LỌC VÀ KHỬ TRÙNG NƯỚC NƠI HOANG DÃ

LỌC VÀ KHỬ TRÙNG NƯỚC NƠI HOANG DÃ

Dù có khát đến đâu các bạn cũng đừng uống nước dơ bẩn hay nước tiểu. Các chất cặn bã ngay trong nước tiểu hay vi khuẩn trong nước dơ thừa sức đốn ngã bạn bằng các vô số bệnh như tả, lị, thương hàn …

Nước giếng vẫn là nước tốt nhất để uống. Nơi chúng ta tạm trú nếu không có nước giếng, và phải dùng nước sông, lạch, ao, hồ … Khi đó, nếu muốn có nước sạch để sử dụng, các bạn phải biết vài cách làm trong và khử trùng nước đơn giản.

Các cách bên dưới chỉ áp dụng cho nước tự nhiên, không hiệu quả cho nước nhiễm hoá chất công nghiệp hay các nguồn nước thải.

Nên xem bài: Tìm Nước Trên Đường Mưu Sinh

1.   LỌC NƯỚC NƠI HOANG DÃ

Dùng bơm lọc

1 Bo loc co hocNhững bộ lọc nước này làm việc rất hiệu quả, nó có thể lọc sạch nước bằng phương pháp cơ học đơn giản. Không dùng bất cứ hóa chất nào. Bộ màng lọc này có thể ngăn chặn hiệu quả các chất bẩn rắn lơ lửng, các tế bào nấm độc, vi trùng và vi khuẩn từ các nguồn nước trong thiên nhiên, nhưng KHÔNG hiệu quả lọc được các thể nhỏ hơn như virút. Khả năng loại bỏ vi khuẩn phụ thuộc vào những lỗ li ti trên màng lọc. Khi mua một bộ lọc, các bạn cần tìm kiếm thông tin trong bao bì hay bản hướng dẫn. Lỗ màng lọc phải từ 0.4 micron hay nhỏ hơn.

Mặc dù giá hơi cao, nhưng bộ bơm lọc giúp lọc nước khá nhanh và dễ sử dụng so với những phương pháp làm sạch khác. Để diệt các vi khuẩn và đề phòng các loại virut, các bạn nên xử lý nước với Iodine hay Chlorine trước khi bơm nước qua lọc (nếu bạn có thời gian và bình chứa, thì bạn có thể thực hiện diệt khuẩn sau khi lọc, và trước khi uống). Dư lượng Iodine và Chlorine còn lại có mùi gây khó uống. Một vài loại bơm lọc được thiết kế trù tính thực hiện việc này, ví dụ như kèm theo nguyên tố than hoạt tính để khử mùi Iodine và Chlorine. Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng. Hãy tìm loại thích hợp, gọn nhẹ, dễ sử dụng, dễ tẩy sạch và bảo quản.

Sau một thời gian sử dụng, tính theo thể tích nước và tùy theo loại lọc, ta cần thay lọc mới.

Nếu chưa được khử trùng, nước lọc xong nên được đun sôi trước khi uống.

Tự chế thiết bị lọc trọng lực

Ở những nơi hoang dã, các bạn không có đủ vật liệu để chế những hệ thống lọc nước hoàn hảo, nhưng các bạn cũng có thể lọc nước với những hệ thống lọc nước trọng lực đơn giản sau đây:

  • Dùng một ống lon đục nhiều lỗ ở đáy (như một phin cà phê), đổ cát và than vào bình lọc.
  • Dùng một lóng tre hay một đoạn thân cây rỗng, một đầu nhét cỏ hay một nùi vải (hoặc cả vải lẫn cỏ), đổ cát vào để làm bình lọc nước.
  • Các bạn cũng có thể dùng 3 mảnh vải để làm thành giàn lọc nước như hình bên. Hai mảnh trên các bạn đựng cát, mảnh dưới cùng, nếu có thể thì đựng than.

2 Loc cat

Hoặc các bạn dùng một túi nhựa, chai nhựa hay túi vải bạt không thấm nước rồi đổ từng lớp cát, đá sỏi và than theo từng lớp để làm thành bình lọc nước. Nhớ là phải xếp hạt to bên dưới, hạt nhỏ bên trên.

 

3 Loc cat treo

4 Loc cat lon

Các bạn cũng có thể dùng những thùng thiếc hay can nhựa đục thủng nhiều lỗ nhỏ ở dưới đáy rồi cho đất và đá vào (theo hình minh họa ở bên trái hay bên phải). Sau đó gác một số cây ngang chậu rồi đặt bộ lọc lên. Đổ nước vào để lọc.

Nước lọc này chỉ lọc sạch chất bẩn lơ lửng chứ không có sạch vi khuẩn, vì vậy cần áp dụng biện phát tiệt trùng cần thiết trước khi uống. Cách này cũng kém hiệu quả cho nước phù sa.

2.   LẮNG TRONG

Nước đục chỉ cần để yên cặn sẽ lắng xuống thì nước sẽ trong. Tuy nhiên một số loại chất lơ lửng có kích thức nhỏ như phù sa sẽ lắng rất lâu. Khi đó ta cần chất trợ lắng, thường là phèn chua. Phèn tan trong nước ở điều kiện thích hợp, về nồng độ và độ chua môi trường, sẽ kết các hạt lơ lửng li ti thành bông lớn và lắng xuống. Khi làm trong nước bằng cách tạo bông này, phần lớn kim loại nặng như Sắt, Asen cũng được tách khỏi nước.

Hàm lượng phèn chua rắn: khoảng 50 gam cho mỗi mét khối (1000 lít) nước sông phù sa hay nước suối đục. Các bạn có thể gia giảm 50% từ hàm lượng này tuỳ theo độ đục và độ chua của nước. Khi nước trở nên chua quá thì phèn giảm tác dụng. Nước sau khi đánh phèn nếm có vị chua chát là bị quá rồi (nếu có cách gì đó đo pH, thì pH sau khi có phèn 6-8 là khoảng tuyệt nhất).

  • Đầu tiên, bạn làm thiết bị chứa có chiều cao và chiều rộng xấp xỉ nhau. Đừng quá ốm cao, hay cũng đừng quá mập lùn. Nếu dùng nhiều lần, dưới đáy thiết bị chứa nên có chổ xả bùn.
  • Lấy nước đến gần đầy.
  • Tính lượng phèn chua theo tỉ lệ nói trên. Hòa tan phèn chua vào nước, khuấy đều. Bạn nên nghiền hay mài phèn rắn, hòa tan trong một ca nhỏ trước khi hòa vào lượng nước lớn.
  • Để lắng vài giờ.
  • Nhẹ nhàng tháo hay múc lượng nước bên trên đem sử dụng. Nếu cần khử trùng nước, dung dịch chất diệt khuẩn sẽ được nhẹ nhàng hòa vào chừng 30 phút trước khi sử dụng.
  • Nếu dùng bồn chứa nhiều lần, sau nhiều lần lắng, lượng bùn ở đáy sẽ tích lũy nhiều, bạn cần xả bớt bùn ở đáy.

Một số nước giếng hay nước tù lấy lên bị phèn (chua do nhiễm nhiều ion Sắt và Nhôm, và có thể có Asen) không sử dụng sinh hoạt hay uống được. Một mẹo để kiểm tra nước bị nhiễm phèn hay không là dùng mủ chuối. Chỉ cần dùng mủ chuối (chặt từ bẹ chuối) nhỏ vào cốc mẫu nước và quan sát sự biến đổi màu của cốc nước. Nước bị nhiễm phèn, sắt càng cao khi thử, màu nước càng ngả sang màu đỏ đậm.

Khi gặp phải nước phèn này, bạn có 2 cách:

  • Dùng nhựa trao đổi ion khử phèn. Phương pháp này dùng cùng loại nhựa dùng biến nước biển thành nước uống được.
  • Làm giảm độ chua của nước, tức làm tăng pH của nước, một phần phèn sẽ lắng. Ví dụ dùng đá vôi, nước vôi, nước soda.

Đôi khi chỉ cần để nước tiếp xúc không khi hồi lâu, phèn cũng tự lắng. Vì ta không biết hóa tính của nước, đây là cách làm cầu may, chưa chắc nước xử lý xong uống được!

3.   KHỬ TRÙNG NƯỚC

Hai cách khử trùng nước hiệu quả và phổ thông là đun sôi và dùng hóa chất.

Đun sôi

Phương pháp này tốt nhất vì tiêu diệt hết vi trùng trong nước, và tin cậy tuyết đối. Đun sôi nước một phút, mọi sinh trùng trong nước sẽ bị tiêu diệt (ở nơi có độ cao hơn một nghìn mét so với mặt biển, phải đun sôi trong vòng ba phút).

Có thể biến mùi nhạt nhẽo của nước đun sôi bằng cách sang nước, tức là đổ nước từ thùng này qua thùng khác (cách này được gọi là thông khí), hoặc để yên nước trong vòng vài giờ đồng hồ, hoặc cho vào mỗi lít nước sôi một hạt muối nhỏ.

Nếu không có nồi soong để đun sôi, các bạn đào một lỗ ở dưới đất, lót một tấm plastic dày hay một tấm da thú, đóng cọc dằn chung quanh, đổ nước vào. Đốt một đống sỏi thật nóng, rồi gắp bỏ vào cho đến khi nước sôi lên, sau cùng có thể bỏ vào thêm vài cục than hồng đang cháy để khử mùi.

5 Dung da nong

Khử trùng nước bằng hóa chất

Phương pháp thứ hai là khử trùng bằng hóa chất nếu không có đều kiện đun sôi. Phương pháp này nên áp dụng áp dụng một cách thận trọng, cần đúng cách, đủ thời gian và đúng nồng độ.

Khi phải khử trùng dùng hóa chất, cần xem xét trạng thái của nước ở nơi đó. Thuốc khử trùng ít hiệu nghiệm nếu nước đục. Cần phải lọc nước hay làm trong trước khi diệt trùng. Nước chuẩn bị để khử trùng phải được giữ trong những thùng chứa sạch, có nắp đậy kín, và không bị rỉ sét.

Hai hoá chất thường dùng là Chlorine (phổ biến là nước tẩy Javen, kế đến là Clorua vôi và Clo-ra-min) và Iodine.

Javen

Clurua vôi

Chlorine và Iodine có hiệu nghiệm nhẹ trong việc khử trùng Giardia, tuy nhiên không hiệu nghiệm trong việc khử trùng Cryptosporidium. Vì vậy, Chlorine và Iodine chỉ dùng để khử trùng nước giếng (thay vì cho nước sông, hồ, hay suối), vì nước giếng ít có những sinh trùng gây bệnh kể trên. Chlorine khử Giardia mạnh hơn là Iodine. Tác dụng khử trùng của hai hoá chất này gia tăng nếu dùng trong nước nóng.

Cách thức sử dụng thuốc tẩy có chất Chlorine thường được in ở nhãn dán ngoài bình. Nếu không có, hãy đọc xem hàm lượng Chlorine trong bình là bao nhiêu.

Nếu có ống đong ml, bạn dùng khoảng 20-50 ml thuốc tẩy Javen 10% cho 1000 lít nước. Số cao dùng khi nước đục, chứa nhiều khuẩn.

Nếu không có ống đong, bạn dùng cách đếm số giọt nhỏ vào nuớc. Ðối chiếu hàm lượng này với bảng hướng dẫn dưới đây để biết phải dùng bao nhiêu giọt thuốc tẩy cho mỗi lít nước:

Hàm lượng Chlorine trong thuốc tẩy Số giọt thuốc tẩy cho mỗi lít nước
1% 10
4-6% 2
7-10% 1

Nếu không biết tỷ lệ chlorine, mỗi lít nước cho mười giọt thuốc tẩy. Có thể dùng gấp đôi nếu nước đục, có màu, hoặc quá lạnh.

Nước cần khử trùng phải được khuấy thật kỹ, để yên với nắp đậy trong vòng 30 phút. Nước này sẽ có thoáng mùi thuốc tẩy, giống như mùi nước thủy cục, là được. Nếu không, nên cho thêm một liều nữa, và để yên thêm 15 phút cho thoáng hơi.

Hoạt tính Chlorine sẽ giảm theo thời gian. Nếu nước có mùi thuốc tẩy quá nặng, nên mở nắp vài tiếng đồng hồ cho mùi thuốc tẩy bay ra hoặc sang nước nhiều lần từ thùng sạch này sang thùng sạch khác.

Để khử mùi Chlorine, mở nắp cho hơi bay ra ngoài không khí như mô tả ở trên. Nếu mùi quá nặng hay ai đó không chịu được mùi Chlorine, bạn có thể lọc nước qua than hoạt tính (than củi đốt).

Có thể mua những viên Chlorine có đủ liều cần thiết để khử trùng nước uống ở các quầy dược phẩm và bán dụng cụ thể thao. Hết sức lưu ý, phải sử dụng chúng theo như lời chỉ dẫn.

Iodine dùng trong nhà có thể dùng để khử trùng nước. Cho năm giọt thuốc Iodine 2% vào mỗi một lít rưỡi nước trong. Nếu nước đục thì cho mười giọt và để yên dung dịch ít nhất 30 phút.

Có thể mua những viên Iodine có đủ liều cần thiết để khử trùng nước uống ở các quầy dược phẩm và bán dụng cụ thể thao. Phải sử dụng chúng theo như lời chỉ dẫn.

Tổng hợp bởi SaigonScouts

Bài này được được tổng hợp tham khảo trên các tài liệu nước ngoài, bởi một cựu quân nhân và một kỹ sư hóa học.

Lưu ý: Bài này nêu ra phương pháp thực hiện để sinh tồn. Phương pháp không giúp loại trừ được các rủi ro do sai sót chủ quan của người dùng như: đọc thông tin hoá chất trên bao bì bị sai, đong rót sai, tính toán sai, hiểu thuật ngữ sai… Người dùng nên hết sức thận trọng tự cân nhắc các rủi ro, nếu bạn không chắc thì đừng nên thử theo suy diễn chủ quan của mình.

(Visited 1.243 times, 1 visits today)

Chia sẻ

Trả lời