KỸ NĂNG CẦN BIẾT KHI VÀO RỪNG

KỸ NĂNG CẦN BIẾT KHI VÀO RỪNG

Khám phá một khu rừng mưa nhiệt đới là một trong những trải nghiệm du lịch thú vị và lành mạnh nhất. Rời xa những tiện nghi của nên văn minh đô thị, của máy điều hòa không khí, của màn chống muỗi và chất khử mùi mồ hôi, của công việc căng thẳng … Nhưng hòa nhập vào môi trường rừng nhiệt đới là bạn sẽ phải đối mặt với sự thiếu thốn tiện nghi, nhiệt độ nóng bức làm bạn dễ kiệt sức, giá rét về đêm có thể làm bạn bị hạ thân nhiệt, các sâu bọ côn trùng rình rập sẵn sàng cắn chích bạn ở những nơi bất ngờ nhất.

Điều đó nói lên rằng: nó là giá trị thật sự của tinh thần tự thắng bản thân, vượt qua những thử thách khó chịu khi bạn đang nhập vai cho một màn diễn vĩ đại nhất trên trái đất.

Nếu vì bất cứ một lý do nào đó mà các bạn phải đi vào một cánh rừng, để an toàn và đạt được mục đích, các bạn cần phải biết cách chuẩn bị cũng như am hiểu về một số nguyên tắc khi đi lại trong rừng.

TRANG BỊ TRƯỚC KHI VÀO RỪNG

10 VẬT DỤNG THIẾT YẾU (10 ESSENTIALS)

Những nhà phiêu lưu mạo hiểm, những người thường xuyên sinh hoạt ngoài trời có kinh nghiệm đưa ra một bản liệt kê 10 Vật dụng Cần thiết (The Ten Essentials) là 10 vật dụng chủ yếu đầu tiên được những người leo núi và di hành dã ngoại chọn lọc. Những vật dụng này không phải tất cả là đồ dùng thường ngày mà có những món chỉ sử dụng khi gặp tình huống khẩn cấp.

  1. Túi cứu thương (first aid kit), hay túi vật dụng khẩn cấp (emergency kit)
  2. Đèn pin – ánh sáng
  3. Thực phẩm đi đường
  4. Diêm và đá đánh lửa
  5. Vật dụng chống nắng
  6. Còi (Tu huýt, tù và)
  7. Áo mưa – áo lạnh
  8. Nước uống
  9. Bản đồ và la bàn
  10. Dao bỏ túi đa năng

Các bạn nên nhớ rằng, 10 vật dụng này chỉ là những vật dụng cần thiết mà thôi, không thể thay thế cho những vật dụng thường ngày, cho nên các bạn cần tiên liệu, thu ếp để mang theo một số vật dụng khác như lều võng, dây, y phục, giày dép, dao rừng, thực phẩm, nồi nêu soong chảo, tô chén, muỗng đũa, giấy vệ sinh … đừng quên thuốc lọc khử trùng nước và thuốc chống côn trùng.

GIẢM THIỂU TRỌNG LƯỢNG MANG THEO

Khi chuẩn bị hành trang để vào nơi hoang dã, các bạn thường luôn luôn đặt câu hỏi trước một thiết bị: Mang nó theo hay bỏ nó lại? Hầu như tất cả những người đi rừng  đều tìm cách giảm thiểu trọng lượng và đơn giản hóa các trang bị mang theo. Một chiếc ba lô nhẹ hơn sẽ giúp người đi rừng ít mệt hơn, ít bị chấn thương và có thể đi xa hơn. Mỗi trang bị được tính toán cân đối giữa dụng cụ mang theo và trọng lượng. Giảm thiểu trọng lượng tối đa thường phải hy sinh bỏ bớt một số dụng cụ, trang bị.

Ngày nay, với hàng ngàn loại quần áo và vật dụng dã ngoại có bán sẵn trên thị trường, sự chọn lựa của bạn không còn là vấn đề. Tuy nhiên, trong giới hạn của thể lực, chúng ta cần lưu ý đến các những vật dụng cung cấp cho chúng ta sự an toàn, khô ráo ấm áp và tiện nghi. Càng mang nhiều áo quần và vật dụng thì các bạn càng tiện nghi. Nhưng với thể lực của bạn, thì bạn có thể Mang nó được bao lâu? Đi được bao xa?  Leo được bao cao? …

Lưu ý: những tiêu chuẩn mà chúng tôi đưa ra sau đây dành cho những người đã có sự chuẩn bị từ trước. Còn nếu như các bạn là nạn nhân của một sự sinh tồn bắt buộc thì hãy xem đây là tài liệu tham khảo và tìm chọn cho mình những ứng xử thích hợp với hoàn cảnh.

Y PHỤC

Y phục không chỉ có tác dụng làm ấm cơ thể mà còn che chở, bảo vệ bạn trước thởi tiết thay đổi, ngăn chặn côn trùng chích đốt và gai rừng cào xước.

Nên mặc nhiều lớp áo mỏng hơn là một chiếc áo dày, đó là bí quyết khi di hành ở những vùng lạnh, vì bạn có thể dễ dàng điều chỉnh khi thời tiết thay đổi hay khi cơ thể của bạn nóng lên bằng cách cởi bớt áo ra. Dĩ nhiên các bạn phải mang theo áo lạnh dày để mặc khi đi ngủ.

Khi thời tiết ẩm ướt kéo dài, thậm chí trong điều kiện nhiệt độ mát, vẫn có thể làm cho các bạn bị hạ thân nhiệt, nếu y phục không đủ tiêu chuẩn để bảo vệ cơ thể. Có nhiều người không may sử dụng quần áo không đủ tiêu chuẩn, đã dẫn tới sự giảm nhiệt, gây ra sự nguy hiểm không kiểm soát được, đây là nguyên nhân thường xuyên gây ra những cái chết trên núi cao. Vì vậy, các bạn cần phải cẩn thận khi chọn lựa y phục, đảm bảo cho sự sống còn của bạn trong những vùng ẩm ướt và lạnh lẽo.

LỀU VÀ VÕNG

Để nghỉ ngơi trong rừng, tiện lợi nhất là các bạn nên mang theo một tấm bạt cá nhân và một cái võng. Khi cần, các bạn căng bạt ở trên và mắc võng ở dưới.Khi nằm võng dưới lều, nếu gặp trời mưa, nước mưa thường chảy theo hai đầu dây treo võng làm ướt lưng. Để khắc phục, các bạn chỉ cần dùng hai khoen sắt (cỡ vòng đeo tay), cột ở hai đầu võng. Nước chảy đến khoen sắt sẽ tự nhỏ hết xuống đất. Nếu không có khoen sắt, các bạn phải trồng thêm mỗi đầu một cột phụ.

Khi mắc võng, các bạn nên:

  • Chọn thân cây chắc chắn và có khoảng cách phù hợp để mắc võng
  • Chỗ mắc võng phải bằng phẳng, bên dưới không có đá hay vật nhọn nào (đề phòng đứt võng).
  • Sử dụng nút “Kéo gỗ” để mắc, vì nằm thì chắc chắn mà tháo thì phải dễ dàng.
  • Mắc võng cách mặt đất 0,8 – 1,0 m

NƯỚC

Người đi rừng luôn mang theo một lượng nước từ lúc khởi hành để uống trong lúc đi đường. Đối với các chuyến đi ngắn, các bạn có thể mang đủ nước để dùng cho suốt chuyến đi, nhưng đối với các chuyến đi xa,dài ngày, thì điều này không thực tiễn. Thông thường người ta mang từ hai đến bốn lít nước tùy theo điều kiện và nguồn nước thiên nhiên sẵn có khi cần, lúc đó các bạn có thể lấy nước từ sông, suối ao, hồ…

Nước uống và nước nấu ăn gần như luôn cần được lọc với một dụng cụ lọc nước hoặc thuốc lọc khử trùng để loại bỏ vi khuẩn và làm tinh khiết nước. Nếu trong khu vực không có nước hoặc nước không thể dùng được, các bạn cần mang theo số lượng nước lớn cho những khoảng đường dài hoặc các bạn phải biết cách tìm nước từ thiên nhiên.

(xem đề bàiTìm nước trên đường mưu sinh) 

DI CHUYỂN TRONG RỪNG

Nếu địa thế bằng phẳng, thời tiết tốt, sức khỏe của các bạn sung mãn, ít gặp chướng ngại, thì chắc các bạn sẽ sải bước nhanh chứ gì? Không! điều chủ yếu khi băng rừng không phải là đi nhanh cho mau đến đích mà quan trọng là biết giữ gìn sức khỏe. Luôn luôn dùng la bàn để kiểm tra hướng đi, nhất là khi các bạn phải vượt qua một cánh rừng hoang vu xa lạ. Ghi nhớ “phương giác tiến” (hướng đi) mà bạn đang di chuyển, để khi cần quay lại, bạn sẽ áp dụng công thức “phương giác thoái” để trở ra.

Nếu đó bản đồ, đi đến đâu các bạn chấm tọa độ đến đó, vẽ trên bản đồ con đường các bạn di chuyển và những địa hình địa vật nổi bật nhưng không được in trên bản đồ.Đánh dấu trên đường đi để đề phòng bị thất lạc, nhất là những ngã ba, những lối rẽ.

Khi di chuyển, cứ mỗi nửa giờ các bạn nên tạm nghỉ chừng 5 phút, không nên nghỉ quá lâu sẽ bị giãn cơ gây đau nhức hay bị chuột rút.

Thời gian có thể di chuyển được trong rừng là từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Do đó các  bạn phải biết tiên liệu để tìm chỗ nghỉ ngơi và cơm nước trước khi trời tối. Sau 4 giờ thì rừng đã sập tối.

ĐỀ PHÒNG THẤT LẠC

Mỗi năm, hàng chục người bị lạc trong rừng và họ trở thành nhiệm vụ của các đội tìm kiếm và cứu hộ. Trong hầu hết các trường hợp, những người này chỉ đơn giản là đi lang thang trên những con đường mòn đã có sẵn và rồi họ bị mất phương hướng. Một người bị lạc trong rừng có thể là một tình huống đáng lo ngại. Nếu bạn đi theo theo các điểm đã đánh dấu hoặc các cột mốc, bạn sẽ không gặp rắc rối. Nhưng, nếu bạn đã lang thang ra khỏi con đường mòn, hãy dừng lại ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn có thể thấy được những dấu chân của bạn, hãy đi ngược lại, nó sẽ đưa bạn trở lại con đường mòn. Nếu không, hãy làm theo các điều sau:

  • Hãy chú ý đến cảnh quang xung quanh và các điểm mốc của bạn. Liên hệ những điểm này với vị trí của bạn trên bản đồ (nếu bạn có mang theo).
  • Giữ bình tĩnh nếu bạn bị lạc. Hoảng loạn là kẻ thù số một của bạn. Nếu bạn điên cuồng chạy lòng vòng, thậm chí chỉ trong chốc lát, bạn có thể mất khả năng định hướng của bạn hoàn toàn. Cố gắng để nhớ lại làm thế nào bạn đến được điểm này.
  • Tin tưởng vào bản đồ và la bàn của bạn (nếu bạn có) và không đi lại vu vơ hú họa. Sử dụng la bàn để tìm phương giác thoái. Hãy suy nghĩ về cách mà bạn đã đến được đây. Thí dụ, nếu bạn đến từ hướng Đông Bắc, thì sau đó đi ngược về hướng Tây Nam. Nếu bình tĩnh, bạn có thể nhớ lại rất nhiều thứ. Nếu bạn đang ở trên một con đường mòn, đừng rời khỏi nó.
  • Bắt đầu đi ngược lại với các bước chân của bạn (nếu có la bàn thì sử dụng phương giác thoái). Nhớ để lại dấu vết nơi nào bạn đi qua, vì bạn có thể phải quay trở lại nơi mà bạn đang đứng. Ngoài ra, nếu ai đó đang cố gắng để tìm kiếm bạn, họ sẽ tìm thấy các dấu hiệu. Vì vậy, bạn làm càng nhiều càng tốt, những dấu hiệu cần nổi bật để dễ nhận ra, và cố gắng để đánh dấu hướng bạn đang đi. Các bạn có thể sử dụng những ký hiệu dấu đường của các Hướng đạo sinh để đánh dấu.

Một ví dụ; bạn đã rời khỏi đường mòn khoảng mười phút trước đây, vì vậy nếu bạn đi ngược lại mà mất nhiều thời gian hơn nhưng vẫn không thấy, bạn biết bạn đang đi sai đường.

Hãy nhớ rằng, nếu các bạn không thể quay lại hướng mà mình đã đi qua, thì tốt nhất là nên ở lại nơi mà những người tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy bạn. Tạo những dấu hiệu ở nơi trống trải để phi cơ có thể dễ dàng nhìn thấy. Tạo ra tiếng động lớn hay la hét khi bạn nghe văng vẳng như có ai đó đang ở gần đấy. Nếu bạn có một cái còi thì hãy thổi lên. Nếu bạn ở nơi trống trải, người ta có thể tìm thấy bạn dễ dàng. Đừng giấu mình trong một hang động hay dưới những bụi cây rậm rạp.

Ở lại nếu thấy trời đã sập tối hay nếu bạn bị thương hoặc nếu bạn đang kiệt sức. Tìm hay tạo dựng một chỗ trú ẩn khô ráo, ấm áp và an toàn để hồi sức. Ngày mai các bạn có thể tìm đường ra trong ánh sáng ban ngày.

Cuối cùng, nếu cảm thấy không thể ở lại, hãy tìm một con suối hay một dòng sông để di theo nó xuống hạ nguồn.  Điều này có thể khó đi nhưng thường sẽ dẫn đến một đường mòn hay đường bộ, và cuối cùng bạn sẽ đến với nền văn minh.  

DI CHUYỂN BAN ĐÊM TRONG RỪNG

Trừ những trường hợp bất khả kháng hay vì nhiệm vụ phải hoàn thành, các bạn không bao giờ nên di chuyển ban đêm ở trong rừng. Vì khó mà lường được những khó khăn nguy hiễm đang chờ đón chúng ta. Tuy nhiên nếu buộc phải đi thì các bạn phải biết cách hạn chế những rủi ro, tai nạn… nhất là những người chưa bao giờ đi đêm ở những nơi hoang dã.

Hạn chế dùng đèn pin tỏa sáng rộng mà nên che bớt lại, chỉ chừa một điểm sáng nhỏ đủ để thấy lối đi. Nếu không, chắc chắn  sẽ bị lóa mắt, mất phương hướng mà đi lạc.

  • Nếu có địa bàn, nên kiểm tra lại phương hướng thường xuyên mỗi 5 – 10 phút.
  • Nếu không có địa bàn, phải biết cách giữ hướng đi bằng cảm ứng, không nhìn gần trước mặt mà nhìn xuyên qua rừng (như) xuyên qua màn đêm.
  • Có thể giữ phương hướng bằng cách quan sát hướng gió, hướng mặt trăng và các chòm sao. 

 

  • Khi di chuyển nhiều người mà không có đèn, các bạn nên nối với nhau bằng dây, bằng gậy, nắm tay nhau …
  • Dùng những cây mục có phát quang (trong rừng có rất nhiều) cột vào sau lưng hay ba lô. Cũng có thể dùng khăn hay giấy màu trắng để những người đi sau dễ dàng bám theo người trước. Nếu không các bạn rất dễ lạc nhau.

Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

(Visited 1.499 times, 1 visits today)

Chia sẻ

Trả lời