Author - saigonscouts

GIAO LƯU VỚI HỌC SINH, BOY SCOUTS VÀ GIRL GUIDES TRƯỜNG EDGEFIELD – SINGAPORE

Ngày 12-11, đoàn học sinh trường Edgefield – Singapore đã đến thăm và trải nghiệm các hoạt động của Hướng Đạo Sinh tại công viên Tao Đàn. Đoàn gồm 50 em học sinh và 5 giáo viên. Phần lớn các em có sinh hoạt Boy Scouts và Girl Guides trong trường học. Trong các giáo viên đi kèm đoàn, có giáo viên kiêm Trưởng Hướng Đạo, tổ chức sinh hoạt ngay bên trong trường Edgefield!

Đoàn đã giao lưu với 5 Thiếu đoàn: Âu Lạc, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Tri Phương, Trương Vĩnh Ký, Mê Linh thuộc Đạo Sài Gòn. Các bạn đã chủ động chia sẻ với nhau những bài hát, những vũ điệu, những trò chơi và tự tin giao tiếp với nhau, trao đổi quà tặng và chụp hình lưu niệm.

Chi tiết...

ĐỂ SINH TỒN TRONG RỪNG

Biết đâu trong một chuyến lang thang ngoài trời để ngắm nhìn cảnh vật, khám phá thiên nhiên, sưu tầm các tiêu bản … rồi đột nhiên bạn thấy chung quanh mình hoàn toàn yên ắng, cô độc giữa rừng sâu. Bạn đã bị lạc!

Điều gì sẽ đến với bạn nếu bạn không thể tìm được đường ra?  Bị lạc trong rừng có thể là một tình huống đáng sợ, và để sống sót một mình trong hoang dã, các bạn cần phải có một số kỹ năng và kiến thức, sự kiên nhẫn, biết sử dụng những món quà mà thiên nhiên cung cấp một cách khôn ngoan. Nếu bạn muốn biết làm thế nào để sống sót trong rừng, chỉ cần chuẩn bị các việc sau sau

CHUẨN BỊ TRƯỚC KHI VÀO RỪNG

Nghiên tìm hiểu môi trường xung quanh

Đừng đi vào nơi hoang dã nếu bạn chưa có được một sự hiểu biết vững chắc về môi trường nơi đó. Hãy nghiên cứu trên bản đồ khu vực nơi mà bạn đang chuẩn bị tiến hành cuộc khám phá, và khi đi nhớ mang theo nó (bản đồ) với bạn. Như vậy sẽ làm giảm thiểu nguy cơ bị thất lạc xuống rất nhiều.

Ghi nhớ về hệ thực vật, động vật và đất đai của khu vực bạn đang khám phá. Kiến thức về các loài thực vật động vật và đất đai địa phương có thể cứu sống bạn.

Hãy chắc chắn rằng bạn đã ăn uống đầy đủ trước khi khởi hành, và đảm bảo một ai đó biết bạn đi đâu và bao giờ thì bạn về. Đó là một cách dự phòng. Khi một người nào đó nhận ra rằng bạn không về đúng như lịch hẹn, họ sẽ nhanh chóng thông báo cho các đội cứu hộ, và cho họ biết khu vực mà họ có thể bắt đầu tìm kiếm bạn.

Mang theo dụng cụ mưu sinh

Một số dụng cụ tồn tại cơ bản như một con dao, đá đánh lửa (hay diêm không thấm nước), một số dây (dây dù là tốt nhất), một cái còi, tấm bạt hay poncho, một gương tín hiệu, thuốc lọc nước và một la bàn. Từng đó thôi cũng đủ tạo nên sự khác biệt giữa sự sống và cái chết. Hãy luôn mang theo những vật này bên người bạn, thậm chí ngay cả khi bạn chỉ ra ngoài để đi dạo trong một ngày mà thôi.

Nếu có thể, bạn nên có một con dao mưu sinh, loại dao có lưỡi cố định với một chuôi dao rỗng, trong đó dựng la bàn và một số vật dụng linh tinh như đá lửa, kim chỉ, lưỡi câu, dây câu … Một con dao xếp chỉ nên được sử dụng như là một vật dự phòng, mặc dù có nó thì vẫn tốt hơn là không có gì.

Cho dù các bạn có tất cả các thiết bị thì cũng vô ích nếu bạn không thể sử dụng nó cho đúng cách. Hãy chắc chắn là bạn đã thực hành nhiều lần trong một môi trường an toàn trước khi mạo hiểm vào nơi hoang dã.

Đừng quên mang theo một túi sơ cứu. Bạn nên mang theo thuốc sát trùng và nhíp để loại bỏ mảnh vụn có thể làm nhiễm trùng.

Bạn nên mang theo một cái poncho (áo mưa hình vuông có mũ trùm ở giữa) nó có thể được sử dụng rất đa dạng như để ngăn chặn gió và nước mưa, quấn quanh cơ thể để giữ ấm, chống hạ thân nhiệt, quấn hành trang để làm phao vượt sông, căng lên làm lều trú ẩn, túm hai đầu để làm võng, lót nằm để chống hơi đất …

Mang theo bao cao su. Điều này nghe có vẻ ngớ ngẩn và buồn cười. Nhưng bạn biết không, bao cao su có thể chứa tới một gallon (khoảng 4 lít) nước, đây là một ân sủng cứu độ cho bạn, vì bạn sẽ rất cần nước để tồn tại và bao cao su thì có thể thay thế nột bình chứa nước (nên bỏ bao cao su trong một chiếc vớ để bảo vệ nó).

Trước khi ra khỏi nhà, bạn phải chắc chắn là mình hiểu và có thể sử dụng được la bàn. Nếu bạn có một bản đồ và có thể nhận ra một vài điểm mốc nổi bật của địa hình, bạn có thể sử dụng la bàn để kiểm tra chéo vị trí của bạn, từ đó, tìm ra nơi bạn cần phải đến.

Nên mang theo trong ba lô một cuốn sách hướng dẫn cách sinh tồn nơi hoang dã.

Hãy chắc chắn rằng bạn có một đôi giày thích hợp. Giày dép là vô cùng quan trọng khi đi rừng. Đừng đi vào rừng với một đôi dép, thậm chí với một chuyến đi bộ ngắn. Hãy mang một đôi giày tốt nhất và vớ. Nếu bạn đi lạc, bằng tất cả mọi giá, hãy bảo vệ cho đôi chân của bạn, vì nếu chân của bạn bị thương không đi được thì thật là một thảm họa, nó còn tồi tệ hơn cả việc bạn bị lạc trong rừng.

Mang theo phương tiện liên lạc

Một điện thoại di động với pin dự phòng hoặc một máy bộ đàm viễn liên có thể di động là tốt nhất. Đây là phương tiện cứu hộ nhanh nhất của bạn nếu bạn đang thực sự bị lạc hoặc bị thương. Tín hiệu cho điện thoại hay bộ đàm đôi khi chỉ có thể bắt sóng từ đỉnh một ngọn đồi hoặc một ngọn cây, nhưng vẫn tốt hơn là không có tín hiệu gì.

Tuy nhiên, các bạn đừng quá ỷ lại vào điện thoại di động, cho dù một số người đã được cứu thoát nhờ vào nó. Nhưng điện thoại có thể trở nên vô dụng nếu hết pin hay bạn ở ngoài tầm phủ sóng.

Những người chuyên nghiệp có thể đầu tư vào một máy định vị thông tin cá nhân như SPOT Messenger cho những chuyến đi xa dài ngày, hay qua những vùng núi non hiểm trở chập chùng, khó bắt sóng.

Một SPOT Messenger là một thiết bị thông tin vệ tinh, cho phép bạn liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp để được giúp đỡ trong trường hợp cần thiết, hoặc chỉ đơn giản là thông báo với bạn bè và gia đình của bạn để họ biết là bạn đang bình an. Thuê bao dịch vụ này là điều cần thiết nhưng chi phí thì không rẻ.

 

Tốt nhất là bạn chuẩn bị để hoạt động mà không có điện thoại di động, và việc bạn đã thông báo với một người nào đó về lịch trình của bạn cũng là nằm trong kế hoạch này. Khi bạn không về đúng hẹn, người ta sẽ biết bạn gặp rắc rối và sẽ tổ chức tìm kiếm.

Nếu mang điện thoại thông minh có GPS, trước khi đi hãy download bảng đồ GPS , tức là bản đồ có thể hoạt động mà không cần dữ liệu qua sóng điện thoại. 

LÀM GÌ KHI LỠ BỊ LẠC TRONG RỪNG?

Đừng hoảng loạn nếu bạn thấy mình bị thất lạc. Hoảng loạn là điều nguy hiểm nhất so với bất cứ điều gì khác, bởi vì nó can thiệp vào tâm trí và hành động của bạn, làm tê liệt hệ thần kinh làm bạn rối trí, không còn suy nghĩ một cách sáng suốt. Vào khoảnh khắc mà bạn nhận ra rằng mình bị lạc, việc trước tiên là DỪNG LẠI (STOP) hít thở thật sâu để bình tỉnh trở lại. Trước khi hành động, hãy làm theo các nguyên lý của chữ STOP viết tắt:

S = Sit down (Ngồi xuống)

T = Think (Suy nghĩ)

O = Observe (Quan sát môi trường xung quanh)

P = Prepare (Chuẩn bị cho sự sinh tồn)

Dừng lại!

Đừng tiếp tục băng rừng để tìm đường ra, vì điều này có thể làm cho bạn thêm mất phương hướng và có thể lạc sâu hơn. Ở tại chỗ làm tăng cơ hội được cứu thoát của bạn, bởi vì bạn đang ở gần nơi bạn đã mất tích, đó là nơi mà toán cứu hộ sẽ tìm kiếm đầu tiên. Ở tại chỗ còn giúp bạn bảo tồn năng lượng cơ thể, tiết kiệm số lượng nước và thực phẩm ít ỏi mà bạn mang theo.

 

Suy nghĩ sáng suốt và lên một kế hoạch

Hãy cố gắng bình tĩnh và hít thở sâu. Nếu bạn có thể suy nghĩ sáng suốt, bạn sẽ có một cơ hội tốt hơn để sống sót. Hãy hồi tưởng lại, bạn lạc lúc nào? địa điểm cuối cùng mà bạn còn nhớ rõ? Phương hướng nào để quay lại đó? Lệu bạn có thể tìm được đến đó hay không? Nếu không thì hãy ở tại chỗ. Nếu trời gần tối, bạn sẽ cần một kế hoạch để có thể tồn tại qua cái đêm đầu tiên trong rừng. Lên kế hoạch rõ ràng giúp bạn tập trung vào sự sinh tồn và để quên đi tình trạng hiện tại của mình..

Xây dựng một nơi trú ẩn

Điều này sẽ giúp bạn giữ ấm, cung cấp một nơi khô ráo để ngủ, và làm cho bạn cảm thấy an toàn hơn. Chỗ trú ẩn không cần phải tiên nghi mà chỉ đủ để chống mưa, gió và để giữ cho bạn ấm áp và an toàn. Nếu không có đủ thời gian để thực hiện, hãy tìm một tán cây rậm rạp để núp bên dưới qua đêm.

Nếu không có chỗ trú ẩn, bạn sẽ bị phơi ra trước các yếu tố thời tiết nguy hiểm và sẽ có nguy cơ hạ thân nhiệt. May mắn thay, các khu rừng luôn đầy dẫy các vật liệu  để làm nơi trú ẩn và đốt lửa để sưởi ấm, nấu nướng hay báo hiệu

Các bạn có thể tìm một cái cây ngã hoặc nghiêng để xây dựng một nơi trú ẩn bằng cách dùng các cành cây dụng dọc hai bên thân cây ngã, sau đó lấy các cành cọ, lá dừa, lá buông hoặc các loại lá cây khác để phủ lên

Hang động thì tuyệt vời, nhưng phải kiểm tra xem có thú hoang như gấu, hổ báo, rắn hoặc động vật không thân thiện khác. (xin xem CHỖ TRÚ ẨN)

Các bạn không nên dành tất cả thời gian ở trong chỗ trú ẩn, vì như vậy  các toán cứu hộ sẽ khó mà nhìn thấy bạn và bạn cũng khó mà nhìn thấy họ.

Tạo ra lửa

Đây là điều quan trọng nhất vì nó sẽ cho phép bạn sưởi ấm, nấu ăn, đun nước, xua đuổi động vật hoang dã và quan trọng nhất là giúp cho những người tìm kiếm bạn dễ nhìn thấy. Nếu bạn không có diêm hay đá đánh lửa, thì bạn có thể sử dụng những kỹ thuật khác để tạo lửa. Hai trong số những phương pháp phổ biến nhất là khoan tay và khoan cần cung. Cả hai phương pháp này đều có thể thu thập nguyên liệu từ môi trường xung quanh.

(xem Tạo Ra Lửa)

Đừng đốt lửa trong khu vực mà bạn cảm thấy là không an toàn, vì lửa có thể dễ dàng bén vào lớp lá khô, các cành cây thâp … và gây ra một trận cháy rừng. Hãy xem xét thời tiết và các yếu tố khác và nhớ rằng, bạn khó mà sống sót trong một đám cháy rừng hơn là chỉ bị thất lạc.

Tìm nguồn nước

Việc này cũng rất quan trọng cho sự sống còn của bạn. Sau đêm đầu tiên, bạn nên đi tuần tra chung quanh khu vực, tìm kiếm các nguồn nước gần đó. Gần đó có nghĩa là trong vòng nửa giờ đi bộ. Hãy thử lắng nghe tiếng nước chảy và lần tìm ra nó. Dòng nước chảy là nước tương đối sạch, có thể uống trực tiếp. Nếu không thì phải tìm vũng nước, hố nước … nhưng phải cẩn thận, vị nước ở đây không tinh khiết, bạn cần phải lọc hay dùng thuốc lọc.

(xem TÌM NƯỚC TRÊN ĐƯỜNG MƯU SINH)

Một phương pháp lọc nước đơn giản là đun sôi, nhưng các bạn cần phải mang theo nồi để nấu. Muốn tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả, các bạn phải để nước sôi trong ít nhất ba phút.  Bạn cũng có thể đổ nước vào một chai nhựa trong suốt và đặt nó dưới ánh mặt trời trong 6 giờ để tiêu diệt hầu hết các vi sinh vật. Tuy nhiên, nếu các bạn có loại nước đùng đục, chứa đầy các trầm tích, thì mặt trời không thể xuyên qua nó, vì vậy phương pháp này sẽ không hiệu quả. Nếu gặp trường hợp này, các bạn thêm một ít muối vào nước để cho các trầm tích lắng xuống đáy.

Tìm thực phẩm an toàn

Chúng ta biết rằng, một người lớn khỏe mạnh có thể tồn tại tới ba tuần mà không cần thức ăn, trừ khi người đó ở vùng lạnh. Cho nên tốt hơn thà để bị đói mà khỏe mạnh còn hơn là ăn tầm bậy để bị bệnh. Hãy chắc chắn rằng bạn biết thực phẩm nào là an toàn trước khi ăn.Nếu có bất cứ điều gì làm giảm khả năng tồn tại của bạn, thì đó là đang thất lạc mà bị bệnh nặng. Bị đói thì không phải là một vấn đề lớn.

Đừng sợ ăn côn trùng và các động vật nhỏ khác. Tuy trông có vẻ kinh tởm khi ăn một vài con châu chấu, nhưng chúng cung cấp dinh dưỡng hữu ích cho cơ thể bạn. Tất cả các loài côn trùng cần phải được nấu hay nướng chín vì chúng có thể chứa ký sinh trùng có thể giết chết bạn. Không ăn bất cứ sâu bướm, côn trùng có màu sắc rực rỡ. Ngắt bỏ chân, đầu và cánh của bất kỳ loài côn trùng trước khi ăn.

Tránh ăn các loại nấm mà bạn không biết rõ, cho dù bạn đói đến thế nào đi nữa. Thà để bị đói hơn là ăn một cái gì đó có độc. Nhiều loại quả mọng trong rừng ăn được, nhưng cũng có nhiều loại có độc, đặc biệt là quả mọng màu trắng, rất độc.

Tạo tín hiệu để cầu cứu

Sau khi đã tạm ổn định, bạn nên thiết lập các dấu hiệu để được cứu sống. Hãy thử mọi cách để báo hiệu cho bất cứ ai và bằng bất cứ thứ gì để có thể dễ dàng nhìn thấy từ xa, giúp người khác tìm thấy bạn

Để cho những người đi tìm kiếm các bạn (hoặc phi cơ bay ngang qua) dễ dàng nhận ra nơi ở của mình, các bạn có thể đốt lửa (ở nơi trống trải), căng những tấm vải màu, quần áo, nón mũ … lên cao hoặc nơi dễ thấy, tạo những dấu hiệu theo quy định quốc tế như đốt 3 đống lửa (hay khói) tạo thành một hình tam giác đều. Chuẩn bị những thiết bị phát tín hiệu cầu cứu khác nếu có thể.

Gây ra những tiếng động lớn như: la hét, huýt sáo, thổi còi, gõ vào những thân cây rỗng, đập 2 cục đá vào nhau, đốt tre để nguyên cây (sẽ gây ra những tiếng nổ lớn), bắn 3 phát súng (nếu có).

Bảo tồn năng lượng

Năng lượng trong cơ thể của các bạn được cung cấp liên tục bằng thức ăn và nước uống. Trong tất cả mọi trường hợp, các bạn cố gắng tiến hành mọi biện pháp để tránh mất năng lượng. Nếu ở vùng lạnh thì cố gắng đừng để mất thân nhiệt bằng cách:

  • Tìm kiếm chỗ trú ẩn ấm áp.
  • Giữ cho cơ thể ấm và khô.
  • Cách ly cơ thể khỏi mặt đất.

Nếu ờ trong vùng nhiệt đới thì đừng để bị mất nước bằng cách:

  • Tìm kiếm chỗ trú ẩn thoáng mát.
  • Mặc quần áo và che đầu (đội mũ).
  • Cách ly cơ thể khỏi mặt đất.

Thám thính khu vực của bạn

Mặc dù bạn được khuyến cáo là không nên di chuyển quá nhiều để bảo tồn năng lượng. Tuy nhiên bạn cần phải tìm hiểu những khu vực trước mắt và xung quanh bạn, biết đâu bạn có thể khám phá ra một điều gì đó hữu ích. Bạn có thể tìm thấy những dấu vết mà ai đó trước đây đã để lại, có thể là một cái lon rỗng hoặc một cái bật lửa nhỏ, những thứ này có thể hữu ích đáng kể. Hoạc may mắn gặp một con đường mòn dẫn đến một trang trại hay một khu dân cư. Nhưng hãy chắc chắn rằng bạn luôn có thể tìm thấy đường trở lại “điểm trú ẩn” của bạn, cả những khi bạn đi tìm nước, tìm thức ăn hay tìm đường về nhà.

Tìm đường ra

Nếu bạn cảm thấy không thể ở lại tại chỗ vì chắc chắn là không ai biết để mà tìm bạn, thì cũng đừng chọn đại một hướng đi rồi lên đường, cho dù khi bạn có phương tiện (la bàn) để đảm bảo rằng bạn sẽ tiếp tục đi theo đúng hướng đó. Thay vào đó, bạn hãy thử hoặc đi lên dốc hoặc xuống dốc. Khi đi lên dốc các bạn sẽ có cơ hội tìm thấy điểm thuận lợi, có thể giúp bạn có được cái nhìn tổng thể của khu vực và biết đâu có thể tìm ra một hướng đi. Nếu đi xuống dốc, có thể bạn sẽ tìm thấy một con suối mà bạn có thể bám theo xuống vùng hạ lưu; vì mọi con suối đều đổ ra sông, mà hai bên sông thì thường có các làng chài hay các điểm dân cư và bạn sẽ được cứu thoát.  Nhưng không đi theo dòng nước xuống hạ nguồn vào ban đêm hoặc trong sương mù, vì có thể các bạn bị rơi vào thác gềnh hay vực sâu. Cũng đừng bao giờ đi xuống một hẻm núi, cho dù không có nguy cơ bị lũ quét, thì những vách đá quá dốc và trơn trợt là những chướng ngại khó mà vượt qua. Điều tồi tệ, nếu có một dòng suối trong hẻm núi, nó có thể biến thành một dòng sông cuồng nộ, buộc bạn phải quay lại.

MỘT SỐ BÍ QUYẾT

  • Nếu trời lạnh và bạn cảm thấy gần bi hạ thân nhiệt, hãy cố mà tĩnh táo, đừng để rơi vào giấc ngủ.Nó có thể dẫn đến tử vong.
  • Một trong những công cụ sinh tồn quan trọng mà hầu hết mọi người không bao giờ quan tâm: vỏ lon đồ hộp. Nó có thể thay cho nồi để nấu nhiều loại thực phẩm. Nắp của nó có thể chế biến thành dao, muỗng.
  • Bạn có thể sử dụng rêu như một chất cầm máu, sẽ giúp bạn không bị mất máu khi bị thương. Rêu cũng là loại dễ tìm thấy ở trong rừng, nhât là hai bên bờ sông.
  • Đối với những vết thương nghiêm trọng, tay áo sơ mi có thể được cắt ra và sử dụng như dãi băng.
  • Bạn có thể tồn tại vài tuần mà không có thức ăn, nhưng chỉ vài ngày mà không có nước uống, và trong điều kiện thời tiết xấu, có lẽ chỉ vài giờ mà không có nơi trú ẩn. Vì vậy hãy ưu tiên cho 2 nhu cầu đó.
  • Vào ban đêm, bạn có nguy cơ lạnh cóng cho đến chết. Hãy cố gắng để giữ ấm cho mình bằng mọi cách; đốt lửa, nằm trên lớp lót thực vật, tìm chỗ khuất gió, che phủ cơ thể bằng cành cây, vỏ cây … 

LỜI DẶN

  • Không quá ỷ lại vào công nghệ hiện đại như điện thoại di động, hệ thống GPS, hoặc máy truyền tin để cứu bạn nếu bạn bị lạc. Mang chúng theo với bạn nếu có sẵn. Nhưng hãy nhớ rằng các thiết bị này chỉ hoạt động khi hội đủ một số điều kiện; do đó phải có một kế hoạch dự phòng.
  • Tránh cắt bớt một phần quần áo của bạn. Xé một tay áo để tạm dùng cho một điều gì đó, có vẻ như là một ý tưởng tốt vào thời điểm đó, nhưng khi đêm xuống, bạn sẽ ước gì mình đừng có xé nó đi.
  • Không nên uống nước tiểu của chính mình như một nguồn nước.
  • Không bao giờ đi di chuyển trực tiếp trong một dòng sông (bơi) vì nước hấp thụ nhiệt của bạn nhiều hơn không khí, có thể dẫn đến hạ thân nhiệt.
  • Giữ lửa của bạn luôn cháy! Nhưng phải cẩn thận, không để vật liệu dễ cháy gần lửa. Đừng để bị bao vây bởi một đám cháy rừng gây ra do sự sơ suất của bạn.

 Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

KỸ NĂNG CẦN BIẾT KHI VÀO RỪNG

Khám phá một khu rừng mưa nhiệt đới là một trong những trải nghiệm du lịch thú vị và lành mạnh nhất. Rời xa những tiện nghi của nên văn minh đô thị, của máy điều hòa không khí, của màn chống muỗi và chất khử mùi mồ hôi, của công việc căng thẳng … Nhưng hòa nhập vào môi trường rừng nhiệt đới là bạn sẽ phải đối mặt với sự thiếu thốn tiện nghi, nhiệt độ nóng bức làm bạn dễ kiệt sức, giá rét về đêm có thể làm bạn bị hạ thân nhiệt, các sâu bọ côn trùng rình rập sẵn sàng cắn chích bạn ở những nơi bất ngờ nhất.

Điều đó nói lên rằng: nó là giá trị thật sự của tinh thần tự thắng bản thân, vượt qua những thử thách khó chịu khi bạn đang nhập vai cho một màn diễn vĩ đại nhất trên trái đất.

Nếu vì bất cứ một lý do nào đó mà các bạn phải đi vào một cánh rừng, để an toàn và đạt được mục đích, các bạn cần phải biết cách chuẩn bị cũng như am hiểu về một số nguyên tắc khi đi lại trong rừng.

TRANG BỊ TRƯỚC KHI VÀO RỪNG

10 VẬT DỤNG THIẾT YẾU (10 ESSENTIALS)

Những nhà phiêu lưu mạo hiểm, những người thường xuyên sinh hoạt ngoài trời có kinh nghiệm đưa ra một bản liệt kê 10 Vật dụng Cần thiết (The Ten Essentials) là 10 vật dụng chủ yếu đầu tiên được những người leo núi và di hành dã ngoại chọn lọc. Những vật dụng này không phải tất cả là đồ dùng thường ngày mà có những món chỉ sử dụng khi gặp tình huống khẩn cấp.

  1. Túi cứu thương (first aid kit), hay túi vật dụng khẩn cấp (emergency kit)
  2. Đèn pin – ánh sáng
  3. Thực phẩm đi đường
  4. Diêm và đá đánh lửa
  5. Vật dụng chống nắng
  6. Còi (Tu huýt, tù và)
  7. Áo mưa – áo lạnh
  8. Nước uống
  9. Bản đồ và la bàn
  10. Dao bỏ túi đa năng

Các bạn nên nhớ rằng, 10 vật dụng này chỉ là những vật dụng cần thiết mà thôi, không thể thay thế cho những vật dụng thường ngày, cho nên các bạn cần tiên liệu, thu ếp để mang theo một số vật dụng khác như lều võng, dây, y phục, giày dép, dao rừng, thực phẩm, nồi nêu soong chảo, tô chén, muỗng đũa, giấy vệ sinh … đừng quên thuốc lọc khử trùng nước và thuốc chống côn trùng.

GIẢM THIỂU TRỌNG LƯỢNG MANG THEO

Khi chuẩn bị hành trang để vào nơi hoang dã, các bạn thường luôn luôn đặt câu hỏi trước một thiết bị: Mang nó theo hay bỏ nó lại? Hầu như tất cả những người đi rừng  đều tìm cách giảm thiểu trọng lượng và đơn giản hóa các trang bị mang theo. Một chiếc ba lô nhẹ hơn sẽ giúp người đi rừng ít mệt hơn, ít bị chấn thương và có thể đi xa hơn. Mỗi trang bị được tính toán cân đối giữa dụng cụ mang theo và trọng lượng. Giảm thiểu trọng lượng tối đa thường phải hy sinh bỏ bớt một số dụng cụ, trang bị.

Ngày nay, với hàng ngàn loại quần áo và vật dụng dã ngoại có bán sẵn trên thị trường, sự chọn lựa của bạn không còn là vấn đề. Tuy nhiên, trong giới hạn của thể lực, chúng ta cần lưu ý đến các những vật dụng cung cấp cho chúng ta sự an toàn, khô ráo ấm áp và tiện nghi. Càng mang nhiều áo quần và vật dụng thì các bạn càng tiện nghi. Nhưng với thể lực của bạn, thì bạn có thể Mang nó được bao lâu? Đi được bao xa?  Leo được bao cao? …

Lưu ý: những tiêu chuẩn mà chúng tôi đưa ra sau đây dành cho những người đã có sự chuẩn bị từ trước. Còn nếu như các bạn là nạn nhân của một sự sinh tồn bắt buộc thì hãy xem đây là tài liệu tham khảo và tìm chọn cho mình những ứng xử thích hợp với hoàn cảnh.

Y PHỤC

Y phục không chỉ có tác dụng làm ấm cơ thể mà còn che chở, bảo vệ bạn trước thởi tiết thay đổi, ngăn chặn côn trùng chích đốt và gai rừng cào xước.

Nên mặc nhiều lớp áo mỏng hơn là một chiếc áo dày, đó là bí quyết khi di hành ở những vùng lạnh, vì bạn có thể dễ dàng điều chỉnh khi thời tiết thay đổi hay khi cơ thể của bạn nóng lên bằng cách cởi bớt áo ra. Dĩ nhiên các bạn phải mang theo áo lạnh dày để mặc khi đi ngủ.

Khi thời tiết ẩm ướt kéo dài, thậm chí trong điều kiện nhiệt độ mát, vẫn có thể làm cho các bạn bị hạ thân nhiệt, nếu y phục không đủ tiêu chuẩn để bảo vệ cơ thể. Có nhiều người không may sử dụng quần áo không đủ tiêu chuẩn, đã dẫn tới sự giảm nhiệt, gây ra sự nguy hiểm không kiểm soát được, đây là nguyên nhân thường xuyên gây ra những cái chết trên núi cao. Vì vậy, các bạn cần phải cẩn thận khi chọn lựa y phục, đảm bảo cho sự sống còn của bạn trong những vùng ẩm ướt và lạnh lẽo.

LỀU VÀ VÕNG

Để nghỉ ngơi trong rừng, tiện lợi nhất là các bạn nên mang theo một tấm bạt cá nhân và một cái võng. Khi cần, các bạn căng bạt ở trên và mắc võng ở dưới.Khi nằm võng dưới lều, nếu gặp trời mưa, nước mưa thường chảy theo hai đầu dây treo võng làm ướt lưng. Để khắc phục, các bạn chỉ cần dùng hai khoen sắt (cỡ vòng đeo tay), cột ở hai đầu võng. Nước chảy đến khoen sắt sẽ tự nhỏ hết xuống đất. Nếu không có khoen sắt, các bạn phải trồng thêm mỗi đầu một cột phụ.

Khi mắc võng, các bạn nên:

  • Chọn thân cây chắc chắn và có khoảng cách phù hợp để mắc võng
  • Chỗ mắc võng phải bằng phẳng, bên dưới không có đá hay vật nhọn nào (đề phòng đứt võng).
  • Sử dụng nút “Kéo gỗ” để mắc, vì nằm thì chắc chắn mà tháo thì phải dễ dàng.
  • Mắc võng cách mặt đất 0,8 – 1,0 m

NƯỚC

Người đi rừng luôn mang theo một lượng nước từ lúc khởi hành để uống trong lúc đi đường. Đối với các chuyến đi ngắn, các bạn có thể mang đủ nước để dùng cho suốt chuyến đi, nhưng đối với các chuyến đi xa,dài ngày, thì điều này không thực tiễn. Thông thường người ta mang từ hai đến bốn lít nước tùy theo điều kiện và nguồn nước thiên nhiên sẵn có khi cần, lúc đó các bạn có thể lấy nước từ sông, suối ao, hồ…

Nước uống và nước nấu ăn gần như luôn cần được lọc với một dụng cụ lọc nước hoặc thuốc lọc khử trùng để loại bỏ vi khuẩn và làm tinh khiết nước. Nếu trong khu vực không có nước hoặc nước không thể dùng được, các bạn cần mang theo số lượng nước lớn cho những khoảng đường dài hoặc các bạn phải biết cách tìm nước từ thiên nhiên.

(xem đề bàiTìm nước trên đường mưu sinh) 

DI CHUYỂN TRONG RỪNG

Nếu địa thế bằng phẳng, thời tiết tốt, sức khỏe của các bạn sung mãn, ít gặp chướng ngại, thì chắc các bạn sẽ sải bước nhanh chứ gì? Không! điều chủ yếu khi băng rừng không phải là đi nhanh cho mau đến đích mà quan trọng là biết giữ gìn sức khỏe. Luôn luôn dùng la bàn để kiểm tra hướng đi, nhất là khi các bạn phải vượt qua một cánh rừng hoang vu xa lạ. Ghi nhớ “phương giác tiến” (hướng đi) mà bạn đang di chuyển, để khi cần quay lại, bạn sẽ áp dụng công thức “phương giác thoái” để trở ra.

Nếu đó bản đồ, đi đến đâu các bạn chấm tọa độ đến đó, vẽ trên bản đồ con đường các bạn di chuyển và những địa hình địa vật nổi bật nhưng không được in trên bản đồ.Đánh dấu trên đường đi để đề phòng bị thất lạc, nhất là những ngã ba, những lối rẽ.

Khi di chuyển, cứ mỗi nửa giờ các bạn nên tạm nghỉ chừng 5 phút, không nên nghỉ quá lâu sẽ bị giãn cơ gây đau nhức hay bị chuột rút.

Thời gian có thể di chuyển được trong rừng là từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Do đó các  bạn phải biết tiên liệu để tìm chỗ nghỉ ngơi và cơm nước trước khi trời tối. Sau 4 giờ thì rừng đã sập tối.

ĐỀ PHÒNG THẤT LẠC

Mỗi năm, hàng chục người bị lạc trong rừng và họ trở thành nhiệm vụ của các đội tìm kiếm và cứu hộ. Trong hầu hết các trường hợp, những người này chỉ đơn giản là đi lang thang trên những con đường mòn đã có sẵn và rồi họ bị mất phương hướng. Một người bị lạc trong rừng có thể là một tình huống đáng lo ngại. Nếu bạn đi theo theo các điểm đã đánh dấu hoặc các cột mốc, bạn sẽ không gặp rắc rối. Nhưng, nếu bạn đã lang thang ra khỏi con đường mòn, hãy dừng lại ngay lập tức. Trong nhiều trường hợp, nếu bạn có thể thấy được những dấu chân của bạn, hãy đi ngược lại, nó sẽ đưa bạn trở lại con đường mòn. Nếu không, hãy làm theo các điều sau:

  • Hãy chú ý đến cảnh quang xung quanh và các điểm mốc của bạn. Liên hệ những điểm này với vị trí của bạn trên bản đồ (nếu bạn có mang theo).
  • Giữ bình tĩnh nếu bạn bị lạc. Hoảng loạn là kẻ thù số một của bạn. Nếu bạn điên cuồng chạy lòng vòng, thậm chí chỉ trong chốc lát, bạn có thể mất khả năng định hướng của bạn hoàn toàn. Cố gắng để nhớ lại làm thế nào bạn đến được điểm này.
  • Tin tưởng vào bản đồ và la bàn của bạn (nếu bạn có) và không đi lại vu vơ hú họa. Sử dụng la bàn để tìm phương giác thoái. Hãy suy nghĩ về cách mà bạn đã đến được đây. Thí dụ, nếu bạn đến từ hướng Đông Bắc, thì sau đó đi ngược về hướng Tây Nam. Nếu bình tĩnh, bạn có thể nhớ lại rất nhiều thứ. Nếu bạn đang ở trên một con đường mòn, đừng rời khỏi nó.
  • Bắt đầu đi ngược lại với các bước chân của bạn (nếu có la bàn thì sử dụng phương giác thoái). Nhớ để lại dấu vết nơi nào bạn đi qua, vì bạn có thể phải quay trở lại nơi mà bạn đang đứng. Ngoài ra, nếu ai đó đang cố gắng để tìm kiếm bạn, họ sẽ tìm thấy các dấu hiệu. Vì vậy, bạn làm càng nhiều càng tốt, những dấu hiệu cần nổi bật để dễ nhận ra, và cố gắng để đánh dấu hướng bạn đang đi. Các bạn có thể sử dụng những ký hiệu dấu đường của các Hướng đạo sinh để đánh dấu.

Một ví dụ; bạn đã rời khỏi đường mòn khoảng mười phút trước đây, vì vậy nếu bạn đi ngược lại mà mất nhiều thời gian hơn nhưng vẫn không thấy, bạn biết bạn đang đi sai đường.

Hãy nhớ rằng, nếu các bạn không thể quay lại hướng mà mình đã đi qua, thì tốt nhất là nên ở lại nơi mà những người tìm kiếm có thể dễ dàng tìm thấy bạn. Tạo những dấu hiệu ở nơi trống trải để phi cơ có thể dễ dàng nhìn thấy. Tạo ra tiếng động lớn hay la hét khi bạn nghe văng vẳng như có ai đó đang ở gần đấy. Nếu bạn có một cái còi thì hãy thổi lên. Nếu bạn ở nơi trống trải, người ta có thể tìm thấy bạn dễ dàng. Đừng giấu mình trong một hang động hay dưới những bụi cây rậm rạp.

Ở lại nếu thấy trời đã sập tối hay nếu bạn bị thương hoặc nếu bạn đang kiệt sức. Tìm hay tạo dựng một chỗ trú ẩn khô ráo, ấm áp và an toàn để hồi sức. Ngày mai các bạn có thể tìm đường ra trong ánh sáng ban ngày.

Cuối cùng, nếu cảm thấy không thể ở lại, hãy tìm một con suối hay một dòng sông để di theo nó xuống hạ nguồn.  Điều này có thể khó đi nhưng thường sẽ dẫn đến một đường mòn hay đường bộ, và cuối cùng bạn sẽ đến với nền văn minh.  

DI CHUYỂN BAN ĐÊM TRONG RỪNG

Trừ những trường hợp bất khả kháng hay vì nhiệm vụ phải hoàn thành, các bạn không bao giờ nên di chuyển ban đêm ở trong rừng. Vì khó mà lường được những khó khăn nguy hiễm đang chờ đón chúng ta. Tuy nhiên nếu buộc phải đi thì các bạn phải biết cách hạn chế những rủi ro, tai nạn… nhất là những người chưa bao giờ đi đêm ở những nơi hoang dã.

Hạn chế dùng đèn pin tỏa sáng rộng mà nên che bớt lại, chỉ chừa một điểm sáng nhỏ đủ để thấy lối đi. Nếu không, chắc chắn  sẽ bị lóa mắt, mất phương hướng mà đi lạc.

  • Nếu có địa bàn, nên kiểm tra lại phương hướng thường xuyên mỗi 5 – 10 phút.
  • Nếu không có địa bàn, phải biết cách giữ hướng đi bằng cảm ứng, không nhìn gần trước mặt mà nhìn xuyên qua rừng (như) xuyên qua màn đêm.
  • Có thể giữ phương hướng bằng cách quan sát hướng gió, hướng mặt trăng và các chòm sao. 

 

  • Khi di chuyển nhiều người mà không có đèn, các bạn nên nối với nhau bằng dây, bằng gậy, nắm tay nhau …
  • Dùng những cây mục có phát quang (trong rừng có rất nhiều) cột vào sau lưng hay ba lô. Cũng có thể dùng khăn hay giấy màu trắng để những người đi sau dễ dàng bám theo người trước. Nếu không các bạn rất dễ lạc nhau.

Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

Trại Hè Hợp Sức 2017 – Bảy ngày ở Phan Thiết

Trại Hè Hợp Sức 2017 của Đạo Sài Gòn diễn ra chính thức 7 ngày 6 đêm từ 3/7 đến 9/7 tại KDL Vĩnh Lộc, xã Tiến Thành, Thành phố Phan Thiết.

Trại trưởng năm nay là Trưởng Trần Hoàng Quân.

Trước trại 2 ngày tức Thứ Bảy (1/7), 20 huynh trưởng cùng tráng sinh đã rời Sài Gòn bằng  xe bus về đất trại, cùng một xe tải chở hơn một nghìn cây tầm vông và dụng cụ trại của các đoàn, để chuẩn bị các hạng mục cơ bản của trại.

Thời tiết suốt trại chủ yếu là nắng nhẹ, rải rác vài cơn mưa nhỏ, nhìn chung khá thuận lợi cho các hoạt động.

Ngày trại thứ nhất: Sáng ngày 3/7, hai xe bus chở Thiếu sinh các đoàn rời Tao Đàn lúc 7:15. Chưa đến 11h, các xe đã đến đất trại. Đến nơi, cổng trại, kỳ đài, sân khấu nhỏ, khu tiểu trại của Tráng đoàn RED đã mọc lên rồi. Ngay sau đó là các trò chơi của Thủ tục nhập trại, đánh dấu sự bắt đầu kỳ trại 7 ngày.

Ăn trưa xong, các đội nhận đất trại và bắt đầu công cuộc kiến thiết đời sống trại. Đến chiều tất cả các đội đều đảm bảo cơ bản cho đời sống của mình, gồm bếp, lều bung và một vài hạng mục tiện nghi.

Ngày trại thứ hai: Sáng sớm ngày 4/7 đã thấy đội Đại Bàng đã lên lều sàn. Tiếc là lều này phải hạ xuống sau đó do đội thấy kết cấu của nó chưa đủ độ vững chắc. Nguyên ngày thứ hai này, các đội tập trung vào kiến thiết.

Sáng ngày trại thứ ba (5/7), buổi chào cờ trại khá đặc biệt khi quốc ca và hội ca lần lượt được bắt nhịp bằng kèn trumpet của thiếu sinh. Thiếu sinh Phan Văn Duy Lương, đội Đại Bàng, đoàn Trương Vĩnh Ký, tiếp tục thổi trumpet trong tất cả các buổi chào cờ đến cuối trại.

Theo kết quả kiểm tra vào buổi sáng và được công bố trước sân cờ, có hai đội chưa đạt chuẩn. Sau đó nhờ nỗ lực sự giúp sức của các đội khác, đến trưa 100% các đội đạt chuẩn đời sống trại, và các hoạt động trò chơi lớn mới được chính thức bắt đầu. Sáng cùng ngày, hai Ấu đoàn rời Tao Đàn từ 06:30 và nhập trại lúc 11:00.

Cốt truyện xuyên suốt trong trại hè năm này là về 2 đội quân Roman và Templar. Hai bên đánh nhau khốc liệt để tranh giành kho báu được đồn thổi, không biết rằng mình đang mắc mưu của cướp biển Cilician. Chúng chỉ đợi 2 đội quân suy yếu sau cuộc chiến tương tàn, để nhảy ra thôn tính cả 2 đế chế. Nhận ra điều này, Roman và Templar quyết định ngồi lại với nhau, ký kết hợp tác, trao đổi buôn bán để cả 2 bên cùng hùng mạnh. Bây giờ kẻ thù chung của họ là bọn cướp biển Cilician… Trò chơi lớn, trò chơi đêm và các hoạt động khác trong ngày trại thứ ba (5/7), tư (6/7) và năm (7/7) đều theo mạch truyện này.

Lửa trại diễn ra vào tối ngày trại thứ năm tức 7/7 với các tiết mục ca múa của trại sinh, có cả tiết mục của phụ huynh.

Tối ngày trại thứ 6 là tiệc buffet Final Party với sự phục vụ của nhà bếp, các huynh trưởng và phụ huynh, và sau tiệc buffet là buổi Gala giao lưu kết hợp biễu diễn của các đơn vị.

Sáng Chủ Nhật cả trại chào cờ tổng kết và hạ cờ sau đó. Hai xe ngành Ấu rời trại lúc 13:30, 2 xe ngành Thiếu rời trại lúc 15:00.

Tổng kết:

  • Số trại sinh: 194 hướng đạo sinh, huynh trưởng và phụ tá. (số lượng phụ huynh và khách là khoảng 50 người, chưa tính vào trại sinh)
  • Đội nhất trại: Đội Báo, Thiếu đoàn Trương Vĩnh Ký
  • Đàn nhất trại: Đàn Trắng, Ấu đoàn Lương Thế Vinh

Lực lượng giúp ích trại năm nay lúc tối đa đạt 52 người, trong đó tráng đoàn RED đóng góp lên đến 28 tráng sinh.

Hình ảnh trại sinh Hợp Sức 2017

Các hình ảnh sinh hoạt và nghi thức:

Hãy đón xem Kỷ Yếu trại Hợp Sức 2017.

SaigonScouts

Chi tiết...