Hành Trang Hiệp Sĩ

LỌC VÀ KHỬ TRÙNG NƯỚC NƠI HOANG DÃ

Dù có khát đến đâu các bạn cũng đừng uống nước dơ bẩn hay nước tiểu. Các chất cặn bã ngay trong nước tiểu hay vi khuẩn trong nước dơ thừa sức đốn ngã bạn bằng các vô số bệnh như tả, lị, thương hàn …

Nước giếng vẫn là nước tốt nhất để uống. Nơi chúng ta tạm trú nếu không có nước giếng, và phải dùng nước sông, lạch, ao, hồ … Khi đó, nếu muốn có nước sạch để sử dụng, các bạn phải biết vài cách làm trong và khử trùng nước đơn giản.

Các cách bên dưới chỉ áp dụng cho nước tự nhiên, không hiệu quả cho nước nhiễm hoá chất công nghiệp hay các nguồn nước thải.

Nên xem bài: Tìm Nước Trên Đường Mưu Sinh

1.   LỌC NƯỚC NƠI HOANG DÃ

Dùng bơm lọc

1 Bo loc co hocNhững bộ lọc nước này làm việc rất hiệu quả, nó có thể lọc sạch nước bằng phương pháp cơ học đơn giản. Không dùng bất cứ hóa chất nào. Bộ màng lọc này có thể ngăn chặn hiệu quả các chất bẩn rắn lơ lửng, các tế bào nấm độc, vi trùng và vi khuẩn từ các nguồn nước trong thiên nhiên, nhưng KHÔNG hiệu quả lọc được các thể nhỏ hơn như virút. Khả năng loại bỏ vi khuẩn phụ thuộc vào những lỗ li ti trên màng lọc. Khi mua một bộ lọc, các bạn cần tìm kiếm thông tin trong bao bì hay bản hướng dẫn. Lỗ màng lọc phải từ 0.4 micron hay nhỏ hơn.

Mặc dù giá hơi cao, nhưng bộ bơm lọc giúp lọc nước khá nhanh và dễ sử dụng so với những phương pháp làm sạch khác. Để diệt các vi khuẩn và đề phòng các loại virut, các bạn nên xử lý nước với Iodine hay Chlorine trước khi bơm nước qua lọc (nếu bạn có thời gian và bình chứa, thì bạn có thể thực hiện diệt khuẩn sau khi lọc, và trước khi uống). Dư lượng Iodine và Chlorine còn lại có mùi gây khó uống. Một vài loại bơm lọc được thiết kế trù tính thực hiện việc này, ví dụ như kèm theo nguyên tố than hoạt tính để khử mùi Iodine và Chlorine. Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng. Hãy tìm loại thích hợp, gọn nhẹ, dễ sử dụng, dễ tẩy sạch và bảo quản.

Sau một thời gian sử dụng, tính theo thể tích nước và tùy theo loại lọc, ta cần thay lọc mới.

Nếu chưa được khử trùng, nước lọc xong nên được đun sôi trước khi uống.

Tự chế thiết bị lọc trọng lực

Ở những nơi hoang dã, các bạn không có đủ vật liệu để chế những hệ thống lọc nước hoàn hảo, nhưng các bạn cũng có thể lọc nước với những hệ thống lọc nước trọng lực đơn giản sau đây:

  • Dùng một ống lon đục nhiều lỗ ở đáy (như một phin cà phê), đổ cát và than vào bình lọc.
  • Dùng một lóng tre hay một đoạn thân cây rỗng, một đầu nhét cỏ hay một nùi vải (hoặc cả vải lẫn cỏ), đổ cát vào để làm bình lọc nước.
  • Các bạn cũng có thể dùng 3 mảnh vải để làm thành giàn lọc nước như hình bên. Hai mảnh trên các bạn đựng cát, mảnh dưới cùng, nếu có thể thì đựng than.

2 Loc cat

Hoặc các bạn dùng một túi nhựa, chai nhựa hay túi vải bạt không thấm nước rồi đổ từng lớp cát, đá sỏi và than theo từng lớp để làm thành bình lọc nước. Nhớ là phải xếp hạt to bên dưới, hạt nhỏ bên trên.

 

3 Loc cat treo

4 Loc cat lon

Các bạn cũng có thể dùng những thùng thiếc hay can nhựa đục thủng nhiều lỗ nhỏ ở dưới đáy rồi cho đất và đá vào (theo hình minh họa ở bên trái hay bên phải). Sau đó gác một số cây ngang chậu rồi đặt bộ lọc lên. Đổ nước vào để lọc.

Nước lọc này chỉ lọc sạch chất bẩn lơ lửng chứ không có sạch vi khuẩn, vì vậy cần áp dụng biện phát tiệt trùng cần thiết trước khi uống. Cách này cũng kém hiệu quả cho nước phù sa.

2.   LẮNG TRONG

Nước đục chỉ cần để yên cặn sẽ lắng xuống thì nước sẽ trong. Tuy nhiên một số loại chất lơ lửng có kích thức nhỏ như phù sa sẽ lắng rất lâu. Khi đó ta cần chất trợ lắng, thường là phèn chua. Phèn tan trong nước ở điều kiện thích hợp, về nồng độ và độ chua môi trường, sẽ kết các hạt lơ lửng li ti thành bông lớn và lắng xuống. Khi làm trong nước bằng cách tạo bông này, phần lớn kim loại nặng như Sắt, Asen cũng được tách khỏi nước.

Hàm lượng phèn chua rắn: khoảng 50 gam cho mỗi mét khối (1000 lít) nước sông phù sa hay nước suối đục. Các bạn có thể gia giảm 50% từ hàm lượng này tuỳ theo độ đục và độ chua của nước. Khi nước trở nên chua quá thì phèn giảm tác dụng. Nước sau khi đánh phèn nếm có vị chua chát là bị quá rồi (nếu có cách gì đó đo pH, thì pH sau khi có phèn 6-8 là khoảng tuyệt nhất).

  • Đầu tiên, bạn làm thiết bị chứa có chiều cao và chiều rộng xấp xỉ nhau. Đừng quá ốm cao, hay cũng đừng quá mập lùn. Nếu dùng nhiều lần, dưới đáy thiết bị chứa nên có chổ xả bùn.
  • Lấy nước đến gần đầy.
  • Tính lượng phèn chua theo tỉ lệ nói trên. Hòa tan phèn chua vào nước, khuấy đều. Bạn nên nghiền hay mài phèn rắn, hòa tan trong một ca nhỏ trước khi hòa vào lượng nước lớn.
  • Để lắng vài giờ.
  • Nhẹ nhàng tháo hay múc lượng nước bên trên đem sử dụng. Nếu cần khử trùng nước, dung dịch chất diệt khuẩn sẽ được nhẹ nhàng hòa vào chừng 30 phút trước khi sử dụng.
  • Nếu dùng bồn chứa nhiều lần, sau nhiều lần lắng, lượng bùn ở đáy sẽ tích lũy nhiều, bạn cần xả bớt bùn ở đáy.

Một số nước giếng hay nước tù lấy lên bị phèn (chua do nhiễm nhiều ion Sắt và Nhôm, và có thể có Asen) không sử dụng sinh hoạt hay uống được. Một mẹo để kiểm tra nước bị nhiễm phèn hay không là dùng mủ chuối. Chỉ cần dùng mủ chuối (chặt từ bẹ chuối) nhỏ vào cốc mẫu nước và quan sát sự biến đổi màu của cốc nước. Nước bị nhiễm phèn, sắt càng cao khi thử, màu nước càng ngả sang màu đỏ đậm.

Khi gặp phải nước phèn này, bạn có 2 cách:

  • Dùng nhựa trao đổi ion khử phèn. Phương pháp này dùng cùng loại nhựa dùng biến nước biển thành nước uống được.
  • Làm giảm độ chua của nước, tức làm tăng pH của nước, một phần phèn sẽ lắng. Ví dụ dùng đá vôi, nước vôi, nước soda.

Đôi khi chỉ cần để nước tiếp xúc không khi hồi lâu, phèn cũng tự lắng. Vì ta không biết hóa tính của nước, đây là cách làm cầu may, chưa chắc nước xử lý xong uống được!

3.   KHỬ TRÙNG NƯỚC

Hai cách khử trùng nước hiệu quả và phổ thông là đun sôi và dùng hóa chất.

Đun sôi

Phương pháp này tốt nhất vì tiêu diệt hết vi trùng trong nước, và tin cậy tuyết đối. Đun sôi nước một phút, mọi sinh trùng trong nước sẽ bị tiêu diệt (ở nơi có độ cao hơn một nghìn mét so với mặt biển, phải đun sôi trong vòng ba phút).

Có thể biến mùi nhạt nhẽo của nước đun sôi bằng cách sang nước, tức là đổ nước từ thùng này qua thùng khác (cách này được gọi là thông khí), hoặc để yên nước trong vòng vài giờ đồng hồ, hoặc cho vào mỗi lít nước sôi một hạt muối nhỏ.

Nếu không có nồi soong để đun sôi, các bạn đào một lỗ ở dưới đất, lót một tấm plastic dày hay một tấm da thú, đóng cọc dằn chung quanh, đổ nước vào. Đốt một đống sỏi thật nóng, rồi gắp bỏ vào cho đến khi nước sôi lên, sau cùng có thể bỏ vào thêm vài cục than hồng đang cháy để khử mùi.

5 Dung da nong

Khử trùng nước bằng hóa chất

Phương pháp thứ hai là khử trùng bằng hóa chất nếu không có đều kiện đun sôi. Phương pháp này nên áp dụng áp dụng một cách thận trọng, cần đúng cách, đủ thời gian và đúng nồng độ.

Khi phải khử trùng dùng hóa chất, cần xem xét trạng thái của nước ở nơi đó. Thuốc khử trùng ít hiệu nghiệm nếu nước đục. Cần phải lọc nước hay làm trong trước khi diệt trùng. Nước chuẩn bị để khử trùng phải được giữ trong những thùng chứa sạch, có nắp đậy kín, và không bị rỉ sét.

Hai hoá chất thường dùng là Chlorine (phổ biến là nước tẩy Javen, kế đến là Clorua vôi và Clo-ra-min) và Iodine.

Javen

Chlorine và Iodine có hiệu nghiệm nhẹ trong việc khử trùng Giardia, tuy nhiên không hiệu nghiệm trong việc khử trùng Cryptosporidium. Vì vậy, Chlorine và Iodine chỉ dùng để khử trùng nước giếng (thay vì cho nước sông, hồ, hay suối), vì nước giếng ít có những sinh trùng gây bệnh kể trên. Chlorine khử Giardia mạnh hơn là Iodine. Tác dụng khử trùng của hai hoá chất này gia tăng nếu dùng trong nước nóng.

Cách thức sử dụng thuốc tẩy có chất Chlorine thường được in ở nhãn dán ngoài bình. Nếu không có, hãy đọc xem hàm lượng Chlorine trong bình là bao nhiêu.

Nếu có ống đong ml, bạn dùng khoảng 20-50 ml thuốc tẩy Javen 10% cho 1000 lít nước. Số cao dùng khi nước đục, chứa nhiều khuẩn.

Nếu không có ống đong, bạn dùng cách đếm số giọt nhỏ vào nuớc. Ðối chiếu hàm lượng này với bảng hướng dẫn dưới đây để biết phải dùng bao nhiêu giọt thuốc tẩy cho mỗi lít nước:

Hàm lượng Chlorine trong thuốc tẩy Số giọt thuốc tẩy cho mỗi lít nước
1% 10
4-6% 2
7-10% 1

Nếu không biết tỷ lệ chlorine, mỗi lít nước cho mười giọt thuốc tẩy. Có thể dùng gấp đôi nếu nước đục, có màu, hoặc quá lạnh.

Nước cần khử trùng phải được khuấy thật kỹ, để yên với nắp đậy trong vòng 30 phút. Nước này sẽ có thoáng mùi thuốc tẩy, giống như mùi nước thủy cục, là được. Nếu không, nên cho thêm một liều nữa, và để yên thêm 15 phút cho thoáng hơi.

Hoạt tính Chlorine sẽ giảm theo thời gian. Nếu nước có mùi thuốc tẩy quá nặng, nên mở nắp vài tiếng đồng hồ cho mùi thuốc tẩy bay ra hoặc sang nước nhiều lần từ thùng sạch này sang thùng sạch khác.

Để khử mùi Chlorine, mở nắp cho hơi bay ra ngoài không khí như mô tả ở trên. Nếu mùi quá nặng hay ai đó không chịu được mùi Chlorine, bạn có thể lọc nước qua than hoạt tính (than củi đốt).

Có thể mua những viên Chlorine có đủ liều cần thiết để khử trùng nước uống ở các quầy dược phẩm và bán dụng cụ thể thao. Hết sức lưu ý, phải sử dụng chúng theo như lời chỉ dẫn.

Iodine dùng trong nhà có thể dùng để khử trùng nước. Cho năm giọt thuốc Iodine 2% vào mỗi một lít rưỡi nước trong. Nếu nước đục thì cho mười giọt và để yên dung dịch ít nhất 30 phút.

Có thể mua những viên Iodine có đủ liều cần thiết để khử trùng nước uống ở các quầy dược phẩm và bán dụng cụ thể thao. Phải sử dụng chúng theo như lời chỉ dẫn.

Tổng hợp bởi SaigonScouts

Bài này được được tổng hợp tham khảo trên các tài liệu nước ngoài, bởi một cựu quân nhân và một kỹ sư hóa học.

Lưu ý: Bài này nêu ra phương pháp thực hiện để sinh tồn. Phương pháp không giúp loại trừ được các rủi ro do sai sót chủ quan của người dùng như: đọc thông tin hoá chất trên bao bì bị sai, đong rót sai, tính toán sai, hiểu thuật ngữ sai… Người dùng nên hết sức thận trọng tự cân nhắc các rủi ro, nếu bạn không chắc thì đừng nên thử theo suy diễn chủ quan của mình.

Chi tiết...

TÌM NƯỚC TRÊN ĐƯỜNG MƯU SINH

Cơ thể của chúng ta chứa khoảng 70% nước, nhưng cũng dễ mất nước qua hệ bài tiết, cho nên chúng ta phải kịp thời bổ sung số lượng nước đã mất, nếu không cơ thể sẽ suy kiệt nước và nguy hiểm đến tính mạng. Người ta có thể nhịn đói hàng tuần nhưng không thể nhịn khát trong vài ngày… Nước là chìa khóa của sự sống và mưu sinh nơi hoang dã. Cho nên, trong cuộc sống hoang dã, việc tìm ra nước là một vấn đề cấp bách, khẩn thiết và quyết định sinh tử, cho nên các bạn bằng mọi cách phải tìm cho ra nguồn nước.

Bên dưới chúng tôi giới thiệu các phương pháp tìm, tạo và giữ nước uống trên đường mưu sinh. Không có phương pháp tốt nhất, mà chỉ có cách vận dụng tốt nhất cho mỗi hoàn cảnh cụ thể.

Khi cần di chuyển để tìm đường mưu sinh, chúng ta càng phải biết dè sẻn nước uống, dù khát đến đâu thì cũng chỉ nên nhấp từng ngụm nhỏ cho đỡ khát mà không nên tu ừng ực. Vì trước mắt chưa chắc chúng ta sẽ tìm thấy nước. Hơn nữa, khi đang mệt, uống nước nhiều sẽ lả người, có thể dẫn đến ngất xỉu.

1.  TÌM NGUỒN NƯỚC VÀ MẠCH NƯỚC

Chúng ta có thể tìm thấy nước dễ dàng như: sông, suối, ao, hồ, mương, lạch, giếng, mạch nước… Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy nước ở những nơi như:

  • Dọc theo bờ biển hoặc bờ hồ nước mặn, các bạn đào một lỗ ở nơi vùng đất trũng, cách bờ biển khoảng 30m. Hoặc sau một đụn cát đầu tiên, nếu thấy nơi đó có cỏ mọc hay đất ẩm ướt, hy vọng có nước ngọt hay nước có thể uống được.

n1

Đào lỗ ở những vùng này nên chú ý là khi đến lớp cát ẩm, các bạn phải ngưng đào để cho nước rỉ ra từ từ, không nên đào sâu nữa, vì sẽ gặp nước mặn.

  • Đi ngược về nguồn sông, suối cạn, ở đó có thể có những mạch nước rỉ hay đất ẩm chứa nước. Tìm dưới những lớp đá chồng chất ở những khúc quanh của lòng sông hoặc bờ sông. Hay đào những hố nhỏ nơi có cát ẩm ướt. Vì ở đây có thể ẩn chứa những mạch nước.
  • Các bạn cũng có thể tìm thấy nước dưới trũng những cồn cát, nơi có những đám cỏ mọc xanh tươi.n2
  • Đi lần theo những con sông, suối cạn khô, các bạn có thể tìm thấy những vũng nhỏ chứa nước ở các khe mương, sau các tảng đá lớn, dưới chân các vách núi… Những vũng này nước không thấm xuống đất vì nó nằm trên một lớp đá hay đất sét hay đất sét nhão, nước cũng ít bị bốc hơi vì được che khuất ánh nắng mặt trời.

n3

  • Trên những vách núi trơ trọi mà có một nơi đất ẩm ướt, cỏ mọc xanh tươi, các bạn có thể thu hoạch nước bằng cách nhét một cái khăn hay mảnh vải vào nơi ẩm nhất. Để đầu khăn lòng thòng, nước sẽ thấm theo khăn và nhỏ vào vật hứng ở dưới.

n4

  • Đào một lỗ nhỏ ở khu vực sình lầy hay đá ẩm ướt, sâu khoảng từ 3-6cm, chỗ đất mềm. Nước sẽ từ từ rỉ ra trong hố. Nước này có thể lọc để dùng. Nếu chỉ có cát ướt hay bùn nhão thì các bạn dùng một miếng vải hay áo sạch, bỏ vào trong đó, túm lại rồi treo lên hoặc vặn xoắn mạnh, nước sẽ chảy ra. Nước “sản xuất” theo kiểu này thường không được trong sạch cần phải lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
  • Các bạn còn có thể tìm thấy nước mưa đọng lại từ trong các hốc cây đại thụ, hoặc trong các lóng tre bị mắt kiến (tre bị kiến đục mắt).

Nếu lắc mà nghe tiếng óc ách thì khía phía dưới từng lóng tre để hứng nước. Ta thường gặp ở những cây tre bánh tẻ (không quá già hoặc quá non) cũng chứa nước.

n5

 

2.  TÌM KIẾM NGUỒN NƯỚC TỪ THỰC VẬT

Khi không kiếm được nguồn nước tự nhiên như sông, suối, đầm lầy… hay mạch nước, các bạn có thể tìm kiếm nguồn nước từ thực vật. Nhưng dĩ nhiên là không phải cây nào cũng có thể cho chúng ta nước, hay là nước cây nào cũng uống được, cho nên các bạn phải cẩn thận, chỉ sử dụng những cây mà mình đã biết khá rõ.

 Lấy nước từ dây leo:

Hầu như tất cả các loại dây leo thân mềm trong thiên nhiên đều chứa nước, nhất là các loại dây leo thân mềm. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, các bạn cũng phải biết rõ tính chất của các loại dây leo đó.

Để lấy nước, các bạn chặt xiên mũi mác ở phần ngọn rồi kéo xuống. Kê bình nước vào để hứng, nước sẽ từ từ chảy vào bình.

n6n7

Các bạn cũng có thể chặt đứt hẳn một đoạn dây leo dài khoảng 1 m (chặt gốc trước ngọn sau). Cầm dựng thẳng lên kê phần gốc vào miệng, nước sẽ từ từ chảy xuống. Khi hết nước, các bạn chặt một đoạn khác.

Hoăc làm một cái giàn như hình bên cạnh, rồi chặt một số đoạn dây leo hay rễ cây tươi dựng trên cái dàn đó, dưới giàn có một cái máng. Đầu máng đặt một vật hứng nước.

 n8

Lấy nước từ các loại cây trữ nước

Một số thực vật có lá mọc bó chung quanh gốc tạo thành hình dạng cái chén. Những cây này sẽ thu thập và lưu trữ nước ở trong gốc cây. Tiêu biểu cho dạng này là một số các giống cọ, một số ổ rồng, ráng bay, dứa bay (bromelaides -thuộc họ dứa, là những cây thường mọc ký sinh trên những cây đại thụ cao), chúng có lá được thiết kế để bắt nước mưa và đưa nó xuống để các gốc của lá, nơi tiếp giáp với thân cây. Tạo thành các hồ mi-ni để cây có thể hấp thụ từ từ.

n9

Một số loại cây và thực vật được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và có thể cung cấp cho chúng ta một nguồn nước. Một ví dụ tuyệt vời của loại nầy là cây “chuối rẻ quạt”  thuộc họ chuối và có thể chứa đến 1-2 lít nước ở giữa cuống lá, nơi tiếp giáp với thân cây.

n10

Lấy nước từ cây chuối

n11Muốn có nước các bạn chặt ngang thân chuối, cách mặt đất chừng một gang tay (20cm). khoét một lỗ hình chén ở giữa, sâu xuống cho đến phần gốc (củ). Chừa bẹ chung quanh vừa đủ dày để giữ nước. Khoảng một giờ thì nước trào lên, các bạn múc đổ vào bình chứa nước, và tiếp tục như thế cho đến khi kiệt nước. Mỗi gốc chuối như thế có thể cho ta nước từ 4-5 ngày.

n12Một cách khác để lấy nước từ cây chuối là cắm một vòi nước vào thân cây. Để khai thác nước từ thân cây chuối, các bạn hãy lấy một lóng tre rỗng chiều dài khoảng 20 cm, đường kính bằng ngón tay cái của bạn, Dùng dao cắt vát một đầu rồi cắm vòi tre vững chắc vào thân cây chuối (gần dưới gốc) nghiêng một góc 70 độ. Sau khi cắm xong là nước bắt đầu chạy ra khỏi thân cây và nhỏ xuống thông qua vòi nước. Đặt một vật hứng nước bên dưới vòi nước, bằng một cái cốc hay một chiếc lá lớn hoặc miếng nhựa trong một hố đào xuống lòng đất, cho nước nhỏ giọt vào và để nó trong một vài giờ để cho nước đầy đủ để uống. Tuy nước có hương vị như chuối xanh nhưng nó có thể uống được.

 Lấy nước từ cây dừa

Được trồng và mọc hoang nhiều nơi trong những vùng nhiệt đới, gần bở biển hay các hải đảo. Nếu các bạn đi lạc vào một vùng có cây dừa thì sự sống của các bạn khá an toàn. Vì từ cây dừa nó sẽ cho chúng ta những sản phẩm như:

n13Nước dừa: chứa rất nhiều axit amin, axit hữu cơ… nhất là nước dừa, một loại nước giải khát hảo hạng

Cùi dừa: có chứa 65% chất béo, 20% gluxit, 8% protit, 4% nước. Là một loại thực phẩm rất tốt.

Gáo dừa: dùng làm đồ đựng thay tô, chén, gáo múc nước… và làm chất đốt…


Gân lá dừa
: bện hay bó lại để làm chổi, làm tăm xỉa răng, đan rổ rá…

Xơ dừa: bện dây thừng, làm thảm chùi chân, chất đốt…

Đọt non dừa (củ hủ): là một thực phẩm cao cấp, có thể ăn sống, luộc, xào, nấu.

Thân cây dừa: dùng làm cột nhà, làm cầu thủ công và các tiện nghi khác.

Trường hợp gặp cây dừa mới ra hoa, mà chúng ta thì rất cần nước. Hãy níu cuống hoa cho cong xuống (có thể dùng dây để trì giữ lại) và cắt chỗ giáp cuống với buồng hoa. Dùng bao nylon hay ống tre chụp lại để hứng nước (đừng để không khí tiếp xúc nhiều với vết cắt, nếu không thì cứ 12 giờ lại cắt thêm một lát mỏng, vì váng đã đóng bít các lỗ khổng dẫn nước)

Lột vỏ dừa

Để lột vỏ dừa ta dung một dụng cụ, người dân Bến Tre gọi là “cây nầm”. Cây nầm hình dáng như một lưỡi mác thẳng, sắc nhọn trui bằng thép. Lưỡi nầm gắn với cán sắt hình trụ rỗng ruột, được đóng chặt vào cọc cố định. Khi lột, người ta cầm trái dừa nhấn mạnh vào lưỡi nầm theo chiều ngang của trái dừa, rồi vặn cho múi vỏ bật ra

n14

Lấy nước từ cây thốt nốt:

N15Được trồng nhiều ở miền Nam Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và một số nước trong vùng nhiệt đới. Cây thốt nốt được trồng chủ yếu để lấy nước làm nguyên liệu chế biến thành đường và rượu.

Để lấy được nước các bạn làm như cách làm với dừa, cắt một đoạn ở đầu cuống hoa, rồi buộc bao nylon với ống dẫn nước làm bình chứa.

Nếu cắt vào chiều tối và để suốt đêm, các bạn sẽ có một lít nước có vị ngọt và thơm.

Quả thốt nốt non ăn ngon như  thạch. Quả già có màu vàng, thơm như mít, nếu giã ra, đem lọc sẽ cho ta một loại bột làm bánh rất ngon.

 Lấy nước từ  cây báng:

Còn gọi là cây bụng báng, và những cây có dạng tương tự như cây đoác, cây kapác, cây xế, cây rui, cây đủng đỉnh (đùng đình, người Bắc gọi là cây móc)… đều có công dụng giống nhau.

n16Là những cây mọc hoang, thường được thấy nhiều ở Việt Nam và một số nước trong vùng nhiệt đới, những cây này có thể cho chúng ta lấy nước từ ngọn, cuống hoa hay ngọn hoa như cách làm với cây dừa và thốt nốt. Có thể lấy tinh bột từ thân cây. Đọt non có thể luộc hoặc nấu canh như các loại rau cải. Cơm của trái cũng ăn được.

Muốn lấy nước nhanh và nhiều, người ta chặt lưu thân (không đứt hẳn) cho cây ngã xuống theo triền núi (làm sao cho phần gốc nằm cao hơn phần ngọn). Bóc hết lá trên ngọn cho đến đọt. Đẽo vát phần đọt non làm thành máng dẫn. Trùm bao nylon hay kê đồ để hứng. Trung bình một ngày một cây cho ta từ 4-5 lít nước. Khi lượng nước giảm, các bạn vạt thêm vào khoảng 1cm, nước sẽ chảy tiếp.

Các bạn lưu ý là khi chặt cây đủng đỉnh, nếu bị vướng vào buồng trái của nó thì sẽ rất bị ngứa các bạn phải cẩn thận.

Một cây kapác cao từ 12-15 m, sẽ liên tục cho chúng ta từ 150-170 lít nước trong vòng 40 ngày.

Ruột của thân cây đem giã, lọc sẽ cho cúng ta một loại bột để làm bánh.

Lấy nước từ cây dừa nước:

Là loại cây thân bẹ thấp, lá như lá dừa, mọc thẳng đứng vươn lên cao. Cây thường mọc ở những vùng đầm lầy ngập mặn, phù sa, nhiễm phèn, ven sông rạch có thuỷ triều lên xuống …

Cây dừa nước mọc rất nhiều ở vùng đồng bằng Nam Bộ, có nơi phát triển thành rừng tự nhiên.

Cây dừa nước cũng cho trái, mỗi buồng dừa nước có khoảng vài chục trái, kết với nhau thành buồng có dạng khối tròn. Trái dừa nước có cùi dày, màu trắng đục, có vị hơi ngọt và rất béo, có thể ăn tươi, nấu chè…

Lá dừa nước dùng để lợp nhà với hai kiểu lợp: lá chằm và lá xé, làm chỗ trú mưa nắng rất tốt.

n17

Bập dừa nước dùng để chẻ lạt, gọi là lạt dừa. Nó còn là loại phao nổi tự nhiên dùng để vượt sông.

Nhưng quan trọng nhất là nhựa dừa có thể dùng để uống và chế biến thành đường, cồn, rượu, giấm, nước giải khát, bánh kẹo…

Muốn lấy nước thì chúng ta cũng dùng những phương pháp như đối với cây dừa và cây thốt nốt: cắt đầu cuốn hoa còn non, buộc bao nylon hay ống để dẫn nước. 

Lấy nước từ cây xương rồng

Ở những vùng đất khô cằn hay hoang mạc, người ta thường gặp những cây xương rồng khổng lồ Saguaro (không thấy ở Việt Nam) thân cây chứa rất nhiều nước.

Để lấy nước, người ta lựa những cây thấp, mọng nước (khía căng, không lõm sâu) cắt ngang thân cây, rồi dùng tay hay gậy quậy một lúc ở trong ruột cây, nó sẽ cho ta một chất nhờn tựa như thạch, có thể ăn để đỡ khát.

n18

N19

Xin lưu ý: đây là một phương pháp lấy từ tài liệu nước ngoài, tuy nhiên khi thử nghiệm thì có vấn đề, vì “chất nhờn tựa như thạch” của hầu hết các loại xương rồng đều rất đắng và gây nôn, không ăn được. Duy chỉ có loại xương rồng thân mềm có gai hình móc câu thì có thể tạm dùng được. Còn có loại xương rồng nào nữa thì chúng tôi chưa biết. Các bạn cần cẩn thận thử nghiệm trước khi sử dụng.

 

Cây Baobab

Một cây có chứa nước khác là cây Baobab (thường được gọi là cây sự sống), được tìm thấy ở châu Úc, châu Phi và Madagascar. Cây giữ một số lượng rất lớn nước trong thân của nó. Cây này cũng cung cấp bóng mát. Trái cây, lá non, rễ non và cây non ăn được.

n20

3.   NGƯNG TỤ HƠI NƯỚC THIÊN NHIÊN

Phương pháp thứ nhất

Đào một cái hố hình phễu, đường kính khoảng chừng một mét, sâu cũng chừng một mét, ở những khu vực ẩm ướt. Đặt ở dưới đáy hố một vật dụng đựng nước (lon, tô, chén…) rồi phủ lên trên miệng hố một tấm nylon sạch và trong suốt, dằn đất đá cho kín chung quanh mép. Ở giữa bỏ một cục đá làm cho miếng nylon thụng xuống ngay ở miệng vật chứa nước. Sức nóng của mặt trời làm cho đất ẩm bốc hơi, đọng lại dưới tấm nylon, chảy dài xuống và nhỏ vào vật chứa nước để phía dưới đáy hố.

n21

Các bạn có thể áp dụng phương pháp này ở những vùng hoang mạc khô cằn, nhưng trước đó các bạn phải lót một số thân cây mọng nước đã được chặt nhỏ (xương bồng, sống đời …), hoặc những cành lá còn tươi xanh xuống đáy hố để tạo ẩm. Nếu có thể thì nên dùng một ống nylon hay ống trúc thông mắt, để cắm một đầu vào vật đựng nước, một đầu ra khỏi miệng hố, khi cần thì có thể hút nước qua ống, mà không phải mở nắp đậy lên.

Phương pháp thứ hai

Các bạn có thể dùng một cái bình 5 lít để tạo ra một bình chưng cất nước bằng ánh nắng mặt trời như dưới đây.

n22

Phương pháp thứ ba, và bốn

Các bạn tìm một bụi cây thấp, thật nhiều lá xanh. Đào một cái hố chứa nước nhỏ gần gốc cây, chỗ thấp nhất. Lót một tấm nylon xuống lỗ và chung quanh gốc cây với một độ nghiêng tập trung vào hố. Trùm một tấm nylon khác trong suốt và sạch, lên bụi cây, dằn kín.

Hoặc dùng một bao nylon trùm một đầu cành cây rồi cột kín lại.

Dưới ánh mặt trời, lá cây sẽ bốc hơi, ngưng tụ dưới bề mặt tấm nylon, rồi chảy về phía thấp nhất. Nước này cũng tinh khiết, có thể dùng ngay.

 

n23

Phương pháp thứ năm

Các bạn cũng có thể đắp đất làm mương dẫn nước (xem hình minh họa) rồi lấy một bao nylon trong suốt trùm lên, lấy đá sạch dằn chung quanh mương. Sau đó chống một cái que cho bao nylon phồng lên. Cuối cùng bỏ lá xanh mọng nước vào, không để lá chạm vào bao, rồi cột miệng bao lại.

n24

4.   CHƯNG CẤT NƯỚC & LẤY NUỚC TỪ SƯƠNG

Phương pháp này kỳ công dành cho những người đã chuẩn bị hay những người tìm được dụng cụ thích hợp khi ở trong vùng nước không đủ tinh khiết như: mặn, nước bẩn, nước đã nhiễm phèn…

n25Nguyên tắc chưng cất này dựa theo nguyên lý hơi nước nóng gặp lạnh sẽ ngưng tụ lại thành nước, cho nên các bạn phải giữ cho phần làm lạnh lúc nào cũng phải “lạnh”.

Nếu các bạn đã chuẩn bị sẵn bằng những dụng cụ chưng cất có bán trên thị trường (cho nấu rượu) thì rất tốt. Xem hình bên.

Bằng không nếu kiếm được một số dụng cụ và vật liệu, các bạn có thể chế những bình chưng cất nước theo một trong những cách đơn giản sau đây. Các bạn làm cái dàn để treo một cái nồi. Trên miệng nồi, các bạn trùm bao nylon. Từ miệng bao nylon các bạn gắn một ống nhựa dẻo để dẫn hơi nước. Ống nhựa dẻo đi qua một túi nylon làm lạnh để ngưng tụ hơi nước. Đầu ống đặt một vật để hứng nước.

Các bạn cho nước mặn hay nước không tinh khiết vào nồi rồi nấu lên, bạn sẽ có nước tinh khiết ở đầu ống bên kia.

n26

n27Chưng cất nước bằng khăn

Trong trường hợp khẩn cấp, các bạn có thể lấy một cái nồi, đổ nước biển hay nước không tinh khiết vào, trên miệng nồi đậy nhiều lớp vải dễ thấm nước, bắc lên bếp đun sôi rồi lấy những mảnh vải ra để hơi nguội đoạn vắt nước từ những miếng vải ra để uống hoặc sử dụng. Yêu cầu không khí mát mẻ hay là cái khăn phải mát trước khi dùng cho mục đích này.

Lấy nước từ sương mù

Đây là một phương pháp lấy nước mới nhất do các kỹ sư của Canada và Chile phối hợp nghiên cứu. Họ đặt ở sa mạc Atacama phía Bắc Chile, 75 mảnh lưới bằng sợi thấm nước, mỗi mảnh rộng 12m x 4m. Những mắt lưới đó đã thu những giọt nhỏ của sương mù góp lại thành những giọt nước. Nó chảy tự nhiên vào một cái máng ở dưới những mảnh lưới, rồi theo những ống dẫn, đổ vào bể chứa. Mỗi mét vuông lưới thu được trung bình từ 3 đến 4 lít nước một ngày, đủ để cung cấp cho một làng chài trong vùng Chungungo.

n28

Những đề án tương tự cũng đang được thực hiện trong vùng núi khô cằn ở Pérou, Equateur, Kenya, Ấn Độ, Yémen và Philippine. (theo Science et Vie. 1/94)

n29Thu thập nước từ sương đọng trên lá

Vào các buổi sáng, khi gặp những đám cỏ cao ướt đẫm sương. Các bạn có thể lấy nước bằng cách cầm mảnh vải quơ nhẹ lên ngọn cỏ rồi vắt lấy nước. Hay cột một cái khăn, áo thun (loại vải dễ thấm nước) vào một sợi dây rồi kéo lướt qua trên ngọn cỏ. Hoặc cột vào hai ống chân. Sau khi đi một đoạn, các bạn có thể cởi ra vắt để lấy nước.

Nếu bạn bị rơi máy bay, thì cánh máy bay là nơi sương đọng rất nhiều (do hợp kim ở cánh máy bay có tính lạnh hơn nhiệt độ môi trường). Các bạn dùng khăn hay vải sạch dễ thấm nước để lau, khi thấy sũng nước thì vắt vào thùng chứa.

n30

5.   THU GOM NƯỚC MƯA

Là món quà quý giá từ thiên nhiên, nước mưa khá tinh khiết, có thể sử dụng được ngay.

Để lấy nước mưa, các bạn có thể căng bạt để làm máng hứng nước, hay cố định những phiến lá to như ráy, môn rừng … bằng cách cắm cây hai bên để phiến lá không bị gió đong đưa. Ở chót lá, các bạn đặt thùng hay can chứa nước. Hoặc quấn vải quanh thân cây, ở dưới cho thòng một đoạn để hứng nước.

 n31

n32Hứng nước mưa dùng bạt

Các bạn đóng 4 cái cọc cao khoảng 1 mét (tùy theo tấm bạt lớn hay nhỏ), một đầu cao một đầu thấp. Đầu thấp mở thành cái máng để nước mưa chảy vào chậu hứng.

Trữ nước mưa

Nếu các bạn ở những nơi có mưa nhiều, hãy đào một cái hố sâu và rộng bằng tấm bạt hay nylon mà bạn có. Đất đào lên đắp chung quanh cho cao để nước bẩn không tràn vào, rồi trải bạt lót hố để hứng và tích trữ nước mưa.

n33

6.   ĐỒ CHỨA NƯỚC VẬT LIỆU THIÊN NHIÊN

Để chứa nước, mang nước theo hay đi lấy nước, các bạn cần phải có một số vật dụng dùng để chứa nước như: can nhựa, thùng, gàu, bình đựng nước … nhưng nếu không có các bạn phải biết tận dụng những vật liệu thiên nhiên sẵn có để chế tạo thành những đồ đựng nước như những hình gợi ý dưới đây.

n34

Bài viết nên xem cùng: 

LỌC VÀ KHỬ TRÙNG NƯỚC NƠI HOANG DÃ

Rèn Luyện Trước Khi Vào Nơi Hoang Dã

(Bài viết: 8.4.2.7 STTN 7)

Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

CHƯƠNG TRÌNH ÔM CÂY SỐNG SÓT

A. LỊCH SỬ CHƯƠNG TRÌNH “Hug-a-Tree-and-Survive”

Vào một ngày Thứ Bảy tháng Hai năm 1981, ba anh em nhà Beveridge đã cùng nhau đi lên Núi Palomar, một ngọn núi cách khoảng 60 dặm về phía Đông Bắc của San Diego, California. Họ đi trên con đường mòn tự nhiên cách nửa dặm từ khu cắm trại, nơi cha mẹ của họ đang chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Hai trong số các anh em tin rằng Jimmy Beveridge 9 tuổi đã chạy đua với họ để trở lại nơi cắm trại, nhưng em đã không trở lại.

Gia đình đã bỏ ra một giờ để tìm kiếm em nhưng không thấy, họ vội liên lạc với Sở Kiểm Lâm và Sở Cảnh Sát. Điều thường xảy ra trong tháng Hai ở miền Nam California là thời tiết thất thường, không thể đoán trước được. Ban ngày có thể trời nắng đẹp và ấm áp. Nhưng vào ban đêm thì những đám mây và sương mù bao phủ ngọn núi, làm cho nhiệt độ giảm xuống rất thấp.

Đến ngày Thứ Hai, trời đổ mưa gần như liên tục, mây và sương mù vẫn tiếp tục bao phủ đỉnh núi. Các máy bay trực thăng chỉ có thể bay khi những đám mây tan đi, là điều kiện cần cho một chuyến bay an toàn. Gió và mưa đã vô hiệu hóa mùi của Jimmy. Vì vậy các con chó đánh hơi đành phải bất lực. Hy vọng duy nhất là phải tổ chức một cuộc tìm kiếm quy mô có hệ thống trên toàn bộ khu vực, và cầu nguyện để để sớm nhận ra dù chỉ một dấu hiệu nhỏ của cậu bé.

Sáng ngày Thứ Ba, thời tiết đột nhiên thay đổi và mặt trời xuất hiện. Có khoảng 400 người tình nguyện tìm kiếm tại hiện trường, trong đó có hơn 200 lính Thủy quân lục chiến. Cuộc tìm kiếm được tổ chức lớn nhất trong lịch sử của San Diego County.  Chiều hôm đó, người ta tìm thấy chiếc áo khoác và một chiếc giày của cậu bé.  Nhờ đó mà hướng đi cuối cùng của cậu bé đã được xác định. Sáng ngày Thứ Tư, thi thể của Jimmy đã được tìm thấy, cuộn tròn bên cạnh một gốc cây trong một khe núi, khoảng hai dặm từ khu cắm trại.  Em ấy đã chết vì hạ thân nhiệt.

Một nỗi đau buồn khôn xiết đã bao phủ lên gia đình cậu bé và những người tham gia cuộc tìm kiếm. Đó là một cảm giác đau đớn và thât vọng tột cùng, in sâu vào tâm khảm mỗi người trong nhiều tháng sau đó. Nỗi đau mà trong đó vì một cậu bé đã mất đi mạng sống, và vì một cảm giác sai lầm lớn đã xảy ra mà không có ai để đổ lỗi.

Nhiều người bị tác động mạnh bởi thảm kịch này và họ mong muốn tìm một phương cách nào đó để ngăn chặn nó xảy ra lần nữa. Thảm kịch gặm nhấm tâm hồn Ab Taylor, một lính tuần tra theo dấu vết nổi tiếng, và Tom Jacobs, một nhà văn kiêm nhiếp ảnh gia. Cả hai đều là thành viên trong đội tìm kiếm Jimmy. Đây là lần đầu tiên ông bị thất bại đau đớn trong suốt ba mươi mốt năm làm nghề theo dấu vết của Taylor, ông đã không thể tìm thấy một đứa trẻ bị mất tích mà còn sống. Sự đau khổ khiến ông phải hợp tác với Jacobs, Jackie Heet, và Dorothy Taylor trong việc thiết kế một một chương trình để dạy trẻ em ở lứa tuổi 5-12, các nguyên tắc rất cơ bản để có thể lưu trú an toàn ở nơi hoang dã. Nguồn gốc tên của chương trình được lấy từ thông điệp chính của nó: Nếu bạn bị thất lạc, phải ở lại – Hug-a-Tree (nghĩa là hãy Ôm một cây) – cho đến khi nhóm cứu hộ đến.

Trong những thập kỷ sau đó, các nhà khai sáng chương trình ban đầu cùng với một số người khác, bao gồm cả Lillian Taylor (vợ của Ab) cam kết – đào tạo hàng trăm tình nguyện viên để phổ biến chương trình. Tính đến thời điểm này, chương trình đã có được một mức độ thành công đáng kể tại Hoa Kỳ. Trong năm 1999, ý niệm của chương trình đã được du nhập sang Thụy Điển và chương trình bắt đầu được trình bày bởi các tình nguyện viên ở Thụy Điển. Vào năm 2001, phát triển sang Canada và đã được huấn luyện cho RCMP (Royal Canadian Mounted police – Kỵ cảnh Hoàng gia Canada). Và rồi đến một vụ bùng nổ về số lượng trẻ em được chương trình huấn luyện ở Bắc Mỹ khi Hướng đạo Hoa Kỳ đã đưa chương trình này vào huấn luyện cho Ngành Ấu.

Năm 2005, Ab Taylor tặng bản quyền chương trình Ôm cây Sống sót và các tài liệu cho Hiệp hội Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn (Nasar). Mục đích là để Nasar hiện đại hóa chương trình và tiếp tục phổ biến rộng rãi đến với trẻ em. Trong năm 2007, sau hai năm phát triển và áp dụng, người ta góp thời gian và tiền bạc quay một đoạn video mới, để phân phát và sử dụng trong dự án. Trong năm 2008, chương trình huấn luyện bằng video mới được thành lập, giúp cho họ biết cách làm thế nào để trình bày các chương trình, kèm theo nhiều tài liệu hỗ trợ mới được soạn và phát hành (ví dụ: cẩm nang, biểu ngữ, bản tin, tài liệu trình bày …).

Đó là tâm nguyện chân thành của những người đã đóng góp vào dự án này, để cho tất cả trẻ em sẽ có một ngày nào đó được tiếp xúc với các nguyên tắc cứu sinh của chương trình Ôm cây Sống sót.

B. NGUYÊN TẮC CƠ BẢN

Sau đây là 7 nguyên tắc cơ bản của Chương trình “Ôm cây Sống sót” để giúp cứu mạng sống một con người:

  1.  Báo cho người lớn. Em đi đâu? Khi nào? Với ai? Để làm gì? Khi nào thì về?
  2. “Ôm cây”. Ngay sau khi em nhận ra rằng mình bị lạc, có nghĩa là dừng lại và “ôm” một cái cây, không đi tiếp. Nếu em càng ở gần nơi mà em được nhìn thấy lần cuối, em càng có cơ hội sẽ được tìm thấy một cách nhanh chóng hơn. Càng đi thì bị lạc càng xa hơn và càng khó tìm hơn.

2

 

  1. Tạo ra một nơi trú ẩn. Thật dễ dàng nếu em mang theo một tấm bạt phù hợp với túi của đeo lưng – có thể đó là một túi nhựa lớn, một tấm chăn, bạt… Cắt hoặc xé một lỗ ở giữa để cho đầu của em vào như một poncho. (Tuy nhiên, hãy giữ cho khuôn mặt của em ló ra để em có thể thở)
  2. Tiết kiệm năng lượng cơ thể. Nếu thời tiết bắt đầu lạnh, hãy cuộn tròn như một con thú bị lạnh. Bảo tồn thân nhiệt và năng lượng cơ thể của em. Rúc trong bụi cây, hốc cây hoặc bất cứ thứ gì mà có thể bảo vệ em khỏi những luồng gió.
  3. Tự làm cho mình lớn lên – Để cho máy bay trực thăng có thể nhìn thấy em dễ dàng. Nếu có thể, em nên tìm một gốc cây trú ẩn gần nơi trống trải. Nếu phát hiện một chiếc máy bay đang tìm kiếm, thì ra chỗ trống vẩy tay hay nằm ngửa dang rộng tay chân ra trên mặt đất và khua tay lên xuống. Nếu có áo màu sáng hay sặc sỡ thì nên mặc bên ngoài.
  4. Tạo ra những tiếng động lớn – Ngoài ra, em phải luôn luôn mang theo một cái còi khi em sinh hoạt ngoài trời, để em có thể tạo ra tiếng kêu lớn, thu hút sự chú ý của lực lượng cứu hộ. Thổi còi, kêu lớn, gõ vào thân cây rỗng hoặc đập các tảng đá với nhau.

3

  1. Trả lời các tiếng gọi – Hãy nhớ rằng mọi người đang tìm kiếm em. Nếu em nghe tiếng mọi người gọi, đừng sợ hãi, hãy kêu lớn để trả lời họ. Họ đang làm hết sức mình để tìm kiếm. Và họ sẽ không từ bỏ cuộc tìm kiếm khi chưa tìm thấy em. Hãy trả lời cho họ, em sẽ được cứu.

 

 C. ĐỀ PHÒNG BỊ LẠC

Luôn luôn ở lại với gia đình của các em. Không đi lang thang một mình. Lúc nào cũng mang theo một cái còi để báo hiệu hay kêu gọi sự giúp đỡ nếu bạn bị lạc. Thổi ba tiếng còi có nghĩa là “tình huống khẩn cấp! cần giúp đỡ”. Tiếng còi ở trong vùng hoang dã vang xa hơn tiếng kêu của các em, và cũng đỡ mệt và đỡ khan cổ hơn.

Trong cơn giông tố, tránh xa các đỉnh đồi và cây các cây đơn độc, vì có thể thu hút sét.

Các dặn dò khác khi bị lạc:

>>Hãy để lại dấu vết

4

Cho dù lên kế hoạch cẩn thận và có hướng dẫn rõ ràng để thực hiện theo các kế hoạch đề ra, thế nhưng đôi khi vẫn có một ai đó tách ra khỏi nhóm và bị lạc. Khi đi bộ đường dài hay băng rừng mà sợ bị thất lạc, các em cần phải biết cách lưu lại những dấu vết để cho mình có thể tìm đường quay lại hoặc những người tìm kiếm có thể theo đó mà lần ra chúng ta.

Để lại dấu vết dễ nhận thấy làm tín hiệu trên đường đi của các em như: vạt một nhát dao vào thân cây, bẻ gãy những cành cây, cột túm những bụi cỏ cao, sắp xếp đá hay cành cây theo một quy ước, cột vải vụn lên các cây nhỏ… Những dấu hiệu này phải dễ dàng phân biệt được với những dấu vết do thú vật hay thiên nhiên tạo ra. Ghi lại màu sắc quần áo của các em trên một mảnh giấy và để nó lại cùng với dấu vết của các em.

Nếu có một người nào đó bị tách ra khỏi nhóm một thời gian mà không thấy họ quay trở lại, chúng ta phải báo cho nhà chức trách và cung cấp cho họ các thông tin cần thiết cho việc tìm kiếm.

>>Hãy ở lại tại chỗ

Nếu các em nhận thấy mình đã bị lạc, ngồi xuống ở nột nơi trống trải dễ nhìn thấy và chờ đợi. Những người tìm kiếm sẽ tìm thấy em. Đừng cố gắng tìm đường quay trở lại, vì như vậy em có thể bị lạc xa hơn, làm cho những người tìm kiếm khó phát hiện ra em hơn.

5

Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Chi tiết...

Ứng Phó Hỏa Hoạn

Ứng Phó Hỏa Hoạn

Hỏa hoạn là sự cháy xảy ra ngòai sự kiểm soát của con người, gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng con người và tài sản.

Để đối phó với hỏa hoạn, người ta đã nghĩ ra nhiều cách, chế tạo ra nhiều phương tiện, thế nhưng… cháy vẫn cứ cháy.

Người ta nói “Phòng cháy hơn chữa cháy”. Vì vậy mọi người trong chúng ta cần phải nêu cao ý thức “Phòng cháy” để giảm thiểu tối đa những tai họa tồi tệ này. Đồng thời bảo vệ trước hết là tài sản và tính mạng của chính gia đình mình và sau là của cộng đồng xã hội.

 

LÀM GÌ KHI GẶP ĐÁM CHÁY?

Khi thấy một đám cháy phát khởi, chúng ta hãy bình tĩnh:

  1. Hô to “Cháy! Cháy!” để báo động cho người trong nhà và cư dân gần đó biết (hay có thể thì thổi còi, đánh kẻng…).
  2. Cúp điện, (và cô lập các nguồn khí gas)
  3. Dùng bình chữa cháy cá nhân dập lửa ngay

 

Nếu một mình bạn không thể dập đám cháy:

  1. Gọi điện thoại (hay chạy đi báo, nếu gần) cho Sở Cứu hoả (114), Cảnh sát (113), Cấp cứu (115). Khi báo nhớ nói rõ chi tiết: địa điểm, số nhà, đường phố, phường, khóm, con đường gần nhất để đến đó. Tính chất đám cháy: lớn, nhỏ, cháy xăng, hoá chất…
  2. Tập họp đội chữa cháy (những người được huấn luyện trước).
  3. Nếu là nhà cao tầng thì kêu gọi những cư dân gần đó mang theo mền, bạt, thang, nệm… để cứu những người nhảy qua các cửa sổ.
  4. Trong khi chờ đợi đội cứu hoả chuyên nghiệp, đội tại chỗ phải tìm mọi cách để áp chế và ngăn chặn ngọn lửa lan, dùng các phương tiện phù hợp và sẵn có như: cát, nước, chăn ướt, bình cứu hoả…
  5. Cấp cứu (xem phần sơ cấp cứu) và di chuyển các nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm.
  6. Giúp dân chúng di tản đồ đạc và cắt cử người trông chừng. Giữ trật tự, ngăn cản những kẻ hiếu kỳ và hôi của.
  7. Bố trí người đón lính cứu hoả, dọn dẹp đồ vật choáng lối đi của nhân viên cứu hoả hay vòi rồng.
  8. Giúp lính cứu hoả bằng cách phụ giúp di chuyển các vòi nước

 

LÝ THUYẾT CHỮA CHÁY

Một đám cháy cần có 3 yếu tố để có thể bắt đầu và lan rộng:

  1. Nguồn nhiệt (que diêm, tàn thuốc, tia lửa điện…)
  2. Nguồn nhiên liệu (xăng, dầu, cây gỗ, giấy, vải…)
  3. Khí oxy (dưỡng khí)

Khi có đủ 3 yếu tố nói trên thì sự cháy vẫn chưa xuất hiện được mà cần phải có 3 điều kiện nữa thì sự cháy mới có thể xuất hiện.

  • Nồng độ Ôxy phải lớn hơn 14%
  • Nguồn nhiệt phải đạt tới giới hạn bắt cháy của chất cháy.
  • Thời gian tiếp xúc của 3 yếu tố đủ để xuất hiện sự cháy.hoahan

Loại trừ một trong 3 yếu tố trên là chúng ta bẻ gãy được “Tam giác lửa” để dập tắt đám cháy. Thí dụ:

  1. Loại bỏ nguồn nhiệt: phun nước vào đám cháy…
  2. Loại bỏ nguồn nhiên liệu: dẹp bỏ gỗ, cỏ khô, giấy, vải, xăng dầu… ra khỏi đường tiến công của lửa.
  3. Loại bỏ oxy: phủ bọt chống cháy, chăn ướt lên đám cháy,…

CÁC VẬT LIỆU VÀ DỤNG CỤ CHỮA CHÁY

Có nhiều loại vật liệu và phương tiện chữa cháy khác nhau dùng để dập tắt nhiều loại hoả hoạn khác nhau. Việc dùng sai vật liệu chữa cháy không những có thể gây nguy hiểm cho người chữa cháy mà còn làm cho đám cháy lan rộng ra. Vì vậy chúng ta cần phải hiểu rõ đặc tính của từng vật liệu và dụng cụ chữa cháy

Cát: dùng để dập tắt những đám cháy nhỏ hay những đám cháy do điện, các chất nhựa hoá học hay các chất lỏng dẫn hoả như xăng dầu, sơn… gây ra.

Nước: dùng để chữa các đám cháy do gỗ, giấy, vải, cỏ rác… Tuyệt đối không dùng nước để chữa những đám cháy do điện hay các chất lỏng dẫn hoả như xăng dầu, sơn… gây ra.

Phân loại đám cháy:

Theo tiêu chuẩn Việt Nam, căn cứ vào trạng thái của chất cháy mà đám cháy được phân thành các loại như sau:

  1. Chất cháy rắn: Ký hiệu A
  2. Chất cháy lỏng: Ký hiệu B
  3. Chất cháy khí: Ký hiệu C
  4. Chất cháy kim loại: Ký hiệu D
  5. Cháy điện: Ký hiệu E

Phân loại đám cháy và quy ước ký hiệu đám cháy để sản xuất thiết bị phương tiện chữa cháy và sử dụng phương tiện chữa cháy đúng với từng loại đám cháy (trên các bình chữa cháy ghi ký hiệu chữ gì thì sử dụng chữ được những loại đám cháy đó).

Hãy nhớ: ngọn lửa được khống chế sớm được phút nào là cơ may dập tắt càng lớn phút đó. Và khói của hầu như tất cả các đám cháy  đều chứa nhiều chất độc, không nên đứng dưới gió. Nếu trong phòng kín thì cố gắng nín thở và chạy ra chỗ thoáng hoặc gần cửa.

XÔNG VÀO NHÀ

Để cứu người trong đám cháy hay giúp họ di tản đồ đạc, đôi khi chúng ta phải xông vào một ngôi nhà đang cháy. Vì vậy, trước khi xông vào nhà đang cháy chúng ta phải biết cách tự bảo vệ mình:

  • Bịt mũi và miệng bằng khăn ướt (giảm thiểu bức xạ nhiệt và lọc một phần khí độc)
  • Làm ướt đẩm quần áo của mình (có thể choàng thêm một cái mền ướt)
  • Đội nón bảo hộ hay ít ra là một cái nồi trên đầu.

Lưu ý: Phải quan sát, đánh giá tình hình nguy hiểm trước khi quyết định tiến vào khi không có trang bị bảo hộ, công cụ hỗ trợ chuyên nghiệp. Hạn chế tối đa việc tiếp cận đám cháy một mình, phải luôn có người hỗ trợ.

     Di chuyển trong nhà cháy:

  • Giữ thấp người, đi khom lưng nép sát vào tường (hoặc bò càng sát sàn nhà càng tốt) vì tránh được hơi nóng và khói.
  • Quan sát phía trên, đề phòng các vật đang cháy rơi xuống.
  • Quan sát phía sau xem còn đường thoát ra hay không.

 

CỨU NGƯỜI

Trong trường hợp có người bị thương hay bất tỉnh, hãy chuyển họ ra hỏi đám cháy bằng phương pháp nào thuận tiện nhất. Nếu gặp người đang ngất vì khói, các bạn muốn di chuyển họ ra khỏi căn nhà cháy, ta có thể dùng một trong những phương pháp sau :

Bò và kéo nạn nhân:

Đặt nạn nhân nằm ngửa, cột hai tay nạn nhân bằng khăn quàng ở chỗ cườm tay, choàng vòng tay nạn nhân qua cổ của ta rồi vừa bò vừa kéo nạn nhân đi.

hoahan1

Hoặc dùng phương pháp của người lính cứu hỏa hay những phương pháp khác, miễn là an toàn và thuận tiện.

hoahoan2 hoahoan8
  Phương pháp của lính cứu hỏa 1 Phương pháp  của lính cứu hỏa 2

ÁO QUẦN NẠN NHÂN BẮT CHÁY

Ngăn không cho nạn nhân hốt hoảng chạy ra ngoài vì bất kỳ một cử động hay một làn gió nhẹ nào cũng làm cho lửa cháy mạnh hơn.

–  Lập tức quấn chặt nạn nhân bằng áo khoác  hay mùng màn, chăn, đệm, thảm, hay một miếng vải dày (tất cả không phải loại làm bằng nilon hay cenlulo). Sau đó đặt nạn nhân nằm xuống, làm như thế lửa sẽ bị ngộp vì thiếu oxy và tắt đi.

–  Hay nhanh chóng đặt nạn nhân nằm xuống đất, xoay chỗ bị cháy lên trên rồi dập tắt lửa bằng nước hay bằng các dụng cụ chữa cháy

Lưu ý ! tuyệt đối không cố lột quần áo cháy dính vào da nạn nhân sẽ gây vết thương trầm trọng them, cố gắng làm mát và giảm đau bằng nước lạnh cho đến khi nạn nhân được đưa đến nơi chữa trị chuyên nghiệp.

hoahoan3

Dừng lại – Nằm xuống và lăn:

Thực tập cho các em Ấu và Thiếu cách đối phó khi áo quần của mình bị bắt lửa bằng cách “Dừng lại, nằm xuống và lăn” (Stop, Drop, and Roll):

  • Dừng lại: Nếu em thấy áo quần của mình đang bị bốc cháy, theo bản năng em sẽ chạy đi tìm một lối ra. Đừng hoảng sợ! Ngay lập tức đứng yên, chấm dứt bất kỳ chuyển động nào, vì càng chạy thì lửa càng cháy mạnh hơn.
  • Nằm xuống: Lập tức nằm xuống sàn nhà hay mặt đất và che mặt bằng tay.
  • Lăn: Lăn tròn trên mặt đất nhiều vòng cho đến khi ngọn lửa bị dập tắt.

Nếu đang ở trong nhà thì dùng chăn hay áo khoác trùm lên ngang cổ rồi mới lăn.

  • hoahoan4Chúng ta nên học cách sử dụng một vài dụng cụ chữa cháy đơn giản.
  • Mỗi cá nhân hãy tự rèn luyện để có thể tự cứu mình và cứu người khác.
  • Nếu việc cứu nạn vượt quá khả năng thì phải đủ khả năng tự thoát nạn, không để mình trở thành gánh nặng cho người khác.

 

TỰ THOÁT HIỂM KHI NHÀ Ở GẶP HỎA HOẠN

Rời khỏi tòa nhà đang cháy

Khi căn nhà bạn đang ở bị cháy, bạn hãy bình tĩnh, cố gắng hết sức mình để giúp đỡ mọi người ra khỏi toà nhà đang cháy mà không liều lĩnh gây nguy hại cho bản thân.

 Nỗi lo sợ khủng hoảng cũng lan truyền rất nhanh. Bạn phải kiềm chế hoặc trấn an những người nào có thể làm tăng sự náo động.

–  Đóng các cửa phía sau bạn (nhưng đừng khoá).

–  Tìm bảng thông báo về các lối thoát và các điểm tập trung.

–  Hãy làm quen với các hướng dẫn phòng chống cháy tại sở làm hoặc nếu bạn đang là khách viếng thăm một cơ sở kinh doanh thì bạn phải theo mọi chỉ dẫn của nhân viên ở đó.

Khói và sự hoảng loạn

Bất kỳ đám cháy nào trong một không gian chật hẹp đều tạo ra bầu không khí rất nguy hiểm vì lượng oxy giảm, khí cacbonic và các khí độc khác tăng lên. Xin nhấn mạnh với các bạn là: bị vài vết phỏng bạn vẫn còn hoạt động thân thể được nhưng nếu để hít phải một hơi khói độc, nó có thể khiến bạn gục ngã.

Khi nhìn thấy khói, con người thường rơi vào tình trạng hoảng loạn. Đây là trạng thái hình như khó chế ngự được và một khi xuất hiện, nó sẽ lan nhanh. Hoảng loạn sẽ khiến người ta có thể tự giết chết mình.

Thế nhưng chỉ cần nhận thức được vài vấn đề cơ bản: Điều gì đang xảy ra? Cần phải làm gì? Chạy đi đâu? Bằng cách nào? thì hoảng loạn sẽ không còn.

Điều quan trọng cần nhớ là khi nhìn thấy khói không có nghĩa là cả toà nhà đang cháy rụi. Một điều cần biết thêm về khói là nó gây xốn mắt và buộc lòng phải nhắm mắt lại.

Lúc đó, lượng không khí còn thở được đang ở phía dưới sát sàn nhà. Bạn nhớ kỹ: Hãy bò hoặc trườn từ từ ra phía ngoài. Ai không biết điều này sẽ khó mà thoát đi xa được.

       Vì vậy , chúng ta phải hiểu:

  • Khói là mối nguy hiểm lớn.
  • Khói có khuynh hướng bốc lên vì vậy không khí trong sạch hơn ở gần sàn nhà.
  • Khom xuống trên bàn tay và đầu gối của mình rồi bò nhanh dưới khói hướng đến lối ra an toàn gần nhất.

hoahoan5

LỐI THOÁT HIỂM NẰM Ở ĐÂU?

Nó quanh quẩn đâu đấy thôi. Hành lang nào chạy ra phía ngoài, một vài điểm tựa khả dĩ, các khúc quanh, chướng ngại vật…

  • Cần phải tập cho mình một thói quen kiểm tra chung quanh khi đến một nơi mới: việc này chỉ tốn 30 giây và có thể không bao giờ có cơ hội lần thứ hai.
  • Một cái gì đó đánh thức bạn trong đêm: có thể là điện thoại, ai đó đang đập cửa, mùi khói hoặc một xáo trộn nào đó. Bất cứ cái gì, bạn hãy xem xét, kiểm tra trước khi ngủ lại.
  • Giả sử bạn thức giấc vì ngửi thấy mùi khói trong phòng: hãy chụp lấy xâu chìa khóa, lập tức lăn xuống giường và bò ra phía cửa. Thậm chí ngay cả khi bạn vẫn chịu đựng được khói nếu chạy đi thì cũng đừng làm thế.
  • Bạn cần giữ gìn cặp mắt và lá phổi lâu chừng nào tốt chừng đó: bị vài vết phỏng bạn vẫn còn hoạt động thân thể được nhưng nếu để hít phải một hơi khói nó có thể khiến bạn gục ngã.
  • Trước khi mở cửa hãy dùng mu bàn tay kiểm tra nó, nếu cánh cửa hoặc tay nắm quá nóng thì đừng mở vì lửa có thể đang cháy bên ngoài. Bạn hãy hé mở từ từ rồi liếc nhanh ra hành lang đánh giá tình hình trong lúc tay bạn vẫn giữ cánh cửa (đề phòng trường hợp bạn cần đóng mạnh lại ngay).
  • Khi bạn tìm cách thoát hiểmt, hãy luôn  đi men theo bờ tường vì rất dễ bị lạc hay mất phương hướng trong khoảng khói mù mịt; chưa kể nếu đi giữa hành lang, dòng người náo loạn sẽ xô ngã bạn ngay. Khi đã đến lối thoát và sắp bước xuống (cần nhớ là bạn đi xuống chứ không phải bò) thì nhớ lấy tay vịn lan can. Đừng xem nhẹ điều này, dòng thác người sẽ đẩy bạn ngã và rất có thể bạn sẽ không gượng dậy được.

 

MỘT MÌNH TRONG PHÒNG KHI CÓ HỎA HOẠN

Khói tràn vào phòng, cửa chính thì nóng quá không thể mở được hoặc hành lang đầy nghịt khói…hoahoan6

Đừng mất bình tĩnh, nhiều người có thể tự vệ được ở trong phòng và bạn cũng thế. Điều đầu tiên bạn cần làm là mở cửa sổ để thông khói và kêu cứu. Ai không mở được có thể dùng chiếc ghế phá cửa sổ (tuy nhiên, bạn cần quan sát thật nhanh, nếu nhìn thấy khói bên ngoài cửa sổ thì đừng mở cửa. Vì giả như bên ngoài đang có khói và cửa sổ lại bị vỡ không thể đóng lại được thì khói tràn vào và coi như bạn đã bị dính bẫy do chính mình tạo ra). Phá cửa ít khi nào là một giải pháp hay vì thế bạn hãy học cách mở và đóng cửa sổ nhanh nhất.

  • Nếu có nước, hãy cho nước vào một cái thau to hoặc bồn tắm.
  • Đừng nhảy vào nước vì đó là cách người ta luộc chín tôm, cua.
  • Thấm ướt các tấm chăn trải giường hoặc khăn tắm và nhét vào các khe cửa để ngăn khói luồn vào.
  • Dùng một vật gì đó liên tục tạt nước ra sàn phòng để làm dịu sức nóng.
  • Sờ tường nếu thấy nóng thì tạt nước lên. Bạn có thể dùng tấm nệm giường chặn ngay cánh cửa và kê thêm tủ quần áo cho chắc chắn. Giữ cho mọi thứ luôn ướt.
  • Nhúng khăn tắm rồi gấp nó lại theo hình tam giác rồi bịt mặt theo kiểu khẩu trang, cho góc khăn còn lại vào miệng ngậm.
  • Quay vòng chiếc khăn thấm ướt sẽ giúp làm thông bớt khói.
  • Nếu bên ngoài cửa sổ có lửa, hãy tháo bỏ màn cửa và di chuyển các vật dễ cháy ra xa. Cũng có thể tạt nước xung quanh cửa sổ.
  • Bình tĩnh chờ cứu viện.

ĐỀ PHÒNG HOẢ HOẠN:

Hỏa hoạn là một tai nạn có khi rất thảm khốc, vì vậy chúng ta phải biết cách đề phòng. Vì “Phòng cháy hơn chữa cháy”.

Phòng cháy không có nghĩa là chúng ta dập tắt được một ngọn lửa khi mới phát ra mà phải có những biện pháp cụ thể để phòng ngừa ngọn lửa có thể phát ra.

Những nguy cơ hỏa hoạn:

Chúng ta cần phải biết rõ tính chất nguy hiểm của các vật dễ cháy để có những xử lý thích đáng.

  • Không hút thuốc hay bật lửa những chỗ gần xăng, dầu.
  • Khi dừng xe đổ xăng, tắt máy xe, không gọi điện thoại di động.
  • Khi châm dầu vào đèn, lò đun nấu… các bạn phải chắc chắn rằng lửa đã tắt.
  • Khi châm cồn vào lò nấu hay lẩu, các bạn cũng phải chắc chắn rằng lửa đã tắt (vì lửa cồn rất khó thấy vào ban ngày).
  • Khi vào chỗ tối mà ngửi thấy mùi ga hay xăng dầu, đừng bật quẹt để soi.
  •  Trước khi đánh lửa bếp gas để đun nấu nên kiểm tra lại ống dẫn gas và van an toàn, nhất là sau khi qua đêm.
  • Nếu dùng than củi để nấu ăn, khi nấu xong phải dụi tắt hoàn toàn cho hết khói. Nhốt than cháy dở vào trong một hũ đất.
  • Điện là một nguyên nhân gây cháy cao. Kiểm tra thường xuyên các dây điện, thay thế các dây cũ, tróc vỏ bọc, các thiết bị điện quá cũ kỹ, băng lại các mối nối…
  • Nếu có sử dụng máy phát điện thì nên để cách xa nhà và không để xăng dầu gần nơi đặt máy.
  • Dọn sạch cỏ rác và các vật dễ cháy xung quanh nhà.

Đề phòng hỏa hoạn ở nhà:

  • Trước khi đi vắng nhớ cúp cầu dao điện, tắt đèn dầu, bếp lò, khoá bếp gas, kiểm tra nhang đèn nơi thờ cúng.
  • Không chong đèn dầu trong mùng.
  • Không hút thuốc trên giường.
  • Khi đun nấu bằng củi hay rơm rạ, không được rời xa bếp.
  • Không để xăng dầu, cồn, các chất dễ cháy… gần nơi nấu nướng.

Đề phòng hỏa hoạn ở đất trại, nơi hoang dã

Các bạn đừng bao giờ chủ quan cho rằng trong rừng chỉ toàn là cây xanh thì làm sao mà cháy được. Vì cho dù có nhiều cây xanh khó cháy, nhưng vẫn có nhiều loại cây chỉ cần một tia lửa là bắt cháy ngay, nhất là các loại cây có dầu. Hơn nữa, trong rừng có rất nhiều loại chất dẫn lửa nhanh như cỏ khô, lá khô, cành cây  khô, trái cây khô…

Hãy ghi nhớ: Một cây thông có thể làm ra triệu que diêm. Một que diêm có thể đốt sạch triệu cây thông.

Vì vậy, khi nhóm lửa để nấu ăn hay đốt lửa trại, các bạn phải tuân thủ những điều sau:

  1. Nhóm lửa nấu cơm ở chỗ ít gió, xa gốc cây khô, gốc cây có dầu.
  2. Không đốt lửa dưới các tàn cây vì lá có thể bắt cháy hoặc héo khô do sức nóng của ngọn lửa bốc lên.
  3. Dọn sạch cành cây, lá khô… xung quanh khu vực làm bếp hay đốt lửa trại để đề phòng cháy lan.
  4. Không để những vật dễ cháy, những chất dẫn lửa gần đống lửa.
  5. Cắt người trực trông chừng lửa.
  6. Chuẩn bị những vật liệu phòng cháy: Nước, cát, cành tươi bó thành chổi…

Dập lửa nơi hoang dã:

hoahoan7

– Dập tắt các bếp lửa (hay chỗ đốt lửa trại) nếu các bạn còn lâu mới cần lại hay trước khi rời đất trại bằng cách dội nước vào đống lửa.

– Dùng một cái cây khều đống tro rồi dội nước lại một lần nữa vì có thể than hồng còn cháy âm ỉ ở dưới đống tro.

– Để chắc chắn lửa đã tắt hẳn các bạn phải kiểm tra. Nếu đống lửa đã hoàn toàn nguội lạnh thì mới được dùng xẻng để xúc bỏ xuống hố rồi lấp lại.

 daosaigon.org

Chi tiết...

SỬ DỤNG BẢN ĐỒ NGOÀI THỰC ĐỊA

Trong phần [Đọc Bản Đồ] chúng tôi đã hướng dẫn các bạn cách đọc chi tiết “từng centimét” trên bất cứ loại bản đồ nào. Đến phần này, chúng tôi hướng dẫn bạn kỹ thuật sử dụng bản đồ cho từng trường hợp cụ thể ngoài thực địa, kết hợp với các dụng cụ liên quan, và cả cách thao tác thủ công với tấm bản đồ.

A. ĐỊNH HƯỚNG BẢN ĐỒ

Để có thể đọc đúng các chi tiết trên bản đồ, để đo đúng phương giác, để xác nhận được điểm đứng, để chấm đúng tọa độ … trước tiên, các bạn cần phải biết cách định hướng bản đồ.

Định hướng bản đồ là làm thế nào để đặt bản đồ trùng các phương hướng trên bản đồ với các phương hướng ngoài địa thế.

1

Bản đồ được định hướng khi chi tiết trên bản đồ và chi tiết ngoài địa thế trùng nhau.

Có nhiều cách định hướng bản đồ:

Thứ nhất: bằng hướng bắc địa dư

  • Xác định hướng Bắc địa dư ngoài địa thế. Xin xem phần [Tìm Phương Hướng]
  • Xoay bản đồ sao cho hướng Bắc ô vuông, tức trục tung độ của bản đồ, song song cùng chiều với trục Bắc Nam ngoài địa thế.

Thứ hai: bằng địa bàn

Lưu ý thuật ngữ: tên gọi Địa bàn chỉ loại La bàn dùng trên đất liền, Hải bàn chỉ La bàn dùng trên biển.

Các bạn đặt cạnh địa bàn trùng với trục Tung độ (hay hướng Nam Bắc của bản đồ) rồi xoay cả bản đồ lẫn la bàn sao cho kim từ tính nằm song song với trục Tung độ. 

2 bang la ban

Thứ ba: bằng chi tiết địa thế

Căn cứ vào hướng của một chi tiết thấy rõ ngoài địa thế và có vẽ rõ trên bản đồ:

2 chi tiet dia the

Thí dụ: Quay hướng một con đường có vẽ trên bản đồ cho song song và cùng chiều với hướng của con đường ngoài địa thế. 

Căn cứ vào điểm đứng đã biết và một chi tiết ngoài địa thế:

Thí dụ: Điểm đứng “A” tại ngã ba đường và một ngôi “Nhà Thờ” từ đàng xa

  • Vạch một đường thẳng tưởng tượng từ điểm đứng A đến ngôi nhà thờ.
  • Kẻ trên bản đồ một đường thẳng nối liền điểm đứng A đến ngôi nhà thờ.
  • Xoay bản đồ cho hai hướng trên song song và cùng chiều với nhau. 

3 chi tiet dia the

Căn cứ vào 2 chi tiết đặc biệt ngoài địa thế:

Thí dụ: chúng ta có vị trí 1 là đỉnh một ngọn đồi. Vị trí 2 là chân một ngọn núi. Các bạn xoay bản đồ làm sao cho hướng chi tiết trên bản đồ  trùng hướng với chi tiết ngoài địa thế.

4 dac biet

 B. XÁC ĐỊNH ĐIỂM ĐỨNG

Để biết hiện nay chúng ta đang ở đâu? Và sẽ đi về đâu? Hoặc sẽ đến đâu? Các bạn cần phải biết cách xác định điểm đứng. Có nghĩa là làm thế nào để biết chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ. Hay là xác định một điểm trên bản đồ tương ứng với một điểm ngoài địa thế.

Có nhiều phương pháp để xác định điểm đứng:

  1. Đứng tại điểm chuẩn của địa thế:

Tìm và đứng ngay một điểm chuẩn đặc biệt của địa hình  mà các bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên bản đồ như: ngã ba đường, cầu, đình chùa …khi bạn đứng ở ngay điểm đó tức là đã xác định được điểm đứng của mình ở chỗ nào trên bản đồ.

 5 diem dung

  1. Phương pháp ước lượng khoảng cách :

Tìm một điểm chuẩn đặc biệt ngoài địa thế  mà có thể  tìm thấy trên bản đồ (như PP.1 ở trên). Ước lượng xem khoảng cách từ điểm chuẩn đó cách ta là bao nhiêu. Tính tỷ lệ, ta có điểm đứng trên bản đồ.

6 khoang cach

 

  1. Phương pháp cắt đoạn con đường
  • Bạn đứng trên một con đường và cố gắng tìm một điểm chuẩn dễ nhận thấy trong bản đồ cũng như ngoài địa thế.
  • Dùng la bàn đo phương giác từ chỗ bạn đứng đến điểm đó (thí dụ: đỉnh núi).
  • Sau khi đã định hướng bản đồ, bạn vẽ một đường thẳng theo phương giác đó, cắt ngang điểm chuẩn và con đường.
  • Giao điểm của con đường và phương giác đó là điểm đứng của bạn.
  1. Phương pháp truy hoàn đặc tuyến

So sánh giao điểm của một đặc tuyến (thí dụ: eo của đồi yên ngựa) và một con đường ở ngoài địa thế, với giao điểm đặc tuyến và con đường ấy trên bản đồ. Chính giao giao điểm ấy (trên bản đồ) là điểm đứng.

 8 truy hoan dac tuyen

 

  1. Phương pháp đơn phóng nghịch

Các bạn tìm một điểm đặc biệt ngoài địa thế (thí dụ một ngôi chùa). Các bạn dùng la bàn đo phương giác từ chỗ các bạn đang đứng đến ngôi chùa đó, và ước lượng khoảng cách từ ngôi chùa đến chỗ của các bạn. Sau đó các bạn:

  • Định vị bản đồ.
  • Dùng thước đo góc hoặc la bàn, kẻ phương giác xuất phát từ ngôi chùa đó trên bản đồ.
  • Dựa vào tỷ lệ của bản đồ, đổi khoảng cách ngoài địa thế thành khoảng cách trên bản đồ.
  • Lấy thước tấc đã đổi, đo từ chùa đến tận cùng khoảng cách. Chính điểm tận cùng ấy là điểm đứng.

9 don phong

 

  1. Phương pháp giao phóng:

Dùng phương pháp này, các bạn phải căn cứ ít nhất vào hai điểm chuẩn của địa thế, các bạn lần lượt làm theo tíên trình sau:

  • Định hướng bản đồ.
  • Dùng la bàn đo phương giác điểm chuẩn 1 của địa thế.
  • Đặt la bàn lên bản đồ, xoay la bàn đúng phương giác vừa tìm thấy.
  • Vẽ một đường thẳng theo phương giác đó, cắt ngang điểm chuẩn 1
  • Làm như thế với điểm chuẩn thứ hai.
  • Hai phương giác đó sẽ cắt nhau tại một điểm trên bản đồ, giao điểm đó là điểm đứng của bạn.

Ghi chú: Muốn chính xác hơn, các bạn tìm một điểm chuẩn thứ 3, nếu phương giác của điểm chuẩn này đi qua phương giác của hai phương giác trên là chính xác. Nếu tạo thành một tam giác mỗi cạnh không quá 2mm, thì trung tâm của tam giác là điểm đứng của bạn.

10 toi o day

C. ĐẾN ĐÚNG ĐIỂM ĐÃ ĐỊNH TRÊN BÀN ĐỒ

Thí dụ bạn đang đứng ở điểm A (Núi Nứa) trên bản đồ, và bạn cần phải đến điểm B (Ấp Xuân Sơn) (hình 1) nhưng không có đường đi đến đó, cho nên bạn phải cắt rừng. Vậy thì làm thế nào để đến đúng điểm đã ấn định?

 11.1 AB  11.2 LB

Hình 1

Hình 2

Trước tiên chúng ta phải định vị bản đồ – có nghĩa là đặt các phương hướng của bản đồ trùng với phương hướng ở ngoài thực tế.

Để làm được điều này, các bạn đặt cạnh la bàn trùng với trục Tung độ (hay hướng Nam Bắc của bản đồ) rồi xoay cả bản đồ lẫn la bàn sao cho kim từ tính nằm song song với trục Tung độ. Cố định bản đồ, không cho xê dịch (hình 2).Sau đó các bạn đặt cạnh la bàn song song với đường thẳng AB. Đọc chỉ số độ hay ly giác hiển thị ở dưới vạch chuẩn – ví dụ: 60 độ. Đó là phương giác mà các bạn phải đi (hình 3).

11.3 H3

Hình 3

D. CÁCH GẤP VÀ GÌN GIỮ BẢN ĐỒ

Trong một chuyến công tác, một kỳ thám hiểm … mà cứ mỗi lần cần đến bản đồ, thì các bạn phải trải ra xong lại xếp vào, như vậy chẳng mấy chốc, trước khi hoàn thành công việc, thì bản đồ đã tan nát. Đó là chưa nói đến thời tiết, mưa gió, băng sông, lội suối … Vì vậy, các bạn cần phải biết cách gấp, gìn giữ và bảo quản bản đồ sao cho sử dụng được càng lâu càng tốt.

Các bạn phải biết cách gấp làm sao để khi cần, có thể sử dụng một cách dễ dàng và hiệu quả, hạn chế tối đa việc trải ra, gấp vào, làm dơ bẩn và sờn rách bản đồ.

Có nhiều cách gấp bản đồ, nhưng tất cả đều phải theo những nguyên tắc chung sau đây.

  • Mặt chi tiết bản đồ phải nằm ngoài.
  • Gấp theo hình đèn xếp.
  • Khu vực đang sử dụng phải lộ ra mặt ngoài.12 gap ban do

CÁCH THỨ 1

CÁCH THỨ 2

 

 

 

 

 

 

 

E. PHƯƠNG PHÁP CẮT VÀ GẤP BẢN ĐỒ

Với phương pháp nầy, các bạn có thể sử dụng toàn diện bản đồ mà không cần phải lật ra nguyên tấm.

 13 gap ban do cat 8

 

 

 

 

 

  

  • Chia mỗi cạnh của bản đồ ta làm 4 phần đều nhau.
  • Rạch một đường ở hai phần ở giữa theo chiều ngang.
  • Xếp lại theo kiểu đèn xếp.
  • Tiếp tục xếp lại theo hình minh họa.

Khi cần sử dụng, các bạn chỉ cần lật chỗ cắt qua lại mà không cần mở rộng toàn bộ bản đồ .

 F. BẢO QUẢN VÀ GIỮ GÌN BẢN ĐỒ

  • Không làm dơ bẩn hay ẩm ướt bản đồ.
  • Khi cần vẽ thêm chi tiết mới mà trong bản đồ chưa có, phải dùng bút chì vót nhọn và vẽ thật nhẹ nhàng.
  • Bản đồ phải được bỏ vào bao nylon và chỉ dùng bút chì mỡ để ghi chú ngoài bao.
  • Nếu có thể thì nên dán phủ trên toàn tấm bản đồ một miếng decal trong, hoặc chí ít thì cũng dán băng keo trong ở các đường gấp.

Bởi: SaigonScouts

Chi tiết...