Kỹ Năng Sinh Tồn

Cứu và đưa người đuối nước lên bờ an toàn (từ Survival Skills Vietnam)

Đuối nước có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đuối nước không chỉ xảy ra ở những vùng nước lớn như biển, ao hồ, sông suối mà còn ngay cả những vùng nước nông như xô chậu có nước, bể cá cảnh. Việc cứu và đưa nạn nhân lên bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người cứu lẫn nạn nhân. Hằng năm đều không khó để thấy truyền thông đưa tin về những vụ việc người thân, bạn bè và những người xung quanh tìm cách cứu nạn nhân với kết quả là nhiều người cùng đuối nước cùng lúc.

Việc đưa người đuối nước lên bờ theo những phương pháp và nguyên tắc an toàn không những giúp đảm bảo sự an toàn của chính bản thân người cứu mà còn nâng cao khả năng sống sót của nạn nhân. Những kiến thức sau đây do Chuyên gia Cứu hộ người Úc Tony Coffey – Đồng sáng lập Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN và là huấn luyện viên của Surf Life Saving Services trình bày.

1. Nhận diện sớm dấu hiệu của đuối nước

Nhận diện sớm dấu hiệu của người bị đuối nước giúp cứu nạn nhân dễ dàng hơn, nạn nhân có thể hợp tác cùng người cứu để lên bờ đồng thời khả năng để lại những hậu quả về sức khỏe cũng thấp hơn ví dụ như chết não, nước trong phổi v.v. Dấu hiệu này có thể diễn ra trong khoảng chỉ 1 phút trước khi nạn nhân chìn xuống nước.

Nhận biết trễ các dấu hiệu đuối nước đặc biệt là sau khi nạn nhân đã chìm xuống nước khiến công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn, như khó xác định được vị trí nạn nhân, đưa nạn nhân lên bờ khó khăn hơn. Đồng thời, trong vòng 3-4 phút kể từ thời điểm nạn nhân ngưng thở, não trở nên thiếu ô-xy và bắt đầu chết não, dù nạn nhân được cứu, các di chứng của tổn thương não có thể tồn tại đến hết đời. Sau khoảng 8 phút nạn nhất có thể chết hoàn toàn nếu không được đưa lên bờ kịp thời và tiến hành sơ cứu.

Tư thế 'leo thang' của nạn nhân đuối nước

Tư thế ‘leo thang’ của nạn nhân đuối nước

Tuy nhiên các dấu hiệu đuối nước rất khó phát hiện đòi hỏi sự cảnh giác cao độ như:

    • Đuối nước thường xảy ra rất nhanh chóng, nạn nhân có thể chìm xuống dưới mặt nước trong vòng khoảng 1 phút.
    • Nạn nhân đuối nước thường vùng vẫy ở tư thế ‘leo thang’ dễ nhầm lẫn với đang đùa nghịch hoặc bơi
    • Nạn nhân không thể kêu cứu do đang cố nín thở hoặc nước đi vào khí quản.

2. Cứu mà không cần phải xuống nước

Phản ứng sinh tồn của nạn nhân đuối nước rất mạnh mẽ và khó kiểm soát, nếu người cứu tiếp cận nạn nhân, nạn nhân có thể ghì chặt và trèo lên người cứu khiến cả hai cùng chìm xuống nước. Do đó, đưa nạn nhân vào bờ mà không cần phải xuống nước là an toàn nhất.

Tri hô, kêu cứu

    • Kêu gọi những người xung quanh cùng tới trợ giúp. Họ có thể cùng giúp bạn: gọi 115, tìm các vật dụng cứu hộ ở gần đó, hỗ trợ bạn nếu bạn gặp sự cố v.v. Và đặc biệt nếu sau khi đưa được nạn nhân lên bờ trong tình trạng ngưng thở, bạn cần nhiều người cùng làm Hồi sinh tim phổi (CPR) hay còn gọi là ép tim ngoài lồng ngực và thổi ngạt để duy trì sự sống của nạn nhân cho đến khi đội ngũ y tế tới.

Hướng dẫn nạn nhân nằm ngửa và đạp chân

Hướng dẫn nạn nhân nằm ngửa và đạp chân

    • Nếu có thể thu hút sự chú ý của nạn nhân bằng cách hét to và hướng dẫn họ, điều này sẽ tốt hơn. Nếu nạn nhân có thể nghe và làm theo hướng dẫn, họ có thể duy trì nhịp thở và điều đó có thể khiến họ bớt hoảng sợ hơn. Hướng dẫn nạn nhân nằm ngửa và đạp chân, nếu nạn nhân có thể làm theo thành công thì họ có thể nổi và duy trì mũi và miệng phía trên mặt nước để sinh tồn lâu hơn và chúng ta có nhiều thời gian hơn để cứu.

Dùng cây sào kéo nạn nhân lên

Tại các hồ bơi theo tiêu chuẩn thường có cây sào cứu hộ, một số loại có thể kéo dài ra thêm đường, có màu nổi bật. Hoặc bạn có thể tìm các vật thể dài có thể chạm tới nạn nhân ở gần đó.

Kéo nạn nhân vào bờ bằng cây dài

Kéo nạn nhân vào bờ bằng cây dài

Bạn cầm 1 đầu cây, đầu còn lại đưa cho nạn nhân nắm. Bạn hạ thấp cơ thể VD: quỳ xuống, nằm xuống để không bị nạn nhân vô tình kéo xuống nước. Sau đó từ từ kéo nạn nhân về bờ

Ném phao hoặc vật thể nổi

Ném phao hoặc vật thể nổi

Ném phao hoặc vật thể nổi

Hãy ném trong tầm với của nạn nhân để nạn nhân có thể tự nổi được, sau đó tìm cách đưa nạn nhân vào bờ.

Ném dây

Chuyên gia Tony Coffey hướng dẫn cách ném dây

Chuyên gia Tony Coffey hướng dẫn cách ném dây

Một chân đạp lên một đầu dây, cuộn dây thành cuộn lớn và ném dây tới nạn nhân trong tầm sải tay của nạn nhân để họ có thể bám lấy dây. Sau đó người cứu hạ thấp trọng tâm và kéo nạn nhân vào bờ

3. Các nguyên tắc khi phải xuống nước để cứu

Tuyệt đối không xuống nước cứu nạn nhân nếu bạn không biết bơi, chưa bao giờ học và thực hành cứu hộ hoặc ở vùng nước sâu, nguy hiểm. Trong trường hợp bạn bắt buộc phải xuống nước để cứu nạn nhân, xin vui lòng đảm bảo các nguyên tắc sau:

    • Luôn lưu ý là xuống nước cứu người đối nước cực kỳ nguy hiểm, chỉ hỗ trợ nạn nhân khi bạn đảm bảo được an toàn cho bản thân.
    • Không tiếp chạm trực tiếp vào nạn nhân vì họ có thể bám lấy bạn và kéo bạn xuống nước.
    • Tiếp cận từ phía sau bằng cách bơi ra sau nạn nhân hoặc nói nạn nhân quay lưng về phía bạn.

Sau đây là một số kỹ thuật cứu nạn nhân khi xuống nước

Chạm gián tiếp

Mang theo vật thể trung gian khi xuống nước, đó có thể là vật thể nổi như phao, can nước hoặc bất kì vật thể nào khác để nạn nhân không bám trực tiếp vào bạn. Bạn cầm một đầu và nạn nhân bám vào đầu còn lại. Sau đó bạn từ từ kéo nạn nhân vào bờ.

Kéo trực tiếp vào bờ

Trong trường hợp bạn không thể tìm được vật thể trung gian để nạn nhân tiếp cận gián tiếp và quyết định vẫn xuống nước cứu nạn nhân. Hãy tiếp cận từ phía sau bằng cách bơi ra sau nạn nhân hoặc nói nạn nhân quay lưng về phía bạn.

Sau đó nắm tóc, cổ áo, gáy nạn nhân kéo nạn nhân vào. Đồng thời ra lệnh cho nạn nhân nằm ngửa ra và đạp chân. Tư thế này giúp bạn kéo nạn nhân vào bờ dễ dàng hơn và nạn nhân cũng bớt hoảng loạn hơn.

Sau khi đưa nạn nhân lên bờ thành công. Hãy thực hiện sơ cứu cho người đuối nước. Xin vui lòng tham khảo video dưới về cách sơ cứu trẻ em bị đuối nước do Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN phối hợp thực hiện cùng VTV2:

 

Những hướng dẫn trên được tham khảo từ các tài liệu của Surf Life Saving Services – tổ chức cứu hộ thủy nạn hàng đầu nước Úc với kinh nghiệm hơn 115 năm. Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN tự hào là đối tác độc quyền của SLSS tại Việt Nam. Bạn có thể học các kỹ năng này tại Chương trình đào tạo Sơ cấp cứu chuẩn quốc tế của Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN tại: elearning.survivalskills.vn

Nguồn: Survival Skills Vietnam

Chi tiết...

Cơ chế gây Tử vong của Đuối nước (từ Survival Skills Vietnam)

Cơ chế gây Tử vong của Đuối nước

Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, hàng ngàn trẻ em mất mạng vì tai nạn đuối nước, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và cộng đồng.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).

Mặc dù gây ra hậu quả to lớn, đuối nước diễn ra rất nhanh chóng. Nạn nhân chỉ có 1 phút từ lúc có dấu hiệu đến khi chìm xuống nước. Từ lúc nạn nhân ngưng thở, chỉ mất khoảng 3 phút để não bắt đầu bị tổn thương và trong vòng 8 phút nạn nhân có thể tử vong nếu không được cứu và sơ cứu kịp thời. Tuy nhiên, phát hiện ra người đuối nước rất khó nếu không để ý kỹ do các đặc điểm:

  • Đuối nước thường xảy ra rất nhanh chóng, nạn nhân có thể chìm xuống dưới mặt nước trong vòng khoảng 1 phút.
  • Nạn nhân đuối nước thường vùng vẫy ở tư thế ‘leo thang’ dễ nhầm lẫn với đang đùa nghịch hoặc bơi
  • Nạn nhân không thể kêu cứu do đang cố nín thở hoặc nước đi vào khí quản.

Tại sao đuối nước diễn ra nhanh và nguy hiểm đến vậy? Chúng ta hãy tìm hiểu về cách đuối nước diễn ra để có cách ngăn ngừa và cứu giúp đúng và kịp thời.

1. Nạn nhân hoảng loạn và vùng vẫy

Khi bắt đuối nước nạn nhân sẽ hoảng loạn và vùng vẫy ở tư thế ‘leo thang’. Với các đặc điểm như: ‘Leo thang’ theo tư thế thẳng đứng, mặt hướng về phía bờ, đầu ngử ra sau cố gẵng giữ mũi và miệng ở trên mặt nước.

Tuy nhiên, nếu người trên bờ không để ý kỹ sẽ lầm tưởng là nạn nhân đang bơi hoặc ‘đứng nước’ do các thao tác khá giống. Người đang bơi ở dưới nước dù ở cạnh nạn nhân cũng khó biết người này đang đuối nước do không thể thấy tư thế ‘leo thang’ vùng vẫy dưới nước và khó thấy được nạn nhân do lúc này chỉ có vùng miệng và mũi của nạn nhân ở trên mặt nước.

2. Hít nước và dịch chất vào khí quản

Mặc dù nạn nhân cố gắng nín thở nhưng nước vẫn đi vào khí quản (đường thở). Nước có thể đi trực tiếp vào khí quản hoặc do nạn nhận nuốt nước sau đó nôn lên dịch chất và dịch chất này đi lạc vào khí quản. Khi nước hoặc dịch chất đi vào khí quản, nắp thanh quản (ở khí quản vị trí cổ) phản xạ đóng lại để nước không tràn vào phổi. Nạn nhân không thể tự mở nắp thanh quản ra. Do đó tại thời điểm này nạn nhân không thể kêu cứu khác với lầm tưởng phổ biến là nạn nhân sẽ kêu cứu.

Nắp thanh quản mở (bên phải) và đóng (bên trái)

Nắp thanh quản mở (bên phải) và đóng (bên trái)

Đồng thời, nạn nhân cũng không thể tự thở được. Điều này dẫn đến não bị thiếu ô-xy, sau một khoảng thời gian ngắn, khoảng 3 phút kể từ khi nạn nhân ngưng thở, não sẽ bắt đầu bị tổn thương. Do đó cần phải đưa nạn nhân lên bờ và sơ cứu càng sớm càng tốt. Trong trường hợp này hãy thực hiện Hồi sinh tim phổi (CPR) để đưa ô-xy trong máu lên não để duy trì sự sống cho đến khi có sự hỗ trợ y tế.

Lưu ý không vác người đuối nước lên và xốc nước ra vì thao tác này không giúp tim cung cấp ô-xy lên não, đồng thời làm lãng phí ‘thời gian vàng’ của nạn nhân.

3. Ngưỡng nín thở và phản xạ thở

Phản xạ thở xảy ra do nồng độ CO2 trong máu. Khi lượng CO2 tăng đến Ngưỡng nín thở, Phản xạ thở sẽ xảy ra. Nạn nhân không thể tự nín thở theo ý mình. Lúc này một lượng nước sẽ đi vào phổi.

Thường xảy ra tại hồ bơi hoặc trong lúc tham gia các hoạt động dưới nước. Ví dụ: Trẻ em thi nín thở dưới nước hoặc tập bơi lâu nhất với 1 hơi thở. Tình trạng thiếu oxy khiến người đi bơi cảm thấy hưng phấn, không cảm thấy khó chịu do đó nín thở cho đến khi bất tỉnh. Xảy ra mà không có dấu hiệu báo trước.  Đồng thời, khi hiện tượng này xảy ra nạn nhân đã sử dụng gần hết ô-xy trong máu do đó sẽ tử vong nhanh hơn việc đuối nước thông thường.

4. Nước trong phổi – Đuối nước khô

Đây là hiện tượng nạn nhân bị hít nước vào phổi gây cản trở phổi cung cấp ô xi cho máu, gây ra phù phổi, suy hô hấp dẫn đến tử vong, thường xảy ra trong vòng 1 – 72 giờ sau khi tiếp xúc với nước hoặc bị sặc nước. Đuối nước trên cạn hiếm gặp những vẫn xảy ra nếu không nhận biết được các biểu hiện kịp thời. Biểu hiện của đuối nước trên cạn bao gồm mệt mỏi, khó thở, tâm trạng khó chịu, ho, thiếu nhận thức,… Nếu bạn thấy các dấu hiệu trên hoặc không rõ dấu hiệu có đúng hay không thì cần đưa nạn nhân đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, theo dõi và có các biện pháp can thiệp.

Đuối nước không phải lúc nào cũng có thể gây tử vong, tuy nhiên nếu nạn nhân được cứu sống thì hậu quả của đuối nước để lại cũng ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Người bị đuối nước thường gặp phải các biến chứng về phổi mắc phải hội chứng suy hô hấp cấpviêm phổi…do thiếu ô-xy trong cơ thể. Một biến chứng của đuối nước khác có thể gây ra hậu quả nặng nề chính là tổn thương não hoặc tổn thương về mặt thể chất …Đặc biệt, người bị đuối nước cũng có thể rơi vào trạng thái sống thực vật vĩnh viễn.

Việc đưa người đuối nước lên bờ và thực hiện sơ cấp cứu kịp thời cho nạn nhân bị đuối nước rất quan trọng.

Nguồn : Survival Skills Vietnam

Chi tiết...

Một số biện pháp Phòng chống đuối nước ở trẻ em (từ Survival Skills Vietnam)

Phòng tránh đuối nước ở trẻ em cần vai trò rất quan trọng của phụ huynh, nhà trường và cả cộng đồng do trẻ em có thể bị đuối nước ở rất nhiều hoàn cảnh khác nhau không những trong khi vui chơi, khi tham gia các hoạt động dước nước v.v. mà còn ngay tại trong môi trường gia đình.

Đọc thêm: Một số nguyên nhân gây ra đuối nước phổ biến ở trẻ em

Tại gia đình

Hơn 76% trẻ em bị đuối nước tại cộng đồng, trong đó có 22% trẻ em bị đuối nước ngay trong môi trường quanh nhà, thậm chí bị đuối nước ngay trong nhà tắm (theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội). Trẻ em, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non, có thể bị đuối nước trong xô chứa nước, dù mực nước rất thấp hay trong bồn tắm, dụng cụ chứa nước trong gia đình như chậu, xô, chum, vại lớn, bể nước, đồ chứa nước hoặc ở giếng, ao/ ao nuôi cá, nơi có vùng nước mở trong khuôn viên của gia đình.

Loại bỏ nguy cơ gây đuối nước

Các dụng cụ chứa, đựng nước trong gia đình như giếng, bể, lu chứa phải có nắp đậy và được che chắn cẩn thận, gài chốt chắc chắn, an toàn.

Các vật dụng chứa nước trong gia đình cẩn phải có nắp đậy an toàn

Gia đình có trẻ nhỏ tuyệt đối không được chứa, tích nước trong thùng, thau, xô, chậu,… Không để trẻ nhỏ vày, nghịch nước vì sẽ có nguy cơ rất cao gây tai nạn đuối nước nếu các em không được thường xuyên có người lớn bên cạnh giám sát, trông coi (như hình dưới).

Tuyệt đối không được chứa, đựng nước trong thau, chậu,… khi nhà có trẻ nhỏ

Ở những gia đình có hồ bơi, có ao cần phải được rào chắn chắc chắn, cẩn thận tạo môi trường an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước đối với trẻ em, học sinh.

Bể bơi, ao cá trong gia đình cần phải được rào, chắn cẩn thận

Giám sát

Đối với trẻ nhỏ ở lứa tuổi mầm non, phải thường xuyên có người giám sát, trông coi, không mải làm việc khác để trẻ nhỏ tự chơi một mình. Không để trẻ nhỏ một mình trong khi đi vệ sinh, rửa tay, chân trong nhà vệ sinh hoặc ở khu vực có vùng nước mở (giếng, ao, hồ, khe rạch nước,.), khi ở nhà, trường/ lớp/ nhà trẻ mầm non.

Giám sát trẻ em, học sinh khi ra khỏi nhà: Yêu cầu các em phải nói cho gia đình biết là đi đâu, làm gì, cùng với ai, trong bao lâu. Khi thấy các em rủ nhau đi tắm, vui chơi ở khu vực có vùng nước mở thì có biện pháp giám sát, bảo vệ.

Nhắc nhở

Thường xuyên nhắc nhở trẻ em, học sinh về các biện pháp phòng tránh đuối nước thường gặp phải tại môi trường an toàn mà các em đang sinh sống. Chỉ bảo cho trẻ nhỏ, học sinh không chơi đùa với nước khi không có sự giám sát của người lớn; dạy cho trẻ nhận biết những khu vực có nguy cơ bị đuối nước. Việc nhắc nhở, chỉ bảo này phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và kiên trì sẽ giúp cho các em nhỏ dần hình thành ý thức, thói quen tự bảo vệ bản thân.

Hằng ngày, giáo viên dạy tiết cuối trước khi tan trường, cần nhắc nhở học sinh về phòng tránh đuối nước. Giáo viên chủ nhiệm phải thông tin, nhắc nhở kịp thời đến cha mẹ học sinh về các buổi được nghỉ học ở trường theo thời khoá biểu, đặc biệt là các buổi, tiết nghỉ đột xuất để phối hợp giám sát, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Khi vui chơi, hoạt động tại cộng đồng gần vùng nước mở

Tình trạng xây dựng các công trình, đào bới khai thác cát (tạo ra vùng nước sâu, xoáy nước), để lại các hố, ao sâu gây nguy hiểm như hố tôi vôi, hố lấy đất làm gạch ngói, hố lấy cát, hố lấy nước tưới hoa màu, hố cột điện, ao nuôi cá,… không có biển cảnh báo và hàng rào chắn an toàn dẫn đến rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước. Với sự thiếu an toàn của môi trường sống trong cộng đồng hiện nay thì việc giáo dục, trang bị cho trẻ em, học sinh kiến thức, kĩ năng, hình thành cho các em thói quen đúng, biết sợ và tránh xa những nơi có nguy cơ gây ra đuối nước là vô cùng cần thiết. Đây là một trong giải pháp phòng tránh đuối nước chủ động, hiệu quả nếu các em thường xuyên được giáo dục, hướng dẫn của thầy cô, cha mẹ và gia đình.

Những hình ảnh dưới đây minh hoạ điển hình cho những nơi thiếu an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra đuối nước đối với trẻ em, học sinh. Nhà trường, gia đình, xã hội cần thường xuyên giáo dục, hướng dẫn, nhắc nhở để các em hình thành ý thức, thói quen tránh xa những khu vực nguy hiểm này và để bảo vệ, đảm bảo an toàn cho bản thân.

Ao, hố nước nơi công cộng không có rào chắn
Hồ thuỷ điện không có biển cảnh báo nguy hiểm, cấm bơi, lội
Hố chứa nước không có biển cảnh báo, không có rào chắn, không lấp sau khi sử dụng
Ao ở trong khu dân cư không có rào chắn
Cống thoát nước công cộng không có nắp đậy, hố chôn cột điện không lấp
Ao nuôi cá tại gia đình không có rào chắn an toàn

Khi tham quan, hoạt động trải nghiệm, hoạt động tình nguyện, hoạt động xã hội bên ngoài do nhà trường tổ chức

Nhà trường phải có kế hoạch và giải pháp bảo đảm an toàn cho học sinh, đặc biệt là khi có tiếp xúc với vùng nước mở. Học sinh cần được trang bị kiến thức, kĩ năng phòng tránh đuối nước nếu trong hoạt động của đoàn (tổ, đội, nhóm) có tiếp xúc với vùng nước mở. Tai nạn đuối nước vẫn có thể xảy ra trong các hoạt động của nhà trường nếu không có biện pháp quản lí chặt chẽ.

Ví dụ, trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (Cần Giờ, TP.HCM) tổ chức cho học sinh có thành tích tốt đi tham quan, trải nghiệm Khu di tích lịch sử Rừng Sáp, buổi trưa về nghỉ ở bãi biển, có 10 học sinh xuống tắm ở vùng nước có dòng chảy phức tạp, 7 học sinh bị chết đuối. Mặc dù trường không chủ trương cho học sinh tắm biển nhưng không có biện pháp quản lí dẫn đến mất an toàn, tai nạn thương tâm.

Khi tham gia giao thông đường thủy

Trước khi lên các phương tiện giao thông đường thuỷ

Tuân thủ nguyên tắc an toàn khi lên, xuống các phương tiện giao thông đường thuỷ (đò, tàu, thuyền, ghe,…) theo hướng dẫn của chủ phương tiện hoặc bảng chỉ dẫn tại bến đò, bến tàu. Luôn ghi nhớ khi lên phương tiện giao thông đường thuỷ phải mặc áo phao và quan sát vị trí các thiết bị cứu sinh để chủ động sử dụng khi không may gặp sự cố để đảm bảo an toàn cho bản thân. Sử dụng các thiết bị để liên hệ gọi sự hỗ trợ kịp thời (khi cần). Không đi khi thời tiết xấu (sắp hoặc đang có mưa to, gió lớn, giông bão,…).

Quan sát và không đi các phương tiện giao thông đường thuỷ khi thấy số lượng người trên các phương tiện này vượt quá số người quy định, vì nguy cơ xảy ra tai nạn chìm, lật các phương tiện là rất cao (đặc biệt là các thuyền, ghe, đò nhỏ) và không lên các phương tiện giao thông đường thuỷ khi thấy các phương tiện này không có dụng cụ cứu sinh như phao, dụng cụ nổi cứu sinh,.

Khi lên, xuống các phương tiện giao thông đường thuỷ phải tuân thủ theo hướng dẫn của chủ phương tiện, xếp hàng trật tự, không chen lấn, đùa nghịch; không lên, xuống đò, thuyền, ghe,. từ mạn thuyền vì sẽ làm phương tiện tròng trành các em có thể bị ngã gây tai nạn.

Buộc chặt lại dây giày, quai mũ, nón, cặp sách,… cho gọn gàng, chắc chắn để di chuyển thuận tiện khi lên, xuống các phương tiện giao thông đường thuỷ.

Khi ở trên các phương tiện giao thông đường thuỷ

Trẻ em, học sinh luôn phải mặc áo phao và ngồi vào chỗ theo quy định trong suốt thời gian tham gia giao thông đường thuỷ. Để gọn gàng, xếp các vật dụng cá nhân theo quy định, theo hướng dẫn của chủ phương tiện; không mang các vật dụng cá nhân cồng kềnh trên người để thuận tiện xử lí các tình huống, sự cố khi tham gia giao thông đường thuỷ.

Không đi lại, di chuyển trong khi các phương tiện đang lưu thông (trừ trường hợp thật cần thiết), vì có thể làm phương tiện bị tròng trành, gây nguy hiểm. Không vui đùa, tạo dáng chụp ảnh, thò tay, chân xuống nước sẽ gây sao nhãng, có thể bị ngã xuống nước, xảy ra tai nạn cho bản thân.

Khi tham gia giao thông đường thuỷ ở các phương tiện lớn, ví dụ như tàu thuỷ,. phải ngồi trật tự, không thò đầu, tay, chân ra ngoài cửa sổ vì dễ bị tác động của các vật khác bên ngoài. Không nghịch các thiết bị trên các phương tiện vì có thể làm ảnh hưởng đến sự vận hành và việc đảm bảo an toàn của cả phương tiện, hành khách khác. Cần nhớ vị trí đặt các dụng cụ như phao, dụng cụ nổi cứu sinh để bình tĩnh, khẩn trương xử lí khi có sự cố xảy ra.

Trường hợp không may phương tiện giao thông đường thuỷ gặp sự cố

Khi gặp sự cố phải bình tĩnh, không hoảng loạn, tuyệt đối tuân thủ theo hướng dẫn của người điều khiển phương tiện hoặc người phục vụ trên phương tiện đó. Nếu có hoả hoạn trên tàu khi cửa bị đóng chặt cần phá cửa kính, thoát ra hoặc lấy vải, quần áo thấm nước quấn quanh đầu, chạy ra ngoài. Chỉ rời tàu khi có thông báo của thuyền trường và theo hướng dẫn của nhân viên trên tàu.

Ở lứa tuổi học sinh, các em còn thiếu kiến thức, kĩ năng, thể lực, nếu không may xảy ra tai nạn thì các em là đối tượng có nguy cơ gặp rủi ro cao, có thể bị tử vong. Vì vậy, chỉ lên các phương tiện giao thông đường thuỷ khi đã quan sát, xem xét thấy an toàn để bảo vệ bản thân.

Khi hoạt động trong môi trường nước

Không nhảy cắm đầu, thi bơi ở những nơi không có biển chỉ dẫn vì có thể tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn bởi những vật dưới nước mà các em không nhìn thấy, hoặc gặp vùng nước sâu, nước xoáy, vùng nước nguy hiểm. Trẻ em, học sinh tuyệt đối không được tắm, bơi ở những nơi nước sâu, chảy xiết, xoáy, kể cả khi có sự giám sát của người lớn, người biết bơi giỏi. Ngay cả khi tắm ở các bãi tắm được phép hoạt động thì các em vẫn phải tuân thủ các quy định, biết các kĩ năng phòng tránh đuối nước để tự cứu mình trước khi có sự ứng cứu của người khác.

Đọc thêm:

Trẻ em, học sinh không được tự ý rủ nhau đi tắm, chơi đùa trên hồ, đập, sông. Có nhiều trường hợp học sinh tử vong tập thể do đuối nước vì rủ nhau đi tắm ở hồ, sông,… Thường khi một bạn bị đuối nước, các bạn khác tìm cách cứu nhưng không nắm được các kĩ năng cứu đuối an toàn kéo theo đuối nước tập thể.

Đọc thêm:

Một số vụ đuối nước điển hình như vụ đuối nước tại hồ Tuy Lai, Mỹ Đức, Hà Nội năm 2012. Có tám nữ sinh lớp 7, lớp 8 rủ nhau ra hồ chơi, một bạn trượt chân, các bạn khác nắm tay nhau cứu bạn nhưng bị rơi xuống hồ, đều tử vong. Vụ tám học sinh đá bóng ở bãi gần sông Đà, Hoà Bình năm 2019. Trong khi chơi, bóng bị rơi xuống sông, một em bơi ra lấy nhưng gặp vùng nước xoáy hút vào, các em khác thấy bạn bị đuối nước cùng nhảy xuống cứu bạn và đều bị tử vong. Một vụ việc khác là một nhóm học sinh lớp 8 ở Nghệ An tổ chức liên hoan chia tay một bạn chuyển trường, vui chơi ngoài trời gần đập nước thuỷ lợi, một học sinh bị trượt chân, rơi xuống nước, bốn học sinh khác lần lượt nắm tay nhau kéo lên, nhưng cả năm em đều bị dòng nước kéo chìm xuống.

Phòng tránh đuối nước ở trẻ em là một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết, đòi hỏi sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và cộng đồng. Những biện pháp phòng ngừa như giám sát chặt chẽ, giáo dục kiến thức an toàn và quản lý an toàn các khu vực có nước là rất quan trọng để bảo vệ trẻ khỏi những nguy cơ tiềm ẩn. Chúng ta cần tạo ra một môi trường an toàn, nơi trẻ em có thể vui chơi và khám phá mà không lo sợ về tai nạn đuối nước. Hãy cùng nhau nâng cao nhận thức và hành động để đảm bảo rằng mỗi trẻ em đều được bảo vệ, có cơ hội phát triển trong một môi trường an toàn và lành mạnh. Chỉ khi chúng ta đồng lòng, những biện pháp phòng tránh này mới thực sự phát huy hiệu quả, giúp giảm thiểu tai nạn đuối nước và bảo vệ tương lai của trẻ em.

Nguồn: Survival Skills Vietnam, trích từ Vụ Giáo dục Thể chất – Bộ Giáo dục và Đào Tạo

Chi tiết...

4 nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em và cách phòng chống (từ Survival Skills Vietnam)

Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, hàng ngàn trẻ em mất mạng vì tai nạn đuối nước, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và cộng đồng.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).

Các nguyên nhân gây ra đuối nước ở trẻ em phổ biến

Để bảo vệ và phòng chống đuối nước cho con em mình, chúng ta cần hiểu rõ những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến đuối nước ở trẻ em:

1. Thiếu kiến thức và kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước:

  • Trẻ em chưa được giáo dục đầy đủ về nguy hiểm của nước, cách nhận biết các vùng nước nguy hiểm, kỹ năng bơi lội an toàn và sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
  • Trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích khám phá, dễ bị cuốn hút bởi môi trường nước mà không lường trước được nguy hiểm.
  • Trẻ thường bỏ qua sự an toàn của bản thân và không biết cách gọi sự trợ giúp từ người lớn khi thấy anh chị em, bạn bè bị đuối nước, do đó thường tìm cách cứu nạn nhân theo những cách thiếu an toàn, dẫn tới đuối nước theo nhóm.

2. Môi trường nước không an toàn:

Vùng nước không có rào chắn là một trong những nguyên nhân gây ra đuối nước ở trẻ em. Nguồn: Bộ Giáo Dục – Đào Tạo

  • Ao, hồ, sông, suối, bể bơi, giếng,… không có rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm. Vật chứa nước như lu, chậu không có che chắn có thể khiến trẻ vô tình té vào. Đã có nhiều trường hợp trẻ nghịch nước dẫn đến té vào thau, chậu trong nhà trẻ hoặc tại gia đình gây ra đuối nước.
  • Không có trang bị an toàn và cứu hộ tại các vùng nước như phao, áo phao, gậy cứu hộ, vật thể nổi, dây v.v. hoặc không biết cách sử dụng đúng cách các vật dụng này khi có sự cố xảy ra.
  • Vùng nước sâu, đục, không thấy được chướng ngại vật phía dưới mặt nước. Đặc biệt, tại các bãi biển, hiện tượng dòng rút rất nguy hiểm nhưng khó phát hiện, do đặc điểm không có sóng, người đi bơi có thể chọn những nơi này để bơi lầm tưởng rằng nơi không có sóng là nơi an toàn.

3. Thiếu sự giám sát, kỹ năng phát hiện, cứu và đưa nạn nhân lên bờ của người lớn

  • Trẻ em bị bỏ mặc, không được trông nom, giám sát khi ở gần các vùng nước như ao, hồ, sông, suối, bể bơi, giếng,… Rủi ro này tăng cao vào các thời điểm nghỉ hè khi trẻ em không được giám sát bởi nhà trường và gia đình. Ngoài ra, kể cả trong lúc trẻ em ở gần người lớn, nhiều trường hợp phụ huynh, giáo viên, không chú ý dù chỉ trong một thời gian ngắn trẻ cũng có thể gặp nhiều nguy hiểm. Nhiều trường hợp đã xảy ra như: trẻ té vào hồ cá, hồ thủy lợi trong vườn, trẻ té vào hồ cá tại quán cà phê khi bố mẹ không tập trung, nhân viên cứu hộ hồ bơi tập trung vào điện thoại nên không phát hiện ra học sinh bị đuối nước.
  • Người lớn không biết cách nhận diện sớm dấu hiệu của đuối nước khiến cho việc đưa trẻ đuối nước lên bờ chậm trễ. Khi phát hiện ra trẻ bị đuối nước, người lớn không có kỹ năng bơi lội hoặc không biết cách đưa trẻ bị đuối nước lên bờ an toàn, gây nguy hiểm cho cả trẻ em và người cứu. Nhiều trường hợp, chính người cứu bị đuối nước theo trẻ.

4. Thiếu kỹ năng sơ cấp cứu:

Kiến thức vã kỹ năng sơ cấp cứu của người Việt Nam còn hạn chế dẫn tới nhiều trường hợp trẻ chưa tử vong nhưng do gia đình và những người xung quanh không sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách khiến trẻ tử vong hoặc tình trạng trở nên nặng hơn trước khi được đưa tới bệnh viện. Các sai lầm thường gặp như sau:

Không dốc trẻ đuối nước rồi chạy.

  • Tin vào các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng để hỗ trợ người sơ cứu. Phổ biến nhất là vác người bị đuối nước trên vai và xốc nước ra. Việc này khó thực hiện, có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân, không hiệu quả và làm lãng phí ‘thời gian vàng’ của nạn nhân.
  • Không biết cách thực hiện Hồi sinh tim phổi (CPR) hay còn gọi ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Hồi sinh tim phổi là cách sơ cứu hiệu quả, đã được các chuyên gia trên toàn cầu chứng minh giúp tăng khả năng sống sót của nạn nhân. Tuy nhiên, phần lớn người dân Việt Nam chưa được học và thực hành kỹ năng này dẫn tới việc lúng túng hoặc làm sai khi có sự cố xảy ra.
  • Nhân thức chưa cao về tình trạng Đuối nước khô và nước còn ở trong phổi có thể khiến trẻ tử vong trong vòng 72 giờ sau khi đuối nước. Do đó khi trẻ đuối nước được đưa lên bờ còn tỉnh táo, người thân thường cho nghỉ ngơi thay vì đưa đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe và theo dõi.

Phòng chống đuối nước cho trẻ em

1. Sự phối hợp của người lớn người lớn

Trong các nguyên nhân gây tử vong của trẻ em, có rất nhiều nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em như kể trên nằm ngoài tầm quyền kiểm soát của trẻ em. Tuy nhiên, việc phòng chống đuối nước hiện nay rất tập trung vào trẻ em nhưng lại bỏ qua người lớn. Một số kỹ năng người lớn cần được học và thực hành bao gồm:

Đổ nước hoặc che chắn các vật dụng chứa nước để tránh trẻ em vô tình té vào. Nguồn: Bộ Giáo Dục – Đào Tạo

  • Nâng cao cảnh giác để phát hiện các rủi ro có thể gây ra đuối nước cho trẻ em và có phương án phòng tránh tai nạn như:
    • Đậy hoặc đổ hết nước các vật dụng chứa nước trong nhà như xô, chậu, lu v.v. khi không sử dụng đến.
      • Gắn rào chắn, cửa chống trẻ em, bảng cảnh báo và trang bị các thiết bị an toàn và cứu hộ như áo phao, phao, dây, gậy  v.v. tại hồ bơi, ao, hồ, phương tiện di chuyển đường thủy v.v.
      • Giám sát trẻ liên tục khi trẻ bơi hoặc chơi gần các vùng nước nguy hiểm. Đảm bảo những người có trách nhiệm như nhân viên cứu hộ luôn quan sát và cảnh giác.

Tư thế của người đuối nước. Nguồn: GLSRP.ORG

  • Phát hiện sớm dấu hiệu của đuối nước để có giải pháp can thiệp kịp thời. Một số đặc điểm của người đuối nước rất khó phát hiện đòi hỏi sự cảnh giác như:
    • Đuối nước thường xảy ra rất nhanh chóng, nạn nhân có thể chìm xuống dưới mặt nước trong vòng khoảng 1 phút.
    • Nạn nhân đuối nước thường vùng vẫy ở tư thế ‘leo thang’ dễ nhầm lẫn với đang đùa nghịch hoặc bơi
    • Nạn nhân không thể kêu cứu do đang cố nín thở hoặc nước đi vào khí quản.
  • Học và luyện tập kỹ năng cứu an toàn. Bao gồm:
    • Dùng giọng nói tri hô, kêu gọi người trợ giúp, và hướng dẫn nạn nhân đổi về tư thế nằm ngửa và đạp chân.
    • Ưu tiên đưa người đuối nước lên bờ bằng các phương pháp không yêu cầu phải xuống nước như: ném phao hoặc vật thể nổi, ném dây, dùng gậy v.v.
    • Chỉ xuống nước khi thật sự cần thiết và đảm bảo rằng bản thân đã bơi tốt và đã thực hành qua các phương pháp cứu hộ để tránh việc nạn nhân vùng vẫy, kéo người cứu theo xuống nước. Một số lưu ý bao gồm: không chạm tay trực tiếp vào nạn nhân mà sử dụng các vật thể trung gian để người cứu nắm 1 đầu và nạn nhân nắm đầu còn lại, tiếp cận từ phía sau nạn nhân, kéo tóc, áo hoặc gáy nạn nhân v.v.
  • Học và luyện tập định kỳ kỹ năng sơ cấp cứu. Việc làm chủ Kỹ năng lăng nghiêng nạn nhân (Tư thế phục hồi) và Hồi sinh tim phổi (CPR) là rất quan trọng vì đã được chứng minh giúp nâng cao khả năng sống sót của nạn nhân đuối nước cũng như các sự cố sức khỏe khác liên quan đến ngưng tim, ngưng thở như hóc dị vật vào khí quản, ngưng tim đột ngột, đột quỵ, nhồi máu cơ tim v.v. Kỹ năng này cần được thực hành định kỳ trên mô hình và có giáo viên hướng dẫn để đảm bảo thao tác chính xác. Đồng thời đưa trẻ vào bệnh viện để theo dõi các dấu hiệu của Đuối nước khô và can thịp kịp thời.

Xin vui lòng xem hướng dẫn nhanh cách cứu và sơ cứu người đuối nước do Chuyên gia Tony Coffey trình bày tại video dưới:

https://youtu.be/MeWYcDGv8Bw

2. Giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em

Bơi luôn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng để phòng tránh đuối nước ở trẻ em. Ngoài việc giúp trẻ em tự tin hơn tiếp xúc với nước và bình tĩnh hơn để thoát khỏi các tình huống nguy hiểm, bơi còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ em còn cần phải biết:

Trẻ em học phòng chống đuối nước tại Úc. Nguồn: Surf Life Saving Services

  • Kiến thức an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em: Nên dạy trẻ về sự nguy hiểm của nước và đuối nước, cách nhận biết và tránh xa các vùng nước nguy hiểm, đảm bảo sự an toàn của bản thân trước khi tham gia cứu người khác bị đuối nước. Mặc áo phao khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy v.v. để phòng tránh đuối nước xảy ra với bản thân ngay từ đầu.
  • Kiến thức và kỹ năng sinh tồn khi bị đuối nước: Đuối nước vẫn có thể xảy ra đối với người biết bơi giỏi và đã có những phương án phòng tránh. Việc học cách nổi như ngửa người và đạp chân, việc không bơi ngược lại dòng rút v.v. giúp trẻ sinh tồn lâu hơn và có khả năng được cứu tốt hơn.
  • Kỹ năng cứu an toàn: tri hô, kêu gọi người trợ giúp, đảm bảo sự an toàn cho bản thân trước khi cứu nạn nhân, cứu bằng những phương pháp an toàn từ trên bờ, không xuống nước và chạm trực tiếp vào nạn nhân.
  • Kỹ năng sơ cấp cứu: Làm chủ các kỹ năng như Tư thế phục hồi và Hồi sinh tim phổi.

Những hướng dẫn trên được tham khảo từ các tài liệu của Surf Life Saving Services* và Bộ Giáo Dục- Đào Tạo. Bạn có thể học các kỹ năng này tại Chương trình đào tạo Sơ cấp cứu chuẩn quốc tế của Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN tại: elearning.survivalskills.vn

*Surf Life Saving Services (SLSS) là tổ chức cứu hộ thủy nạn hàng đầu nước Úc với kinh nghiệm hơn 115 năm. Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN là đối tác độc quyền của SLSS tại Việt Nam.

Hãy cùng chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ đuối nước!

Nguồn: Survival Skills Vietnam

Chi tiết...

ĐỂ SINH TỒN TRONG RỪNG

Biết đâu trong một chuyến lang thang ngoài trời để ngắm nhìn cảnh vật, khám phá thiên nhiên, sưu tầm các tiêu bản … rồi đột nhiên bạn thấy chung quanh mình hoàn toàn yên ắng, cô độc giữa rừng sâu. Bạn đã bị lạc!

Điều gì sẽ đến với bạn nếu bạn không thể tìm được đường ra?  Bị lạc trong rừng có thể là một tình huống đáng sợ, và để sống sót một mình trong hoang dã, các bạn cần phải có một số kỹ năng và kiến thức, sự kiên nhẫn, biết sử dụng những món quà mà thiên nhiên cung cấp một cách khôn ngoan. Nếu bạn muốn biết làm thế nào để sống sót trong rừng, chỉ cần chuẩn bị các việc sau sau

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI VÀO RỪNG

Nghiên tìm hiểu môi trường xung quanh

Đừng đi vào nơi hoang dã nếu bạn chưa có được một sự hiểu biết vững chắc về môi trường nơi đó. Hãy nghiên cứu trên bản đồ khu vực nơi mà bạn đang chuẩn bị tiến hành cuộc khám phá, và khi đi nhớ mang theo nó (bản đồ) với bạn. Như vậy sẽ làm giảm thiểu nguy cơ bị thất lạc xuống rất nhiều.

Ghi nhớ về hệ thực vật, động vật và đất đai của khu vực bạn đang khám phá. Kiến thức về các loài thực vật động vật và đất đai địa phương có thể cứu sống bạn.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã ăn uống đầy đủ trước khi khởi hành, và đảm bảo một ai đó biết bạn đi đâu và bao giờ thì bạn về. Đó là một cách dự phòng. Khi một người nào đó nhận ra rằng bạn không về đúng như lịch hẹn, họ sẽ nhanh chóng thông báo cho các đội cứu hộ, và cho họ biết khu vực mà họ có thể bắt đầu tìm kiếm bạn.

Mang theo dụng cụ mưu sinh

Một số dụng cụ tồn tại cơ bản như một con dao, đá đánh lửa (hay diêm không thấm nước), một số dây (dây dù là tốt nhất), một cái còi, tấm bạt hay poncho, một gương tín hiệu, thuốc lọc nước và một la bàn. Từng đó thôi cũng đủ tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Hãy luôn mang theo những vật này bên người bạn, thậm chí ngay cả khi bạn chỉ ra ngoài để đi dạo trong một ngày mà thôi.

Nếu có thể, bạn nên có một con dao mưu sinh, loại dao có lưỡi cố định với một chuôi dao rỗng, trong đó dựng la bàn và một số vật dụng linh tinh như đá lửa, kim chỉ, lưỡi câu, dây câu … Một con dao xếp chỉ nên được sử dụng như là một vật dự phòng, mặc dù có nó thì vẫn tốt hơn là không có gì.

Cho dù các bạn có tất cả các thiết bị thì cũng vô ích nếu bạn không thể sử dụng nó cho đúng cách. Hãy chắc chắn là bạn đã thực hành nhiều lần trong một môi trường an toàn trước khi mạo hiểm vào nơi hoang dã.

Đừng quên mang theo một túi sơ cứu. Bạn nên mang theo thuốc sát trùng và nhíp để loại bỏ mảnh vụn có thể làm nhiễm trùng.

Bạn nên mang theo một cái poncho (áo mưa hình vuông có mũ trùm ở giữa) nó có thể được sử dụng rất đa dạng như để ngăn chặn gió và nước mưa, quấn quanh cơ thể để giữ ấm, chống hạ thân nhiệt, quấn hành trang để làm phao vượt sông, căng lên làm lều trú ẩn, túm hai đầu để làm võng, lót nằm để chống hơi đất …

Mang theo bao cao su. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn và buồn cười. Nhưng bạn biết không, bao cao su có thể chứa tới một gallon (khoảng 4 lít) nước, đây là một ân sủng cứu độ cho bạn, vì bạn sẽ rất cần nước để tồn tại và bao cao su thì có thể thay thế nột bình chứa nước (nên bỏ bao cao su trong một chiếc vớ để bảo vệ nó).

Trước khi ra khỏi nhà, bạn phải chắc chắn là mình hiểu và có thể sử dụng được la bàn. Nếu bạn có một bản đồ và có thể nhận ra một vài điểm mốc nổi bật của địa hình, bạn có thể sử dụng la bàn để kiểm tra chéo vị trí của bạn, từ đó, tìm ra nơi bạn cần phải đến.

Nên mang theo trong ba lô một cuốn sách hướng dẫn cách sinh tồn nơi hoang dã.

Hãy chắc chắn rằng bạn có một đôi giày thích hợp. Giày dép là vô cùng quan trọng khi đi rừng. Đừng đi vào rừng với một đôi dép, thậm chí với một chuyến đi bộ ngắn. Hãy mang một đôi giày tốt nhất và vớ. Nếu bạn đi lạc, bằng tất cả mọi giá, hãy bảo vệ cho đôi chân của bạn, vì nếu chân của bạn bị thương không đi được thì thật là một thảm họa, nó còn tồi tệ hơn cả việc bạn bị lạc trong rừng.

Mang theo phương tiện liên lạc

Một điện thoại di động với pin dự phòng hoặc một máy bộ đàm viễn liên có thể di động là tốt nhất. Đây là phương tiện cứu hộ nhanh nhất của bạn nếu bạn đang thực sự bị lạc hoặc bị thương. Tín hiệu cho điện thoại hay bộ đàm đôi khi chỉ có thể bắt sóng từ đỉnh một ngọn đồi hoặc một ngọn cây, nhưng vẫn tốt hơn là không có tín hiệu gì.

Tuy nhiên, các bạn đừng quá ỷ lại vào điện thoại di động, cho dù một số người đã được cứu thoát nhờ vào nó. Nhưng điện thoại có thể trở nên vô dụng nếu hết pin hay bạn ở ngoài tầm phủ sóng.

Những người chuyên nghiệp có thể đầu tư vào một máy định vị thông tin cá nhân như SPOT Messenger cho những chuyến đi xa dài ngày, hay qua những vùng núi non hiểm trở chập chùng, khó bắt sóng.

Một SPOT Messenger là một thiết bị thông tin vệ tinh, cho phép bạn liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp để được giúp đỡ trong trường hợp cần thiết, hoặc chỉ đơn giản là thông báo với bạn bè và gia đình của bạn để họ biết là bạn đang bình an. Thuê bao dịch vụ này là điều cần thiết nhưng chi phí thì không rẻ.

 

Tốt nhất là bạn chuẩn bị để hoạt động mà không có điện thoại di động, và việc bạn đã thông báo với một người nào đó về lịch trình của bạn cũng là nằm trong kế hoạch này. Khi bạn không về đúng hẹn, người ta sẽ biết bạn gặp rắc rối và sẽ tổ chức tìm kiếm.

Nếu mang điện thoại thông minh có GPS, trước khi đi hãy download bảng đồ GPS , tức là bản đồ có thể hoạt động mà không cần dữ liệu qua sóng điện thoại. 

LÀM GÌ KHI LỠ BỊ LẠC TRONG RỪNG?

Đừng hoảng loạn nếu bạn thấy mình bị thất lạc. Hoảng loạn là điều nguy hiểm nhất so với bất cứ điều gì khác, bởi vì nó can thiệp vào tâm trí và hành động của bạn, làm tê liệt hệ thần kinh làm bạn rối trí, không còn suy nghĩ một cách sáng suốt. Vào khoảnh khắc mà bạn nhận ra rằng mình bị lạc, việc trước tiên là DỪNG LẠI (STOP) hít thở thật sâu để bình tỉnh trở lại. Trước khi hành động, hãy làm theo các nguyên lý của chữ STOP viết tắt:

S = Sit down (Ngồi xuống)

T = Think (Suy nghĩ)

O = Observe (Quan sát môi trường xung quanh)

P = Prepare (Chuẩn bị cho sự sinh tồn)

Dừng lại!

Đừng tiếp tục băng rừng để tìm đường ra, vì điều này có thể làm cho bạn thêm mất phương hướng và có thể lạc sâu hơn. Ở tại chỗ làm tăng cơ hội được cứu thoát của bạn, bởi vì bạn đang ở gần nơi bạn đã mất tích, đó là nơi mà toán cứu hộ sẽ tìm kiếm đầu tiên. Ở tại chỗ còn giúp bạn bảo tồn năng lượng cơ thể, tiết kiệm số lượng nước và thực phẩm ít ỏi mà bạn mang theo.

 

Suy nghĩ sáng suốt và lên một kế hoạch

Hãy cố gắng bình tĩnh và hít thở sâu. Nếu bạn có thể suy nghĩ sáng suốt, bạn sẽ có một cơ hội tốt hơn để sống sót. Hãy hồi tưởng lại, bạn lạc lúc nào? địa điểm cuối cùng mà bạn còn nhớ rõ? Phương hướng nào để quay lại đó? Lệu bạn có thể tìm được đến đó hay không? Nếu không thì hãy ở tại chỗ. Nếu trời gần tối, bạn sẽ cần một kế hoạch để có thể tồn tại qua cái đêm đầu tiên trong rừng. Lên kế hoạch rõ ràng giúp bạn tập trung vào sự sinh tồn và để quên đi tình trạng hiện tại của mình..

Xây dựng một nơi trú ẩn

Điều này sẽ giúp bạn giữ ấm, cung cấp một nơi khô ráo để ngủ, và làm cho bạn cảm thấy an toàn hơn. Chỗ trú ẩn không cần phải tiên nghi mà chỉ đủ để chống mưa, gió và để giữ cho bạn ấm áp và an toàn. Nếu không có đủ thời gian để thực hiện, hãy tìm một tán cây rậm rạp để núp bên dưới qua đêm.

Nếu không có chỗ trú ẩn, bạn sẽ bị phơi ra trước các yếu tố thời tiết nguy hiểm và sẽ có nguy cơ hạ thân nhiệt. May mắn thay, các khu rừng luôn đầy dẫy các vật liệu  để làm nơi trú ẩn và đốt lửa để sưởi ấm, nấu nướng hay báo hiệu

Các bạn có thể tìm một cái cây ngã hoặc nghiêng để xây dựng một nơi trú ẩn bằng cách dùng các cành cây dụng dọc hai bên thân cây ngã, sau đó lấy các cành cọ, lá dừa, lá buông hoặc các loại lá cây khác để phủ lên

Hang động thì tuyệt vời, nhưng phải kiểm tra xem có thú hoang như gấu, hổ báo, rắn hoặc động vật không thân thiện khác. (xin xem CHỖ TRÚ ẨN)

Các bạn không nên dành tất cả thời gian ở trong chỗ trú ẩn, vì như vậy  các toán cứu hộ sẽ khó mà nhìn thấy bạn và bạn cũng khó mà nhìn thấy họ.

Tạo ra lửa

Đây là điều quan trọng nhất vì nó sẽ cho phép bạn sưởi ấm, nấu ăn, đun nước, xua đuổi động vật hoang dã và quan trọng nhất là giúp cho những người tìm kiếm bạn dễ nhìn thấy. Nếu bạn không có diêm hay đá đánh lửa, thì bạn có thể sử dụng những kỹ thuật khác để tạo lửa. Hai trong số những phương pháp phổ biến nhất là khoan tay và khoan cần cung. Cả hai phương pháp này đều có thể thu thập nguyên liệu từ môi trường xung quanh.

(xem Tạo Ra Lửa)

Đừng đốt lửa trong khu vực mà bạn cảm thấy là không an toàn, vì lửa có thể dễ dàng bén vào lớp lá khô, các cành cây thâp … và gây ra một trận cháy rừng. Hãy xem xét thời tiết và các yếu tố khác và nhớ rằng, bạn khó mà sống sót trong một đám cháy rừng hơn là chỉ bị thất lạc.

Tìm nguồn nước

Việc này cũng rất quan trọng cho sự sống còn của bạn. Sau đêm đầu tiên, bạn nên đi tuần tra chung quanh khu vực, tìm kiếm các nguồn nước gần đó. Gần đó có nghĩa là trong vòng nửa giờ đi bộ. Hãy thử lắng nghe tiếng nước chảy và lần tìm ra nó. Dòng nước chảy là nước tương đối sạch, có thể uống trực tiếp. Nếu không thì phải tìm vũng nước, hố nước … nhưng phải cẩn thận, vị nước ở đây không tinh khiết, bạn cần phải lọc hay dùng thuốc lọc.

(xem TÌM NƯỚC TRÊN ĐƯỜNG MƯU SINH)

Một phương pháp lọc nước đơn giản là đun sôi, nhưng các bạn cần phải mang theo nồi để nấu. Muốn tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả, các bạn phải để nước sôi trong ít nhất ba phút.  Bạn cũng có thể đổ nước vào một chai nhựa trong suốt và đặt nó dưới ánh mặt trời trong 6 giờ để tiêu diệt hầu hết các vi sinh vật. Tuy nhiên, nếu các bạn có loại nước đùng đục, chứa đầy các trầm tích, thì mặt trời không thể xuyên qua nó, vì vậy phương pháp này sẽ không hiệu quả. Nếu gặp trường hợp này, các bạn thêm một ít muối vào nước để cho các trầm tích lắng xuống đáy.

Tìm thực phẩm an toàn

Chúng ta biết rằng, một người lớn khỏe mạnh có thể tồn tại tới ba tuần mà không cần thức ăn, trừ khi người đó ở vùng lạnh. Cho nên tốt hơn thà để bị đói mà khỏe mạnh còn hơn là ăn tầm bậy để bị bệnh. Hãy chắc chắn rằng bạn biết thực phẩm nào là an toàn trước khi ăn.Nếu có bất cứ điều gì làm giảm khả năng tồn tại của bạn, thì đó là đang thất lạc mà bị bệnh nặng. Bị đói thì không phải là một vấn đề lớn.

Đừng sợ ăn côn trùng và các động vật nhỏ khác. Tuy trông có vẻ kinh tởm khi ăn một vài con châu chấu, nhưng chúng cung cấp dinh dưỡng hữu ích cho cơ thể bạn. Tất cả các loài côn trùng cần phải được nấu hay nướng chín vì chúng có thể chứa ký sinh trùng có thể giết chết bạn. Không ăn bất cứ sâu bướm, côn trùng có màu sắc rực rỡ. Ngắt bỏ chân, đầu và cánh của bất kỳ loài côn trùng trước khi ăn.

Tránh ăn các loại nấm mà bạn không biết rõ, cho dù bạn đói đến thế nào đi nữa. Thà để bị đói hơn là ăn một cái gì đó có độc. Nhiều loại quả mọng trong rừng ăn được, nhưng cũng có nhiều loại có độc, đặc biệt là quả mọng màu trắng, rất độc.

Tạo tín hiệu để cầu cứu

Sau khi đã tạm ổn định, bạn nên thiết lập các dấu hiệu để được cứu sống. Hãy thử mọi cách để báo hiệu cho bất cứ ai và bằng bất cứ thứ gì để có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa, giúp người khác tìm thấy bạn

Để cho những người đi tìm kiếm các bạn (hoặc phi cơ bay ngang qua) dễ dàng nhận ra nơi ở của mình, các bạn có thể đốt lửa (ở nơi trống trải), căng những tấm vải màu, quần áo, nón mũ … lên cao hoặc nơi dễ thấy, tạo những dấu hiệu theo quy định quốc tế như đốt 3 đống lửa (hay khói) tạo thành một hình tam giác đều. Chuẩn bị những thiết bị phát tín hiệu cầu cứu khác nếu có thể.

Gây ra những tiếng động lớn như: la hét, huýt sáo, thổi còi, gõ vào những thân cây rỗng, đập 2 cục đá vào nhau, đốt tre để nguyên cây (sẽ gây ra những tiếng nổ lớn), bắn 3 phát súng (nếu có).

Bảo tồn năng lượng

Năng lượng trong cơ thể của các bạn được cung cấp liên tục bằng thức ăn và nước uống. Trong tất cả mọi trường hợp, các bạn cố gắng tiến hành mọi biện pháp để tránh mất năng lượng. Nếu ở vùng lạnh thì cố gắng đừng để mất thân nhiệt bằng cách:

  • Tìm kiếm chỗ trú ẩn ấm áp.
  • Giữ cho cơ thể ấm và khô.
  • Cách ly cơ thể khỏi mặt đất.

Nếu ờ trong vùng nhiệt đới thì đừng để bị mất nước bằng cách:

  • Tìm kiếm chỗ trú ẩn thoáng mát.
  • Mặc quần áo và che đầu (đội mũ).
  • Cách ly cơ thể khỏi mặt đất.

Thám thính khu vực của bạn

Mặc dù bạn được khuyến cáo là không nên di chuyển quá nhiều để bảo tồn năng lượng. Tuy nhiên bạn cần phải tìm hiểu những khu vực trước mắt và xung quanh bạn, biết đâu bạn có thể khám phá ra một điều gì đó hữu ích. Bạn có thể tìm thấy những dấu vết mà ai đó trước đây đã để lại, có thể là một cái lon rỗng hoặc một cái bật lửa nhỏ, những thứ này có thể hữu ích đáng kể. Hoạc may mắn gặp một con đường mòn dẫn đến một trang trại hay một khu dân cư. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn luôn có thể tìm thấy đường trở lại “điểm trú ẩn” của bạn, cả những khi bạn đi tìm nước, tìm thức ăn hay tìm đường về nhà.

Tìm đường ra

Nếu bạn cảm thấy không thể ở lại tại chỗ vì chắc chắn là không ai biết để mà tìm bạn, thì cũng đừng chọn đại một hướng đi rồi lên đường, cho dù khi bạn có phương tiện (la bàn) để đảm bảo rằng bạn sẽ tiếp tục đi theo đúng hướng đó. Thay vào đó, bạn hãy thử hoặc đi lên dốc hoặc xuống dốc. Khi đi lên dốc các bạn sẽ có cơ hội tìm thấy điểm thuận lợi, có thể giúp bạn có được cái nhìn tổng thể của khu vực và biết đâu có thể tìm ra một hướng đi. Nếu đi xuống dốc, có thể bạn sẽ tìm thấy một con suối mà bạn có thể bám theo xuống vùng hạ lưu; vì mọi con suối đều đổ ra sông, mà hai bên sông thì thường có các làng chài hay các điểm dân cư và bạn sẽ được cứu thoát.  Nhưng không đi theo dòng nước xuống hạ nguồn vào ban đêm hoặc trong sương mù, vì có thể các bạn bị rơi vào thác gềnh hay vực sâu. Cũng đừng bao giờ đi xuống một hẻm núi, cho dù không có nguy cơ bị lũ quét, thì những vách đá quá dốc và trơn trợt là những chướng ngại khó mà vượt qua. Điều tồi tệ, nếu có một dòng suối trong hẻm núi, nó có thể biến thành một dòng sông cuồng nộ, buộc bạn phải quay lại.

MỘT SỐ BÍ QUYẾT

  • Nếu trời lạnh và bạn cảm thấy gần bi hạ thân nhiệt, hãy cố mà tĩnh táo, đừng để rơi vào giấc ngủ.Nó có thể dẫn đến tử vong.
  • Một trong những công cụ sinh tồn quan trọng mà hầu hết mọi người không bao giờ quan tâm: vỏ lon đồ hộp. Nó có thể thay cho nồi để nấu nhiều loại thực phẩm. Nắp của nó có thể chế biến thành dao, muỗng.
  • Bạn có thể sử dụng rêu như một chất cầm máu, sẽ giúp bạn không bị mất máu khi bị thương. Rêu cũng là loại dễ tìm thấy ở trong rừng, nhât là hai bên bờ sông.
  • Đối với những vết thương nghiêm trọng, tay áo sơ mi có thể được cắt ra và sử dụng như dãi băng.
  • Bạn có thể tồn tại vài tuần mà không có thức ăn, nhưng chỉ vài ngày mà không có nước uống, và trong điều kiện thời tiết xấu, có lẽ chỉ vài giờ mà không có nơi trú ẩn. Vì vậy hãy ưu tiên cho 2 nhu cầu đó.
  • Vào ban đêm, bạn có nguy cơ lạnh cóng cho đến chết. Hãy cố gắng để giữ ấm cho mình bằng mọi cách; đốt lửa, nằm trên lớp lót thực vật, tìm chỗ khuất gió, che phủ cơ thể bằng cành cây, vỏ cây … 

LỜI DẶN

  • Không quá ỷ lại vào công nghệ hiện đại như điện thoại di động, hệ thống GPS, hoặc máy truyền tin để cứu bạn nếu bạn bị lạc. Mang chúng theo với bạn nếu có sẵn. Nhưng hãy nhớ rằng các thiết bị này chỉ hoạt động khi hội đủ một số điều kiện; do đó phải có một kế hoạch dự phòng.
  • Tránh cắt bớt một phần quần áo của bạn. Xé một tay áo để tạm dùng cho một điều gì đó, có vẻ như là một ý tưởng tốt vào thời điểm đó, nhưng khi đêm xuống, bạn sẽ ước gì mình đừng có xé nó đi.
  • Không nên uống nước tiểu của chính mình như một nguồn nước.
  • Không bao giờ đi di chuyển trực tiếp trong một dòng sông (bơi) vì nước hấp thụ nhiệt của bạn nhiều hơn không khí, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt.
  • Giữ lửa của bạn luôn cháy! Nhưng phải cẩn thận, không để vật liệu dễ cháy gần lửa. Đừng để bị bao vây bởi một đám cháy rừng gây ra do sự sơ suất của bạn.

 Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...