Rèn Luyện Trước Khi Vào Nơi Hoang Dã

Rèn Luyện Trước Khi Vào Nơi Hoang Dã

1. LỜI GỢI MỞ 

Xin quý độc giả cố gắng đọc kỹ phần này, tuy nó chỉ là phần lý thuyết khô khan nhưng rất quan trọng.

Ngoài những nhà phiêu lưu mạo hiểm, những chiến binh, những người khai phá . . .  ít ai trong chúng ta lại nghĩ rằng: sẽ có một ngày nào đó, mình phải đối diện với sự sinh tồn của chính mình chỉ với hai bàn tay và khối óc, trong khi chung quanh là thiên nhiên bao la bí hiểm, bệnh tật, đói khát, chết chóc. . .  Thế mà, có người ngày hôm qua còn đang ở trong biệt thự tiện nghi, xe cộ đưa đón, kẻ hầu người hạ . . . nhưng hôm nay: rừng rậm hoang vu, đầm lầy bí hiểm, sa mạc khô cằn, hoang đảo cô đơn. . .  Mà nếu không am hiểu về thiên nhiên, không có kỹ năng về sinh tồn, thì họ khó mà tồn tại giữa thiên nhiên khắc nghiệt.

Kỹ năng sinh tồn là một kỹ thuật mà người ta có thể sử dụng để sống sót một thời gian dài trong những tình huống nguy hiểm. Nói chung, các kỹ thuật này là nhằm cung cấp cho chúng ta những kiến thức để có thể tồn tại ở những nơi mà nhu cầu cơ bản cho cuộc sống con người như: lửa, nước, thức ăn, chỗ ở, tiện nghi . . .   hoàn toàn thiếu thốn.

Kỹ năng sinh tồn còn có nghĩa là chúng ta tìm hiểu và ứng dụng ý tưởng và kỹ thuật mà con người cổ xưa đã sáng tạo và sử dụng cách đây hàng ngàn năm, nhưng vì không biết bảo tồn và gìn giữ, những kỹ năng này có thể sẽ bị mất đi trong một vài thế hệ. Do đó, các kỹ năng này cũng là một phần của lịch sử. Nhiều người đã sử dụng các kỹ năng này như là những cách để tồn tại trong một thời gian dài ở những nơi hoang dã xa xôi. Một số người khác thì sử dụng những kỹ năng xưa nhưng đã được cập nhật và hiện đại hóa, để tự đánh giá bản thân trước thiên nhiên bằng những cuộc phiêu lưu thám hiểm, leo núi, khám phá thiên nhiên hoang dã, lưu trú ở những nơi chưa có con người . . .

Những kỹ năng sinh tồn mà chúng tôi trình bày trong chủ đề này cũng có thể được dùng để đối phó với những tình huống khẩn cấp như bão tố, động đất hoặc trong các vùng hoang vu nguy hiểm như sa mạc, núi rừng, băng tuyết, đầm lầy . . . Vì là một tài liệu thiên về hành động, nên chúng tôi chú ý nhiều đến những hình ảnh minh họa như là phần thực tập.

Có người vì nhiệm vụ, có người vì sơ ý để thất lạc, có người vì tai nạn, mà cũng có người lập dị muốn sống cuộc sống hoang sơ, từ chối tiện nghi của nền văn minh hiện đại… Tất cả họ đều phải đối diện với một thiên nhiên khốc liệt, mà phần đông trong số họ thường phải bó tay, dù đôi khi họ được trang bị khá đầy đủ, chỉ vì họ chưa được học tập và rèn luyện chu đáo. Có một số ít người do may mắn, nhưng cũng không ít người do khả năng, sức lực, ý chí, sự hiểu biết về mưu sinh thoát hiểm… mà đã sống sót sau những tai nạn. Báo chí và các phương tiện truyền thông đã nói rất nhiều về những trường hợp điển hình đó.

Chúng tôi xin trích một đoạn trong tạp chí THẾ GIỚI MỚI về cuộc hội thảo “VĂN HÓA NGOÀI TRỜI” được tổ chức tại Nhật Bản:

“Chúng ta lo đuổi theo văn minh vật chất, lo chú ý đến kinh tế mà coi nhẹ giáo dục con người, các nhà trường hiện nay nặng về phát triển trí tuệ chứ không phát triển đức tính. Với lớp trẻ, mọi thứ đều có những phát minh khoa học cung cấp cho: ăn uống, nhà ở, tiêu dùng, sinh hoạt… tất cả đều sẵn sàng đến mức con người không phải làm gì và không biết làm gì nữa. Ở Nhật Bản đã tổ chức một cuộc thí nghiệm: Tập trung một số thanh thiếu niên, cho sống với nhau trên một hòn đảo, tự túc lấy một vài tuần… Người ta thấy rằng: Các em không biết nấu cơm, không dựng được nhà ở, không thể trèo núi, băng suối…” (TGM số 221 – 1997)

Như vậy, cho dù được trang bị đầy đủ mà không được học tập rèn luyện chu đáo, thì chúng ta cũng dễ bị lúng túng và thụ động trước thiên nhiên. Chúng ta nên nhớ rằng: Thiên nhiên rất tàn nhẫn nhưng cũng rất hào phóng. Lấy đi tất cả nhưng cũng cho lại tất cả. Chỉ có điều, chúng ta phải biết cách nhận!

Một trong những khái niệm sinh tồn được lưu hành rộng rãi với ba nguyên tắc cần nhớ:

  1. Con người không thể sống sót nhiều hơn ba giờ khi tiếp xúc với nhiệt độ cực thấp.
  2. Con người không thể sống sót nhiều hơn ba ngày mà không có nước.
  3. Con người không thể sống sót nhiều hơn ba tuần mà không có thức ăn.

Kỹ năng sinh tồn là một kỹ năng dùng để đối phó với 3 nguyên tắc trên. Tuy nhiên chúng tôi hy vọng là các bạn sẽ không bao giờ gặp phải hoàn cảnh “buộc” phải dùng đến, mà chỉ sử dụng trong những tình huống đã được “sắp sẵn” như là một sự trải nghiệm. Nếu không, chắc chắn các bạn khó mà tồn tại nơi hoang dã trong một thời gian dài.

Nhiều người cho rằng: đất nước của chúng ta làm gì còn những cánh rừng hoang đi năm bảy ngày mà không ra khỏi. Chỉ cần dăm ba chục cây số là đụng buôn làng, khu dân cư, trang trại . . . Nói như thế là các bạn đó chưa hiểu gì về “rừng” cả. Nếu không có kỹ năng và sự am hiểu về thiên nhiên hoang dã thì bất cứ cánh rừng nào cũng có thể nhấn chìm các bạn. Cho dù đó là cánh rừng nhỏ hay khu rừng bạt ngàn.

Trong chuỗi bài về SINH TỒN NƠI HOANG DÃ nầy, chúng tôi sẽ cùng các bạn tìm hiểu và thực hành những điều cần phải biết, những việc cần phải làm, để khi cần, chúng ta có thể sinh tồn nơi hoang dã mà đôi khi chỉ với một con dao hay một cái rìu trong tay. Các bạn đừng nghĩ rằng: việc đó quá xa vời, ngoài tầm tay của các bạn. Không đâu! Chỉ cần sau khi đọc tài liệu nầy, các bạn hãy tìm cách thực tập và cộng với một quyết tâm cao, mọi việc sẽ trở nên dễ dàng, và biết đâu, sẽ có lúc bạn tự hào về những khả năng và sự hiểu biết của mình.

2. RÈN LUYỆN TRƯỚC KHI VÀO NƠI HOANG DÃ

  • Các bạn là những người đang chuẩn bị cho một cuộc thám hiểm, khám phá những vùng đất mới, hoang vu xa lạ.
  • Các bạn đang chuẩn bị cho một chuyến du lịch sinh thái ở một vùng mà bạn biết rất mơ hồ qua một số thông tin nghèo nàn.
  • Các bạn sắp sửa phải dấn thân vào rừng sâu núi thẳm vì nhiệm vụ được giao phó.
  • Các bạn biết công việc của mình có thể bị bất ngờ rơi vào một nơi hoang dã, cho nên phải chuẩn bị.
  • Các bạn đã chán ngấy cuộc sống ồn ào náo nhiệt của thành phố, chán các tiện nghi của nền văn minh cơ khí. . . muốn tìm sự tĩnh lặng thanh thản giữa thiên nhiên.
  • Các bạn muốn làm một Robinson Crusoe thời nay.

Hoặc vì một lý do nào đó, các bạn sắp phải sống một thời gian dài ở những vùng thiên nhiên hoang dã, vắng bóng người. . . .

Để cho công việc được hoàn thành một cách tốt đẹp và bản thân các bạn được an toàn, các bạn buộc phải qua một quá trình chuẩn bị, học tập, và rèn luyện một cách cẩn thận. Vì đây không phải là một chuyến du lịch với túi tiền đầy ắp. Ở đây không có kẻ đưa người đón, không có cỗ bàn dọn sẵn, cũng không có phòng ốc tiện nghi, mà trái lại, có thể đầy dẫy gian lao nguy hiểm, nhọc nhằn, vất vả, bệnh tật, đói khát, sức cùng lực kiệt . . . đang chờ đón các bạn. Ở đó, các bạn chỉ có thể trông cậy vào chính bản thân của mình. Vì vậy, các bạn phải trang bị cho mình một số kỹ năng và kiến thức cần thiết. Những kỹ năng này, không phải chỉ đọc ở sách vở hay học bằng lý thuyết suông, mà phải thực hành nhiều lần, nhất là trong những dịp cắm trại, thám du, khảo sát, di hành dã ngoại ngắn ngày hoặc dài ngày. Các bạn cũng cần phải rèn luyện sức khỏe, chuẩn bị tinh thần và nghị lực, sẵn sàng đương đầu với mọi gian lao thử thách bằng một sự say mê khẳng định bản thân.

Dĩ nhiên là khi các bạn đã được chuẩn bị tốt, thì khả năng tồn tại nơi hoang dã của các bạn càng được an toàn và bảo đảm hơn rất nhiều so với những người đột nhiên bị ném vào những nơi xa lạ mà chưa hề có khái niệm gì về “mưu sinh thoát hiểm”.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là tinh thần của các bạn, nếu các bạn không bình tĩnh, tự tin, không có nghị lực và quyết tâm cao, không có máu phiêu lưu và đam mê thiên nhiên. . .  thì mọi sở học của các bạn cũng vô ích.

3. CHUẨN BỊ TINH THẦN

Tinh thần là một yếu tố rất quan trọng để tồn tại. Laurence Gonzales trong cuốn sách, “TỒN TẠI LÂU DÀI – Ai Sống, Ai chết và Tại sao” (Deep Survival: Who Lives, Who Dies, and Why), mô tả câu chuyện của một cô gái 17 tuổi, là nạn nhân của một tai nạn máy bay trong rừng Amazon. Cô ta chưa hề được đào tạo về kỹ năng sinh tồn, và với một bộ áo quần trên người, cô đã đi bộ xuyên qua cánh rừng đầy dẫy côn trùng bám vào dưới da của mình, chống lại sự cô đơn lạc lõng, căng thẳng, sợ hãi. . . Mười một ngày sau, cô đến được một ngôi làng và được cứu thoát. Cô là người duy nhất sống sót nhờ tinh thân kiên định và ý chí sống còn của mình, trong khi những người khác thì chết do suy sụp tinh thần.

Để sống sót, kỹ năng là điều quan trọng, nhưng quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề tư tưởng. Phải giữ được lòng tin và tinh thần phấn đấu. Phần đông nạn nhân bị chết vì kinh hoàng và lo sợ dẫn đến điên loạn. Họ chết trước khi nguồn sinh học trong cơ thể họ thật sự cạn kiệt.

Các bạn cần phải tin tưởng rằng: với ý chí và nghị lực, các bạn có thể làm nên những chuyện phi thường.

Cần phải có một ý chí và nghị lực cao để có thể sống còn. Ngay cả những chiến binh được đào tạo bài bản, nhưng khi phải đối mặt với quá nhiều căng thẳng, sẽ tác động đến tâm lý của họ. Và nếu thiếu nghi lực, có thể chuyển đổi từ một chiến binh dũng cảm, tự tin, thành một quân nhân do dự, hèn nhát. Một người bị lung lạc, sẽ dẫn đến sự mất tinh thần của cả một tập thể. Vì vậy, tất cả chúng ta cần phải hiểu và có thể nhận ra rằng: những căng thẳng thường được đi đôi với sự sống còn. Sự căng thẳng có hai mặt; mặt tích tực và mặt tiêu cực.

Mặt tích cực sẽ đánh thức mọi tiềm năng và ý chí sống còn, giúp người ta phải đứng dậy với một nghị lực phi thường và làm một cái gì đó để giúp mình thoát khỏi hoàn cảnh hiện tại.

Mặt tiêu cực sẽ làm cho con người mất hết nhuệ khí, sức lực, ngồi ủ rũ, buông xuôi cho số phận.

  • Sự sợ hãi: Một trong những phản ứng đầu tiên đáng lưu ý là sự sợ hãi. Đây là một phản ứng hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, sợ hãi là kẻ thù của sự sống còn, nó có thể làm tê liệt trí óc, làm suy giảm khả năng suy nghĩ để có thể sáng suốt chọn lựa các quyết định. Điều này dẫn đến giảm cơ hội cho sự tồn tại.

Trong việc nỗ lực để giảm thiểu sự sợ hãi, người ta huấn luyện các chiến binh với những tình huống thực tế trong điều kiện để học viên phải đối mặt với những nỗi ám ảnh về việc lo sợ côn trùng, cô đơn nơi vắng vẽ, hãi hùng trong đêm tối, v.v… đủ để họ vượt qua những sợ hãi, giúp họ có thể thực hiện nhiệm vụ và đáp ứng nhu cầu sống còn của họ.

  • Lo lắng – Thông thường, sự lo lắng và sợ hãi xuất hiện cùng một lúc. Lo lắng có thể bắt đầu như là một cảm giác bất an trong lòng, rồi càng ngày, sự lo lắng được pha trộn thêm sự sợ hãi làm tê liệt mọi ý chí và sự minh mẫn của đầu óc,làm cho chúng ta khó khăn trong việc thực hiện các quyết định hợp lý.
  • Sự bình tĩnh – Chúng tôi khuyên các bạn hãy cố bình tĩnh (cho dù rất khó), vì nếu các bạn quá lo lắng và sợ hãi, sẽ dẫn đến những hành động mất kiểm soát và có thể đưa đến những hậu quả thảm khốc, bao gồm cả cái chết. Hãy hít thật sâu và thở ra nhè nhẹ nhiều lần.
  • Thất vọng và tức giận – Thất vọng và tức giận phát sinh khi các bạn dồn mọi nỗ lực thực hiện những hoạt động để sinh tồn (như việc tạo ra lửa chẳng hạn) nhưng liên tục bị thất bại. Lúc đó, các bạn có cảm giác như cả bầu trời bị sụp đổ. Chán nản và thất vọng, các bạn muốn buông xuôi tất cả.

Các bạn hãy nhớ rằng: mục tiêu của chúng ta là sống sót cho đến khi có thể tiếp cận đến sự hỗ trợ (hay sự hỗ trợ tiếp cận với chúng ta), vì vậy, để đạt được mục tiêu này, các bạn phải hoàn tất một số công việc với các nguồn sinh lực tối thiểu, cho nên các bạn không được thất vọng hay chán nản. Hãy kiên trì thực hiện những kỹ năng mà bạn đã học, đã đọc đâu đó trên sách báo, đã nhìn thấy trên TV . . . và hãy đứng lên. Nếu không, hoang dã sẽ nhấn chìm bạn.

  • Trầm cảm – Trầm cảm là một cảm giác phổ biến trong các tình huống sống nơi hoang vu, đặc biệt là khi sống một mình.

Quá trầm cảm có thể dẫn đến sự suy sụp tinh thần, nó thường liên kết chặt chẽ với thất vọng và tức giận. Để chống lại trầm cảm, các bạn nên ca hát, tích cực hoạt động, xây dựng những “cơ ngơi” tiện nghi và ấm áp, thu thập nước, thực phẩm, tạo lửa . . . cố gắng để cải thiện cuộc sống. Thành quả của công việc sẽ giúp cho các bạn phấn khởi và lên tinh thần.

  • Cô đơn và chán nảnCon người là một động vật có tính cộng đồng. Điều này có nghĩa là chúng ta, những con người, thích sống quần tụ. Rất ít người muốn được ở cô đơn một mình. Cho dù họ muốn sống đơn độc, thì cũng đơn độc giữa cộng đồng xã hội.

Đối với một số người, đôi khi sống tách biệt lại là một điều hay. Vì khi đó, óc tưởng tượng và sự sáng tạo trong người của họ trỗi dậy một cách bất ngờ. Họ có thể khám phá một số tài năng, khả năng tiềm ẩn, tưởng như đã bị triệt tiêu do được xã hội cung cấp mọi tiện nghi có sẵn, họ chỉ cần hưởng thụ mà không cần phải sáng tạo gì cả. Nhưng khi ở một mình, họ phải tự xoay xở, vì vậy họ “buộc” phải sáng tạo. Đối với một số người khác thì ngược lại, cô đơn và chán nản có thể là nguồn gốc của trầm cảm. As a soldier surviving alone, or with others, you must find ways to keep your mind productively occupied. Vì thế, các bạn cần giữ cho đầu óc bận rộn với những tư tưởng sáng tạo, hoạt động hữu ích, những ý nghĩ tích cực . . . Ngoài ra, bạn cần phải phát triển tính tự lập. Bạn phải tin vào khả năng của bạn là “ta có thể sống một mình”.          

4. RÈN LUYỆN SỨC KHỎE

Không một nhà thám hiểm, khai phá hay một chiến binh nào mà có thể hoàn thành công việc của mình với một sức khỏe èo uột. Vì nơi hoang dã là một môi trường đào thải rất khắc nghiệt, đầy dẫy lam sơn chướng khí, thời tiết thất thường, rừng thiêng nước độc, sông sâu vực thẳm, cây độc thú dữ, thực phẩm thiếu thốn, thuốc men hiếm hoi, tiện nghi nghèo nàn, hoang vu vắng vẻ . . .

Các bạn còn phải tiêu hao rất nhiều năng lượng do mang trên vai hành trang nặng nề hay phải sử dụng đôi chân để vượt những chặng đường dài mà không dễ đi chút nào: phải leo núi, xuống dốc, băng sông, vượt lầy, cắt rừng . . . Một người có thể lực trung bình thì cũng khó mà đảm đương nổi. 

Rèn luyện sức chịu đựng của tim mạch

Sức chịu đựng của cơ thể dựa vào khả  năng của tim mạch để có thể thực hiện bất cứ hoạt động lặp đi lặp lại nào trong một thời gian dài, nhất là khi cần phải sử dụng các nhóm cơ bắp lớn ngoài tim và phổi. Ví dụ: chạy bộ, đạp xe, bơi lội. . . Có nhiều sự lựa chọn để các bạn rèn luyện thích hợp và hiệu quả, các bạn nên chọn loại hình nào dễ hơn để lập một chương trình rèn luyện thường xuyên mà bạn có thể gắn bó suốt tuần, cho dù nắng hay mưa.

Khi bắt đầu rèn luyện tim mạch, cố gắng từ từ xây dựng một nền tảng vững chắc sự chịu đựng bằng cách tăng dần dần độ dài của những buổi tập cho đến khi bạn có thể duy trì hoạt động cao trong 45 phút hoặc lâu hơn.

Khi đã tiến bộ trong việc tập luyện, các bạn tăng thêm khoảng từ 2 đến 3 kg vào ba lô mỗi tuần tiếp theo cho đến khi bạn có thể mang được khối lượng bằng 1/3 trọng lượng của bạn. Dành riêng tối thiểu bốn đến sáu tháng cho quá trình rèn luyện chắc chắn trước khi bắt tay vào bất cứ cuộc hành trình nguy hiểm nào. 

Tập Aerobic

Tập Aerobic là hoạt động tim mạch đòi hỏi nhiều khí oxy; nó được thực hiện tại một cấp độ phản ứng sinh lý dưới mức tối đa, hoặc từ 60 tới 85% nhịp tim tối đa của bạn. Khi chọn một hoạt động rèn luyện thích hợp, hãy cố gắng sắp đặt nó càng gần càng tốt với hoạt động thực tế mà bạn dự định thực hiện.. 

Những hoạt động ngoài trời:

Đi bộ với một ba lô trên những đường mòn, leo lên đồi hoặc leo bậc thang, chạy bộ không có ba lô . . . là những hoạt động giúp rèn luyện tim mạch tuyệt vời cho những người leo núi, những nhà thám hiểm. . .

Những hoạt động trong nhà:

Duy trì các hoạt động Aerobic thích hợp khi thời tiết xấu, sử dụng máy chạy bộ, máy đi bộ, xe đạp thể dục, máy tập chèo thuyền, và lớp aeorbic hoặc lớp khiêu vũ thể thao.

Bài tập hô hấp

Bài tập hô hấp, điều hòa hơi thở là sự rèn luyện tim mạch tốt nhất để cho các bạn đạt trình độ cao hơn trong các lĩnh vực tập luyện khác của bạn. Trong việc rèn luyện hô hấp, cơ thể sẽ làm quen với sự thiếu hụt khí oxy, sử dụng lượng oxy nhiều hơn bình thường. Hầu hết con người chỉ có thể chịu đựng làm việc trong môi trường thiếu oxy trong một thời gian ngắn, có thể là một phút hoặc ngắn hơn.

Sức mạnh cơ bắp

Điều kiện thể chất quan trọng thứ hai là việc xây dựng sức mạnh cơ bắp. Sức mạnh cần thiết gần như cho toàn bộ công việc ngoài trời. Tập luyện trực tiếp chuẩn bị cho bạn để sử dụng sức mạnh vào môi trường thiên nhiên như di chuyển trên mọi địa hình khác nhau, hoặc vượt qua các chướng ngại thử thách như triền núi, cầu dây . . .những nơi có thể làm cho các bạn rơi vào tình trạng mất cân bằng.

  • Thay vì lái xe tới cửa hiệu, hãy đi bộ, mang theo một cái ba lô và chất đầy hàng tạp hóa vào đó khi đi về.
  • Dùng một túi đầy đồ để luyện tập ở nhà như ngồi xổm, xô vai, nâng bắp chân, nhún vai, nhấc vật nặng, và bước lên cầu thang.
  • Đặt một cây xà đơn ngay cửa ra vào và thực hiện một vài lần hít xà khi bạn đi ngang nó. Tập treo người trên xà để tăng sức nắm chặt, hoặc tập nhảy cao cho tới khi vượt khỏi cằm của bạn và sau đó tập chậm rãi hạ thân xuống sàn một vài lần . . . tập hít đất để luyện sức mạnh cơ lưng, cẳng tay, ngón tay, và bắp tay.
  • Nếu gần đó có một sân chơi trẻ em, hãy thử di chuyển trên dàn giáo thể dục bằng tay để tăng sức mạnh nắm chặt, đeo, bám. . .

Rèn luyện sự dẻo dai

Ngay sau bất cứ chuyến leo núi hoặc cuộc đi bộ đường dài căng thẳng nào, bạn hãy dành vài phút để duỗi các cơ trước khi cuộn mình vào túi ngủ hoặc rút vào xe và lái về nhà. Duỗi cơ có thể giúp bạn phòng ngừa hoặc giảm bớt việc đau nhức cơ những ngày sau. Ở nhà, hãy thử tập võ, yoga, hoặc lớp khiêu vũ để tăng sự thăng bằng và sự mềm dẻo để chuẩn bị những đối đầu với những thử thách trong thiên nhiên.

Ghi chép sự tiến bộ

Các bạn nên làm một quyển nhật ký, trong đó ghi chép các phản ứng của bạn với những chuyến leo núi mạo hiểm, những tiến bộ trong những bài tập tim mạch, những khó khăn trong rèn luyện sức khoẻ và sự co giãn, như thế các bạn có thể rút ra những bài học và kinh nghiệm tốt nhất cho bản thân trong những khoá huấn luyện, nghỉ ngơi và phục hồi.

Sự nghỉ ngơi và phục hồi

Các bạn càng thực hiện nhiều hoạt động bao nhiêu, thì việc nghỉ ngơi thích hợp càng quan trọng. Bao gồm các ngày nghỉ không vận động và đánh một giấc ngon lành. Trước những chuyến luyện tập  tích cực ở vùng núi, cho phép cơ thể bạn có một chút thời gian để phục hồi và giúp ngăn ngừa tổn thương do quá lạm dụng cơ bắp. Khi lập được chương trình rèn luyện thể lực, hãy đảm bảo sao cho các bài tập về sức bền hay sức mạnh phải cách nhau ít nhất 48 giờ, nhờ thế cơ bắp, gân và dây chằng có thể phục hồi trước khi chúng hoạt động căng thẳng trở lại.

Ngoài sức khỏe ra, các bạn cũng cần phải có một tinh thần kiên định vững vàng, đam mê khám phá, yêu mến thiên nhiên, không ngại gian khổ . . . Biết bao nhiêu người đã bỏ cuộc chỉ vì thiếu tính kiên nhẫn, lòng đam mê và không vượt qua được những gian khó, cho dù họ có sức khỏe rất tốt. Các bạn hãy nhớ rằng, thực tế không đẹp như một bức tranh phong cảnh hay như một bài thơ trữ tình đâu.

5. KIẾN THỨC VỀ THIÊN NHIÊN

Là một vấn đề rất quan trọng đối với những người chuẩn bị tiến hành các cuộc phiêu lưu mạo hiểm. Nếu không am hiểu về thiên nhiên, các bạn sẽ gặp vô vàn khó khăn trong việc sinh tồn nơi hoang dã.

Về lý thuyết: Các bạn nên đọc và nghiên cứu thật nhiều qua sách báo, phim ảnh… để tích lũy kiến thức về môi trường sinh thái, về động thực vật, về thời tiết, khí tượng, thiên văn, thủy triều. . .

Về thực hành: Các bạn nên tham gia nhiều cuộc khảo sát, thám du, chinh phục chướng ngại, cắm trại. . .  để cho quen việc tiếp xúc với thiên nhiên càng nhiều càng tốt.

Nếu không có kiến thức về thiên nhiên, các bạn có thể hoảng loạn trước những con vật xù xì gớm ghiếc nhưng vô hại và mất cảnh giác trước những con côn trùng nhỏ bé hoặc những con vật có màu sắc sặc sỡ đáng yêu nhưng lại rất nguy hiểm.

Các bạn cũng cần phải biết phân biệt được những cây, hoa, lá, rễ, củ… có thể làm thực phẩm hay thuốc chữa bệnh hoặc mang nhiều độc tố chết người. Biết tiên đoán thời tiết để khỏi bị động trước mọi hiện tượng của thiên nhiên.

Tóm lại: Có kiến thức rộng về thiên nhiên bạn mới mong có thể tồn tại giữa thiên nhiên hoang dã. Nếu không, thiên nhiên sẽ nhấn chìm bạn.

6. RÈN LUYỆN KỸ NĂNG

Để có thể tồn tại ở một nơi hoang vu khắc nghiệt, các bạn phải cần đến nhiều kỹ năng như: để kiến tạo một nơi trú ẩn, tìm ra thức ăn, tạo ra lửa, di chuyển, leo núi . . . mà không cần hoặc không có sự trợ giúp của các thiết bị hỗ trợ cơ bản. . Một số người được đào tạo ít hoặc không có đào tạo thì khó mà chủ động được trong những trường hợp như thế này. Một số người khác được đào tạo bài bản, nhưng do quá hoang mang lo sợ, không biết cách ứng dụng các kỹ năng cũng như kiến thức của mình, đành bó tay chờ chết.Chìa khóa quan trọng trong bất cứ tình huống nào là luôn sống với tinh thần và thái độ tích cực, lạc quan. Những kỹ năng và kiến thức quan trọng mà các bạn cần phải học tập và thực hành là

  • Kiến thức về thiên nhiên, khí hậu, thời tiết, môi trường, động thực vật . .
  • Các phương pháp tìm phương hướng.
  • Đọc và sử dụng bản đồ.
  • Kỹ thuật di chuyển, leo núi, vượt chướng ngại
  • Kỹ thuật lều trại và các cách làm chòi trú ẩn bằng vật liệu thiên nhiên.
  • Thủ công, nghề rừng.
  • Kỹ thuật săn bắn, đánh bắt.
  • Cách tìm nước.
  • Chế tạo vật dụng từ nguyên liệu thiên nhiên.
  • Dây và nút dây.
  • Tìm thực phẩm.
  • Biết bảo vệ sức khỏe và phòng chống các bệnh thông thường.
  • Cứu thương và cấp cứu.
  • Phương pháp tạo ra lửa.
  • Chế tạo thuyền bè, công cụ, vũ khí . . .

Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

 

(Visited 1.254 times, 1 visits today)

Chia sẻ

Trả lời