Kỹ Năng Tổng Hợp

Kỹ Thuật Hô Hấp Nhân Tạo

Con người giữ sự sống bằng cách hít thở không khí vào phổi. Khi một người ngưng thở thì đây là một tình trạng đe dọa mạng sống được gọi là ngưng hô hấp. Thường thì khi nạn nhân ngừng thở, họ có thể thở lại nếu người ta tìm cách đưa không khí vào phổi họ, làm kích thích cho họ thở lại. Tuy nhiên, nếu nạn nhân ngừng thở  thì có thể kéo theo việc tuần hoàn – hô hấp ngừng hoạt động, nghĩa là họ không còn thở và tim cũng không còn đập.

Nếu phổi của nạn nhân ngừng tiếp nhận khí oxy, thì nạn nhân sẽ bị tổn thương não tùy theo thời gian dài hay ngắn, tính từ lúc nạn nhân ngưng thở như sau:

  • Từ 4 – 6 phút: có thể tổn thương não.
  • Từ 6 – 10 phút: não đã bị tổn thương.
  • Trên 10 phút: não bị tổn thương không hồi phục và chết.

Vì thế, một trong những điều quan trọng là chúng ta phải tái lập lại hơi thở một cách nhanh chóng và chính xác.

hhnt

Kỹ Thuật Hô Hấp Nhân Tạọ là một phương pháp đưa không khí từ ngoài vào phổi và đẩy không khí ở trong phổi ra ngoài để thay thế cho hô hấp tự nhiên khi nạn nhân ngừng thở. Việc ngừng thở sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxy trong máu và tế bào thần kinh.

Do đó, cấp cứu người bị ngạt thở phải tranh thủ thời gian từng giây. Vì vậy, người cấp cứu cần phải:

  • Phát hiện sớm sự ngạt thở.
  • Biết cấp cứu nhanh chóng và đúng phương pháp.
  • Biết những việc nên làm và những việc không nên làm trong những trường hợp đặc biệt.

NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY NGẠT THỞ :

  • Chết đuối: Người không biết bơi (kể cả người biết bơi cũng có thể chết đuối), bị ngã chìm xuống nước chỉ sau 2 – 3 phút sẽ bị ngạt thở.
  • Bị vùi lấp: Nhất là khi ngực bị đè ép, mũi, miệng bị đất cát nhét kín, nạn nhân có thể bị ngạt thở nhanh chóng.
  • Hít khí độc: Người ở lâu trong hầm kín chật hẹp, thiếu dưỡng khí hoặc bị ngạt thở bởi khí CO (Monoxit carbon) tạo ra do cháy, nổ…
  • Tắt đường hô hấp trên: Do thắt cổ hay bị bóp cổ, do chất nôn, do thức ăn vào ngược từ dạ dày bịt tắt đường thở, do tụt lưỡi ở nạn nhân hôn mê, điện giật… 

NHẬN BIẾT NẠN NHÂN BỊ NGẠT THỞ :

Khi một người bị ngạt thở, họ sẽ có những biểu hiện sau:

  • Hô hấp ngừng hoàn toàn, lồng ngực, thành bụng bất động.
  • Nạn nhân nằm yên, bất tỉnh, không cử động.
  • Sắc mặt nhợt nhạt hoặc tím tái, tứ chi giá lạnh.
  • Tim có thể ngưng đập, mạch không sờ thấy.

Kiểm tra nạn nhân thấy ngưng thở bằng cách đặt má của bạn trước miệng nạn nhân (cách khoảng 3 – 5 cm), và nhìn vào ngực họ. Nếu muốn, bạn cũng có thể đặt một bàn tay lên vùng trung tâm của ngực họ. Việc này giúp bạn kiểm tra được xem nạn nhân có thở không theo phương pháp: Cảm nhận, Nghe, Nhìn, Ngửi:

  1. Bạn có thể Cảm nhận hơi thở nạn nhân phả vào má bạn.
  2. Bạn có thể Nghe thấy không khí vào và ra khỏi phổi của nạn nhân.
  3. Bạn có thể Nhìn thấy độ nâng lên và hạ xuống của ngực nạn nhân.
  4. Bạn có thể Ngửi thấy hơi thở của họ khi không khí thoát ra.hhnt1

Nếu bạn đặt tay của bạn lên ngực nạn nhân, bạn cũng có thể cảm thấy ngực của họ nâng lên hạ xuống dựa vào tay bạn. Tìm những dấu hiệu này trong khoảng 10 giây. Nếu không thấy dấu hiệu (hoặc chỉ thở chậm hơn 6 lần/phút), thì nạn nhân không có khả năng để tự đưa không khí vào trong cơ thể họ. Để giúp họ, bạn cần phải thực hiện sơ cứu về hô hấp.

CÁCH XỬ TRÍ :

Loại bỏ nguyên nhân ngạt thở – Cố gắng khai thông đường thở càng nhanh càng tốt –  Tiến hành hô hấp nhân tạo.

+ Loại bỏ nguyên nhân gây ngạt thở:

Các bạn cần đưa nạn nhân ra khỏi nơi gây ngạt thở như bới đất cho người bị vùi lấp, vớt người chết đuối, kéo người bị ngạt thở ra khỏi nơi đầy khói, cắt dòng điện đối với người bị điện giật.

+ Khai thông đường thở:

  • Nới rộng cổ áo, cà vạt, dây nịt, dây thắt cổ.
  • Cố gắng mở miệng nạn nhân bằng cách dùng một tay chịu ở trán, một tay ấn ở cằm hoặc đẩy góc xương hàm dưới ra trước.
  • Lau chùi đất, máu, đờm dãi ở mũi, miệng, dùng ngón tay, nếu có quấn vải càng tốt, thọc tay vào miệng móc đàm, ngoại vật, thức ăn ói mửa ra. Khi cần, ta có thể hút trực tiếp bằng miệng cho sạch đờm dãi.

hhnt2

+ Tiến hành hô hấp nhân tạo:

 Có nhiều phương pháp nhưng thông dụng và hiệu quả nhất là phương pháp “Miệng qua miệng” (Mouth by mouth). Nếu ngưng tim thì kết hợp với “Hồi sinh tim phổi CPR”.

Khi làm hô hấp nhân tạo cần chú ý:

  • Làm ở chỗ thoáng khí, không để nhiều người xúm quanh.
  • Không để nạn nhân nằm ở chỗ giá lạnh.
  • Móc đàm nhớt hay chất ói mửa thường có ở nạn nhân bị ngạt.
  • Làm rất kiên trì cho đến khi hô hấp tự nhiên hồi phục.

Lưu ý: Bình tĩnh và kiên nhẫn. Các bạn làm các động tác đúng theo nhịp điệu, không nhanh quá và cũng không chậm quá. Các động tác có khi kéo dài hàng giờ nên không được chán nản. Vì vậy các bạn cần phải có người hỗ trợ khi quá mệt mõi.

CÁC PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP NHÂN TẠO:

 PHƯƠNG PHÁP MIỆNG QUA MIỆNG:

Đây là phương pháp dễ làm và có hiệu quả nhất.hhnt3

Đặt nạn nhân nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, dây nịt, cà vạt… Nếu có thể thì nên để nạn nhân nằm ngửa trên một mô đất cao, hay bàn ghế, giường… để chúng ta đỡ cúi mặt gập người khi thao tác. Nếu trong miệng và cổ họng nạn nhân có vướng cái gì. Hãy quấn vải vào đầu ngón tay móc sạch ra, đoạn lau miệng cho sạch.

Cách thao tác:

  • Kéo đầu nạn nhân càng ngửa về phía sau càng tốt, kéo hoặc đẩy hàm dưới cho miệng nạn nhân mở ra (hình 1).
  • Dùng bàn tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi của họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Bàn tay kia dùng banh hàm nạn nhân và kéo miệng mở ra.
  • Hít đầy lồng ngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. Thổi hơi mạnh đồng thời liếc mắt nhin lồng ngực của nạn nhân xem có phồng lên không? (hình 2).

hhnt4

  • Nghiêng đầu lắng tai nghe hơi thở trở ra (hình 3).
  • Lặp lại động tác 2 và 3 với nhịp điệu:
  • Người lớn: 12 lần trong 1 phút
  • Trẻ em; 20 lần (thổi nhẹ)
  • Tiếp tục như vậy cho đến khi nạn nhân trở lại bình thường.

Chú ý: Nếu thấy thổi hơi vào và không thở hơi ra. Hãy kiểm soát lại vị trí đầu và cằm.
PHƯƠNG PHÁP XOA BÓP TIM NGOÀI LỒNG NGỰC (HỒI SINH TIM PHỔI = CPR):

Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), bạn phải tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực (tức Hồi sinh tim phổi CPR).

Cách thao tác:

Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, bạn quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú, ấn sâu xuống khoảng 4 – 5 cm rồi nới lỏng tay ra. Nhịp độ ép nén 100 lần/phút. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút. Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 30 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần,

 hhnt5

Cách thổi ngạt:

  1. Một tay kéo đầu nạn nhân càng ngửa về phía sau càng tốt,tay kia kéo hoặc đẩy hàm dưới cho miệng mở ra.
  2. Dùng bàn tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi của họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Bàn tay kia dùng banh hàm nạn nhân và kéo miệng mở ra.
  3. Hít đầy lồngngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. Thổi hơi mạnh trong khoảng 1 giây, vừa thổi vừa liếc mắt nhìn lồng ngực của nạn nhân. Nếu thổi thành công sẽ thấy lồng ngực của nạn nhân phồng lên.

Sau khi bệnh nhân tự thở được, cho nằm ở tư thế hồi phục và tìm cách đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tiếp.

PHƯƠNG PHÁP NIELSEN:

Đây là phương pháp hơi cổ điển, hiện nay ít người áp dụng. Nhưng nếu bạn không muốn áp miệng mình vào miệng người bệnh vì một lý do nào đó thì đây là phương pháp khả thi.

Ðặt nạn nhân nằm sấp trên mặt cứng, hai tay gấp, mỏm khuỷu ngang vai, hai bàn tay úp chồng lên nhau và kê dưới cằm để đầu hất ngược ra sau. Bạn quỳ gối trước đầu nạn nhân, đặt hai bàn tay lên hai xương bả vai ngang nách của nạn nhân.

hhnt7 hhnt6

Bạn giữ hai tay thẳng, chồm người tới trước, ấn mạnh xuống lưng nạn nhân rồi buông ra đột ngột.

hhnt8

Hít vào: Nắm hai cánh tay của nạn nhân gần mỏm khuỷu, kéo cánh tay lên trên và về phía đầu nạn nhân, đồng thời bạn hơi ngã người ra sau (khi kéo, hai bàn tay nạn nhân không rời khỏi cằm, đầu không nhấc lên khỏi bàn tay), xong đặt tay về tư thế lúc đầu và tiếp tục làm thao tác giúp thở ra.

Làm với nhịp độ 10 – 12 lần trong 1 phút. Phương pháp này thích hợp trong cấp cứu chết đuối vì cần cho nạn nhân nằm sấp để tống nước trong bụng ra ngoài. Bạn cần có người đứng gần kế bên để thay thế cho mình khi quá mệt, tránh gián đoạn việc hô hấp.

PHƯƠNG PHÁP SYLVESTER:

Đây cũng là phương pháp cổ điển, ít người áp dụng, nhưng cũng rất hiệu quả.

Ðặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt đất cứng. Nâng cao vai nạn nhân bằng cách lót mền, gối, để đầu bật ngửa ra sau, cằm hướng lên trời. Người cấp cứu quỳ ở phía đầu nạn nhân, nắm chặt hai cổ tay nạn nhân.

Thở ra: Ðưa 2 cẳng tay nạn nhân gập vào trước ngực và ép mạnh. Tư thế người cấp cứu nghiêng mình tới trước, hai tay duỗi thẳng.

Hít vào:  Người cấp cứu ngã người ra sau, đến khi mông đặt lên gót chân; đồng thời kéo bẹt hai tay nạn nhân ra cho đến khi chấm đất.

hhnt9

Ðộng tác này làm nâng cao xương sườn, giúp không khí chui vào phổi. Làm với nhịp 15 – 20 lần trong 1 phút. Phương pháp này áp dụng cho nạn nhân không nằm sấp được, như nạn nhân ngạt thở do bị vùi lấp, mới bới được nửa người trên.

 daosaigon.org

Chi tiết...

Sơ Cứu Khi Bị Rắn Cắn

Hiện nay ở Việt Nam, các loài mãnh thú có thể xâm hại đến mạng sống con người thì gần như tuyệt chủng (trừ loài voi) hoặc còn thì số lượng không đáng kể, nguy cơ đối đầu với chúng rất ít. Nhưng loài rắn thì khác. Chúng vẫn tồn tại rất đông đúc và số lượng nạn nhân của chúng chỉ riêng tại Việt Nam nhiều năm trước đây hàng năm lên đến hàng ngàn người.

Các hướng đạo sinh hay dân phượt thường đi xuất du, cắm trại, sinh hoạt ngoài trời, nơi hoang dã nên nguy cơ bị rắn cắn rất cao. Cho nên, cần phải lưu ý đến phần này, vì nếu bị rắn độc cắn mà không biết xử lý hay xử lý sai, có thể dẫn đến tử vong.

NHỮNG LOÀI RẮN ĐỘC CÓ Ở VIỆT NAM

Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn, trong đó 53 loài rắn độc chủ yếu thuộc hai họ rắn lục và rắn hổ. Nhiều loài có nọc độc gây chết người chỉ sau một thời gian ngắn.
ran

+ Rắn lục đuôi đỏ (Trimeresurus albolabris): Là một trong các loài rắn có nọc độc chỉ đứng sau loài rắn hổ mang. Chúng có thân mình màu xanh và đuôi màu nâu đỏ, chiều dài tối đa khoảng 60 cm với cân nặng khoảng 300gram.

+ Rắn lục sừng (Trimeresurus cornutus): Là một loài rắn độc được tìm thấy ở Việt Nam. Đầu chúng có hình tam giác phân biệt rõ với cổ, có vảy trên mắt phát triển thành cái sừng trên mắt. Kích thước trung bình là 50 cm.

ran1

Rắn lục mắt đỏ (Trimeresurus stejneger): Bên ngoài tương tự với loài rắn lục xanh, trừ đôi mắt đỏm, là loài ăn đêm. Cú đớp loài rắn độc này cũng có thể giết chết bất cứ loài động vật nào lớn hơn nó gấp nhiều lần.

+ Rắn lục mũi hếch (Deinaglistrodon acutus): Đầu chúng có hình tam giác, mặt trên đầu có phủ lớp vảy lớn. Chiều dài cơ thể khoảng 80 – 150 cm, có khi tới 180 cm.

ran2

Rắn lục Miền Nam (Viridoviper vogeli): Đỉnh đầu và thân màu xanh lục, phần bụng màu nhạt hơn. Chúng thường ăn đêm, sống ở trong bụi rậm, lùm cây thấp ở Gia Lai, Đồng Nai, Lâm Đồng.

+ Rắn lục đầu bạc (Azemiops feae): Loài rắn có kích cỡ trung bình, đầu hơi dẹp phân biệt rõ với cổ. Chiều dài cơ thể khoảng 80 cm. Tại Việt Nam, rắn lục đầu bạc phân bố ở Cao Bằng, Vĩnh Phú, Lạng Sơn.

ran3

+ Rắn hổ mang (Naja naja): Còn gọi là hổ đất, là một loài  rắn độc thuộc họ rắn hổ Elapidae). Rắn hổ mang có nhiều loài khác nhau, đầu liền với cổ, có khả năng bạnh cổ khi bị kích thích. Chiều dài cơ thể tới 2 m.

+ Rắn hổ mang chúa – Rắn hổ  mây (Ophiophagus hannah): Là loài rắn độc cỡ lớn nhất thế giới, có chiều dài có thể lên đến 5 hoặc 7 mét. Đầu và lưng màu nâu xám, vàng lục hay màu chì, có thể giết chết người chỉ bằng một cú cắn. Rắn hổ mang chúa thường sống trong hang dưới những gốc cây lớn trong rừng, bên bờ suối...
ran4

Rắn cạp nong (Bungarus fasciatus): Còn có tên là rắn mai gầm, có nơi gọi là rắn mai gầm vàng, rắn đen vàng, rắn vòng vàng. Rắn cạp nong thường sống ở cả đồng bằng và miền núi, con rắn này rất đặc biệt ở chỗ thân nó hơi hình ba cạnh, gồm những khoanh đen và vàng vòng quanh cả bụng.

+ Rắn cạp nia (Bungarus candidus): Hay rắn mai gầm bạc, còn gọi là rắn đen trắng, rắn hổ khoang. Loài rắn này thường ngắn hơn loài cạp nong. Màu rắn đen xanh hay nâu sẫm có những khoanh màu trắng hay trắng vàng, khoanh màu trắng hẹp hơn khoanh màu đen.

ran5

+ Rắn chàm quạp (Calloselasma rhodostoma): Loài này có chiều dài khoảng 90cm với chín vảy che rắn chắc và cân đối ở phía trên đỉnh đầu. Mõm nhọn và chĩa lên phía trên. Thân không dày lắm, các vảy trơn nhẵn. Hoa văn trên thân gồm từ 19 đến 31 dấu hình tam giác sẫm màu trên nền nâu đỏ tía hoặc hung đỏ đậm nhạt. Loài rắn sống trên cạn này thích những khu đất rừng thấp, khô ráo, nọc cực độc và có khả năng gây chết người. Nó được tìm thấy ở Ninh Thuận, Sông Bé, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai, An Giang.

+  Con nưa – Rắn hổ bướm (Daboia russelii): Là một loài rắn độc phân bố khắp châu Á từ Ấn Độ cho đến phần lớn Đông Nam Á. Loài rắn này to như một con trăn gấm nhưng nhanh nhẹn và có chiếc đầu tam giác với hai túi nọc chứa độ 200cc. Điều khác biệt là hoa văn trên mình của nó gần giống trăn gấm. Nó là loài gây ra phần lớn các vụ rắn cắn gây tử vong trên thế giới.

Rắn Đẻn – Rắn biển: Đẻn là một loài thuộc họ rắn biển (Hydrophidae). Thân mình rất giống rắn nhưng khác là phần đuôi dẹp dần về phía sau như một mái chèo để thích nghi với việc bơi lội dưới nước. Hiện nay trên thế giới có hơn 50 loài rắn biển với 16 giống, riêng ở nước ta phát hiện được 15 loài. Rắn biển nhỏ nhất dài khoảng gần nửa mét, con lớn nhất có thể dài trên 3 mét. Trong 15 loài đẻn có mặt tại vùng biển Việt Nam thì hầu hết đều có nọc độc, trong đó có một số loài được coi là cực độc so với rắn trên cạn nhưng đẻn chỉ cắn người khi cần phải tự vệ…

ran6

Tùy theo hình dạng và màu da mà dân ta đặt tên cho từng loại rắn biển như: Đẻn xoắn ốc, Đẻn đầu nhỏ, Đẻn gù, Đẻn sọc dưa, Đẻn lửa, Đẻn bông, Đẻn chấm, Đẻn mỏ, Đẻn vết… hoặc cỡ to nhỏ mà được gọi là Đẻn xà, Đẻn kim, Đẻn cơm…

PHÂN BIỆT RẮN ĐỘC VÀ RẮN KHÔNG ĐỘC

Khi có một người bị rắn cắn, hãy cố tìm xem đó là loại rắn độc hay không độc. Điều này cũng rất khó vì chúng ta không phải là chuyên viên về rắn. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận ra được một số loại rắn độc thường gặp dựa vào vết cắn, hình dạng, các điểm đặc trưng bên ngoài và môi trường sinh sống của rắn. Ví dụ: Rắn hổ mang khi chuẩn bị tấn công thì ngóc cao đầu, cổ bạnh, phát âm thanh phì phì đặc trưng; rắn cạp nong (thân mình “khoang vàng khoang đen”), rắn cạp nia (thân mình “khoang trắng khoang đen”); rắn chàm quạp có mõm nhọn và hếch lên phía trên;  rắn lục đuôi đỏ có mình xanh lục và đuôi có màu nâu đỏ; rắn biển hay con đẻn, có nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau nhưng có chung một đặc điểm là đuôi dẹt hình mái chèo.

Dựa vào vết cắn

Rắn độc: Rắn độc có hai răng độc lớn (còn gọi là móc độc) và thường ở vị trí răng cửa hàm trên, do đó khi cắn thường để lại vết cắn đặc trưng (có một hoặc hai lỗ nhỏ) có thể giúp phân biệt rắn độc. Vết cắn của rắn độc ít chảy máu, sưng phù có màu xanh tím, đau nhức dữ dội.

Rắn không độc: Vết cắn của rắn không độc thì để lại dấu của hai hàm răng, không thấy có vệt răng nanh, vết cắn chảy máu, sưng đỏ hồng, ít đau nhức.

ran7

Mỗi loại rắn độc đều có một cấu trúc răng và móc độc khác nhau, cho nên vết cắn để lại trên mình nạn nhân cũng khác nhau. Nếu có kinh nghiệm, dựa vào dấu răng, người ta có thể chẩn đoán loại rắn đã cắn.

Dựa vào địa thế

Theo tập tính và nơi ở của rắn, chúng ta thường gặp:

Rắn hổ mang: Nơi đồi núi, gò đống, bụi rậm, nơi cao ráo… Khi cắn, thường ngóc cao, bành cổ, thở phì phì.

Rắn cạp nong, cạp nia: Thường sống nơi ẩm ướt, ban đêm thường kiếm ăn theo bờ ruộng ẩm.

Rắn lục xanh: Thường sống nơi bờ cỏ, bụi cây.

Rắn chàm quạp: Thường sống ở các vùng đất đỏ, đồn điền cao su, rừng cát ven biển… hay nằm bên lề đường. Ban đêm khi gặp người đi ngang thì phóng tới cắn và ngậm rất chặt, phải đá mạnh chân mới văng ra, do đó răng còn dính lại. Ban ngày, chàm quạp chỉ cắn khi cần tự vệ, cắn xong là bỏ chạy ngay nên không để lại răng.

Dựa vào triệu chứng của nạn nhân

Thành phần hóa học của mỗi loại nọc rắn khác nhau, do đó tác động sinh học trên cơ thể nạn nhân cũng khác nhau. Người ta thường phân nọc rắn thành hai nhóm chính:

Nhóm độc tố máu (hermorragin): Tác động chủ yếu liên quan đến tim mạch, gây phân giải hồng cầu, đông máu và chảy máu, làm co huyết quản, gây trụy tim… Nhóm này gồm các loài rắn có nọc của các loài thuộc họ Rắn lục (Viperideae), Rắn rung chuông (Crotalidac).

Nhóm độc tố thần kinh (neurotoxin): Tác động chủ yếu liên quan đến thần kinh, hô hấp, gây liệt tay, liệt cơ hoành; cuối cùng ngạt thở và chết… Nhóm này gồm các loài Rắn biển (Hydrophydac), Rắn hổ (Elapidac)

TRIỆU CHỨNG LÂM SÀNG GIỮA HAI NHÓM ĐỘC TỐ

TRIỆU CHỨNG ĐỘC TỐ MÁU ĐỘC TỐ THẦN KINH
Đau đớn tại vết cắn Rất đau Ít đau
Phù nề tại chỗ cắn Sưng to Sưng ít
Da chỗ bị cắn Tái nhợt Bầm tím
Nặng mi – mờ mắt Không rõ Rất rõ
Nhức đầu Dữ dội Tương đối
Nói và nuốt khó – ra nhiều đờm dãi Không rõ Rất rõ
Trụy tim mạch – hạ huyết áp Không rõ Tương đối rõ
Buồn ngủ – Suy sụp Trạng thái kích thích Trạng thái suy sụp
Đau vùng bụng Rất rõ Ít rõ
Đau các huyệt bạch huyết Rất rõ (sưng to) Ít rõ
Yếu cơ – liệt Run giật Liệt từ nhẹ đến nặng

SƠ CỨU RẮN CẮN

Khi bị rắn độc cắn, hãy bình tĩnh, càng ít cử động chỗ rắn cắn càng tốt. Nếu bị cắn ở chân thì không nên đi lại, ngay cả một bước (nếu điều đó có thể được). Cần phải sơ cứu ngay lập tức, tiến hành trước khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Mục tiêu của việc sơ cứu rắn cắn là:

  • Làm cho nọc độc của rắn xâm nhập vào cơ thể nạn nhân chậm hơn và ít hơn, nhờ đó chúng ta có đủ thời gian để kịp vận chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế khi chưa có biểu hiện ngộ độc.
  • Bảo vệ tính mạng của nạn nhân, chữa các triệu chứng nguy hiểm xuất hiện sớm và ngăn chặn các biến chứng trước khi nạn nhân đến được cơ sở y tế.
  • Chọn phương tiện vận chuyển nhanh nhất, an toàn nhất đến cơ sở y tế có điều kiện điều trị thực sự (Ví dụ: Có máy cấp cứu hô hấp, tim mạch tốt hoặc có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu).
  • Mục tiêu trên hết: Không làm gì có hại thêm cho bệnh nhân!

 Các bước sơ cứu nên làm khi bị rắn cắn là:

  • Động viên bệnh nhân bình tĩnh, yên tâm, bớt lo lắng (gọi 115 nếu có thể).
  • Không để bệnh nhân tự đi lại. Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp (vì vận động làm cho nọc độc xâm nhập vào trong cơ thể nhanh hơn).
  • Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề.
  • Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang chúa, rắn biển và một số giống rắn hổ mang khác): băng ép bất động để làm chậm sự xuất hiện triệu chứng liệt. 

Lưu ý: Không băng ép khi rắn lục cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

  • Vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế bằng phương tiện nhanh nhất, đồng thời duy trì băng ép, bất động. Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (Hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay…).

 Kỹ thuật băng ép bất động:

  • Dùng băng rộng khoảng 10 cm (nếu có điều kiện) dài ít nhất khoảng 4 hay 5 m. Có thể băng thun giãn, băng vải, hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Không cố cởi quần áo vì dễ làm chân, tay phải vận động, có thể băng đè lên quần áo.
  • Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (đủ để luồn một ngón tay giữa các nếp băng, còn sờ thấy mạch máu đập).
  • Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn.
  • Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng…) cố định chân, tay với nẹp.

ran8 

Xử lý vết  rắn cắn ở bàn tay, ngón tay, cẳng tay:

  • Băng ép bàn tay, cẳng tay.
  • Dùng nẹp cố định cẳng tay và bàn tay.
  • Dùng khăn hoặc dây treo quàng lên cổ bệnh nhân.
  • Duy trì băng ép bất động tới khi bệnh nhân đến được cơ sở y tế có khả năng cấp cứu hồi sức hoặc huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu (bác sỹ là người quyết định tháo băng ép hay không).

Xử lý vết rắn cắn ở thân mình:

       Băng ép lên vùng bị cắn nhưng không làm hạn chế cử động ngực nạn nhân.

Xử lý vết rắn cắn ở vùng đầu, mặt, cổ:

      Khẩn cấp vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

NHỮNG PHƯƠNG PHÁP CẦN TIẾN HÀNH VỚI SỰ CẨN TRỌNG KHI BỊ RẮN CẮN

Đặt Garô: Là một phương pháp rất nguy hiểm vì làm cho chân tay rất dễ bị thiếu máu, nhiều trường hợp sau đó phải đoạn chi. Tuy nhiên nếu ở xa bệnh viện, thời gian vận chuyển kéo dài thì có thể đặt garô với tất cả sự thận trọng. Cho đến nay, trại rắn Đồng tâm vẫn cho phép đặt garô nhưng khuyến cáo là không nên siết quá chặt và khoảng 30 phút nới lỏng khoảng 1 phút.

+ Hút nọc độc: Theo các sách hướng dẫn sơ cứu rắn cắn trước đây thì hút nọc là biệp pháp chủ lực. Nhưng hiện nay các bệnh viện khuyên không nên hút nọc vì không có lợi ích. Tuy nhiên đây vẫn là phương pháp cổ truyền, đã từng cứu được rất nhiều người. Cho nên khi cần thiết thì các bạn có thể làm với sự cẩn trọng cao. Chi hút nọc đối với nhóm độc tố máu (họ rắn lục) và chỉ hút ngay sau khi vừa bị cắn, quá 15 phút khi mà nọc đã đi sâu vào cơ thể thì việc hút nọc không hiệu quả mà còn gây hại.
ran9

Trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết cắn: Tuyệt đối không được chích, rạch vết thương, nhất là khi bị “rắn lục đuôi đỏ” cắn; bởi việc này khiến bệnh nhân càng gặp nguy hiểm, do nọc rắn lục gây rối loạn cơ chế đông máu dẫn đến mất máu.

Các nghiên cứu khoa học trên thế giới cho thấy các biện pháp này không có lợi ích, mà còn  gây hại thêm cho nạn nhân như tổn thương thêm mạch máu, dây thần kinh, nhiễm trùng…

+ Sử dụng các loại thuốc dân gian, cổ truyền: Chúng ta không thể phủ nhận là có những bài thuốc chữa rắn cắn rất hay, những “thầy rắn” rất giỏi, đã cứu sống được rất nhiều người bị rắn cắn; nhất là trong thời kỳ chiến tranh và thời khai hoang. Nhưng các bạn hãy cẩn thận, có nhiều bài thuốc do chữa rắn không độc cắn nên có sự hoang tưởng, nhầm lẫn về sự hiệu nghiệm của nó, cần phải chú ý. Chỉ trừ những bài thuốc đã thực nghiệm lâm sàng hiệu quả, còn phần lớn là không tác dụng mà đôi khi còn có thể gây hại cho nạn nhân. Hơn nữa, các bài thuốc dân gian đôi khi chỉ hiệu nghiệm với loài rắn và nhóm độc tố này nhưng lại không hiệu nghiệm với loài rắn và nhóm độc tố khác, cần phải nghiên cứu thêm.

+ Cố gắng bắt hoặc giết rắn: Nếu rắn đã chết hoặc bắt được rắn phải đem cùng với nạn nhân đến bệnh viện để nhận dạng. Tuy nhiên, ngay cả đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người, cần cẩn thận khi mang chúng theo.

Lưu ý: Cho dù bạn có thể rất tự tin về các biện pháp chữa trị truyền thống hoặc bài thuốc dân gian nhưng bạn không được phép làm chậm trễ việc sơ cứu và vận chuyển nạn nhân  đến bệnh viện.

ĐỀ PHÒNG RẮN CẮN

Rắn thường không chủ động tấn công người, phần lớn các trường hợp bị rắn cắn là do con người vô tình hoặc cố ý làm cho rắn cảm thấy bị đe doạ. Trong sinh hoạt hàng ngày, để tránh được hoàn toàn không bị rắn cắn là rất khó. Rắn hay ẩn núp trong các lùm cây, bụi cỏ, đống lá ủ, trên các cành cây, ven bờ nước… Khi di chuyển trong các khu vực nghi ngờ có rắn, các bạn nên:

  • Cẩn thận xem chỗ mà mình sắp đặt chân xuống.
  • Dùng cành cây khua khắng vào bụi rặm trước khi thọc tay chân vào để lấy vật gì hay hái trái cây.
  • Mang giày cao cổ hoặc mặc quần áo rộng, dài, dày… đặc biệt khi đi trong đêm tối; đội thêm mũ rộng vành nếu đi trong rừng hoặc đi ở khu vực nhiều cây cỏ.
  • Khi ở nơi hoang dã, cẩn thận trước khi mang giày hay mặc quần áo vì rắn có thể ẩn núp trong đó.
  • Tìm hiểu về các loại rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Biết thời gian trong năm, trong ngày và kiểu thời tiết nào rắn thường hoạt động nhiều nhất.
  • Đặc biệt cảnh giác với rắn sau các cơn mưa, khi có lũ lụt, mùa màng thu hoạch và thời gian ban đêm.
  • Càng tránh xa rắn thì càng tốt: Đe doạ rắn, không bắt rắn, không chơi đùa với rắn, ngay cả khi rắn đã chết (Đầu rắn đã chết vẫn có thể cắn người).
  • Không nằm ngủ trực tiếp trên nền đất.
  • Không để trẻ em chơi gần khu vực có rắn.
  • Học cách sơ cứu khi bị rắn cắn.

Bài Viết Liên Quan:

>>Làm gì khi bị rắn độc cắn

Saigonscouts

Chi tiết...

Kỹ Thuật CPR Hồi Sức Tim Phổi

Hồi sinh tim phổi (CPR) là sự kết hợp giữa việc thổi ngạt và ấn tim ngoài lồng ngực cho nạn nhân bị ngừng tim.

Khi xảy ra tình trạng ngừng tim, tức là trái tim ngừng bơm máu. Phương pháp CPR có thể giúp bơm một lượng máu nhỏ chảy tới tim và não để “kéo dài thời gian” cho tới khi chức năng tim được phục hồi bình thường.

CHUẨN ĐOÁN NGƯNG TIM:

Yêu cầu sống còn là phải nhanh chóng xác định được nạn nhân đang bị ngưng tim, ngưng thở. Cơ bản dựa vào 3 Không :

  • Không bắt được mạch bẹn, hoặc mạch cảnh.
  • Không nghe được tiếng tim (áp sát tai vào lồng ngực trái, phía trên mỏm tim).
  • Không ý thức : nạn nhân bất tỉnh nhân sự. (để xác định là bệnh nhân bất tỉnh: gọi to, giựt tóc mai . . .)

Trong công việc cấp cứu, sự hồi sinh tim phổi nạn nhân là một việc quan trọng vì để duy trì sự sống, nhất thiết  não cần có máu để cung cấp oxy và các chất khác liên tục. Chỉ cần từ 4 đến 6 phút thiếu oxy, não sẽ ngừng hoạt động; nạn nhân sẽ bất tỉnh, ngừng thở, tim ngừng đập và có thể tử vong.

THỦ THUẬT HỒI SINH TIM PHỔI (CPR):

Trước đây khi làm CPR người ta theo  trình tự  “ A-B-C ” Nói cách khác, người cấp cứu trước tiên sẽ tiếp hơi thở bằng miệng hai lần rồi sau đó mới ép nén ngực nạn nhân 30 lần,và cứ tiếp tục như thế.

Nhưng nay theo chỉ dẫn mới của Hiệp hội Tim Hoa kỳ (American  Heart Association = AHA) về hồi sinh tim phổi , thì người cấp cứu phải thực hiện giai đoạn “C” trước tức là ép nén ngực nạn nhân để giúp máu giàu oxygen luân chuyển khắp cơ thể  ngay lập tức; điều này tối quan trọng đối với người bị lên cơn đau tim.

Như vậy tiến trình cấp cứu CPR mới bây giờ sẽ là “C-A-B”. Người cấp cứu  sẽ  bắt đầu bằng cách theo thứ tự nâng đầu bệnh nhân ngả về phía sau để thông khí  đạo và ép nén ngực nạn nhân 30 lần ngay tức thời rồi sau đó mới tiếp hơi thở bằng miệng hai lần và cứ như thế mà tiếp tục thực hiện xen kẻ với nhau. Sự thay đối này áp dụng cho người lớn và trẻ em, nhưng không áp dụng cho trẻ sơ sinh. Hướng dẫn mới cũng còn khuyến cáo người cấp cứu phải ép nén ngực nạn nhân mạnh hơn chừng hai inch cho người lớn và động tác ép nén ngực phải có nhịp độ tối thiểu là 100 lẩn ép nén trong một phút.

TIẾN TRÌNH THỦ THUẬT CPR:

Bước 1 : Trước tiên, các bạn xem nạn nhân còn thở hay không? Mạch còn đập hay không? Gọi lớn tiếng hay giựt tóc mai, nhưng không lay nạn nhân. Nếu nạn nhân không phản ứng, hãy gọi thêm người giúp đỡ. Lập tức gọi hay nhờ ai đó gọi 115, đồng thời chuẩn bị tiến hành thủ thuật hồi sinh tim phổi.

 timphoi
                  Ép nén                                    Thông đường thở                           Cung cấp hơi thở

Bước 2 :  Các bạn quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng. Đặt gót một bàn tay lên lồng ngực nạn nhân, ngang hai đầu vú, chồng bàn tay còn lại lên bàn tay thứ nhất và đan những ngón tay lại với nhau. Phải chắc rằng các ngón tay không cấn lên ngực nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống khoảng 4-5 cm, rồi buông ra cho lồng ngực trở lại như cũ trước khi ép tiếp với tốc độ 100 lần/phút. Các bạn ép 30 lần.

timphoi1

Bước 3 : Sau khi ép ngực 30 lần. Các bạn một tay kéo đầu nạn nhân càng ngửa về phía sau càng tốt, tay kia  đẩy hàm dưới cho miệng mở ra. Dùng bàn tay đang để trên đầu vừa đè trán nạn nhân, vừa bịt mũi của họ lại bằng ngón trỏ và ngón cái. Tay kia  banh hàm nạn nhân và kéo miệng mở ra.

Bước 4 : Hít đầy lồng ngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. Thổi một hơi mạnh trong khoảng 1 giây, vừa thổi vừa liếc mắt nhìn lồng ngực của nạn nhân. Nếu thổi thành công thấy lồng ngực của nạn nhân phồng lên. Nếu không thì điểu chỉnh lại tư thế đầu của nạn nhân, rồi thổi tiếp hơi thứ hai. timphoi2

Bước 5 và 6 : Các bạn lặp lại mỗi chu kỳ là 30 lần ép nén và 2 lần thổi hơi. Sau mỗi 5 chu kỳ (mất khoảng 2 phút), các bạn kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân một lần bằng cách lắng nghe và đặt hai ngón tay lên động mạch cổ. Nếu nạn nhân không thở sẽ làm tiếp 5 chu kỳ nữa.
timphoi3

HỒI SINH TIM PHỔI CHO TRẺ EM DƯỚI 1 TUỔI:

Những giây phút sau thời điểm một trẻ sơ sinh hay trẻ em được tìm thấy bất tỉnh là rất quan trọng trong việc sơ cứu. CPR là một kỹ năng có hiệu quả trong tình huống này. Tuy nhiên, chúng tôi khuyên bạn trước đó nên tìm hiểu CPR và thực tập từ một tổ chức chuyên nghiệp. Để hồi sinh cho một em bé, chúng ta không thể tùy tiện, vì cơ thể của các em rất dễ bị tổn thương.

Trên nguyên tắc thì CPR cho trẻ em cũng như của người lớn nhưng nhẹ nhàng hơn.

  • Kêu ai đó gọi 115 nếu có người đang ở gần đấy.
  • Kiểm tra mức độ ý thức của trẻ. Vỗ nhẹ và nói chuyện với bé để xem em ấy có phản ứng gì hay không? Nếu bé không cử động hay rên khóc gì thì thực hiện thủ thuật hồi sinh tim phổi.
  • Đặt tai và má của bạn trên khuôn mặt của trẻ để kiểm tra hơi thở trong vòng 5 – 10 giây, bằng cách nhìn xem lồng ngực có di động hay không? Nghe tiếng thở hay cảm nhận được hơi thở thoát ra từ mũi hay miệng của bé hay không? Thở ngáp cá phải xem như là không thở.
  • Bắt đầu ngay lập tức động tác xoa bóp tim ngoài lồng ngực:
    • Để 2 hay 3 ngón tay vào giữa lồng ngực của bé, giữa 2 núm vú, giữ sao cho cẳng tay và khủy luôn thẳng và thẳng góc với thành ngực của trẻ (nếu là trẻ sơ sinh thì chỉ dùng 2 ngón tay).
    • Dùng sức nặng của bản thân, ấn mạnh hai ngón tay sao cho lồng ngực chỉ di động khoảng 3-4 cm là vừa đủ. Làm liên tục như vậy khoảng 30 lần ép nén với tốc độ 100 lần trong 1 phút.
    • Sau 30 lần ép nén, tiếp tục hà hơi thổi ngạt 2 lần.
    • Mở rộng đường hô hấp bằng cách đè trán đẩy cằm. Một tay đẩy trán của trẻ ra sau, một tay dùng ngón tay nâng cằm của trẻ lên để mở rộng đường thở.

timphoi4

  • Ngậm cả miệng và mũi của bé. Thổi hơi 2 lần liên tiếp, mắt hướng nhìn lồng ngực của bé xem có phồng lên hay không? Nếu không phồng lên, cần kiểm tra lại xem đường thở đã thông hay chưa?timphoi5
  • Sau 5 chu kỳ, kiểm tra lại nhịp tim Ở trẻ sơ sinh, kiểm tra động mạch ở cánh tay trong. Nếu có nhịp đập, tiếp tục thổi ngạt. Nếu không có nhịp đập hoặc nếu nhịp đập yếu, bắt đầu ép ngực.
  • Tiếp tục hồi sinh tim phổi cho đến khi bé có thể phục hồi hơi thở và nhịp tim hay có nhân viên y tế đến hỗ trợ. 

  Chú ý :

  • Trẻ em từ 1 đến 10 tuổi thì dùng gót của một bàn tay mà thôi.
  • Nếu ép ngực được mà thực hiện không đúng tại các điểm mốc trên ngực, có thể gây ra chấn thương cơ quan nội tạng hay gãy xương sườn.
  • Nếu thổi không khí vào phổi hoặc mở đường thở không đúng cách có thể dẫn đến chấn thương nặng hơn. 

TƯ THẾ HỒI SỨC:

Là một tư thế làm cho nạn nhân cảm thấy dễ chịu và dễ hồi phục.

Lưu ý :

Chúng ta chỉ áp dụng tư thế này sau khi đã thăm khám nạn nhân mà không thấy có các chống chỉ định khi nằm ở tư thế này, các thẩm định về CAB an toàn. 
timphoi6

Để nạn nhân nằm nghiêng, đầu ngửa ra phía sau, bàn tay kê dưới đầu. Chân trên co lại thành một góc vuông.

Bài Viết Liên Quan: 

  1. Mô hình cấp cứu tai nan – DR ABC

daosaigon.org

Chi tiết...

Xử Lý Người Bị Ngất Xỉu

ngatxiuNgất xỉu, người ta còn gọi là “chết giấc”, là trạng thái mất ý thức một cách đột ngột, thoảng qua. Người bệnh thấy hoa mắt, chóng mặt, mắt tối sầm và sau đó không nhận thức được xung quanh. Tình trạng ngất xỉu xảy ra khi dòng máu đến não thấp hơn mức tối thiểu hay do huyết áp giảm đột ngột.

 

Nguyên Nhân:

Một người có thể bị ngất do cảm xúc quá mạnh, chấn thương nặng, mất máu nhiều, thiếu ôxy, bệnh tim, say nắng, kiệt sức, đói…

Nguyên nhân có thể do: xúc động, quá mệt; thay đổi tư thế bất chợt; nồng độ đường trong máu thấp; nhịp đập của tim bất thường; lên cơn đau tim; quá tức giận… Trừ vài trường hợp ngất gặp trong các bệnh tim mạch, huyết áp, nói chung ngất không phải là một bệnh.

Nhiều người có thể bị ngất cùng thời gian tại một nơi đông đúc, nóng; khi quá mệt, lúc bụng đói hay gặp việc gì gây uất ức. Dậy thì cũng có thể là một yếu tố, vì ở tuổi này, các cảm xúc rất nhạy cảm.
Nếu tình trạng ngất hoặc chóng mặt thường xảy ra khi đột ngột đứng dậy, cần chú ý để tránh. Khi đang nằm muốn ngồi dậy, hay khi đang ngồi muốn đứng dậy hãy làm từ từ. Không đứng lâu quá một chỗ.
Nếu có tình trạng chóng mặt sau khi dùng một loại thuốc nào đó, nên báo cho bác sĩ điều trị biết để đổi thuốc.

Đối với sinh viên ngoài các trường hợp ngất do tim mạch, thần kinh, hô hấp… thì nguyên nhân hay gặp còn là do hạ đường huyết, các yếu tố về tâm lý.

Triệu chứng của ngất:

Người bệnh tự nhiên thấy choáng váng, hoa mắt, chóng mặt, ù tai… rồi ngã lăn ra. Có khi toát mồ hôi, da nhợt nhạt, chân tay lạnh; tuần hoàn và hô hấp ngừng hoặc rất yếu, huyết áp hạ, đồng tử giãn.

     Những điều nên làm:

  • Đặt bệnh nhân nằm nơi thoáng mát, đỡ chân bệnh nhân lên, đầu thấp.ngatxiu2
  • Nới lỏng quần áo, dây nịt, cà vạt… để máu dễ lưu thông.
  • Bảo đảm cho bệnh nhân thở nhiều không khí trong lành; nếu cần thiết thì hãy mở cửa sổ ra.
  • Xoa bóp, kích thích lên cơ thể như giật tóc mai, tát vào má, đắp khăn ướt lên mặt, xoa bóp bằng cồn long não, cho ngửi amoniac, giấm…
  • Trong trường hợp ngất nặng, ngoài cách xử trí như trên còn phải làm hô hấp nhân tạo hoặc tiến hành thủ thuật “Hồi sinh tim phổi” (CPR)
  • Bấm vào huyệt nhân trung và huyệt dũng tuyền. Huyệt nhân trung nằm ngay dưới gốc mũi, ở vị trí 1/3 trên của rãnh nhân trung. Huyệt dũng tuyền nằm dưới lòng bàn chân, ở điểm nối 2/5 trước với 3/5 sau của đoạn đầu ngón chân thứ 2. Cần bấm huyệt ngay sau khi người bệnh có biểu hiện ngất nhằm giúp họ thoát khỏi tình trạng này càng nhanh càng tốt.

ngatxiu3

TỰ XỬ TRÍ KHI BỊ NGẤT XỈU:

Ngất xỉu có thể là một điều đáng sợ, đặc biệt là khi bạn không biết tại sao hoặc phải làm gì. Dưới đây là các bước cần thực hiện để chăm sóc bản thân (hoặc người khác), nếu tình trạng ngất xỉu ập đến trong tương lai.

Bước 1: KHI BẠN CẢM THẤY “NÓ” SẮP ĐẾN

 ngatxiu4

  1. Lắng nghe và cảm nhận các triệu chứng:

 Trước khi bị ngất xỉu, bạn có thể cảm thấy ánh đèn như đang mờ đi, đầu choáng váng và chóng mặt, tiếng động nghe không rõ ràng.

  1. Nằm xuống ngay lập tức:

 Nếu bạn bắt đầu thấy bất kỳ triệu chứng nào như vậy, hãy nằm xuống càng sớm càng tốt, tránh làm tổn thương chính mình. Sự nguy hiểm vì bị té khi xỉu, nói chung, nó không phải là nghiêm trọng cho lắm (trừ khi bạn bị đập đầu vào một vật cứng nào đó). Kê chân lên mấy chiếc gối hoặc một chiếc áo khoác cuộn lại, sao cho chân của bạn cao hơn tim của bạn. Điều này làm tăng lưu lượng máu đến tim và não, chính xác là những gì bạn cần.

 Biết rằng ngay cả khi bạn nằm xuống, bạn vẫn có thể bị ngất nhưng ít nhất là bạn cũng được an toàn.

  1. Nếu bạn không thể nằm xuống:

 Hãy ngồi và đặt đầu giữa hai đầu gối để tăng cường máu lưu thông lên não của bạn. Điều này giúp bạn có thời gian để cảnh báo cho ai đó gần bạn đưa bạn đến một nơi thông thoáng hơn.

ngatxiu5

  1. Nếu có thể, bạn nói với ai đó là bạn sắp ngất xỉu:

 Đôi khi ngất xỉu có thể là một tình trạng nguy hiểm, vì vậy điều tốt nhất là được sự giúp đỡ của ai đó trước khi bạn mất hết ý thức. Cho nên khi bạn bắt đầu cảm thấy các triệu chứng, hãy gọi ai đó – thậm chí một người lạ – nói là bạn đang mất tầm nhìn và cảm thấy chóng mặt. Bạn cần họ dọn sàn nhà hoặc một nơi an toàn để bạn nằm và theo dõi tình trạng của bạn. Điều này chỉ áp dụng nếu bạn đang ở trong một khu vực đông người. Đừng đi quá xa! Bạn không nên ở với một người lạ nào đó nơi vắng vẻ.

  1. Nếu bạn đang đứng mà cảm thấy sắp ngất xỉu:

 Nếu không có ai giúp đỡ, hãy tìm một bức tường, dựa vào đó mà ngồi xuống thì tốt hơn nhiều so với việc bạn té xuống sàn nhà và bị gãy tay hoặc tìm một vật mềm như tấm nệm chẳng hạn, để té xuống.

  1. Nếu bạn đang ở giữa cầu thang có một rào chắn (lan can):

 Hãy vịn vào lan can và ngồi xuống, vì khi bạn ngã, bạn sẽ chỉ trượt một hoặc hai chân hơn là té nhào từ cầu thang xuống. Nhưng dù cầu thang có lan can hay không thì cố gắng xuống tới sàn nhà càng sớm càng tốt.

Bước 2: SAU KHI TRẠNG THÁI NGẤT XỈU QUA ĐI

 ngatxiu6

  1. Nếu bạn đang ở một mình, hít một hơi thật sâu:

 Kiểm tra các vết thương nhưng không ngồi dậy, cứ nằm yên đó khoảng 10-15 phút. Nếu có thể, bạn nên gác chân cao lên để tăng lưu lượng máu đến não của bạn. Nếu có điện thoại, hãy gọi một người bạn hoặc người thân hay một ai đó mà bạn biết đang ở gần bạn.

  1. Uống đủ nước:

 Đặc biệt là khi cơ thể bạn đang bị mất nước do đổ mồ hôi nhiều hoặc đang ở  trong một môi trường nóng. Đôi khi chính nhiệt độ đóng một vai trò quan trọng trong sự ngất xỉu.

ngatxiu7

  1. Ăn mặn:

 Thực phẩm nhiều muối được cho là làm tăng huyết áp, vì vậy các bác sĩ thường khuyên bạn nên dùng các thực phẩm hoặc các chất lỏng có muối cho những người đã từng bị ngất xỉu.

Thông thường, ăn mặn không phải là một điều tốt, đặc biệt là đối với những người có huyết áp cao. Nếu bạn đang bị huyết áp cao, thảo luận với bác sĩ của bạn trước khi bạn ăn hoặc uống những gì có nhiều muối.

  1. Đi đứng, cử động chậm:

 Nghỉ hẳn một ngày, không di chuyển đột ngột hay làm bất cứ điều gì cho đến khi bạn cảm thấy hồi phục hoàn toàn. Ăn những gì bạn có thể, uống nhiều nước và nghỉ ngơi. Đó là những gì bạn cần. Sự chuyển động duy nhất được khuyến khích là chuyển động đôi chân của bạn trong khi đang nằm. Điều này kích thích sự lưu thông máu và giùp cho mọi thứ vận hành

ngatxiu8

  1. Nếu các triệu chứng không giảm:

 Phải gọi 115. Một đợt ngất xỉu chỉ kéo dài từ vài giây đến một phút. Nếu bạn bị lâu hơn, cần phải được đưa vào bệnh viện. Hơn nữa, nếu điều này xảy ra thường xuyên, cần phải đến bác sĩ. Bạn cũng cần phải theo dõi nhịp tim và huyết áp thường xuyên.

SAU KHI TỈNH LẠI:

  • Khi bệnh nhân tỉnh lại, trấn an và giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu, thoải mái. Đỡ nạn nhân ngồi dậy từ từ.
  • Tìm xem bệnh nhân có còn bị thương tích nào do bị ngã gây ra không và điều trị cho bệnh nhân.
  • Nếu bệnh nhân không hồi tỉnh lại nhanh, hãy kiểm tra nhịp thở và mạch đập của bệnh nhân, chuẩn bị hô hấp nhân tạo nếu thấy cần thiết.
  • Đặt bệnh nhân ở tư thế dễ hồi sức và quay số 115 gọi cấp cứu.
  • Nếu bệnh nhẩn bắt đầu cảm thấy muốn ngất xỉu trở lại, hãy đặt đầu bệnh nhân giữa hai đầu gối họ và bảo họ hít sâu vào.

ngatxiu9

Một số bài thuốc Nam có thể đem lại hiệu quả trong việc chữa ngất xỉu:

– Gây hắt hơi: Quả bồ kết nướng giòn, tán mịn, thổi nhẹ vào 2 lỗ mũi hoặc đốt bồ kết rồi thổi khói vào 2 lỗ mũi. Cũng có thể dùng lông gà ngoáy kích thích niêm mạc trong mũi để gây hắt hơi.

– Nếu chân tay lạnh, dùng gừng tươi 12 g, tỏi 4 g giã nhỏ, cho thêm 20 ml nước sôi, vắt lấy nước, lọc trong. Sau đó cho thêm 5 ml rượu trắng, khuấy đều cho uống.

 Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

Sơ Cấp Cứu Sốc – Choáng

Sốc (Choáng) là tình trạng y khoa nghiêm trọng, có thể xảy ra sau một tai nạn trầm trọng gây mất máu, đau đớn hay sợ hãi quá sức, chấn thương, đau tim, phản ứng dị ứng, nhiễm độc, nhiễm trùng hoặc gây thiệt hại đến hệ thống thần kinh. Sốc làm cho lưu lượng máu trong cơ thể giảm xuống nhanh chóng, có thể gây tổn thương vĩnh viễn hoặc thậm chí tử vong.

TRIỆU CHỨNG:

Tùy theo mức độ và thời gian xảy ra.

     Sơ choáng:

  • Da mặt nhợt nhạt, có vẻ ngây dại.
  • Thường bị kích thích thần kinh, nằm ngồi không yên.
  • Vật vã kêu la, đói, khát.
  • Da lạnh và tím xanh.
  • Mạch nhanh hơn 100 lần/phút, huyết áp tăng nhẹ.
  • Hơi thở nhanh.

Sau đó chuyển sang ức chế thần kinh.

     Choáng sâu:

  • Nằm im lìm, lờ đờ, không kêu la dẫy dụa.
  • Tiếng nói yếu đuối phều phào.
  • Mặt nhợt nhạt hốc hác.
  • Mũi tóp lại, cánh mũi phập phồng.
  • Trán rịn mồ hôi, da và chân tay lạnh.
  • Cử chỉ chậm chạp, mạch nhanh, nhỏ, khó bắt.
  • Huyết áp tụt dần đến không đo được.

Nếu để tình trạng kéo dài, không xử trí, nạn nhân sẽ chết.

CÁC BƯỚC KIỂM TRA NẠN NHÂN BỊ SỐC:

 sochoang

  1. Kiểm tra ý thức nạn nhân: Bằng cách yêu cầu họ nói, cười, giơ tay hay thè lưỡi. Một người trải qua cú sốc có thể có ý thức hay vô thức. Nếu người đó lâm vào tình trạng vô thức, ngay lập tức liên hệ với các dịch vụ khẩn cấp.
  2. Nếu nạn nhân có ý thức: Xác định xem mức độ ý thức của người đó mờ nhạt, yếu ớt hoặc không thể tập trung được. Đây là những dấu hiệu của sốc : Mắt lờ đờ, đôi khi đồng tử giãn rộngvà người đó có thể dường như nhìn chằm chằm vào mông lung, vẻ mặt ngây dại. Một số người có thể cảm thấy bị kích động, lo lắng, bất an hoặc bị kích thích thần kinh, nằm ngồi không yên, vật vã, kêu la đói khát. Khi choáng sâu thì nằm im lìm, lờ đờ, không kêu la dẫy dụa.
  3. Xem xét màu da: Nếu một người đang trải qua cú sốc, mặt nhợt nhạt, da có thể bị lạnh và dẻo, nhợt nhạt, hoặc tím xanh.

mauda

  1. Kiểm tra hơi thở: Xem bình thường hay bất thường, nhanh hay chậm, thở hổn hển hay kéo dài từng hơi… nhờ đó chúng ta có thể đánh giá sơ choáng hay choáng sâu.
  2. Kiểm tra mạch đập: Một người trải qua cú sốc sẽ có mạch nhanh hơn 100 lần/phút nhưng yếu và huyết áp rất thấp.
  3. Xác định nếu người đó buồn nôn hoặc nôn ói: Đây là những dấu hiệu của sốc.nonoi
  1. Nếu bạn nghi ngờ sốc sau chấn thương: Thm chí ngay c khi người bnh còn bình thường cũng phi gi 115hoặc cơ sở y tế gần nhất.
  2. Liên lạc với dịch vụ khẩn cấp: Trong lúc chờ đợi đặt nạn nhân nằm xuống và kê chân cao lên khoảng 30 cm hoặc cao hơn đầu 1/3 mét Chỉ kê bàn chân cao lên mà thôi, không làm gì gây thêm tổn thương, làm cho nạn nhân trầm trọng hoặc đau đớn hơn.
  3. Giữ người bệnh ấm và thoải mái: Nới lỏng thắt lưng, quần áo. Dùng chăn đắp lên người bệnh.

 

 giuam

  1. Không cho bệnh nhân uống nước: Ngay cả khi bệnh nhân kêu khát.
  2. Đặt bệnh nhân nằm nghiêng: Để ngăn ngừa sặc khi bệnh nhân nôn hoặc chảy máu ở miệng, tiếp tục theo dõi các dấu hiệu sống mỗi 5 phút cho đến các dịch vụ khẩn cấp đến nơi.

Kiểm tra dấu hiệu sống ( thở, ho, cử động ). Nếu không thấy, hãy tiến hành thủ thuật “Hồi sinh tim phổi”.

CẤP CỨU:

  • Áp dụng “Mô hình Cấp cứu Căn bản DRCAB” [Xem chi tiết]
  • Nếu thấy nạn nhân bất tỉnh hay có vẻ ngạt thở, hãy lật nghiêng qua một bên, đầu thấp hơn mình, kéo hàm và lưỡi về phía trước.
  • Nếu có vật lạ trong họng hay bị nôn, hãy móc ra và lau sạch, đừng để họ hít vào trong phổi.
  • Nếu ngừng thở phải hô hấp nhân tạo.
  • Nếu bị xuất huyết, hãy cầm máu ngay lập tức.
  • Nếu bị thương hay gãy xương, phải băng bó và cố định xương gãy.

Chú ý:

Sau khi cấp cứu nên đợi nạn nhân hết choáng, ổn định, mới xử trí các thương tổn và di chuyển nạn nhân, chống choáng tái phát.

PHÒNG CHỐNG CHOÁNG:

Nếu thấy nạn nhân còn tỉnh và có dấu hiệu bị choáng hay có nguy cơ bị choáng chúng ta phải:

  • Đưa nạn nhân ra khỏi nguyên nhân gây đau đớn.
  • Kê cao chân.
  • Nếu nạn nhân thấy lạnh, phải đắp chăn ủ ấm.
  • Giữ yên tĩnh và thoải mái, động viên tinh thần nạn nhân.
  • Truyền máu, truyền dịch (nếu có thể).

   Phạm Văn Nhân

Chi tiết...