Đọc Bản Đồ (1)

Category: Hành Trang Hiệp Sĩ, Kỹ Năng Tổng Hợp

Đọc Bản Đồ (1)

Từ ngàn xưa, ông cha ta đi lại trên những đoạn đường xa, thám hiểm những vùng đất mới … Họ phải học cách nhận biết các cảnh quan chung quanh, cảm nhận các hướng gió, nhìn lên các chòm sao, ghi nhận vị trí của mặt trời, mặt trăng … Những hiểu biết đó giúp họ không bị thất lạc. Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người ra đi và không bao giờ quay lại.

Ngày nay, bản đồ và la bàn là vật dụng không thể thiếu đối với các nhà quân sự, khai phá, thám hiểm, xây dựng …và cả đến những người đi du lịch, cắm trại, di hành dã ngoại…Như thế, bản đồ là một vật dụng rất cần thiết cho mọi người, giúp chúng ta biết hiện tại mình đang ở đâu, biết tìm ra lộ trình nơi mình muốn đến.

Khi bạn thất lạc trong vùng hoang dã, nếu bạn có bản đồ và biết cách sử dụng, thì cơ hội sống còn của bạn rất cao.

 A.  BẢN ĐỒ LÀ GÌ?

Bản đồ là một bức tranh thu nhỏ một phần bề mặt của trái đất, trên đó vẽ đầy đủ chi tiết địa thế của một vùng hay là một khu vực trên một mặt phẳng. Khi vẽ người ta thu nhỏ lại theo tỉ lệ, dựa vào các phương pháp toán học, dựa theo phương pháp biểu hiện bằng ký hiệu để thể hiện các thông tin cần thiết về địa lý.

B.  NHỮNG GHI CHÚ NGOÀI LỀ BẢN ĐỒ

Khi mở bản đồ ra bạn sẽ thấy có những ghi chú, hướng dẫn, hình vẽ, ước hiệu, ở ngoài lề bản đồ. Những ghi chú ngoài lề gồm có:

 ĐỊA DANH BẢN ĐỒ

Nằm ở phía trên, bên ngoài lề trắng của bản đồ. Đây là tên của phần đất được chiếu trên bản đồ.

Thí dụ: XUYÊN MỘC 

TỶ LỆ BẢN ĐỒ

Thường nằm ở góc  trên, bên trái của bản đồ (cũng có khi nằm phía dưới bản đồ). Đây là tỷ số khoảng cách trên bản đồ so với khoảng cách thực sự ở ngoài địa thế.

Thí dụ:   Scale: 1 / 50.000

THƯỚC CHIA ĐỘ

Là hình một cái thước vẽ sẵn ở trên cùng bản đồ, có vẽ những góc nhỏ và một đường kẻ dài qui chiếu với đường tung độ. Thước chia độ dùng để định hướng bản đồ khi có tính tiểu độ từ thiên.

1 thuoc ti le

 Ghi chú: những bản đồ có “Bắc ô vuông” và “Bắc từ” trùng nhau thì không có thước chia độ.

ƯỚC HIỆU ĐỊA HÌNH  

Là những hình vẽ đơn giản, được trình bày dưới dạng ký hiệu, tượng trưng cho các công trình nhân tạo, thiên tạo và địa giới … trên bản đồ. Trên khắp thế giới, các điểm mốc, ký hiệu và biểu tượng được trình bày theo nhiều kiểu khác nhau.

Thí dụ: Những ghi chú trong bản đồ quân sự hiện nay.

2 uoc hieu

MÀU SẮC CỦA ƯỚC HIỆU

Các hình chú giải có thể vẽ cùng một hình dạng, nhưng với màu sắc khác nhau (thí dụ: đường tráng nhựa thì màu đỏ, đường đất thì màu trắng). Như thế màu sắc giúp cho chúng ta nhận ra sự khác nhau cho dù hình vẽ có giống nhau. Những màu thường dùng trong bản đồ là:

1/.           Màu đỏ: chỉ xa lộ, đường nhựa, phố thị …

2/.           Màu xanh lam: chỉ dòng nước hay những gì thuộc về nước (sông, suối, biển…).

3/.           Màu xanh lục: chỉ thảo mộc, cánh rừng (đậm: rừng rậm – nhạt: rừng thưa)

4/.           Màu đen: chỉ làng mạc, nhà cửa, công trình kiến trúc.

5/.           Màu nâu: chỉ vòng cao độ, thế đất. 

TỶ LỆ XÍCH

Các bản đồ chính xác đều được vẽ theo tỷ lệ. Nghĩa là mọi thứ trên bản đồ có cùng một vị trí như trên địa hình thực tế, nhưng tất cả đã được thu nhỏ bằng nhau (theo phương pháp toán học) để đưa vào bản đồ. Tỷ lệ ghi trên mỗi bản đồ cho chúng ta biết mọi thứ đã được thu nhỏ bao nhiêu lần so với kích thước thật. Như vậy, chúng ta định nghĩa ngắn gọn tỷ lệ bản đồ là:

Tỷ lệ bản đồ là tỷ số giữa khoảng cách hai điểm đo được trên bản đồ so vơí khoảng cách thực sự ở ngoài địa thế.

Chúng ta có công thức:

3 cong thuc ti le

 Có 2 loại tỷ lệ: Tỷ lệ số và tỷ lệ họa.

1/. Tỷ lệ số:

Tỷ lệ số là một phân số mà tử số luôn luôn là 1: Tử số là kích thước trên bản đồ. Mẫu số là kích thước ngoài địa thế. Như vậy nếu sử dụng bản đồ có tỷ lệ 1/25.000, thì 1 mm trên bản đồ bằng 25.000 mm ngoài địa thế,

Thí dụ : Một đoạn đường từ A đến B dài 500 mét. Các bạn chỉ vẽ trên bản đồ dài 20mm. Như vậy các bạn đã vẽ con đường AB theo tỷ lệ là 20/500.000 hay là 1/25.000. 

2/. Tỷ lệ họa

Tỷ lệ họa là một hình vẽ giống như cái thước, in sẵn dưới góc bản đồ, giúp chúng ta đo trực tiếp khoảng cách trên bản đồ thành khoảng cách ngoài địa thế mà không cần áp dụng công thức tỷ lệ số.

Tỷ lệ họa có thể được ghi bằng thước Tây (metre) hoặc bằng dặm Anh (Mile = 1,609m) hoặc bằng Mã (yard = 0,9144m).

Người ta thường dùng thước Tây (metre) để làm đơn vị đo đạc trong tỷ lệ họa.

4 ti le hoa

 

Khi sử dụng, chúng ta lấy số không (0) làm chuẩn. Bên phải thước, chúng ta thấy ghi 1000, 2000…Có nghĩa là một khoảng cách như thế trên bản đồ thì bằng 1000, 2000 mét (hoặc mile hay yard) ở ngoài địa thế. Bên trái có ghi 1000m chia làm 10 phần, như vậy mỗi phần tương ứng với 100m ngoài địa thế. 

CÁC HƯỚNG BẮC

Một số người cứ nghĩ đơn giản là hướng Bắc cũng như các hướng khác, chỉ có một hướng mà thôi. Nhưng thực tế, chúng ta có 3 hướng Bắc:

1- Hướng Bắc Từ (Magnetic North)

Là hướng Bắc của kim nam châm la bàn. Kim la bàn thì nằm theo trục từ trường Bắc Nam của trái đất mà không nằm theo kinh tuyến của địa dư.

Đỉnh của Bắc Từ cũng không nằm trên đỉnh điểm của Bắc Địa Dư (tức trục của trái đất), mà nằm trên vùng đảo Bathurst, phía bắc Canada. Hướng Bắc Từ thay đổi theo thời gian, từ 30o Tây ở Alaska đến 50o Đông ở Greenland.

5 bac tu

 

Bản đồ trên cho chúng ta thấy rõ các độ lệch của hướng Bắc từ đối với các vùng trên thế giới. Đường lằn đậm là đường Đồng Giác Tuyến (AGONIC LINE). Trên đường lằn nầy, hướng Bắc Từ và Bắc địa dư nằm trùng lên nhau.

Trên bản đồ, hướng Bắc Từ được tượng trưng bằng một đường thẳng, đầu có một mũi tên 1 ngạnh.

6 dong giac tuyen

 

2 – Hướng Bắc Địa dư (True North)

Là hướng Bắc (thật) của trái đất, được xác định bởi những kinh tuyến Nam Bắc cực. Trên bản đồ, hướng Bắc Địa dư  được tượng trưng bằng một đường thẳng, đầu có hình ngôi sao năm cánh. 

3 – Hướng Bắc Ô Vuông (Grid North)

Còn gọi là hướng Bắc Bản đồ, vì nó chỉ có trên bản đồ mà thôi. Hướng Bắc này có là do phương pháp chiếu mặt phẳng Universal Transverse Mercator (UTM).

Hướng Bắc ô vuông được xác định bởi các trục tung độ của lưới ô vuông trong bản đồ. Hướng Bắc này được tượng trưng bằng một đường thẳng, trên đầu có hai mẫu tự GN hoặc một mẫu tự  (Y). 

ĐỘ TỪ THIÊN

Độ Từ Thiên là sự xê dịch của hướng Bắc Từ. Hướng Bắc Từ xê dịch hàng năm trong giới hạn 23o30’ Đông và 23o30’ Tây. Sự chuyển dịch này rất chậm, mỗi năm chỉ có 2 phút (2’). Cho nên để tròn một chu kỳ chuyển dịch, phải mất từ 7 đến 8 thế kỷ.

7 do tu thien

Ghi chú về ĐỘ TỪ THIÊN và độ hội tụ của các hướng Bắc trên bản đồ

Nếu hướng Bắc Từ nằm ở bên phải của hướng Bắc ô vuông ta gọi nó là “Tiểu Độ Từ Thiên Đông”.

Nếu là hướng Bắc Từ nằm ở bên trái của hướng Bắc ô vuông, ta gọi nó là “Tiểu Độ Từ Thiên Tây”. 

TỌA ĐỘ

Khi nhìn vào bản đồ quân sự, các bạn thấy có những lưới ô vuông được tạo thành bởi những đường dọc và ngang cắt nhau. Nhờ những ô vuông này mà chúng ta có thể định vị dễ dàng một tọa độ.

Tọa độ một điểm

Theo phương pháp toán học đại số, một điểm A nằm trong hệ thống trục xOy hợp bởi trục Oy là tung độ và Ox là hoành độ. Người ta gọi tọa độ điểm A là hoành độ và tung độ của nó.

8 toa do xy

Muốn tìm toạ độ (X) trên bản đồ. Chúng ta chia ô vuông cạnh 1 cây số (trong ô vuông đó có tọa độ muốn tìm), mỗi cạnh làm 10 phần bằng nhau.

Thí dụ: Đường Tung độ mang số 63, và điểm tọa độ muốn tìm chiếm 7/10 ô vuông, tính từ trái sang. Ta đọc 637. Đây là chòm số đầu.

Thí dụ: Đường Hoành độ mang số 25 và điểm toạ độ muốn tìm chiếm 4/10 của ô vuông, tính từ dưới lên. Ta đọc là 254. Đây là chòm số sau.

9 toa do o vuong

Như vậy, để đọc một tọa độ trên bản đồ, chúng ta phải:

– Đọc chỉ số của đường Tung độ nằm bên trái của điểm toạ độ muốn tìm.

– Tính xem điểm tọa độ chiếm bao nhiêu phần 10 của ô vuông, tính từ trái qua phải.

– Tiếp theo ta đọc chỉ số của đường Hoành độ nằm phía dưới của điểm tọa độ muốn tìm.

– Tính xem điểm tọa độ chiếm bao nhiêu phần 10 của ô vuông, tính từ dưới lên.

 10 vi du toa do o vuong

Từ bản đồ trên, ta đọc tọa độ ba điểm ví dụ 1, 2, 3 như sau:

Tọa độ 1 đọc là: 471763

Tọa độ 2 đọc là: 495765

Tọa độ 3 đọc là: 510777

 

Những tọa độ này được ước lượng bằng mắt, cho nên chỉ có độ chính xác một cách tương đối. Muốn thật chính xác, phải dùng tọa độ 8 đến 10 số kết hợp với Thước Chỉ Định Điểm.

Ghi chú: Tọa độ luôn luôn là một số chẵn viết liền nhau, không gạch nối, gạch chéo, và không chấm ở giữa Hoành độ và Tung độ. Lúc nào chúng ta cũng phải đọc chỉ số của trục Tung (đường dọc) trước và chỉ số của trục Hoành (đường ngang) sau.

Bởi: SaigonScouts

Xem tiếp phần 2>>

8.1.7.2 ĐỌC BẢN ĐỒ (2)

C. VÒNG CAO ĐỘ

Trên một bản đồ vùng đồng quê hay vùng hoang dã, các bạn có thể tìm thấy những đường vòng màu nâu, trên đó có đánh số, đó là đường bình độ, có nghĩa là những điểm nào nằm trên cùng một con đường này đều có độ cao bằng nhau.

Cao Độ là gì?

Cao độ của một điểm là chiều cao của điểm đó so với mực nước biển trung bình (giữa triều lên và triều xuống). Ở miền Nam Việt Nam, mực nước biển trung bình (bình diện chuẩn) được lấy ở Hà Tiên.

11 vong cao do

Vòng cao độ là đường vẽ trên bản đồ, nối liền những điểm có độ cao bằng nhau, trên vòng đó, người ta ghi những con số  chỉ độ cao mà nó mang.

12 contour

Tìm hiểu vòng cao độ

Để có một khái niệm dễ hiểu về vòng cao độ, trước tiên, các bạn dùng viết để vẽ lên lưng bàn tay của những vòng tròn có chiều dài, chiều rộng và chiều cao tượng trưng cho vòng cao độ .

Nắm tay lại, giữ cho bàn tay của các bạn không xê dịch. Vẽ những vòng tròn  nhỏ ở những khớp cao nhất của ngón tay như những đỉnh đồi. Vẽ tiếp một vòng tròn tiếp vòng vừa vẽ. Vòng thứ ba thấp hơn một chút, vòng quanh cả hai khớp ngón tay.

13.1  13.2

Tiếp tục vẽ những vòng tròn ngang bằng nhau. Những đường vẽ đó sẽ lọt xuống giữa kẽ các ngón tay như những thung lũng hay khe núi. Đi qua mu bàn tay như những sườn đồi dốc lài, và biến thành vách núi khi đi qua bên mép cạnh ngón tay cái của các bạn.

14 ve contour 2

Sau khi vẽ xong, các bạn duỗi các ngón tay ra. Bây giờ thì đã giống như trên bản đồ rồi đấy.

Vòng cao độ trên bản đồ cũng giống như vậy. Những vòng tròn nhỏ là đỉnh đồi, đỉnh núi. Ở những nơi có vòng cao độ càng gần nhau bao nhiêu thì dốc càng đứng bấy nhiêu, và ở đâu có vòng cao độ càng xa bao nhiêu thì dốc càng thoai thoải bấy nhiêu.

 TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỊA THẾ VÀ VÒNG CAO ĐỘ

Các bạn hãy nhìn hai tấm hình dưới đây, hình trên là địa thế thực tế, hình dưới là bản đồ của vùng địa thế đó, các bạn sẽ có khái niệm về vòng cao độ với địa thế tương quan với nhau như thế nào.

15 dia the cao do

 

CÁC LOẠI VÒNG CAO ĐỘ

 Có 4 loại vòng cao độ:

  • Vòng cao độ chính: được in đậm nét và thường có mang những số có độ cao chính 50; 100; 150 …
  • Vòng cao độ phụ: là những vòng được vẽ giữa hai vòng cao độ chính , nét nhỏ hơn thường không mang số.
  • Vòng cao độ bổ túc: là những vòng cao độ được vẽ bằng những nét gián đoạn, để chỉ những độ cao chưa được xác định chính xác
  • Vòng cao độ trũng: có hai trường hợp sau đây:

Vùng trũng trên thế đất cao hơn mực nước biển: Vòng cao độ được vẽ như ở các vòng cao độ ở thế đất đồi núi, chỉ khác là số của vòng cao độ vòng ngoài lớn hơn vòng trong.

Vùng trũng trên thế đất thấp hơn mực nước biển: có những gạch ngắn hình răng lược và được đánh số nhỏ dần từ ngoài vào trong. Đây là những thế đất trũng như hố, miệng núi lửa. 

ĐẶC TÍNH CỦA VÒNG CAO ĐỘ

Các vòng cao độ đều có những đặc tính sau:16 nui mo vet

  • Hai vòng cao độ cùng loại (dù chính hay phụ) không bao giờ cắt nhau.
  • Hai vòng cao độ cùng loại đối nhau, có cao độ bằng nhau.
  • Những điểm nào nằm trên cùng một vòng cao độ đều có cao độ bằng nhau.
  • Vòng cao độ càng khít, thì ngoài địa thế nơi đó dốc nhiều. Nếu vòng cao độ vẽ trùng nhau, thi nơi đó là vách đứng.
  • Nơi nào có vòng cao độ vẽ cắt nhau, nơi đó có thế đất quả bồng. Thí dụ: núi mỏ vẹt.

 

D. XÁC ĐỊNH NHỮNG ĐIỂM ĐẶC TRƯNG CỦA ĐỊA HÌNH

Các điểm đặc trưng hay còn gọi là điểm chuẩn của địa hình địa hình, được xác định theo cùng một cách trên tất cả các bản đồ, bất kể khoảng cách của vòng cao độ. Bạn phải có khả năng nhận ra tất cả các điểm đặc trưng của địa hình để xác định vị trí một điểm trên mặt đất hoặc điểm đứng trên bản đồ, hay để di chuyển từ điểm này đến điểm khác.

Năm đặc điểm địa hình chủ yếu là: Đồi núi, Đường giao đỉnh, Thung lũng, Đèo yên ngựa, và Vùng trũng (bồn địa).

Năm đặc điểm địa hình thứ yếu là: Đường phân thủy, Đường giao thủy, Vách núi.

Hai địa hình đặc biệt là: Đào và Đắp

Những hình ảnh dưới đây là những thí dụ cho chúng ta thấy về sự khác biệt giữa các kiểu địa thế và vòng cao độ:

  • Núi Đồi: Là một vùng đất nhô lên cao. Chóp của núi đồi là đỉnh. Khi chúng ta đứng ở trên một đỉnh núi, thì chung qua là đất dốc xuống ở tất cả các hướng.17 dinh nui
  • Đường Giao Đỉnh (Đường nóc, Đường đỉnh, Đường sống lưng). Là một đường cao, chạy dọc dài theo sống lưng núi (như hình minh hoạ), hai bên dốc hẳn xuống (như nóc nhà và mái nhà). Khi đi bộ để vượt qua những ngọn núi, chúng ta sẽ chọn con đường này, vì di chuyển dễ dàng hơn do dễ quan sát,.

18 duong giao dinh

  • Thung Lũng:Là một vùng đất có địa hình trũng hơn so với những vùng đất xung quanh, thường nằm giữa hai sườn núi. Một thung lũng có thể hoặc không thể chứa một dòng sông, suối, hồ …  Hầu hết các thung lũng thường có mặt cắt hình dạng chữ U hay chữ V khổng lồ.19 thung lung
  • Đồi Yên Ngựa: Là khu vực trũng thấp ở giữa hai đỉnh đồi. Đèo yên ngựa là khu vực có thể vượt qua dễ dàng khi chúng ta băng ngang qua núi hay vùng cao nguyên. Trên bản đồ, các vòng cao độ của đèo yên ngựa trông giống như số 8. 

20 deo yen ngua

  • Vùng Trũng (bồn địa): để chỉ cho chúng ta biết đó là vùng đất trũng (hố, miệng núi lửa …) trên một vùng đất cao. Người ta vẽ những vòng cao độ có hình răng lược quay vào trong. Vùng bồn địa có thể có nước.

21 vung trung

  • Sườn dốc thoai thoải: Các vòng cao độ xa và có khoảng cách đều.
  • Sườn dốc đứng bằng phẳng: có nghĩa là kiểu dốc của các đồi đất, đồi cát … có sườn không mấp mô. Các vòng cao độ nằm gần nhau và có khoảng cách đều .

22.1

22.2

Sườn dốc thoai thoải

Sườn dốc đứng bằng phẳng
  • Sườn dốc lồi (mai rùa): các vòng cao độ xa nhau ở trên đỉnh và gần nhau ở khoảng giữa sườn đồi. Lưu ý là con đường cắt vào sườn đồi tạo ra một mặt phẳng bên sườn đồi.
  • Sườn dốc lõm: ở trên đỉnh, các vòng cao độ gần nhau, ở khoảng giữa, hơi xa nhau, ở dưới chân thì đều đều. Trong hình minh họa bên, vòng cao độ gần con đường là do con đường cắt vào sườn đồi.
23.1 23.2

Sườn dốc lồi (mai rùa)

Sườn dốc lõm

 

  • Vách Đứng: Ở địa thế A, chúng ta thấy các vòng cao độ chồng lên nhau cho thấy đó là vách đứng. Còn ở địa thế B các vòng cao độ cũng chồng lên nhau, nhưng có thêm các dấu răng lược chỉ cho chúng ta thấy phía vách núi đất bị lở.

 

 24.1  24.2

Vách đứng

Vách đất bị lở

  • Đào Và Đắp: đây là các công trình nhân tạo để làm đường bộ, đường xe lửa., bờ kè . . bên sườn đồi. Đào khi sườn đồi lấn ra đường. Đắp khi nền đường bị lõm xuống. Nơi đào có ký hiệu răng lược quay vào trong, nơi đắp ký hiệu răng lược quay ra ngoài.

25 dao dap

 

E. NHỮNG ĐƯỜNG ĐẶC BIỆT

ĐƯỜNG PHÂN THỦY: Là một thường ngắn, dốc liên tục của dãi đất cao hơn, thường nhô ra từ phía bên của một sườn núi. Đường phân thủy được hình thành bởi hai đường giao thủy song song cắt xuống bên cạnh một sườn  núi.

 26 thuy phan

ĐƯỜNG GIAO THỦY (đường thông thủy, đường đáy):  Là đường khe, mương, lòng máng … nơi nước sẽ dồn về khi trời mua, tạo thành khe suối.

27 giao thuy

F. THỬ TÀI

Sau khi đã làm quen với các thế đất ở trên, các bạn thử quan sát những vòng cao độ dưới đây, nó biểu hiện cho những thế núi kế bên, nhưng bị sắp xếp nhần lẫn. vậy các bạn hãy sắp xếp lại cho hợp lý.

28 thu tai

26 Dap an

Bởi: SaigonScouts

(Code 8.1.7.1)

(Visited 14870 times, 1 visits today)

Share this post