Ứng Phó Bão Tố

Ứng Phó Bão Tố

Giông bão là hiện tượng thiên tai thường thấy ở các nơi trên thế giới, nhất là các nước nằm ven biển vùng nhiệt đới. Hằng năm, bão thường xuất hiện ở miền Trung và miền Bắc nước ta nhiều lần.

Bão bắt đầu khi ánh nắng mặt trời vùng nhiệt đới khuấy đảo làm cho nước biển ấm lên bốc ra nhiều hơi nước, ngưng tụ thành những đám mây dày đặc. Đó chính là nơi tập trung khởi đầu năng lượng của một cơn bão. Đám mây này không đứng yên một chỗ mà quay tròn liên tục với vận tốc càng lúc càng nhanh hình thành nên một khu vực trống rỗng ở trung tâm, được khoa học đặt tên là mắt bão. Không khí ở tâm (mắt) bão rất êm ả và trong sáng, còn áp suất thì rất thấp (vùng áp thấp). Chính áp suất không khí giảm rất thấp ở mắt bão đã góp phần làm cho vùng bao quanh nó tích lũy thêm nhiều sức mạnh, tùy vào điều kiện nơi hình thành mà áp thấp sẽ mạnh lên thành bão hoặc tự tan đi .

Một cơn bão đang hoành hành tại Thái Bình Dương (ảnh chụp từ vệ tinh)

     Một cơn bão đang hoành hành tại Thái Bình Dương (ảnh chụp từ vệ tinh)

Giông bão lớn tàn phá còn kinh khủng hơn lốc xoáy vì nó xuất hiện trên một diện tích rộng lớn và hoành hành trong một thời gian dài hơn lốc xoáy. Ngoài những cơn gió giật với tốc độ cao, nếu ở lục địa thì nó còn kèm theo sấm sét, mưa to kéo dài, gây ra lũ lụt, trượt đất… Nếu ở vùng biển thì phát sinh thủy triều dâng cao cùng với sóng lớn, mang đến những tổn thất rất lớn về người và của.

DỰ BÁO BÃO:

Hiện nay khả năng dự báo bão của khoa học đã đạt được 5 ngày trước khi xảy ra. Đó là nói đến những cơn bão có sức gió trung bình là 150 km/giờ. Hiện tại, tất cả những dữ liệu cơ sở về thời tiết đang được cung cấp bởi các vệ tinh thời tiết, các trạm quan trắc địa lý đặt trên tàu hoặc trên các phao nổi ở bề mặt đại dương. Từ khu vực mắt bão, họ sẽ chuyển các thông tin về nhiệt độ, áp suất và độ ẩm về trung tâm phân tích dữ liệu. Từ đó, các nhà chuyên môn sẽ tính toán và đưa ra dự báo về hướng phát triển của bão, đồng thời thông báo cho dân chúng biết để chủ động đối phó, giảm thiểu thiệt hại.

ĐỐI ĐẦU VỚI CƠN BÃO:

Cũng như đối đầu với lốc xoáy, để đương đầu với những cơn bão (thường xảy ra từ mùa Hè đến mùa Thu), các bạn cũng cần phải chuẩn bị một kế hoạch cho sự sinh tồn của mình và của gia đình trước khi cơn bão ập đến. Tuy nhiên, khác với lốc xoáy, các cơn bão thường được dự báo trước một thời gian khá lâu, đủ để cho chúng ta chuẩn bị.

  • Theo dõi các thông báo về thời tiết trên radio, TV để theo dõi các biến chuyển về thời tiết, nhất là vào mùa có giông bão. Thường thì khi sắp có bão, người ta sẽ thông báo liên tục trên các thông tin đại chúng. Các bạn cần có một máy phát thanh (radio) sử dụng pin để theo dõi mọi diễn biến qua đài vì có thể điện bị cúp trong khi có bão. Hiện nay các mạng điện thoại di động đã kết hợp cùng trung tâm khí tượng quốc gia gửi các tin nhắn thông báo thông tin về bão.
  • Chỗ an toàn nhất để tránh bão là tầng hầm trong nhà, nơi không có cửa sổ. Nếu nhà bạn không có tầng hầm, hãy đến bên trong một phòng nhỏ ở giữa nhà rồi núp dưới một vật nặng và chắc chắn.
  • Trong cơn giông bão, hãy lắng nghe các thông tin về cơn bão (qua radio, TV) để biết cường độ và hướng đi của bão. Từ đó, các bạn quyết định xem nên ở nhà để chờ cơn bão đi qua hay chạy đến một nơi trú ẩn chắc chắn hơn.
    • Trong cơn bão đôi khi sẽ có một lúc gián đoạn, không mưa gió, đó là lúc mắt bão đi qua. Nên tận dụng thời gian này để dọn dẹp và gia cố nhà cửa, chạy nhanh về nhà (nếu đang ở ngoài đường)… Vì cơn bão sẽ nhanh chóng quay lại nên đừng lầm tưởng rằng cơn bão đã qua đi mà không đề phòng.
    • Nếu các bạn nghe thông báo một cơn bão đang tiến đến. Hãy chuẩn bị sẵn sàng

–  Nếu đang ở nhà thì: neo dằn nhà cửa, mái tôn, mái ngói. Gia cố vách, cửa, cửa kính, cột nhà…

–  Thu dọn các đồ phơi phóng, các bồn hoa hay những vật để trên lan can, bao lơn…

–  Đóng các cửa sổ cũng như cửa ra vào, nhất là những cửa ở trên gió. Nếu gió thổi tung một cửa của nhà bạn, thì những cơn gió sẽ ùa vào nhà và sẽ hất tung mái nhà của bạn. Có thể dùng ván để đóng thêm bên ngoài các cửa sổ, nhất là các cửa kính, đề phòng những mảnh vật bị gió thổi tông vào.

–  Khi giông bão kéo đến, nếu cần có thể tạm ngắt điện để tránh những sự cố bất ngờ.

–  Chuẩn bị sẵn đèn cầy, đèn bão, quẹt gas, đèn pin… đề phòng mất điện. Nếu có thể, tốt nhất là chuẩn bị một máy phát điện nhỏ.

–  Kiểm tra đường cống thoát nước, khai thông mương rãnh. Chuẩn bị các vật liệu chống nước tràn vào nhà.

–  Chuẩn bị chỗ trú ẩn, nếu thấy không an toàn hãy sơ tán ngay.

–  Chuẩn bị lương thực đủ cho ít nhất là 72 giờ cho mỗi thành viên trong gia đình và vật nuôi.

Nếu sau khi nghe các thông tin về cường độ và hướng đi của cơn bão mà cảm thấy căn nhà của bạn không an toàn, hãy lập tức cho gia đình di tản đến nơi trú ẩn an toàn. Khi đi nhớ mang theo túi đựng dụng cụ thiết yếu (xem phần Động đất) vì có thể các bạn và gia đình sẽ vắng nhà một thời gian.

Các cấp độ bão:

Những cơn bão được phân cấp theo thang bão Saffir-Simpson như sau:

  • Cấp 1 : Tốc độ gió từ 120 ð 150 km/giờ (tương đương gió cấp 12 theo thang gió Beaufort)
  • Cấp 2 : Tốc độ gió từ 150 ð 175 km/giờ.
  • Cấp 3 : Tốc độ gió từ 175 ð 210 km/giờ. (Siêu bão)
  • Cấp 4 : Tốc độ gió từ 210 ð 250 km/giờ.
  • Cấp 5 : Tốc độ gió từ 250 km/giờ trở lên.

 Sau cơn giông bão:

Giống như động đất, lốc xoáy, bão tố hoặc các tai nạn khác, khi tai họa qua đi thì việc trước tiên là cấp cứu các nạn nhân, dập tắt các đám cháy, xử lý các đầu mối nguy hiểm… như đã đề cập các phần trước.

daosaigon.org

(Visited 286 times, 1 visits today)

Chia sẻ

Trả lời