Author - saigonscouts

4 nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em và cách phòng chống (từ Survival Skills Vietnam)

Đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam. Mỗi năm, hàng ngàn trẻ em mất mạng vì tai nạn đuối nước, để lại nỗi đau khôn nguôi cho gia đình và cộng đồng.

Tại Việt Nam, thống kê của Cục Quản lý môi trường cho thấy, mỗi năm trung bình có hơn 370.000 trẻ bị tai nạn thương tích. Trong các nguyên nhân tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em, thì đuối nước là nguyên nhân hàng đầu với 3.500 trẻ em và vị thành niên từ 0-19 tuổi tử vong mỗi năm tương đương có khoảng 10 trẻ em tử vong mỗi ngày. Trong các nhóm tuổi, trẻ từ 0-4 tuổi chiếm tỷ lệ tử vong do đuối nước cao nhất với khoảng 36%, nhóm tuổi 15-19 chỉ chiếm khoảng 16%; từ 5-9 tuổi chiếm 25%, nhóm 10-14 tuổi chiếm tỷ lệ gần tương đương với nhóm 5-9 tuổi (26%).

Các nguyên nhân gây ra đuối nước ở trẻ em phổ biến

Để bảo vệ và phòng chống đuối nước cho con em mình, chúng ta cần hiểu rõ những nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến đuối nước ở trẻ em:

1. Thiếu kiến thức và kỹ năng an toàn phòng chống đuối nước:

  • Trẻ em chưa được giáo dục đầy đủ về nguy hiểm của nước, cách nhận biết các vùng nước nguy hiểm, kỹ năng bơi lội an toàn và sinh tồn khi gặp nguy hiểm.
  • Trẻ em thường hiếu động, tò mò, thích khám phá, dễ bị cuốn hút bởi môi trường nước mà không lường trước được nguy hiểm.
  • Trẻ thường bỏ qua sự an toàn của bản thân và không biết cách gọi sự trợ giúp từ người lớn khi thấy anh chị em, bạn bè bị đuối nước, do đó thường tìm cách cứu nạn nhân theo những cách thiếu an toàn, dẫn tới đuối nước theo nhóm.

2. Môi trường nước không an toàn:

Vùng nước không có rào chắn là một trong những nguyên nhân gây ra đuối nước ở trẻ em. Nguồn: Bộ Giáo Dục – Đào Tạo

  • Ao, hồ, sông, suối, bể bơi, giếng,… không có rào chắn, biển báo cảnh báo nguy hiểm. Vật chứa nước như lu, chậu không có che chắn có thể khiến trẻ vô tình té vào. Đã có nhiều trường hợp trẻ nghịch nước dẫn đến té vào thau, chậu trong nhà trẻ hoặc tại gia đình gây ra đuối nước.
  • Không có trang bị an toàn và cứu hộ tại các vùng nước như phao, áo phao, gậy cứu hộ, vật thể nổi, dây v.v. hoặc không biết cách sử dụng đúng cách các vật dụng này khi có sự cố xảy ra.
  • Vùng nước sâu, đục, không thấy được chướng ngại vật phía dưới mặt nước. Đặc biệt, tại các bãi biển, hiện tượng dòng rút rất nguy hiểm nhưng khó phát hiện, do đặc điểm không có sóng, người đi bơi có thể chọn những nơi này để bơi lầm tưởng rằng nơi không có sóng là nơi an toàn.

3. Thiếu sự giám sát, kỹ năng phát hiện, cứu và đưa nạn nhân lên bờ của người lớn

  • Trẻ em bị bỏ mặc, không được trông nom, giám sát khi ở gần các vùng nước như ao, hồ, sông, suối, bể bơi, giếng,… Rủi ro này tăng cao vào các thời điểm nghỉ hè khi trẻ em không được giám sát bởi nhà trường và gia đình. Ngoài ra, kể cả trong lúc trẻ em ở gần người lớn, nhiều trường hợp phụ huynh, giáo viên, không chú ý dù chỉ trong một thời gian ngắn trẻ cũng có thể gặp nhiều nguy hiểm. Nhiều trường hợp đã xảy ra như: trẻ té vào hồ cá, hồ thủy lợi trong vườn, trẻ té vào hồ cá tại quán cà phê khi bố mẹ không tập trung, nhân viên cứu hộ hồ bơi tập trung vào điện thoại nên không phát hiện ra học sinh bị đuối nước.
  • Người lớn không biết cách nhận diện sớm dấu hiệu của đuối nước khiến cho việc đưa trẻ đuối nước lên bờ chậm trễ. Khi phát hiện ra trẻ bị đuối nước, người lớn không có kỹ năng bơi lội hoặc không biết cách đưa trẻ bị đuối nước lên bờ an toàn, gây nguy hiểm cho cả trẻ em và người cứu. Nhiều trường hợp, chính người cứu bị đuối nước theo trẻ.

4. Thiếu kỹ năng sơ cấp cứu:

Kiến thức vã kỹ năng sơ cấp cứu của người Việt Nam còn hạn chế dẫn tới nhiều trường hợp trẻ chưa tử vong nhưng do gia đình và những người xung quanh không sơ cứu hoặc sơ cứu sai cách khiến trẻ tử vong hoặc tình trạng trở nên nặng hơn trước khi được đưa tới bệnh viện. Các sai lầm thường gặp như sau:

Không dốc trẻ đuối nước rồi chạy.

  • Tin vào các kinh nghiệm dân gian chưa được kiểm chứng để hỗ trợ người sơ cứu. Phổ biến nhất là vác người bị đuối nước trên vai và xốc nước ra. Việc này khó thực hiện, có thể gây nguy hiểm cho nạn nhân, không hiệu quả và làm lãng phí ‘thời gian vàng’ của nạn nhân.
  • Không biết cách thực hiện Hồi sinh tim phổi (CPR) hay còn gọi ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo. Hồi sinh tim phổi là cách sơ cứu hiệu quả, đã được các chuyên gia trên toàn cầu chứng minh giúp tăng khả năng sống sót của nạn nhân. Tuy nhiên, phần lớn người dân Việt Nam chưa được học và thực hành kỹ năng này dẫn tới việc lúng túng hoặc làm sai khi có sự cố xảy ra.
  • Nhân thức chưa cao về tình trạng Đuối nước khô và nước còn ở trong phổi có thể khiến trẻ tử vong trong vòng 72 giờ sau khi đuối nước. Do đó khi trẻ đuối nước được đưa lên bờ còn tỉnh táo, người thân thường cho nghỉ ngơi thay vì đưa đến bệnh viện để được kiểm tra sức khỏe và theo dõi.

Phòng chống đuối nước cho trẻ em

1. Sự phối hợp của người lớn người lớn

Trong các nguyên nhân gây tử vong của trẻ em, có rất nhiều nguyên nhân gây đuối nước ở trẻ em như kể trên nằm ngoài tầm quyền kiểm soát của trẻ em. Tuy nhiên, việc phòng chống đuối nước hiện nay rất tập trung vào trẻ em nhưng lại bỏ qua người lớn. Một số kỹ năng người lớn cần được học và thực hành bao gồm:

Đổ nước hoặc che chắn các vật dụng chứa nước để tránh trẻ em vô tình té vào. Nguồn: Bộ Giáo Dục – Đào Tạo

  • Nâng cao cảnh giác để phát hiện các rủi ro có thể gây ra đuối nước cho trẻ em và có phương án phòng tránh tai nạn như:
    • Đậy hoặc đổ hết nước các vật dụng chứa nước trong nhà như xô, chậu, lu v.v. khi không sử dụng đến.
      • Gắn rào chắn, cửa chống trẻ em, bảng cảnh báo và trang bị các thiết bị an toàn và cứu hộ như áo phao, phao, dây, gậy  v.v. tại hồ bơi, ao, hồ, phương tiện di chuyển đường thủy v.v.
      • Giám sát trẻ liên tục khi trẻ bơi hoặc chơi gần các vùng nước nguy hiểm. Đảm bảo những người có trách nhiệm như nhân viên cứu hộ luôn quan sát và cảnh giác.

Tư thế của người đuối nước. Nguồn: GLSRP.ORG

  • Phát hiện sớm dấu hiệu của đuối nước để có giải pháp can thiệp kịp thời. Một số đặc điểm của người đuối nước rất khó phát hiện đòi hỏi sự cảnh giác như:
    • Đuối nước thường xảy ra rất nhanh chóng, nạn nhân có thể chìm xuống dưới mặt nước trong vòng khoảng 1 phút.
    • Nạn nhân đuối nước thường vùng vẫy ở tư thế ‘leo thang’ dễ nhầm lẫn với đang đùa nghịch hoặc bơi
    • Nạn nhân không thể kêu cứu do đang cố nín thở hoặc nước đi vào khí quản.
  • Học và luyện tập kỹ năng cứu an toàn. Bao gồm:
    • Dùng giọng nói tri hô, kêu gọi người trợ giúp, và hướng dẫn nạn nhân đổi về tư thế nằm ngửa và đạp chân.
    • Ưu tiên đưa người đuối nước lên bờ bằng các phương pháp không yêu cầu phải xuống nước như: ném phao hoặc vật thể nổi, ném dây, dùng gậy v.v.
    • Chỉ xuống nước khi thật sự cần thiết và đảm bảo rằng bản thân đã bơi tốt và đã thực hành qua các phương pháp cứu hộ để tránh việc nạn nhân vùng vẫy, kéo người cứu theo xuống nước. Một số lưu ý bao gồm: không chạm tay trực tiếp vào nạn nhân mà sử dụng các vật thể trung gian để người cứu nắm 1 đầu và nạn nhân nắm đầu còn lại, tiếp cận từ phía sau nạn nhân, kéo tóc, áo hoặc gáy nạn nhân v.v.
  • Học và luyện tập định kỳ kỹ năng sơ cấp cứu. Việc làm chủ Kỹ năng lăng nghiêng nạn nhân (Tư thế phục hồi) và Hồi sinh tim phổi (CPR) là rất quan trọng vì đã được chứng minh giúp nâng cao khả năng sống sót của nạn nhân đuối nước cũng như các sự cố sức khỏe khác liên quan đến ngưng tim, ngưng thở như hóc dị vật vào khí quản, ngưng tim đột ngột, đột quỵ, nhồi máu cơ tim v.v. Kỹ năng này cần được thực hành định kỳ trên mô hình và có giáo viên hướng dẫn để đảm bảo thao tác chính xác. Đồng thời đưa trẻ vào bệnh viện để theo dõi các dấu hiệu của Đuối nước khô và can thịp kịp thời.

Xin vui lòng xem hướng dẫn nhanh cách cứu và sơ cứu người đuối nước do Chuyên gia Tony Coffey trình bày tại video dưới:

https://youtu.be/MeWYcDGv8Bw

2. Giáo dục kỹ năng phòng chống đuối nước cho trẻ em

Bơi luôn là một kỹ năng cực kỳ quan trọng để phòng tránh đuối nước ở trẻ em. Ngoài việc giúp trẻ em tự tin hơn tiếp xúc với nước và bình tĩnh hơn để thoát khỏi các tình huống nguy hiểm, bơi còn mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên, trẻ em còn cần phải biết:

Trẻ em học phòng chống đuối nước tại Úc. Nguồn: Surf Life Saving Services

  • Kiến thức an toàn phòng chống đuối nước cho trẻ em: Nên dạy trẻ về sự nguy hiểm của nước và đuối nước, cách nhận biết và tránh xa các vùng nước nguy hiểm, đảm bảo sự an toàn của bản thân trước khi tham gia cứu người khác bị đuối nước. Mặc áo phao khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy v.v. để phòng tránh đuối nước xảy ra với bản thân ngay từ đầu.
  • Kiến thức và kỹ năng sinh tồn khi bị đuối nước: Đuối nước vẫn có thể xảy ra đối với người biết bơi giỏi và đã có những phương án phòng tránh. Việc học cách nổi như ngửa người và đạp chân, việc không bơi ngược lại dòng rút v.v. giúp trẻ sinh tồn lâu hơn và có khả năng được cứu tốt hơn.
  • Kỹ năng cứu an toàn: tri hô, kêu gọi người trợ giúp, đảm bảo sự an toàn cho bản thân trước khi cứu nạn nhân, cứu bằng những phương pháp an toàn từ trên bờ, không xuống nước và chạm trực tiếp vào nạn nhân.
  • Kỹ năng sơ cấp cứu: Làm chủ các kỹ năng như Tư thế phục hồi và Hồi sinh tim phổi.

Những hướng dẫn trên được tham khảo từ các tài liệu của Surf Life Saving Services* và Bộ Giáo Dục- Đào Tạo. Bạn có thể học các kỹ năng này tại Chương trình đào tạo Sơ cấp cứu chuẩn quốc tế của Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN tại: elearning.survivalskills.vn

*Surf Life Saving Services (SLSS) là tổ chức cứu hộ thủy nạn hàng đầu nước Úc với kinh nghiệm hơn 115 năm. Kỹ Năng Sinh Tồn SSVN là đối tác độc quyền của SLSS tại Việt Nam.

Hãy cùng chung tay bảo vệ trẻ em khỏi nguy cơ đuối nước!

Nguồn: Survival Skills Vietnam

Chi tiết...

Qui định về Bia rượu trong hoạt động Hướng Đạo

Bia rượu và Hướng Đạo

Bia rượu làm phát sinh một số vấn đề cả đối với thanh thiếu nhi và Huynh trưởng

Hướng dẫn dưới đây là để giải quyết những câu hỏi liên quan đến việc sử dụng bia rượu có thể xảy ra trong môi trường sinh hoạt Hướng Đạo.

Dẫn nhập

Bia rượu là một phần của cuộc sống của rất nhiều người, bất kể là chúng ta có sử dụng nó hay không. Vấn đề của việc sử dụng bia rượu không chỉ nằm ở việc ảnh hưởng đến sức khỏe. Uống bia rượu có liên quan đến những mối nguy thật sự. Mức độ rủi ro phụ thuộc vào người đang uống rượu là ai, uống bao nhiêu và uống trong tình huống nào.

Uống bất kỳ một lượng chất có cồn nào đều ảnh hưởng đến cơ thể và có thể làm chậm một cách nghiêm trọng đến khả năng suy xét cũng như sự nhanh nhạy trong phản ứng. Trong vòng vài phút sau khi sử dụng, bia rượu được hấp thụ vào trong máu và tiếp cận đến não làm suy giảm chức năng của não ngay lập tức. Phải mất hơn một giờ để cơ thể của một người lớn xử lý một lượng bia rượu.

Thanh thiếu nhi thường tìm hiểu về bia rượu bằng cách tự thử chúng, quan sát người khác và thông qua ba mẹ, ở trường học và các kênh truyền thông như các quảng cáo, v.v… Là một người lớn hoạt động trong Hướng Đạo, bạn là hình mẫu cho thanh thiếu nhi. Thanh thiếu nhi thì lại rất ấn tượng và chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi những người lớn mà chúng tôn trọng. Uống bia rượu không có nghĩa là người lớn đã tạo ra một ví dụ xấu đối với thanh thiếu nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp nhất định, việc uống bia rượu có nguy cơ ảnh hưởng đến người lớn trong trách nhiệm bảo vệ và chăm sóc thanh thiếu nhi.

Chính sách đảm bảo an toàn của Đạo Sài Gòn

Đạo Sài Gòn nói riêng cũng như Hội Hướng Đạo nói chung có một chính sách quan trọng, nó đòi hỏi phong trào Hướng Đạo phải đảm bảo an toàn, không làm nguy hại đến sức khỏe và thực tế điều đó đã được thực hiện. Tất cả những người lớn tham gia phong trào Hướng Đạo cần phải có thể chất và tinh thần phù hợp để thực hiện trách nhiệm của họ trong lĩnh vực đảm nhận. Khi nhận lãnh một trách nhiệm nào đó đối với thanh thiếu nhi, người lớn không được uống rượu bia.

Quy chế của Đạo Sài Gòn

Người lớn không được uống bia rượu khi họ đang chịu trách nhiệm trực tiếp đối với thanh thiếu nhi trong một hoạt động Hướng Đạo và không được phép cho thanh thiếu nhi (dưới 18 tuổi) uống bia rượu trong các hoạt động Hướng Đạo.

Những điều nên làm

Trong các sự kiện Hướng Đạo có sự tham dự của những người dưới 18 tuổi, những điều sau đây sẽ được áp dụng:

  • Người dưới 18 tuổi không được uống rượu trong bất kỳ trường hợp nào.
  • Tại bất kỳ thời điểm nào phải có tỷ lệ quy định người lớn chịu trách nhiệm không được sử dụng bia rượu (tối thiểu là hai người) và đánh giá rủi ro tại chỗ tùy thuộc vào quy mô và tính chất của sự kiện.
  • Nói chung, người lớn không nên uống rượu khi có mặt các em dưới 18 tuổi. Đây là quy định nghiêm ngặt cần tuân thủ, mặc dù có vài trường hợp ngoại lệ, ví dụ như trong hoạt động gây quỹ và các sự kiện xã hội. Lúc đó, việc tuân thủ cần được quyết định, giải quyết bằng cách đánh giá rủi ro.
  • Nếu người lớn sử dụng bia rượu, nên được bố trí trong một khu vực tách biệt với những thanh thiếu nhi, và cần có một khu vực chỉ dành riêng cho người lớn, được xác định rõ ràng, mà các em không có quyền tiếp cận. Điều này được chấp nhận nhưng không phải lúc nào cũng được phép trong các hoạt động gây quỹ và sự kiện xã hội.
  • Người lớn uống bia rượu chú ý luôn luôn tuân thủ qui tắc “đặt việc giáo dục thanh thiếu nhi lên trên hết”, ngay cả khi họ không trực tiếp chịu trách nhiệm liên quan đến thanh thiếu nhi.
  • Cần lưu ý đến những tác động có thể có của bia rượu và cách nó có thể ảnh hưởng đến khả năng một cá nhân hoàn thành trách nhiệm Hướng Đạo đã đảm nhận. Điều này nên là một phần của việc đánh giá rủi ro (ví dụ nếu một người nào đó uống quá mức họ có thể sẽ không hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ sáng hôm sau).
  • Nên xem xét và đưa ra các hoạt động không có việc sử dụng bia rượu và quan tâm đến đặc trưng văn hóa, tôn giáo của tất cả những người tham gia sự kiện.
  • Bất kỳ những hội, nhóm tình nguyện viên, và tổ chức liên kết hỗ trợ Hướng Đạo nên áp dụng các hướng dẫn về sử dụng bia rượu giống với các huynh trưởng Hướng Đạo.
  • Tất cả thanh thiếu nhi và người lớn nên nhận thức được các tiêu chuẩn về hành vi được mong đợi. Cách tốt nhất là phải lập quy tắc ứng xử trước mỗi sự kiện Hướng Đạo.
  • Thanh thiếu nhi và người lớn cần được trợ giúp để hiểu các vấn đề liên quan đến sử dụng bia rượu và các cách tiếp cận thông tin, nhận lời khuyên khi cần đưa ra quyết định liên quan.

 

Thông tin tham khảo

Nội dung trên được cung cấp theo sự hướng dẫn của Viện Nghiên cứu Bia rượu và Quỹ Từ thiện Giảm thiểu Hậu quả Bia rượu Anh quốc. Để có thêm thông tin, vui lòng truy cập:

Chi tiết...

THƯ MỜI – PHIẾU ĐĂNG KÝ TRẠI HÈ LĨNH NAM 2018

Quí Phụ huynh và các em đăng ký sớm để đảm bảo có combo trại nhé.
Phiếu đăng ký BTC đã phát bản giấy cho các em hoặc PH có thể in trực tiếp từ hình bên dưới.
Trại Hè này chúng ta vừa có 4 ngày cắm trong rừng thông tuyệt đẹp sát hồ Tuyền Lâm, vừa có 3 ngày ở ngay trung tâm Đà Lạt để khám phá thành phố hoa!
CÙNG NHAU ĐĂNG KÝ THAM DỰ NHÉ CÁC EM.

Chi tiết...

KHÓA CƠ BẢN – GIỚI THIỆU PHONG TRÀO 04/2018

THÔNG BÁO KHÓA CƠ BẢN – GIỚI THIỆU PHONG TRÀO

Kính gởi: Quý Đơn vị và quý Phụ huynh,

Trước nhu cầu tìm hiểu Phong trào của Phụ huynh cũng như của Tráng sinh mới, Đạo Sài Gòn sẽ tổ chức Khóa Cơ Bản 04/2018 nhằm cung cấp kiến thức về phong trào Hướng Đạo, trang bị một số kỹ năng cho quý Phụ huynh cũng như các Tráng sinh mong muốn góp sức vào phong trào.

  • Thời gian : 08h30 – 16h ngày 15/04/2018
  • Địa điểm : Khu vực Tao Đàn
  • Trại phí : 100.000 đ
  • Khóa trưởng : Trưởng Trần Hữu Mạnh
  • Thời hạn đăng ký : từ 25/03 đến hết ngày 10/04/2018.

Mọi thông tin xin liên lạc với Khóa trưởng Trần Hữu Mạnh qua số 0918-060-975 hoặc thông qua email manhtranhuu2006@gmail.com.

Rất mong thành viên các Đơn vị và quý Phụ huynh đăng ký tham dự khóa.

Trân trọng,

TM Hội Đồng Đạo Đạo Sài Gòn

   Đạo Trưởng

(đã ký)

Trần Hoàng Quân

Chi tiết...

HĐS TAO ĐÀN CHÀO CỜ ĐẦU NĂM MẬU TUẤT

Chủ Nhật 11/3/2018, nhằm 24 tháng Giêng năm Mậu Tuất, theo thông lệ hàng năm, các đơn vị Hướng Đạo đang sinh hoạt tại công viên Tao Đàn lại cùng nhau làm lễ chào cờ đầu xuân.

Năm nay có 7 đơn vị tham gia lễ chào cờ:

+ Đạo Phiên An

+ Đạo Sài Gòn

+ Liên đoàn Hùng Vương

+ Liên đoàn Quang Trung

+ Liên đoàn Thoại Ngọc Hầu

+ Liên đoàn Trường Sơn

+ Liên đoàn Nguyễn Thái Học

Chi tiết...