Hướng đạo là một phong trào quần chúng thâu nhận tất cả mọi người, mọi thành phần, không phân biệt bản sắc, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, thành phần xã hội.
Từ tuổi mẫu giáo đến cụ già. Hiện trưởng Nguyễn Thúc Tuân ở Huế năm nay (2015) 103 tuổi, hàng tuần vẫn đến sinh hoạt với bầy Trường Sơn trong vai trò Baloo, mỗi khi có trại là ba lô lên vai sánh bước cùng đàn em “trèo đèo lội suối”.
4-6 tuổi: ngành Nhi (chỉ có ở một số đơn vị)
7-10 tuổi: ngành Ấu
11-17 tuổi: ngành Thiếu (nếu kể cả Thiếu lớn).
14-17 tuổi: ngành Kha
18-25 tuổi: ngành Tráng
Huynh trưởng Hướng đạo: trên 18 tuổi và chưa có giới hạn về tuổi
Hướng đạo là phương pháp giáo dục tuần tự dựa trên Lời Hứa và Luật Hướng đạo; theo Hệ thống hàng đội; cho các em học bằng thực hành; sử dụng chương trình tiệm tiến từ dễ đến khó, dựa trên sở thích từng lứa tuổi; sinh hoạt ngoài thiên nhiên; có người lớn yểm trợ. Trọng tâm của nền tảng giáo dục Hướng Đạo là Lời hứa và Luật.
Luật Hướng đạo được lập ra trên các điều luật của Hiệp sĩ thời Trung cổ. Các ý tưởng trong Hướng đạo được BP lấy từ phong tục tập quán của dân Zulu và các bộ tộc thiện chiến Phi châu, chiến binh Nhật Bản, người Ấn độ, một số truyện thời bấy giờ, … và một số do ông tự nghĩ ra.
Hướng đạo không phải là một tôn giáo nên không có giáo chủ, mặc dù là Hướng đạo khuyến khích các em sống có tín ngưỡng tâm linh.
Từ Hướng đạo có nghĩa là một phong trào giáo dục thanh thiếu niên, một hệ thống giáo dục, một lý tưởng sống. Nói nôm na, từ “đạo” trong chữ Hướng đạo nghĩa là “đường”, từ “hướng” trong chữ Hướng đạo nghĩa là “hướng dẫn”. Từ gốc tiếng Anh “scouting” có nghĩa gốc là dẫn đường, trinh sát. Phong trào Hướng đạo là một phong trào giáo dục thanh thiếu nhi trở thành một công dân tốt cho xã hội.
Người sáng lập là một vị tướng danh tiếng của nước Anh – Huân tước Baden Powell mà chúng tôi thường gọi thân thương là BP.