khói.

CƯA BẰNG TRE

Các bạn dùng tre hay nứa khô và ráo, chẻ làm đôi, một thanh để nguyên, một thanh thì cắt một vết ngang thân tạo thành một khe nhỏ trổ sang bên kia. Độn bùi nhùi (cạo ra từ thân tre) vào dưới vết cắt, đặt thêm vài que tre nhỏ để cố định bùi nhùi. Chống thanh tre nguyên một đầu vào bụng, một đầu vào đất. Đặt thanh tre có khe lên (nhớ nắm cả những que nhỏ cố định bùi nhùi) và kiên nhẫn cưa, lúc đầu cưa chầm chậm, khi thấy bắt đấu bốc khói thì tăng dần nhịp độ cho đến khi thấy lửa thì cho thêm bùi nhùi vào và thổi cho bùng lửa lên.

 

Đường dẫn xem video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=LsSRuDlQTVQ

 

Lưu ý: các bạn có thể làm ngược lại. Đặt thanh tre cắt khe úp xuống, bên dưới có bùi nhùi, dùng tay cố định. Tay kia cầm thanh tre nguyên để cưa (xem hình vẽ minh họa).

KÉO BẰNG DÂY

Dùng chân cố định một thân cây tròn khô. Nhét một nắm bùi nhùi vào dưới thân cây. Lấy một sợi dây dẻo, bền, chắcvòng qua thân cây, chỗ có nắm bùi nhùi. Hai tay cầm lấy hai đầu dây kéo lên kéo xuống đều đều cho đến khi thấy bùi nhùi bốc khói thì kéo nhanh dần. Lúc bùi nhùi bén lửa thì cầm thổi cho lửa bùng lên.

 

Đường dẫn xem video minh họa: https://www.youtube.com/watch?v=8NLBg0zS7HQ

BẰNG ỐNG TRE VÀ PÍT TÔNG

Đây là cách lấy lửa rất cầu kỳ của thổ dân Semelai vùng Malaysia. Họ dùng một lóng tre khô và một pít tông bằng gỗ cứng phù hợp với ống tre. Đầu pít tông họ khoét lõm và vấn nhứng sợi bằng thớ của tre hay của các loại thực vật khác cho vừa với ống tre, bên trong ống tre được bôi mỡ cho trơn. Pít tông được họ bơm lên xuống bằng tay, tạo ra một sự ma sát làm nóng không khí trong ống tre lên cực độ. Những mùn than từ sợi thực vật do ma sát sẽ rơi xuống búi nhùi dưới ống tre và bắt lửa. Họ lật ngược và rúi piton ra, lửa sẽ bám theo đầu lõm của piton.

Đường dẫn xem video minh họa phần 1: https://www.youtube.com/watch?v=5NKq4ChNOew

Đường dẫn xem video minh họa phần 2: https://www.youtube.com/watch?v=yK2yqcKdUZc 

  

 

TẠO LỬA BẰNG CÁCH BẰNG BÀN ĐẨY

Người ta dùng một thanh gỗ khoét một đường mương dài, đầu đường mương để sẵn một nhúm bùi nhùi dễ cháy. Dùng một que gỗ cứng và tròn có đầu vừa với đường mương. Kê một đầu thanh gỗ lên chân rồi dùng sức liên tục đẩy mạnh que gỗ tròn về phía trước. Sự ma sát tạo ra nhiệt rồi dần dần thành lửa bám vào nhúm bùi nhùi.

Đường dẫn minh họa:

https://www.youtube.com/watch?v=1i0iJGgdT7A

https://www.youtube.com/watch?v=vJCV1sO2p_o

THỔI BÙNG NGỌN LỬA

Khi thấy khoan bắt đầu bốc khói thì khoan nhanh hơn cho đến khi thấy có đốm lửa thì dùng cây nhỏ khều xuống bùi nhùi (A) cầm bùi nhùi lên bằng hai bàn tay, ép hai bên vào (B) thổi nhè nhẹ, khói càng nhiều thì thổi càng mạnh cho đến khi lửa bùng lên.

ĐÁNH DIÊM

Những người thường xài diêm, người ta biết cách che gió cho que diêm khi đánh vừa xòe lửa ra cho diêm không bị tắt, tiết kiệm được những que diêm. Các hướng đạo sinh trước đây đã được các huynh trưởng hướng dẫn cách sử dụng diêm. Hạn chế trong vòng 2,3 que diêm phải nhóm cho được một bếp lửa.

Khi đánh diêm, phải dùng một hay cả hai lòng bàn tay để che gió và đứng quay lưng về hướng gió. 

CÁCH ĐÁNH DIÊM

Những người thường xài diêm, người ta biết cách che gió cho que diêm, để khi đánh lửa xòe ra mà diêm không bị tắt, tiết kiệm được những que diêm. Các Hướng đạo sinh trước đây đã được các huynh trưởng hướng dẫn cách sử dụng diêm. Hạn chế trong vòng 2,3 que diêm phải nhóm cho được một bếp lửa.

Khi đánh diêm, phải dùng một hay cả hai lòng bàn tay để che gió và đứng quay lưng về hướng gió.

BÙI NHÙI, CHẤT DẪN LỬA

Trước khi muốn làm ra lửa, các bạn phải chuẩn bị một số bùi nhùi hay vật dẫn lửa. Đây là những vật tơi, xốp, khô, dễ bắt lửa, dễ cháy.

Nếu gặp thời tiết tốt và khô ráo thì chúng ta dễ dàng tìm thấy những vật liệu để dẫn lửa như: cành cây khô, lá khô, cỏ khô, hoa khô, tre khô, trái gòn khô, dương xỉ, rêu hay địa y khô, vỏ cây khô, trái thông khô, lông chim, tổ chim, phân khô của súc vật…

Nếu gặp thời tiết xấu, ẩm ướt, các bạn cố tìm cho được những loại cây có tinh dầu như: thông, tùng, song tử diệp… Dùng dao hay rìu bửa bỏ lớp vỏ ẩm ướt bên ngoài, rồi lấy phần lõi bên trong vạt thật nhỏ như dăm bào… Các bạn cũng có thể tìm thấy các vật dẫn lửa dưới các tảng đá, trong những bọng cây, hay dưới các lớp lá khô….

Nếu không tìm được các chất dẫn lửa thiên nhiên, các bạn có thể dùng giấy vụn, vải xé nhỏ, băng gạc và bông gòn trong túi cứu thương, bông gòn trong áo bông, mỡ động vật, kem nhóm lửa, xăng dầu (nếu có)….

 

Sau khi có chất dẫn lửa rồi, các bạn chọn những cành hay dăm khô thật nhỏ cỡ que diêm (nếu không có thì phải chẻ), sắp chụm lại thành hình nón, rồi đốt lửa lên cho cháy. Khi lửa đã cháy các bạn mới chất thêm những cành cây lớn hơn một tí (cỡ chiếc đũa hay ngón tay), khi lớp củi này đã bắt lửa và cháy lên thì mới chất củi lớn vào. Các bạn có một bếp lửa như ý.

GIỮ GÌN VÀ BẢO QUẢN LỬA

Nếu có diêm, bật lửa hay các vật dụng đánh lửa khác, thì chúng ta không cần phải giữ lửa. Nhưng nếu không có thì chúng ta phải biết vài cách giữ lửa cho khỏi tắt. Vì như các bạn đã biết một lần làm ra lửa cũng chẳng phải dễ dàng gì.

Trường hợp các bạn ở một chỗ thì rất dễ. Chỉ cần đưa những  gốc cây khô lớn, vào lửa giữ cho cháy suốt ngày và đêm. Nếu các bạn muốn đi vắng một vài ngày mà khi quay về lửa vẫn còn cháy, các bạn chỉ cần sắp những cây dài thành một hàng, đầu gối lên nhau và đốt phía trên gió.

Dĩ nhiên không phải lúc mào các bạn cũng dễ dàng tìm được những cây khô lớn để giữ lửa. Nếu không có thì các bạn có thể dùng cành cây tươi nhỏ (đường kính chừng 2-3 cm) bó lại thành bó lớn, chụm đầu vào một đống lửa. Cây tươi sẽ bắt cháy dần dần. Cháy đến đâu cây sẽ khô đến đấy. Cho nên bó cây sẽ cháy rất chậm.

Lấy một đoạn dây thừng khô (loại bện bằng xơ dừa), đốt một đầu dây cho cháy lên rồi thổi tắt, chỉ để lửa cháy ngún. Tuỳ theo độ dài của sợi dây, các bạn có thể giữ được lửa từ vài giờ cho tới vài ngày.. khi cần chúng ta đưa đầu lửa vào bùi nhùi và thổi cho lửa bùng lên. 

  • Lấy vỏ cây khô, rêu khô, xơ của nách lá dừa, cọ, đùng đình… khô, bó lại xunh quanh một cây củi khô loại gỗ tốt. Bên ngoài bao bằng lá tươi của các loại cây như: buông dừa, kè … dùng các loại dây rừng tươi bó lại cho thật chặt. Đốt một đầu cho cháy ngún, các bạn có thể giữ được lửa khá lâu.
  • Dùng rơm hay cỏ khô bện thành hình con rít hay quấn lại cho thật chặt (có nơi gọi là con cúi), đốt một đầu cho cháy ngún (nếu lửa cháy bùng lên thì phải thổi cho tắt ngay) tuỳ theo các bạn bện dài hay ngắn mà chúng ta có thể giữ được lửa lâu hay mau.
  • Lấy lon đồ hộp, vỏ gáo dừa tươi, bọng cây… đổ tro nóng vào. Lựa loại than chắc, nặng, đang cháy hồng, bỏ vào và phủ lên trên một lớp tro mỏng hay địa y khô, khi di chuyển thì dùng dây treo để mang theo. Cách này có thể giữ lửa được khoảng một buổi. 

 KỸ THUẬT ĐỐT THAN

Than là một loại nguyên liệu khá nhẹ, cháy nóng, lâu tàn, không khói, dễ tồn trữ và bảo quản… Thích hợp cho những nơi trú ẩn kín đáo hay trong hang động. Nhưng để có than ở nơi hoang dã, các bạn phải nắm bắt được những kỹ thuật cơ bản về đốt than.

  1. Thiết kế vỏ lò:

Tìm một địa thế tương đối bằng phẳng, đào sâu xuống độ 1 mét, rộng từ 1 – 2 mét (vuông hay tròn cũng được). Khoét rãnh thông hơi chung quanh nền lò và đặt ống thông khói.

  1. Nạp củi:

Chọn những loại cây cho than chắc như: Cầy, Ngành Ngạnh, Thị, Da đá… Cắt ra từng khúc bằng chiều cao của lò (1 mét), sắp đứng sát vào nhau trong lò. Bên trên, sắp các cành cây nhỏ rồi lấy đá đậy lên cho thật kín. Đắp lên trên một lớp đất sét hay đất thịt dày khoảng 20cm.

  1. Đốt lò:

Các bạn đào thêm một cái hố khác, cách lò khoảng 40 cm, rộng khoảng 60 – 70 cm (đủ cho một người ngồi xoay trở), sâu 1 mét (bằng chiều sâu của lò) gọi là hố đốt lò. Từ cái hố này, các bạn đục một lỗ thông qua lò, gọi là “lỗ chụm”, lỗ nầy rộng khoảng 30cm.


Cho củi khô vào lỗ chụm, rồi đốt cho tới khi khói từ các lỗ thông nhạt bớt, và hơi nóng toả lên, gọi là “phát hoả” (khoảng 48 giờ). Sau đó, các bạn bít lỗ chụm lại và theo dõi hơi khói từ ống khói (nếu khói không lên thì phải đốt lại) cho tới khi thấy khói đóng nhựa đen và khô. Để dễ theo dõi, các bạn gác ngang trên ống khói một miếng cây rộng khoảng 2 cm. Khi thấy miếng cây đóng khói theo yêu cầu là được.

Thông thường thì đốt khoảng từ 8 đến 10 ngày là than chín. Khi đó, các bạn bịt kín tất cả các lỗ thông khói lại. Để khoảng 7 ngày than nguội thì khui ra.

  1. ĐỐT THAN ĐƠN GIẢN

Các bạn còn có thể làm ra than bằng phương pháp đơn giản như sau:

– Đào một hố sâu từ 80 – 1 m, rộng khoảng 1 – 1,50 m

– Bỏ củi khô xuống đốt cho cháy bùng lên

– Xếp củi tươi lên trên đống lửa, đợi cho lửa bắt cháy xém đống củi tươi đó.

– Lấp dần đất lại cho đến khi thật kín .

– Để yên khoảng 5 ngày thì khui ra.

Than đốt cách này không chín đều cho nên khi đun nấu có một số còn cháy thành lửa ngọn, hoặc bị khói. Vì vậy, bằng kinh nghiệm của mình, các bạn nên chọn những phần than đúng tiêu chuẩn để riêng ra, dành đốt những khi cần.

Tổng hợp bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

PHỔ CẬP BƠI LỘI – DẠY MỘT GIỜ BIẾT BƠI

Bài này mô tả cách triển khai dạy bơi cho trẻ tuổi thiếu niên biết cách bơi trườn sấp, một cách cơ bản nhất để trang bị kỹ năng tự lực cánh sinh cho các em.

Phương pháp gói gọn việc triển khai thực địa trong một giờ nhằm đạt mục tiêu an toàn cơ bản và năng suất cao cho dạy bơi phổ cập. Việc dạy bơi theo mục tiêu rèn luyện sức khỏe hay thi đấu thể thao cần nhiều thời gian và sự kỳ công hơn.

Nền tảng

Phương pháp này không phải là phương pháp mới, mà đã được mô tả trong các sách dạy bơi căn bản ở Việt Nam và thế giới. Tuy nhiên, các bước được cô đọng, việc thực hành theo nhóm và áp dụng cho trẻ tuổi thiếu niên giúp mang lại hiệu quả và năng suất vượt trội.

Chúng tôi đã tham gia huấn luyện theo phương pháp này tại Trại họp bạn quốc tế theo cách này.

Triển khai (trong 1 giờ)

>> Check in. Huấn luyện viên yêu cầu các em làm theo mình. Hãy dùng dự lệnh và động lệnh để ra lệnh cho các em làm thật đồng nhất:

 Làm nóng cơ thể trên bờ. Tập hít-nín thở-thở ra đều.

Các bước tập bơi:

  1. Hít vào bằng miệng, thở ra bằng mũi tạo bọt dưới nước.
  2. Hít vào, nổi co người tay bó chân. (Floating!)
  3. Hít vào, nổi tự do úp mặt tay chân duỗi thẳng (Free floating!)
  4. Thả nổi với hai tay duỗi thẳng về phía trước, đạp chân vào bờ tường một lần tạo lực đẩy. (Front floating!)
  5. Ngồi trên bờ, chân tập đá nước theo kiểu bơi trườn sấp. (Kicking!)
  6. Thả nổi với hai tay duỗi thẳng về phía trước, đá nước tạo lực đẩy đi tới. Sau 6 lần đập chân, ngẩng đầu lên khỏi mặt nước, hít vào nhanh và sâu, sau đó úp mặt xuống nước thở ra từ từ, chân vẫn đập liên tục.
  7. Tập quạt tay trong nước.
  8. Bơi một hơi với đá nước hai chân, một tay phải.
  9. Bơi một hơi với đá nước hai chân, một tay trái.
  10. Phối hợp hoàn chỉnh kiểu bơi trườn sấp:

10.1 Bơi một hơi với đá nước hai chân, hai tay.

10.2 Tập như trên, kết hợp thường xuyên lấy hơi: 1-2-3 thở ra, 4-5-6 hít vào.

>>Kết thúc: Nhắc nhở và check out.

Gợi ý tổ chức một đợt dạy bơi

  • Hồ nước sâu khoảng 1.2m. Hay nơi có nước tĩnh, được khoanh vùng
  • Cần cử người tiếp nhận, có kinh nghiệm quản lý đám đông. Yêu cầu các em làm sạch cơ thể trước khi xuống hồ
  • 1 huấn luyện viên/10-15 em.
  • Ít nhất một quan sát viên cứu hộ, trực liên tục quan sát có người bị đuối nước không. Thổi còi yêu cầu ra khỏi nước một cách ngẫu nhiên, sau khoảng 30 phút, hay khi có nghi ngờ.
  • Sau giờ học, mặc dù đã biết bơi rồi, các em sẽ được huấn luyện viên nhắc nhở thực hành thêm để tự rút kinh nghiệm, và các thận trọng khi xuống nước.

SaigonScouts

Nếu cần hỗ trợ về việc triển khai Dạy biết bơi trong một giờ, xin vui lòng liên hệ về chúng tôi SaigonScouts: hanhchinhscouts@gmail.com, chúng tôi có thể giúp triển khai mẫu và các trợ ý chi tiết trước khi bạn (là người lớn) có thể tự làm. Các trợ giúp của SaigonScouts sẽ trên tinh thần thiện nguyện. Vì nguồn lực hạn chế, chúng tôi ưu tiên cho: (1) các nhóm tình nguyện viên, (2) đơn vị có sẵn phương tiện và nhân sự phù hợp.

Chi tiết...