SỬ DỤNG BẢN ĐỒ NGOÀI THỰC ĐỊA

Category: Hành Trang Hiệp Sĩ, Kỹ Năng Tổng Hợp

SỬ DỤNG BẢN ĐỒ NGOÀI THỰC ĐỊA

Trong phần [Đọc Bản Đồ] chúng tôi đã hướng dẫn các bạn cách đọc chi tiết “từng centimét” trên bất cứ loại bản đồ nào. Đến phần này, chúng tôi hướng dẫn bạn kỹ thuật sử dụng bản đồ cho từng trường hợp cụ thể ngoài thực địa, kết hợp với các dụng cụ liên quan, và cả cách thao tác thủ công với tấm bản đồ.

A. ĐỊNH HƯỚNG BẢN ĐỒ

Để có thể đọc đúng các chi tiết trên bản đồ, để đo đúng phương giác, để xác nhận được điểm đứng, để chấm đúng tọa độ … trước tiên, các bạn cần phải biết cách định hướng bản đồ.

Định hướng bản đồ là làm thế nào để đặt bản đồ trùng các phương hướng trên bản đồ với các phương hướng ngoài địa thế.

1

Bản đồ được định hướng khi chi tiết trên bản đồ và chi tiết ngoài địa thế trùng nhau.

Có nhiều cách định hướng bản đồ:

Thứ nhất: bằng hướng bắc địa dư

  • Xác định hướng Bắc địa dư ngoài địa thế. Xin xem phần [Tìm Phương Hướng]
  • Xoay bản đồ sao cho hướng Bắc ô vuông, tức trục tung độ của bản đồ, song song cùng chiều với trục Bắc Nam ngoài địa thế.

Thứ hai: bằng địa bàn

Lưu ý thuật ngữ: tên gọi Địa bàn chỉ loại La bàn dùng trên đất liền, Hải bàn chỉ La bàn dùng trên biển.

Các bạn đặt cạnh địa bàn trùng với trục Tung độ (hay hướng Nam Bắc của bản đồ) rồi xoay cả bản đồ lẫn la bàn sao cho kim từ tính nằm song song với trục Tung độ. 

2 bang la ban

Thứ ba: bằng chi tiết địa thế

Căn cứ vào hướng của một chi tiết thấy rõ ngoài địa thế và có vẽ rõ trên bản đồ:

2 chi tiet dia the

Thí dụ: Quay hướng một con đường có vẽ trên bản đồ cho song song và cùng chiều với hướng của con đường ngoài địa thế. 

Căn cứ vào điểm đứng đã biết và một chi tiết ngoài địa thế:

Thí dụ: Điểm đứng “A” tại ngã ba đường và một ngôi “Nhà Thờ” từ đàng xa

  • Vạch một đường thẳng tưởng tượng từ điểm đứng A đến ngôi nhà thờ.
  • Kẻ trên bản đồ một đường thẳng nối liền điểm đứng A đến ngôi nhà thờ.
  • Xoay bản đồ cho hai hướng trên song song và cùng chiều với nhau. 

3 chi tiet dia the

Căn cứ vào 2 chi tiết đặc biệt ngoài địa thế:

Thí dụ: chúng ta có vị trí 1 là đỉnh một ngọn đồi. Vị trí 2 là chân một ngọn núi. Các bạn xoay bản đồ làm sao cho hướng chi tiết trên bản đồ  trùng hướng với chi tiết ngoài địa thế.

4 dac biet

 B. XÁC ĐỊNH ĐIỂM ĐỨNG

Để biết hiện nay chúng ta đang ở đâu? Và sẽ đi về đâu? Hoặc sẽ đến đâu? Các bạn cần phải biết cách xác định điểm đứng. Có nghĩa là làm thế nào để biết chúng ta đang đứng ở đâu trên bản đồ. Hay là xác định một điểm trên bản đồ tương ứng với một điểm ngoài địa thế.

Có nhiều phương pháp để xác định điểm đứng:

  1. Đứng tại điểm chuẩn của địa thế:

Tìm và đứng ngay một điểm chuẩn đặc biệt của địa hình  mà các bạn có thể tìm thấy dễ dàng trên bản đồ như: ngã ba đường, cầu, đình chùa …khi bạn đứng ở ngay điểm đó tức là đã xác định được điểm đứng của mình ở chỗ nào trên bản đồ.

 5 diem dung

  1. Phương pháp ước lượng khoảng cách :

Tìm một điểm chuẩn đặc biệt ngoài địa thế  mà có thể  tìm thấy trên bản đồ (như PP.1 ở trên). Ước lượng xem khoảng cách từ điểm chuẩn đó cách ta là bao nhiêu. Tính tỷ lệ, ta có điểm đứng trên bản đồ.

6 khoang cach

 

  1. Phương pháp cắt đoạn con đường
  • Bạn đứng trên một con đường và cố gắng tìm một điểm chuẩn dễ nhận thấy trong bản đồ cũng như ngoài địa thế.
  • Dùng la bàn đo phương giác từ chỗ bạn đứng đến điểm đó (thí dụ: đỉnh núi).
  • Sau khi đã định hướng bản đồ, bạn vẽ một đường thẳng theo phương giác đó, cắt ngang điểm chuẩn và con đường.
  • Giao điểm của con đường và phương giác đó là điểm đứng của bạn.
  1. Phương pháp truy hoàn đặc tuyến

So sánh giao điểm của một đặc tuyến (thí dụ: eo của đồi yên ngựa) và một con đường ở ngoài địa thế, với giao điểm đặc tuyến và con đường ấy trên bản đồ. Chính giao giao điểm ấy (trên bản đồ) là điểm đứng.

 8 truy hoan dac tuyen

 

  1. Phương pháp đơn phóng nghịch

Các bạn tìm một điểm đặc biệt ngoài địa thế (thí dụ một ngôi chùa). Các bạn dùng la bàn đo phương giác từ chỗ các bạn đang đứng đến ngôi chùa đó, và ước lượng khoảng cách từ ngôi chùa đến chỗ của các bạn. Sau đó các bạn:

  • Định vị bản đồ.
  • Dùng thước đo góc hoặc la bàn, kẻ phương giác xuất phát từ ngôi chùa đó trên bản đồ.
  • Dựa vào tỷ lệ của bản đồ, đổi khoảng cách ngoài địa thế thành khoảng cách trên bản đồ.
  • Lấy thước tấc đã đổi, đo từ chùa đến tận cùng khoảng cách. Chính điểm tận cùng ấy là điểm đứng.

9 don phong

 

  1. Phương pháp giao phóng:

Dùng phương pháp này, các bạn phải căn cứ ít nhất vào hai điểm chuẩn của địa thế, các bạn lần lượt làm theo tíên trình sau:

  • Định hướng bản đồ.
  • Dùng la bàn đo phương giác điểm chuẩn 1 của địa thế.
  • Đặt la bàn lên bản đồ, xoay la bàn đúng phương giác vừa tìm thấy.
  • Vẽ một đường thẳng theo phương giác đó, cắt ngang điểm chuẩn 1
  • Làm như thế với điểm chuẩn thứ hai.
  • Hai phương giác đó sẽ cắt nhau tại một điểm trên bản đồ, giao điểm đó là điểm đứng của bạn.

Ghi chú: Muốn chính xác hơn, các bạn tìm một điểm chuẩn thứ 3, nếu phương giác của điểm chuẩn này đi qua phương giác của hai phương giác trên là chính xác. Nếu tạo thành một tam giác mỗi cạnh không quá 2mm, thì trung tâm của tam giác là điểm đứng của bạn.

10 toi o day

C. ĐẾN ĐÚNG ĐIỂM ĐÃ ĐỊNH TRÊN BÀN ĐỒ

Thí dụ bạn đang đứng ở điểm A (Núi Nứa) trên bản đồ, và bạn cần phải đến điểm B (Ấp Xuân Sơn) (hình 1) nhưng không có đường đi đến đó, cho nên bạn phải cắt rừng. Vậy thì làm thế nào để đến đúng điểm đã ấn định?

 11.1 AB  11.2 LB

Hình 1

Hình 2

Trước tiên chúng ta phải định vị bản đồ – có nghĩa là đặt các phương hướng của bản đồ trùng với phương hướng ở ngoài thực tế.

Để làm được điều này, các bạn đặt cạnh la bàn trùng với trục Tung độ (hay hướng Nam Bắc của bản đồ) rồi xoay cả bản đồ lẫn la bàn sao cho kim từ tính nằm song song với trục Tung độ. Cố định bản đồ, không cho xê dịch (hình 2).Sau đó các bạn đặt cạnh la bàn song song với đường thẳng AB. Đọc chỉ số độ hay ly giác hiển thị ở dưới vạch chuẩn – ví dụ: 60 độ. Đó là phương giác mà các bạn phải đi (hình 3).

11.3 H3

Hình 3

D. CÁCH GẤP VÀ GÌN GIỮ BẢN ĐỒ

Trong một chuyến công tác, một kỳ thám hiểm … mà cứ mỗi lần cần đến bản đồ, thì các bạn phải trải ra xong lại xếp vào, như vậy chẳng mấy chốc, trước khi hoàn thành công việc, thì bản đồ đã tan nát. Đó là chưa nói đến thời tiết, mưa gió, băng sông, lội suối … Vì vậy, các bạn cần phải biết cách gấp, gìn giữ và bảo quản bản đồ sao cho sử dụng được càng lâu càng tốt.

Các bạn phải biết cách gấp làm sao để khi cần, có thể sử dụng một cách dễ dàng và hiệu quả, hạn chế tối đa việc trải ra, gấp vào, làm dơ bẩn và sờn rách bản đồ.

Có nhiều cách gấp bản đồ, nhưng tất cả đều phải theo những nguyên tắc chung sau đây.

  • Mặt chi tiết bản đồ phải nằm ngoài.
  • Gấp theo hình đèn xếp.
  • Khu vực đang sử dụng phải lộ ra mặt ngoài.12 gap ban do

CÁCH THỨ 1

CÁCH THỨ 2

 

 

 

 

 

 

 

E. PHƯƠNG PHÁP CẮT VÀ GẤP BẢN ĐỒ

Với phương pháp nầy, các bạn có thể sử dụng toàn diện bản đồ mà không cần phải lật ra nguyên tấm.

 13 gap ban do cat 8

 

 

 

 

 

  

  • Chia mỗi cạnh của bản đồ ta làm 4 phần đều nhau.
  • Rạch một đường ở hai phần ở giữa theo chiều ngang.
  • Xếp lại theo kiểu đèn xếp.
  • Tiếp tục xếp lại theo hình minh họa.

Khi cần sử dụng, các bạn chỉ cần lật chỗ cắt qua lại mà không cần mở rộng toàn bộ bản đồ .

 F. BẢO QUẢN VÀ GIỮ GÌN BẢN ĐỒ

  • Không làm dơ bẩn hay ẩm ướt bản đồ.
  • Khi cần vẽ thêm chi tiết mới mà trong bản đồ chưa có, phải dùng bút chì vót nhọn và vẽ thật nhẹ nhàng.
  • Bản đồ phải được bỏ vào bao nylon và chỉ dùng bút chì mỡ để ghi chú ngoài bao.
  • Nếu có thể thì nên dán phủ trên toàn tấm bản đồ một miếng decal trong, hoặc chí ít thì cũng dán băng keo trong ở các đường gấp.

Bởi: SaigonScouts

(Visited 8946 times, 1 visits today)

Share this post

Trả lời