Mô Hình Cấp Cứu Tai Nạn – Dr.CAB


Mô Hình Cấp Cứu Tai Nạn – Dr.CAB

KHÁI NIỆM VỀ SƠ CẤP CỨU

Sơ cấp cứu là làm những công việc cần thiết lúc ban đầu để trợ giúp hoặc chữa trị bất cứ một chấn thương, tai nạn hay bệnh tật đột ngột nào đó, để (có thể) làm giảm bớt cơn đau cho nạn nhân, ngăn chặn không cho tình hình xấu thêm; động viên trấn an nạn nhân trong khi chờ đợi bác sĩ hay phương tiện cứu hộ, giúp họ dễ dàng hơn trong việc điều trị.

Mục đích:

  • Bảo toàn tính mạng cho nạn nhân (và có khi chính bản thân mình).
  • Hạn chế ảnh hưởng của vết thương, không cho căn bệnh nặng hơn.
  • Giúp cho các bác sĩ dễ dàng hơn trong việc điều trị sau đó.
  • Giúp nạn nhân mau hồi phục.

MÔ HÌNH CẤP CỨU CĂN BẢN

Mô hình Cấp cứu Căn bản (Basic Course of Life Support) là những nguyên tắc mà các bạn phải tuân theo khi thực hành việc sơ cấp cứu.

I/ KHẢO SÁT CƠ BẢN

Khi tiếp cận với một tai nạn hay bệnh tật đòi hỏi chúng ta phải có một kế hoạch. Trước tiên đó là việc “Khảo sát cơ bản” để xem xét tổng thể tình hình hiện trường và tình trạng nạn nhân. Để cho dễ nhớ trong khi thực hành, chúng tôi đưa ra bảng chữ cái (bằng tiếng Anh) sau đây:

D R C A B

D Danger = Nguy hiểm Đánh giá nguy hiểm ở hiện trường
R Respond = Phản ứng Kiểm tra phản ứng của nạn nhân
C Circulation = Tuần hoàn Kiểm tra tim mạch
A Airway = Khí đạo Kiểm tra đường thở
B Breathing = Hơi thở Kiểm tra hô hấp

 

D – DANGER = NGUY HIỂM:

1/  Quan sát – Phân tích – Đánh giá:coban

Khi bạn đứng trước một tai nạn, hãy dừng lại, nhìn, nghe, ngửi.

Nhìn: Tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Kiểm tra những mối nguy hiểm đối với bạn, đối với người khác hoặc đối với nạn nhân (Cháy nổ, điện giật, khói độc, rắn rết, vực thẳm…).

Nghe:  Những âm thanh cảnh báo: tiếng rên la của nạn nhân, tiếng xăng đang chảy, tiếng động cơ xe đang nổ…

Ngửi: Mùi xăng dầu, mùi khói, mùi khét của nhựa cháy…

2/ Kêu cứu:

  • “(Bớ làng xóm!) Bớ người ta! Cấp cứu! Cấp cứu!”.
  • Yêu cầu ai đó giúp đỡ hay gọi xe cứu thương.
  • Gọi 115.
  • Chuẩn bị vật dụng tự bảo vệ: găng tay, khẩu trang (Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm)

3/ Xin phép giúp đỡ:

 Nói với nạn nhân: “Tôi có học căn bản cứu thương, xin được giúp đỡ ông/bà”

II/ KHÁM LẦN 1:

R – RESPOND = PHẢN ỨNG:coban1

Kiểm tra phản ứng của nạn nhân bằng cách hỏi, gọi lớn tiếng, giật tóc mai… Tuyệt đối không được lay hoặc lắc nạn nhân vì nếu nạn nhân tổn thương cột sống thì đây là hành động cực kỳ nguy hiểm.

Nếu nạn nhân còn tỉnh, hô hấp bình thường thì cho nằm tư thế hồi sức.

Nếu nạn nhân bất tỉnh nhân sự, gọi gấp 115. Trong khi chờ

đợi ta có thể tiến hành các bước tiếp theo.

Tư thế hồi sức

Tư Thế Hồi Sức

Sau khi đã thực hiện trình tự D (Nguy hiểm) và R (Phản ứng), chúng ta chuyển sang giai đoạn CAB

C – CIRCULATION = TUẦN HOÀN:

Kiểm tra mạch đập bằng cách ấn 2 ngón tay vào động mạch cảnh ở cổ tay trong hay ở cạnh cổ hoặc áp tai xuống ngực để nghe và đếm nhịp tim (thường thì 72 lần/phút).

coban3 coban4

Nếu không bắt được mạch hay không nghe được nhịp tim, lập tức tiến hành thủ thuật “Hồi Sinh Tim Phổi” (CPR)

A – AIRWAY = KHÍ ĐẠO (ĐƯỜNG THỞ):

Kiểm tra đường thở của nạn nhân xem có dị vật gì hay không? Nếu có thì mở miệng nạn nhân rồi dùng ngón tay để móc dị vật ra.

coban5 coban6

Lật ngửa đầu ra sau (trừ trường hợp chấn thương cổ), kéo cằm lên, đẩy hàm dưới ra trước để cho khí đạo thông thoáng.

B – BREATHING = HÔ HẤP:coban7

Kiểm tra xem nạn nhân có thở hay không bằng cách nghiêng tai xuống để lắng nghe và cảm nhận hơi thở của nạn nhân lên má của mình. Đồng thời nhìn xuống và sờ lồng ngực nạn nhân xem có nhấp nhô lên xuống hay không ?

Nếu nạn nhân còn thở thì lắng nghe, đếm nhịp thở (thường thì từ 10-20 lần /phút), xem có bình thường hay không?

Nếu nạn nhân ngừng thở thì ngay lập tức tiến hành Hô hấp nhân tạo (nên sử dụng phương pháp miệng qua miệng với tần suất 5 giây 1 lần).

coban8 coban9

THỦ THUẬT HỒI SINH TIM PHỔI (CPR):

Nếu nạn nhân không thở và không bắt được mạch hay không nghe được nhịp tim, lập tức tiến hành thủ thuật “Hồi sinh tim phổi”

coban10 coban11

Quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, chồng hai bàn tay đặt lên lồng ngực ngang hai đầu vú nạn nhân, đan những ngón tay lại với nhau.

Đè tay ép lồng ngực của nạn nhân xuống, rồi buông ra  theo tốc độ 100 lần/phút. Các bạn ép ngực 30 lần và thổi ngạt 2 lần. Sau mỗi 5 chu kỳ, các bạn kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân một lần bằng cách lắng nghe và đặt hai ngón tay lên động mạch cổ. Nếu nạn nhân không thở sẽ làm tiếp 5 chu kỳ nữa .

Xem thêm [Kỹ thuật CPR-Hồi sinh tim phổi]

III/ KHÁM LẦN 2:

Khám tổng quát nhanh chóng khắp thân thể bệnh nhân.coban12

  • Tìm kiếm những tổn thương khác.
  • Nếu có những vết thương xuất huyết, phải tìm mọi cách để ngăn chận chảy máu.
  • Giữ yên các vết thương, không cố rút các vật lạ đã ghim vào cơ thể nạn nhân.
  • Nếu nạn nhân bị gãy xương, lập tức cố định xương gãy, giúp nạn nhân bớt đau đớn.
  • Nếu phát hiện những nguy hiểm, hãy cứu chữa ngay.
  • Luôn tôn trọng thứ tự DR.CAB.

IV/ TIẾP TỤC CHĂM SÓC

  • Đặt nạn nhân ở tư thế nằm hay ngồi an toàn, thoải mái.
  • Phủ kín hay nới lỏng y phục nạn nhân tùy trường hợp.
  • Không nên cho ăn uống.
  • Tiếp tục giám sát trình trạng của các giai đoạn CAB.
  • Ghi chép để tường trình khi nhân viên cấp cứu đến.

Lưu ý quan trọng:

  • Đảm bảo an toàn, không có mối nguy hiểm cho bản thân, cho nạn nhân, cho người khác.
  • Gọi trợ giúp
  • Luôn luôn tuân thủ các trình tự Dr.CAB.

 

Tham khảo tài liệu của Viện Tim Hoa Kỳ và một số tài liệu huấn luyện sơ cấp cứu dùng cho ngành Dầu Khí.

Hướng dẫn áp dụng cho đa số trường hợp, tuy nhiên bạn cần phải là người tự quyết định tại hiện trường và chịu trách nhiệm vì có rất nhiều yếu tố tác động đồng thời. Để tăng hiệu suất thành công, bạn cần được hướng dẫn và thực hành bởi người đã biết.

Bởi: SaigonScouts

(code 8.2.1.0)

(Visited 5436 times, 1 visits today)

Share this post

Trả lời