Kỹ Thuật Hô Hấp Nhân Tạo
Con người giữ sự sống bằng cách hít thở không khí vào phổi. Khi một người ngưng thở thì đây là một tình trạng đe dọa mạng sống được gọi là ngưng hô hấp. Thường thì khi nạn nhân ngừng thở, họ có thể thở lại nếu người ta tìm cách đưa không khí vào phổi họ, làm kích thích cho họ thở lại. Tuy nhiên, nếu nạn nhân ngừng thở thì có thể kéo theo việc tuần hoàn – hô hấp ngừng hoạt động, nghĩa là họ không còn thở và tim cũng không còn đập.
Nếu phổi của nạn nhân ngừng tiếp nhận khí oxy, thì nạn nhân sẽ bị tổn thương não tùy theo thời gian dài hay ngắn, tính từ lúc nạn nhân ngưng thở như sau:
- Từ 4 – 6 phút: có thể tổn thương não.
- Từ 6 – 10 phút: não đã bị tổn thương.
- Trên 10 phút: não bị tổn thương không hồi phục và chết.
Vì thế, một trong những điều quan trọng là chúng ta phải tái lập lại hơi thở một cách nhanh chóng và chính xác.
Kỹ Thuật Hô Hấp Nhân Tạọ là một phương pháp đưa không khí từ ngoài vào phổi và đẩy không khí ở trong phổi ra ngoài để thay thế cho hô hấp tự nhiên khi nạn nhân ngừng thở. Việc ngừng thở sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxy trong máu và tế bào thần kinh.
Do đó, cấp cứu người bị ngạt thở phải tranh thủ thời gian từng giây. Vì vậy, người cấp cứu cần phải:
- Phát hiện sớm sự ngạt thở.
- Biết cấp cứu nhanh chóng và đúng phương pháp.
- Biết những việc nên làm và những việc không nên làm trong những trường hợp đặc biệt.
NHỮNG NGUYÊN NHÂN GÂY NGẠT THỞ :
- Chết đuối: Người không biết bơi (kể cả người biết bơi cũng có thể chết đuối), bị ngã chìm xuống nước chỉ sau 2 – 3 phút sẽ bị ngạt thở.
- Bị vùi lấp: Nhất là khi ngực bị đè ép, mũi, miệng bị đất cát nhét kín, nạn nhân có thể bị ngạt thở nhanh chóng.
- Hít khí độc: Người ở lâu trong hầm kín chật hẹp, thiếu dưỡng khí hoặc bị ngạt thở bởi khí CO (Monoxit carbon) tạo ra do cháy, nổ…
- Tắt đường hô hấp trên: Do thắt cổ hay bị bóp cổ, do chất nôn, do thức ăn vào ngược từ dạ dày bịt tắt đường thở, do tụt lưỡi ở nạn nhân hôn mê, điện giật…
NHẬN BIẾT NẠN NHÂN BỊ NGẠT THỞ :
Khi một người bị ngạt thở, họ sẽ có những biểu hiện sau:
- Hô hấp ngừng hoàn toàn, lồng ngực, thành bụng bất động.
- Nạn nhân nằm yên, bất tỉnh, không cử động.
- Sắc mặt nhợt nhạt hoặc tím tái, tứ chi giá lạnh.
- Tim có thể ngưng đập, mạch không sờ thấy.
Kiểm tra nạn nhân thấy ngưng thở bằng cách đặt má của bạn trước miệng nạn nhân (cách khoảng 3 – 5 cm), và nhìn vào ngực họ. Nếu muốn, bạn cũng có thể đặt một bàn tay lên vùng trung tâm của ngực họ. Việc này giúp bạn kiểm tra được xem nạn nhân có thở không theo phương pháp: Cảm nhận, Nghe, Nhìn, Ngửi:
- Bạn có thể Cảm nhận hơi thở nạn nhân phả vào má bạn.
- Bạn có thể Nghe thấy không khí vào và ra khỏi phổi của nạn nhân.
- Bạn có thể Nhìn thấy độ nâng lên và hạ xuống của ngực nạn nhân.
- Bạn có thể Ngửi thấy hơi thở của họ khi không khí thoát ra.
Nếu bạn đặt tay của bạn lên ngực nạn nhân, bạn cũng có thể cảm thấy ngực của họ nâng lên hạ xuống dựa vào tay bạn. Tìm những dấu hiệu này trong khoảng 10 giây. Nếu không thấy dấu hiệu (hoặc chỉ thở chậm hơn 6 lần/phút), thì nạn nhân không có khả năng để tự đưa không khí vào trong cơ thể họ. Để giúp họ, bạn cần phải thực hiện sơ cứu về hô hấp.
CÁCH XỬ TRÍ :
Loại bỏ nguyên nhân ngạt thở – Cố gắng khai thông đường thở càng nhanh càng tốt – Tiến hành hô hấp nhân tạo.
+ Loại bỏ nguyên nhân gây ngạt thở:
Các bạn cần đưa nạn nhân ra khỏi nơi gây ngạt thở như bới đất cho người bị vùi lấp, vớt người chết đuối, kéo người bị ngạt thở ra khỏi nơi đầy khói, cắt dòng điện đối với người bị điện giật.
+ Khai thông đường thở:
- Nới rộng cổ áo, cà vạt, dây nịt, dây thắt cổ.
- Cố gắng mở miệng nạn nhân bằng cách dùng một tay chịu ở trán, một tay ấn ở cằm hoặc đẩy góc xương hàm dưới ra trước.
- Lau chùi đất, máu, đờm dãi ở mũi, miệng, dùng ngón tay, nếu có quấn vải càng tốt, thọc tay vào miệng móc đàm, ngoại vật, thức ăn ói mửa ra. Khi cần, ta có thể hút trực tiếp bằng miệng cho sạch đờm dãi.
+ Tiến hành hô hấp nhân tạo:
Có nhiều phương pháp nhưng thông dụng và hiệu quả nhất là phương pháp “Miệng qua miệng” (Mouth by mouth). Nếu ngưng tim thì kết hợp với “Hồi sinh tim phổi CPR”.
Khi làm hô hấp nhân tạo cần chú ý:
- Làm ở chỗ thoáng khí, không để nhiều người xúm quanh.
- Không để nạn nhân nằm ở chỗ giá lạnh.
- Móc đàm nhớt hay chất ói mửa thường có ở nạn nhân bị ngạt.
- Làm rất kiên trì cho đến khi hô hấp tự nhiên hồi phục.
Lưu ý: Bình tĩnh và kiên nhẫn. Các bạn làm các động tác đúng theo nhịp điệu, không nhanh quá và cũng không chậm quá. Các động tác có khi kéo dài hàng giờ nên không được chán nản. Vì vậy các bạn cần phải có người hỗ trợ khi quá mệt mõi.
CÁC PHƯƠNG PHÁP HÔ HẤP NHÂN TẠO:
PHƯƠNG PHÁP MIỆNG QUA MIỆNG:
Đây là phương pháp dễ làm và có hiệu quả nhất.
Đặt nạn nhân nơi thoáng mát, nới lỏng quần áo, dây nịt, cà vạt… Nếu có thể thì nên để nạn nhân nằm ngửa trên một mô đất cao, hay bàn ghế, giường… để chúng ta đỡ cúi mặt gập người khi thao tác. Nếu trong miệng và cổ họng nạn nhân có vướng cái gì. Hãy quấn vải vào đầu ngón tay móc sạch ra, đoạn lau miệng cho sạch.
Cách thao tác:
- Kéo đầu nạn nhân càng ngửa về phía sau càng tốt, kéo hoặc đẩy hàm dưới cho miệng nạn nhân mở ra (hình 1).
- Dùng bàn tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi của họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Bàn tay kia dùng banh hàm nạn nhân và kéo miệng mở ra.
- Hít đầy lồng ngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. Thổi hơi mạnh đồng thời liếc mắt nhin lồng ngực của nạn nhân xem có phồng lên không? (hình 2).
- Nghiêng đầu lắng tai nghe hơi thở trở ra (hình 3).
- Lặp lại động tác 2 và 3 với nhịp điệu:
- Người lớn: 12 lần trong 1 phút
- Trẻ em; 20 lần (thổi nhẹ)
- Tiếp tục như vậy cho đến khi nạn nhân trở lại bình thường.
Chú ý: Nếu thấy thổi hơi vào và không thở hơi ra. Hãy kiểm soát lại vị trí đầu và cằm.
PHƯƠNG PHÁP XOA BÓP TIM NGOÀI LỒNG NGỰC (HỒI SINH TIM PHỔI = CPR):
Khi nạn nhân bị ngưng tim (áp tai vào lồng ngực không nghe tim đập và sờ mạch không thấy mạch đập), bạn phải tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức bằng cách bóp tim ngoài lồng ngực (tức Hồi sinh tim phổi CPR).
Cách thao tác:
Để nạn nhân nằm trên mặt phẳng cứng, bạn quỳ gối bên trái nạn nhân. Hai bàn tay chồng lên nhau rồi để trước tim, tương ứng với điểm giữa hai núm vú, ấn sâu xuống khoảng 4 – 5 cm rồi nới lỏng tay ra. Nhịp độ ép nén 100 lần/phút. Trẻ sơ sinh có thể phải ép tim đến 120 lần/phút. Phải kết hợp cả ép tim với thổi ngạt, cứ 30 lần ép tim lại thổi ngạt 2 lần,
Cách thổi ngạt:
- Một tay kéo đầu nạn nhân càng ngửa về phía sau càng tốt,tay kia kéo hoặc đẩy hàm dưới cho miệng mở ra.
- Dùng bàn tay vừa đẩy trán nạn nhân vừa bịt mũi của họ lại bằng ngón trỏ và ngón giữa. Bàn tay kia dùng banh hàm nạn nhân và kéo miệng mở ra.
- Hít đầy lồngngực, đoạn há miệng rộng rồi áp sát vào miệng nạn nhân. Thổi hơi mạnh trong khoảng 1 giây, vừa thổi vừa liếc mắt nhìn lồng ngực của nạn nhân. Nếu thổi thành công sẽ thấy lồng ngực của nạn nhân phồng lên.
Sau khi bệnh nhân tự thở được, cho nằm ở tư thế hồi phục và tìm cách đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị tiếp.
PHƯƠNG PHÁP NIELSEN:
Đây là phương pháp hơi cổ điển, hiện nay ít người áp dụng. Nhưng nếu bạn không muốn áp miệng mình vào miệng người bệnh vì một lý do nào đó thì đây là phương pháp khả thi.
Ðặt nạn nhân nằm sấp trên mặt cứng, hai tay gấp, mỏm khuỷu ngang vai, hai bàn tay úp chồng lên nhau và kê dưới cằm để đầu hất ngược ra sau. Bạn quỳ gối trước đầu nạn nhân, đặt hai bàn tay lên hai xương bả vai ngang nách của nạn nhân.
Bạn giữ hai tay thẳng, chồm người tới trước, ấn mạnh xuống lưng nạn nhân rồi buông ra đột ngột.
Hít vào: Nắm hai cánh tay của nạn nhân gần mỏm khuỷu, kéo cánh tay lên trên và về phía đầu nạn nhân, đồng thời bạn hơi ngã người ra sau (khi kéo, hai bàn tay nạn nhân không rời khỏi cằm, đầu không nhấc lên khỏi bàn tay), xong đặt tay về tư thế lúc đầu và tiếp tục làm thao tác giúp thở ra.
Làm với nhịp độ 10 – 12 lần trong 1 phút. Phương pháp này thích hợp trong cấp cứu chết đuối vì cần cho nạn nhân nằm sấp để tống nước trong bụng ra ngoài. Bạn cần có người đứng gần kế bên để thay thế cho mình khi quá mệt, tránh gián đoạn việc hô hấp.
PHƯƠNG PHÁP SYLVESTER:
Đây cũng là phương pháp cổ điển, ít người áp dụng, nhưng cũng rất hiệu quả.
Ðặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt đất cứng. Nâng cao vai nạn nhân bằng cách lót mền, gối, để đầu bật ngửa ra sau, cằm hướng lên trời. Người cấp cứu quỳ ở phía đầu nạn nhân, nắm chặt hai cổ tay nạn nhân.
Thở ra: Ðưa 2 cẳng tay nạn nhân gập vào trước ngực và ép mạnh. Tư thế người cấp cứu nghiêng mình tới trước, hai tay duỗi thẳng.
Hít vào: Người cấp cứu ngã người ra sau, đến khi mông đặt lên gót chân; đồng thời kéo bẹt hai tay nạn nhân ra cho đến khi chấm đất.
Ðộng tác này làm nâng cao xương sườn, giúp không khí chui vào phổi. Làm với nhịp 15 – 20 lần trong 1 phút. Phương pháp này áp dụng cho nạn nhân không nằm sấp được, như nạn nhân ngạt thở do bị vùi lấp, mới bới được nửa người trên.
daosaigon.org
Trả lời
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.