TÌM NƯỚC TRÊN ĐƯỜNG MƯU SINH
Cơ thể của chúng ta chứa khoảng 70% nước, nhưng cũng dễ mất nước qua hệ bài tiết, cho nên chúng ta phải kịp thời bổ sung số lượng nước đã mất, nếu không cơ thể sẽ suy kiệt nước và nguy hiểm đến tính mạng. Người ta có thể nhịn đói hàng tuần nhưng không thể nhịn khát trong vài ngày… Nước là chìa khóa của sự sống và mưu sinh nơi hoang dã. Cho nên, trong cuộc sống hoang dã, việc tìm ra nước là một vấn đề cấp bách, khẩn thiết và quyết định sinh tử, cho nên các bạn bằng mọi cách phải tìm cho ra nguồn nước.
Bên dưới chúng tôi giới thiệu các phương pháp tìm, tạo và giữ nước uống trên đường mưu sinh. Không có phương pháp tốt nhất, mà chỉ có cách vận dụng tốt nhất cho mỗi hoàn cảnh cụ thể.
Khi cần di chuyển để tìm đường mưu sinh, chúng ta càng phải biết dè sẻn nước uống, dù khát đến đâu thì cũng chỉ nên nhấp từng ngụm nhỏ cho đỡ khát mà không nên tu ừng ực. Vì trước mắt chưa chắc chúng ta sẽ tìm thấy nước. Hơn nữa, khi đang mệt, uống nước nhiều sẽ lả người, có thể dẫn đến ngất xỉu.
1. TÌM NGUỒN NƯỚC VÀ MẠCH NƯỚC
Chúng ta có thể tìm thấy nước dễ dàng như: sông, suối, ao, hồ, mương, lạch, giếng, mạch nước… Ngoài ra, chúng ta còn có thể tìm thấy nước ở những nơi như:
- Dọc theo bờ biển hoặc bờ hồ nước mặn, các bạn đào một lỗ ở nơi vùng đất trũng, cách bờ biển khoảng 30m. Hoặc sau một đụn cát đầu tiên, nếu thấy nơi đó có cỏ mọc hay đất ẩm ướt, hy vọng có nước ngọt hay nước có thể uống được.
Đào lỗ ở những vùng này nên chú ý là khi đến lớp cát ẩm, các bạn phải ngưng đào để cho nước rỉ ra từ từ, không nên đào sâu nữa, vì sẽ gặp nước mặn.
- Đi ngược về nguồn sông, suối cạn, ở đó có thể có những mạch nước rỉ hay đất ẩm chứa nước. Tìm dưới những lớp đá chồng chất ở những khúc quanh của lòng sông hoặc bờ sông. Hay đào những hố nhỏ nơi có cát ẩm ướt. Vì ở đây có thể ẩn chứa những mạch nước.
- Các bạn cũng có thể tìm thấy nước dưới trũng những cồn cát, nơi có những đám cỏ mọc xanh tươi.
- Đi lần theo những con sông, suối cạn khô, các bạn có thể tìm thấy những vũng nhỏ chứa nước ở các khe mương, sau các tảng đá lớn, dưới chân các vách núi… Những vũng này nước không thấm xuống đất vì nó nằm trên một lớp đá hay đất sét hay đất sét nhão, nước cũng ít bị bốc hơi vì được che khuất ánh nắng mặt trời.
- Trên những vách núi trơ trọi mà có một nơi đất ẩm ướt, cỏ mọc xanh tươi, các bạn có thể thu hoạch nước bằng cách nhét một cái khăn hay mảnh vải vào nơi ẩm nhất. Để đầu khăn lòng thòng, nước sẽ thấm theo khăn và nhỏ vào vật hứng ở dưới.
- Đào một lỗ nhỏ ở khu vực sình lầy hay đá ẩm ướt, sâu khoảng từ 3-6cm, chỗ đất mềm. Nước sẽ từ từ rỉ ra trong hố. Nước này có thể lọc để dùng. Nếu chỉ có cát ướt hay bùn nhão thì các bạn dùng một miếng vải hay áo sạch, bỏ vào trong đó, túm lại rồi treo lên hoặc vặn xoắn mạnh, nước sẽ chảy ra. Nước “sản xuất” theo kiểu này thường không được trong sạch cần phải lọc và khử trùng trước khi sử dụng.
- Các bạn còn có thể tìm thấy nước mưa đọng lại từ trong các hốc cây đại thụ, hoặc trong các lóng tre bị mắt kiến (tre bị kiến đục mắt).
Nếu lắc mà nghe tiếng óc ách thì khía phía dưới từng lóng tre để hứng nước. Ta thường gặp ở những cây tre bánh tẻ (không quá già hoặc quá non) cũng chứa nước.
2. TÌM KIẾM NGUỒN NƯỚC TỪ THỰC VẬT
Khi không kiếm được nguồn nước tự nhiên như sông, suối, đầm lầy… hay mạch nước, các bạn có thể tìm kiếm nguồn nước từ thực vật. Nhưng dĩ nhiên là không phải cây nào cũng có thể cho chúng ta nước, hay là nước cây nào cũng uống được, cho nên các bạn phải cẩn thận, chỉ sử dụng những cây mà mình đã biết khá rõ.
Lấy nước từ dây leo:
Hầu như tất cả các loại dây leo thân mềm trong thiên nhiên đều chứa nước, nhất là các loại dây leo thân mềm. Tuy nhiên, trước khi sử dụng, các bạn cũng phải biết rõ tính chất của các loại dây leo đó.
Để lấy nước, các bạn chặt xiên mũi mác ở phần ngọn rồi kéo xuống. Kê bình nước vào để hứng, nước sẽ từ từ chảy vào bình.
Các bạn cũng có thể chặt đứt hẳn một đoạn dây leo dài khoảng 1 m (chặt gốc trước ngọn sau). Cầm dựng thẳng lên kê phần gốc vào miệng, nước sẽ từ từ chảy xuống. Khi hết nước, các bạn chặt một đoạn khác.
Hoăc làm một cái giàn như hình bên cạnh, rồi chặt một số đoạn dây leo hay rễ cây tươi dựng trên cái dàn đó, dưới giàn có một cái máng. Đầu máng đặt một vật hứng nước.
Lấy nước từ các loại cây trữ nước
Một số thực vật có lá mọc bó chung quanh gốc tạo thành hình dạng cái chén. Những cây này sẽ thu thập và lưu trữ nước ở trong gốc cây. Tiêu biểu cho dạng này là một số các giống cọ, một số ổ rồng, ráng bay, dứa bay (bromelaides -thuộc họ dứa, là những cây thường mọc ký sinh trên những cây đại thụ cao), chúng có lá được thiết kế để bắt nước mưa và đưa nó xuống để các gốc của lá, nơi tiếp giáp với thân cây. Tạo thành các hồ mi-ni để cây có thể hấp thụ từ từ.
Một số loại cây và thực vật được tìm thấy ở vùng nhiệt đới và có thể cung cấp cho chúng ta một nguồn nước. Một ví dụ tuyệt vời của loại nầy là cây “chuối rẻ quạt” thuộc họ chuối và có thể chứa đến 1-2 lít nước ở giữa cuống lá, nơi tiếp giáp với thân cây.
Lấy nước từ cây chuối
Muốn có nước các bạn chặt ngang thân chuối, cách mặt đất chừng một gang tay (20cm). khoét một lỗ hình chén ở giữa, sâu xuống cho đến phần gốc (củ). Chừa bẹ chung quanh vừa đủ dày để giữ nước. Khoảng một giờ thì nước trào lên, các bạn múc đổ vào bình chứa nước, và tiếp tục như thế cho đến khi kiệt nước. Mỗi gốc chuối như thế có thể cho ta nước từ 4-5 ngày.
Một cách khác để lấy nước từ cây chuối là cắm một vòi nước vào thân cây. Để khai thác nước từ thân cây chuối, các bạn hãy lấy một lóng tre rỗng chiều dài khoảng 20 cm, đường kính bằng ngón tay cái của bạn, Dùng dao cắt vát một đầu rồi cắm vòi tre vững chắc vào thân cây chuối (gần dưới gốc) nghiêng một góc 70 độ. Sau khi cắm xong là nước bắt đầu chạy ra khỏi thân cây và nhỏ xuống thông qua vòi nước. Đặt một vật hứng nước bên dưới vòi nước, bằng một cái cốc hay một chiếc lá lớn hoặc miếng nhựa trong một hố đào xuống lòng đất, cho nước nhỏ giọt vào và để nó trong một vài giờ để cho nước đầy đủ để uống. Tuy nước có hương vị như chuối xanh nhưng nó có thể uống được.
Lấy nước từ cây dừa
Được trồng và mọc hoang nhiều nơi trong những vùng nhiệt đới, gần bở biển hay các hải đảo. Nếu các bạn đi lạc vào một vùng có cây dừa thì sự sống của các bạn khá an toàn. Vì từ cây dừa nó sẽ cho chúng ta những sản phẩm như:
Nước dừa: chứa rất nhiều axit amin, axit hữu cơ… nhất là nước dừa, một loại nước giải khát hảo hạng
Cùi dừa: có chứa 65% chất béo, 20% gluxit, 8% protit, 4% nước. Là một loại thực phẩm rất tốt.
Gáo dừa: dùng làm đồ đựng thay tô, chén, gáo múc nước… và làm chất đốt…
Gân lá dừa: bện hay bó lại để làm chổi, làm tăm xỉa răng, đan rổ rá…
Xơ dừa: bện dây thừng, làm thảm chùi chân, chất đốt…
Đọt non dừa (củ hủ): là một thực phẩm cao cấp, có thể ăn sống, luộc, xào, nấu.
Thân cây dừa: dùng làm cột nhà, làm cầu thủ công và các tiện nghi khác.
Trường hợp gặp cây dừa mới ra hoa, mà chúng ta thì rất cần nước. Hãy níu cuống hoa cho cong xuống (có thể dùng dây để trì giữ lại) và cắt chỗ giáp cuống với buồng hoa. Dùng bao nylon hay ống tre chụp lại để hứng nước (đừng để không khí tiếp xúc nhiều với vết cắt, nếu không thì cứ 12 giờ lại cắt thêm một lát mỏng, vì váng đã đóng bít các lỗ khổng dẫn nước)
Lột vỏ dừa
Để lột vỏ dừa ta dung một dụng cụ, người dân Bến Tre gọi là “cây nầm”. Cây nầm hình dáng như một lưỡi mác thẳng, sắc nhọn trui bằng thép. Lưỡi nầm gắn với cán sắt hình trụ rỗng ruột, được đóng chặt vào cọc cố định. Khi lột, người ta cầm trái dừa nhấn mạnh vào lưỡi nầm theo chiều ngang của trái dừa, rồi vặn cho múi vỏ bật ra
Lấy nước từ cây thốt nốt:
Được trồng nhiều ở miền Nam Việt Nam, Campuchia, Ấn Độ và một số nước trong vùng nhiệt đới. Cây thốt nốt được trồng chủ yếu để lấy nước làm nguyên liệu chế biến thành đường và rượu.
Để lấy được nước các bạn làm như cách làm với dừa, cắt một đoạn ở đầu cuống hoa, rồi buộc bao nylon với ống dẫn nước làm bình chứa.
Nếu cắt vào chiều tối và để suốt đêm, các bạn sẽ có một lít nước có vị ngọt và thơm.
Quả thốt nốt non ăn ngon như thạch. Quả già có màu vàng, thơm như mít, nếu giã ra, đem lọc sẽ cho ta một loại bột làm bánh rất ngon.
Lấy nước từ cây báng:
Còn gọi là cây bụng báng, và những cây có dạng tương tự như cây đoác, cây kapác, cây xế, cây rui, cây đủng đỉnh (đùng đình, người Bắc gọi là cây móc)… đều có công dụng giống nhau.
Là những cây mọc hoang, thường được thấy nhiều ở Việt Nam và một số nước trong vùng nhiệt đới, những cây này có thể cho chúng ta lấy nước từ ngọn, cuống hoa hay ngọn hoa như cách làm với cây dừa và thốt nốt. Có thể lấy tinh bột từ thân cây. Đọt non có thể luộc hoặc nấu canh như các loại rau cải. Cơm của trái cũng ăn được.
Muốn lấy nước nhanh và nhiều, người ta chặt lưu thân (không đứt hẳn) cho cây ngã xuống theo triền núi (làm sao cho phần gốc nằm cao hơn phần ngọn). Bóc hết lá trên ngọn cho đến đọt. Đẽo vát phần đọt non làm thành máng dẫn. Trùm bao nylon hay kê đồ để hứng. Trung bình một ngày một cây cho ta từ 4-5 lít nước. Khi lượng nước giảm, các bạn vạt thêm vào khoảng 1cm, nước sẽ chảy tiếp.
Các bạn lưu ý là khi chặt cây đủng đỉnh, nếu bị vướng vào buồng trái của nó thì sẽ rất bị ngứa các bạn phải cẩn thận.
Một cây kapác cao từ 12-15 m, sẽ liên tục cho chúng ta từ 150-170 lít nước trong vòng 40 ngày.
Ruột của thân cây đem giã, lọc sẽ cho cúng ta một loại bột để làm bánh.
Lấy nước từ cây dừa nước:
Là loại cây thân bẹ thấp, lá như lá dừa, mọc thẳng đứng vươn lên cao. Cây thường mọc ở những vùng đầm lầy ngập mặn, phù sa, nhiễm phèn, ven sông rạch có thuỷ triều lên xuống …
Cây dừa nước mọc rất nhiều ở vùng đồng bằng Nam Bộ, có nơi phát triển thành rừng tự nhiên.
Cây dừa nước cũng cho trái, mỗi buồng dừa nước có khoảng vài chục trái, kết với nhau thành buồng có dạng khối tròn. Trái dừa nước có cùi dày, màu trắng đục, có vị hơi ngọt và rất béo, có thể ăn tươi, nấu chè…
Lá dừa nước dùng để lợp nhà với hai kiểu lợp: lá chằm và lá xé, làm chỗ trú mưa nắng rất tốt.
Bập dừa nước dùng để chẻ lạt, gọi là lạt dừa. Nó còn là loại phao nổi tự nhiên dùng để vượt sông.
Nhưng quan trọng nhất là nhựa dừa có thể dùng để uống và chế biến thành đường, cồn, rượu, giấm, nước giải khát, bánh kẹo…
Muốn lấy nước thì chúng ta cũng dùng những phương pháp như đối với cây dừa và cây thốt nốt: cắt đầu cuốn hoa còn non, buộc bao nylon hay ống để dẫn nước.
Lấy nước từ cây xương rồng
Ở những vùng đất khô cằn hay hoang mạc, người ta thường gặp những cây xương rồng khổng lồ Saguaro (không thấy ở Việt Nam) thân cây chứa rất nhiều nước.
Để lấy nước, người ta lựa những cây thấp, mọng nước (khía căng, không lõm sâu) cắt ngang thân cây, rồi dùng tay hay gậy quậy một lúc ở trong ruột cây, nó sẽ cho ta một chất nhờn tựa như thạch, có thể ăn để đỡ khát.
Xin lưu ý: đây là một phương pháp lấy từ tài liệu nước ngoài, tuy nhiên khi thử nghiệm thì có vấn đề, vì “chất nhờn tựa như thạch” của hầu hết các loại xương rồng đều rất đắng và gây nôn, không ăn được. Duy chỉ có loại xương rồng thân mềm có gai hình móc câu thì có thể tạm dùng được. Còn có loại xương rồng nào nữa thì chúng tôi chưa biết. Các bạn cần cẩn thận thử nghiệm trước khi sử dụng.
Cây Baobab
Một cây có chứa nước khác là cây Baobab (thường được gọi là cây sự sống), được tìm thấy ở châu Úc, châu Phi và Madagascar. Cây giữ một số lượng rất lớn nước trong thân của nó. Cây này cũng cung cấp bóng mát. Trái cây, lá non, rễ non và cây non ăn được.
3. NGƯNG TỤ HƠI NƯỚC THIÊN NHIÊN
Phương pháp thứ nhất
Đào một cái hố hình phễu, đường kính khoảng chừng một mét, sâu cũng chừng một mét, ở những khu vực ẩm ướt. Đặt ở dưới đáy hố một vật dụng đựng nước (lon, tô, chén…) rồi phủ lên trên miệng hố một tấm nylon sạch và trong suốt, dằn đất đá cho kín chung quanh mép. Ở giữa bỏ một cục đá làm cho miếng nylon thụng xuống ngay ở miệng vật chứa nước. Sức nóng của mặt trời làm cho đất ẩm bốc hơi, đọng lại dưới tấm nylon, chảy dài xuống và nhỏ vào vật chứa nước để phía dưới đáy hố.
Các bạn có thể áp dụng phương pháp này ở những vùng hoang mạc khô cằn, nhưng trước đó các bạn phải lót một số thân cây mọng nước đã được chặt nhỏ (xương bồng, sống đời …), hoặc những cành lá còn tươi xanh xuống đáy hố để tạo ẩm. Nếu có thể thì nên dùng một ống nylon hay ống trúc thông mắt, để cắm một đầu vào vật đựng nước, một đầu ra khỏi miệng hố, khi cần thì có thể hút nước qua ống, mà không phải mở nắp đậy lên.
Phương pháp thứ hai
Các bạn có thể dùng một cái bình 5 lít để tạo ra một bình chưng cất nước bằng ánh nắng mặt trời như dưới đây.
Phương pháp thứ ba, và bốn
Các bạn tìm một bụi cây thấp, thật nhiều lá xanh. Đào một cái hố chứa nước nhỏ gần gốc cây, chỗ thấp nhất. Lót một tấm nylon xuống lỗ và chung quanh gốc cây với một độ nghiêng tập trung vào hố. Trùm một tấm nylon khác trong suốt và sạch, lên bụi cây, dằn kín.
Hoặc dùng một bao nylon trùm một đầu cành cây rồi cột kín lại.
Dưới ánh mặt trời, lá cây sẽ bốc hơi, ngưng tụ dưới bề mặt tấm nylon, rồi chảy về phía thấp nhất. Nước này cũng tinh khiết, có thể dùng ngay.
Phương pháp thứ năm
Các bạn cũng có thể đắp đất làm mương dẫn nước (xem hình minh họa) rồi lấy một bao nylon trong suốt trùm lên, lấy đá sạch dằn chung quanh mương. Sau đó chống một cái que cho bao nylon phồng lên. Cuối cùng bỏ lá xanh mọng nước vào, không để lá chạm vào bao, rồi cột miệng bao lại.
4. CHƯNG CẤT NƯỚC & LẤY NUỚC TỪ SƯƠNG
Phương pháp này kỳ công dành cho những người đã chuẩn bị hay những người tìm được dụng cụ thích hợp khi ở trong vùng nước không đủ tinh khiết như: mặn, nước bẩn, nước đã nhiễm phèn…
Nguyên tắc chưng cất này dựa theo nguyên lý hơi nước nóng gặp lạnh sẽ ngưng tụ lại thành nước, cho nên các bạn phải giữ cho phần làm lạnh lúc nào cũng phải “lạnh”.
Nếu các bạn đã chuẩn bị sẵn bằng những dụng cụ chưng cất có bán trên thị trường (cho nấu rượu) thì rất tốt. Xem hình bên.
Bằng không nếu kiếm được một số dụng cụ và vật liệu, các bạn có thể chế những bình chưng cất nước theo một trong những cách đơn giản sau đây. Các bạn làm cái dàn để treo một cái nồi. Trên miệng nồi, các bạn trùm bao nylon. Từ miệng bao nylon các bạn gắn một ống nhựa dẻo để dẫn hơi nước. Ống nhựa dẻo đi qua một túi nylon làm lạnh để ngưng tụ hơi nước. Đầu ống đặt một vật để hứng nước.
Các bạn cho nước mặn hay nước không tinh khiết vào nồi rồi nấu lên, bạn sẽ có nước tinh khiết ở đầu ống bên kia.
Chưng cất nước bằng khăn
Trong trường hợp khẩn cấp, các bạn có thể lấy một cái nồi, đổ nước biển hay nước không tinh khiết vào, trên miệng nồi đậy nhiều lớp vải dễ thấm nước, bắc lên bếp đun sôi rồi lấy những mảnh vải ra để hơi nguội đoạn vắt nước từ những miếng vải ra để uống hoặc sử dụng. Yêu cầu không khí mát mẻ hay là cái khăn phải mát trước khi dùng cho mục đích này.
Lấy nước từ sương mù
Đây là một phương pháp lấy nước mới nhất do các kỹ sư của Canada và Chile phối hợp nghiên cứu. Họ đặt ở sa mạc Atacama phía Bắc Chile, 75 mảnh lưới bằng sợi thấm nước, mỗi mảnh rộng 12m x 4m. Những mắt lưới đó đã thu những giọt nhỏ của sương mù góp lại thành những giọt nước. Nó chảy tự nhiên vào một cái máng ở dưới những mảnh lưới, rồi theo những ống dẫn, đổ vào bể chứa. Mỗi mét vuông lưới thu được trung bình từ 3 đến 4 lít nước một ngày, đủ để cung cấp cho một làng chài trong vùng Chungungo.
Những đề án tương tự cũng đang được thực hiện trong vùng núi khô cằn ở Pérou, Equateur, Kenya, Ấn Độ, Yémen và Philippine. (theo Science et Vie. 1/94)
Thu thập nước từ sương đọng trên lá
Vào các buổi sáng, khi gặp những đám cỏ cao ướt đẫm sương. Các bạn có thể lấy nước bằng cách cầm mảnh vải quơ nhẹ lên ngọn cỏ rồi vắt lấy nước. Hay cột một cái khăn, áo thun (loại vải dễ thấm nước) vào một sợi dây rồi kéo lướt qua trên ngọn cỏ. Hoặc cột vào hai ống chân. Sau khi đi một đoạn, các bạn có thể cởi ra vắt để lấy nước.
Nếu bạn bị rơi máy bay, thì cánh máy bay là nơi sương đọng rất nhiều (do hợp kim ở cánh máy bay có tính lạnh hơn nhiệt độ môi trường). Các bạn dùng khăn hay vải sạch dễ thấm nước để lau, khi thấy sũng nước thì vắt vào thùng chứa.
5. THU GOM NƯỚC MƯA
Là món quà quý giá từ thiên nhiên, nước mưa khá tinh khiết, có thể sử dụng được ngay.
Để lấy nước mưa, các bạn có thể căng bạt để làm máng hứng nước, hay cố định những phiến lá to như ráy, môn rừng … bằng cách cắm cây hai bên để phiến lá không bị gió đong đưa. Ở chót lá, các bạn đặt thùng hay can chứa nước. Hoặc quấn vải quanh thân cây, ở dưới cho thòng một đoạn để hứng nước.
Hứng nước mưa dùng bạt
Các bạn đóng 4 cái cọc cao khoảng 1 mét (tùy theo tấm bạt lớn hay nhỏ), một đầu cao một đầu thấp. Đầu thấp mở thành cái máng để nước mưa chảy vào chậu hứng.
Trữ nước mưa
Nếu các bạn ở những nơi có mưa nhiều, hãy đào một cái hố sâu và rộng bằng tấm bạt hay nylon mà bạn có. Đất đào lên đắp chung quanh cho cao để nước bẩn không tràn vào, rồi trải bạt lót hố để hứng và tích trữ nước mưa.
6. ĐỒ CHỨA NƯỚC VẬT LIỆU THIÊN NHIÊN
Để chứa nước, mang nước theo hay đi lấy nước, các bạn cần phải có một số vật dụng dùng để chứa nước như: can nhựa, thùng, gàu, bình đựng nước … nhưng nếu không có các bạn phải biết tận dụng những vật liệu thiên nhiên sẵn có để chế tạo thành những đồ đựng nước như những hình gợi ý dưới đây.
Bài viết nên xem cùng:
LỌC VÀ KHỬ TRÙNG NƯỚC NƠI HOANG DÃ
Rèn Luyện Trước Khi Vào Nơi Hoang Dã
(Bài viết: 8.4.2.7 STTN 7)
Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.