SỐNG SÓT TAI NẠN MÁY BAY

SỐNG SÓT TAI NẠN MÁY BAY

Ngày nay, máy bay là một phương tiện giao thông nhanh chóng, an toàn và phổ biến, tỉ lệ tai nạn rất nhỏ so với giao thông đường bộ. Nhưng khi xảy ra tai nạn thì thường rất thảm khốc, số lượng người chết nhiều do sự va chạm mạnh hoặc do các toán cứu hộ không tìm ra địa điểm xảy ra tai nạn sớm. Những tai nạn máy bay lại thường xảy ra trên những vùng hoang vu hay giữa biển khơi, nên số nạn nhân bị tử vong sau tai nạn do chết đuối, lạnh cóng, đói khát … cũng rất nhiều.

Một thực tế đáng ngạc nhiên là chỉ riêng tại Mỹ, từ năm 1983 đến 2000, đã có 568 vụ rơi máy bay. Trong số 53.487 người đi trên những chiếc máy bay đó, thì có 51.207 người sống sót.

Những tiến bộ trong khoa học và công nghệ hiện nay đã giúp hơn 90% hành khách trong các vụ tai nạn máy bay sống sót. Và tất nhiên có rất nhiều điều bạn cần phải xem xét để tăng cơ hội sống sót.

3 phút và 8 phút

Trong thế giới hàng không, người ta thường đề cập đến ba phút đầu tiên sau khi cất cánh và tám phút cuối cùng trước khi hạ cánh. Theo các nhà điều tra, gần 80% của các tai nạn máy bay xảy ra trong khoảng thời gian này. Giữa các khoảng thời gian này, tức là khi máy bay đang bay, cơ hội xảy ra một vụ tai nạn máy bay là không đáng kể. Vì vậy, nếu bạn muốn có cơ hội sống sót thì bạn cần phải nâng cao cảnh giác và sẵn sàng hành động trong 3 phút đầu tiên và 8 phút cuối cùng.
maybay

AN TOÀN KHI ĐI MÁY BAY

Khi đi máy bay, các bạn cần có một số hiểu biết cơ bản để được an toàn, thoải mái và dễ chịu:

–  Nếu có thể, nên chọn chỗ ngồi phần nửa thân trước của máy bay, gần cửa ra vào hay cửa thoát hiểm (Emergency Exit),

–  Nên mặc quần áo thoáng rộng, nhưng không hở hang,

–  Cố gắng nắm các chỉ dẫn khi lên máy bay, dùng tai mắt quan sát và kiểm tra các vì trí và vật liên quan chỉ dẫn,

–  Không nên ăn quá no và uống rượu khi đi máy bay,

–  Nên uống đủ nước trên đường bay,

–  Nếu bay đường dài, nên cố gắng ngủ thật nhiều để điều chỉnh cơ năng sinh lý,

–  Khi máy bay thay đổi độ cao, lỗ tai sẽ cảm thấy căng trương (ù tai) do thay đổi áp suất không khí, các bạn hít một hơi sâu rồi ngậm miệng, bịt mũi thở ra thật mạnh hoặc hắt hơi thì sẽ khỏi. Người ta nói nếu nhai kẹo cao su thì cũng giảm bớt ù tai,

–  Nếu bị nghẹt mũi, viêm xoang, cảm sốt, nhức răng, sắp sinh … thì không nên đi máy bay,

maybay1

–   Thắt đai an toàn lúc máy bay ra vào đường băng, khi cất cánh, lúc hạ cánh và khi có tín hiệu đèn đỏ.

Bạn chỉ có 90 giây để thoát ra

Các bạn phải nhớ đây là điều quan trọng để sống sót, và nó sẽ là xương sống của tất cả các thủ thuật khác trong bài viết này. Nếu bạn vẫn còn sống sau một vụ hạ cánh khẩn cấp, thì bạn đang có một cơ hội tốt để thoát ra khỏi máy bay. Tuy nhiên, bạn chỉ có 90 giây để thực hiện điều đó. Đây là “thời gian vàng”

Bạn thấy đấy, điều giết chết hành khách trong một vụ tai nạn máy bay không phải do tác động va chạm, mà đó là lửa. Nó thường nuốt chửng các máy bay sau đó. Đừng quá vui mừng vì sống sót sau các tác động va chạm và trở nên tự mãn mà quên đi những nguy hiểm khác. Một đám cháy có thể lan rộng và tiêu hủy một chiếc máy bay trong nháy mắt. Khảo sát cho thấy hầu hết mọi người đều tưởng rằng, họ thực sự có khoảng 30 phút để thoát ra khỏi một chiếc máy bay đang cháy. Thực tế là ngọn lửa chỉ mất trung bình trên dưới 90 giây để hoàn thành sứ mệnh nuốt chửng kia. Nghe có vẻ đáng sợ, cho nên: bạn cần phải nhớ là bạn chỉ có 90 giây để ra khỏi một chiếc máy bay!

Những chỗ ngồi an toàn

Những chỗ ngồi cạnh lối thoát hiểm thường được coi là an toàn nhất trên máy bay. Nhưng trên trang web của nhà sản xuất Boeing họ coi đây chỉ là “một chỗ ngồi an toàn như các chỗ khác”. Ý kiến chung của những người thường đi máy bay thì cho rằng, chỗ ngồi phía sau phi cơ an toàn hơn. Một số khác lại nghĩ chỗ ngồi ở phần cánh là an toàn vì đó là nơi chắc chắn nhất của máy bay.

Trong khi đó các vụ tai nạn máy bay hết sức đa dạng, đôi khi chỉ những người ngồi ở phía trước hoặc chỉ những người ngồi ở phần gần cánh còn sống. Năm 2007, tạp chí Popular Mechanics tiến hành nghiên cứu tất cả các vụ rơi máy bay từ năm 1971 để tìm hiểu chỗ ngồi nào trên phi cơ thường có người sống sót. Họ phát hiện những người ngồi phía đuôi máy bay có tỷ lệ an toàn cao hơn. Tỷ lệ sống sót của những người ngồi khu vực này là 69% so với 56% ngồi ở phần cánh và 49% ngồi ở phần đầu máy bay.

maybay2Quy tắc 5 hàng ghế

Thay vì lo lắng về việc ngồi ở đâu thì an toàn, bạn tập trung vào việc tìm kiếm một chỗ ngồi gần lối thoát hiểm (Emergency Exit). Theo các nhà nghiên cứu, những người sống sót sau một vụ tai nạn máy bay thường chỉ phải di chuyển qua 5 hàng ghế để thoát ra.

maybay3

Như vậy, các chỗ ngồi tốt nhất là những chỗ ngồi gần cửa lên xuống hay cửa thoát hiểm nhất, vì trong vòng 90 giây, các bạn chỉ có thể vượt qua được 5 hàng ghế để thoát ra ngoài. Nếu bạn không thể có được chỗ ngồi như vậy thì nên chọn chỗ ngồi gần lối đi, vì không những giúp bạn có thể đi đến phòng vệ sinh dễ dàng, mà còn có cơ hội 64% sống sót so với 58% hàng ghế ngồi kề bên cửa sổ.

XỬ TRÍ CHỦ ĐỘNG KHI GẶP TAI NẠN MÁY BAY

Khi lên máy bay, các bạn đừng quá chủ quan mà bỏ qua những lời dặn dò của các hướng dẫn viên hàng không. Nên lấy Bảng hướng dẫn ứng xử khi gặp các trường hợp khẩn cấp ở trong túi lưng ghế trước ra xem để xem sơ đồ máy bay, các cách ứng xử khi gặp tình huống khẩn cấp. Các bạn cũng cần phải biết những điều sau đây:

  • Hiểu biết tính năng và cách sử dụng các thiết bị cứu hộ (mặt nạ cung cấp oxy, phao cứu sinh)
  • Biết vị trí cửa thoát thoát hiểm (Emergency Exit) trên máy bay và cách mở ra (cho dù khói mịt mù bạn vẫn tiếp cận và mở ra được). Ghi nhớ vị trí của các cửa thoát hiểm gần chỗ mình ngồi nhất và cho dù trong làn khói dày đặc, cũng có thể tìm thấy để mở ra
  • Khi có dấu hiệu của sự cố, nhân viên phục vụ sẽ cảnh báo. Tuyệt đối tuân theo lời hướng dẫn của họ, không được tự tiện làm theo ý mình, không được hoảng loạn, mất bình tĩnh, vì nếu không các bạn sẽ cho sự việc càng xấu thêm.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn đã mang giày vào và cột dây cẩn thận. Nếu bạn đang đi với vợ hoặc bạn gái, hãy nhắc cô ấy không đi giày cao gót.Thật khó để chạy nhanh trên một đôi giày cao gót.
  • Nếu tình hình trở nên xấu, nhân viên phi hành sẽ khởi động cho mặt nạ dưỡng khí từ trên trần phi cơ rơi xuống. Bạn hãy lấy để mang vào. Nếu bên cạnh bạn có trẻ em hay người già cả thì nên giúp đỡ họ. Đeo mặt nạ càng sớm càng tốt: Vì khoang máy bay được điều áp, do đó bạn có thể thở bình thường ở cao độ trên 10 km. Nhưng khi khoang bị mất áp lực, có rất ít không khí. Do đó, mặt nạ là con đường duy nhất để cung cấp dưỡng khí cho não của bạn.

11

 

12

Hầu hết mọi người nghĩ rằng, họ có thể sống sót một giờ mà không có mặt nạ sau khi một chiếc máy bay bị mất áp lực. Thật ra, bạn chỉ có một vài mươi giây. Chỉ cần một vài giây thiếu ôxy có thể gây ra sự suy nhược tinh thần ngay. Vì vậy, nếu bạn muốn thoát khỏi một chiếc máy bay bị rơi mà còn sống, muốn tất cả các khả năng tinh thần của bạn còn nguyên vẹn, hãy đeo mặt nạ của bạn trước khi giúp đỡ người khác. Bạn sẽ không giúp được ai nếu bạn không nhận được oxy cho não của bạn.

  • Khi được báo có thể xảy ra tai nạn, ngay lập tức cởi mắt kính, gỡ răng giả, lấy các vật cứng nhọn ở trong túi ra để tránh tự gây thương tích. Thắt đai an toàn và ngồi theo tư thế được hướng dẫn.
  • Khi phi cơ hạ cánh khẩn cấp, cho dù là chạm mặt nước hay mặt đất, đều có những cú bật nẩy tung hay dằn xóc mạnh. Hãy ngồi ở “Tư thế tự bảo vệ”, che mặt và cúi đầu thấp xuống.

Phao cứu sinh

Trong trường hợp máy bay sẽ rơi xuống biển, các tiếp viên hay nhân viên phi hành sẽ cảnh báo cho hành khác mặc áo phao. Hầu hết các máy bay thương mại đều để áo phao dưới gầm ghế ngồi của hành khách, các bạn chỉ cần cúi xuống kéo ra rồi mặc vào, cài và điều chỉnh các dây đai cho vừa vặn. Đừng thổi phồng áo phao khi đang ở trong máy bay, vì nó sẽ làm cho bạn vướng víu khi cần thoát khỏi máy bay. Sau khi mặc xong áo phao cho mình, hãy quay sang giúp người già, trẻ em và những người lúng túng không biết cách mặc.

13

1. Lấy áo phao ghế     2. Mặc vào

14

3. Cài và điều chỉnh dây đai    4. Hoàn tất

Tư thế tự bảo vệ

Trong trường hợp cần hạ cánh khẩn cấp, các nhân viên phi hành sẽ hướng dẫn cách làm thế nào để các bạn thục hiện tư thế tự bảo vệ mình. Tuy nhiên, tai nạn thường bất ngờ, vì vậy đôi khi họ không kịp hướng dẫn, cho nên bạn cần phải biết thế nào là Tư thế tự bảo vệ.

Khi bạn nghe lời cảnh báo như “Ôm đầu và cúi xuống”, hoặc bạn thấy đèn báo thắt dây an toàn (bên phải) bật sáng liên tục, ngay lập tức thực hiện Tư thế tự bảo vệ. Cần lưu ý là có hai vị trí khác nhau. Một là các bạn có thể dựa đầu vào ghế ở phía trước, hai là vị trí mà đầu bạn dựa không tới.

15

Tư thế 1 (như hình trên): Nếu bạn có thể dựa đầu vào lưng ghế ở phía trước

  • Đảm bảo dây an toàn của bạn đã thắt chặt. Dùng 2 bàn tay của bạn ôm lấy đầu (không đan các ngón tay vào nhau), hay bám tay vào lưng ghế trước.
  • Cúi mình về phía trước càng xa càng tốt, để đầu của bạn chạm vào lưng của ghế ở phía trước hay úp mặt vào cánh tay.
  • Cánh tay của bạn che phủ các bên của khuôn mặt để bảo vệ nó khỏi các mảnh vỡ.
  •  Nếu có em bé thì ôm vào lòng, cúi thâp xuống, dùng một cánh tay che mặt em bé.

16

Tư thế 2 (như hình trên): Nếu bạn không thể dựa đầu vào lưng ghế hoặc vách ngăn ở phía trước

  • Đảm bảo dây an toàn của bạn được gắn chặt.
  • Cúi mình về phía trước sao cho đầu nằm giữa hai đầu gối của bạn.
  •  Hai tay ôm đầu hoặc vòng quanh chân của bạn để ngăn chặn cơ thể bị di chuyển về phía trước trong ảnh hưởng của lực quán tính khi va chạm.

Rời phi cơ khẩn cấp

Bình tĩnh và khôn ngoan

Một trong những việc then chốt có thể giúp bạn sống sót là lắng nghe và thực hiện theo những chỉ dẫn của phi hành đoàn.

Tránh ngạt khói

Lửa là nguyên nhân chính dẫn tới cái chết của hành khách trong các tai nạn máy bay, nhưng khói còn nghiêm trọng hơn.

Bị bỏng một vài nơi các bạn vẫn có thể sống sót và di chuyển được, nhưng chỉ cần hít phải khói trong vài giây cũng có thể khiến các bạn bị gục ngã. Do đó hãy tìm mọi thứ có thể tẩm ướt để che mũi và miệng của mình, như khăn tay hoặc miếng đệm lót ghế phía sau đầu và di chuyển bằng cách bò sát sàn máy bay (vì khói có khuynh hướng bốc lên cao). Ai không biết điều này thì khó mà rời khỏi máy bay.

Di chuyển thật nhanh

“Thời gian vàng” của việc thoát thân trong một vụ tai nạn máy bay thường chỉ kéo dài tối đa khoảng 02 phút. Do đó hãy lắng nghe chỉ dẫn của các tiếp viên và tiến tới cửa thoát hiểm một cách nhanh nhất, đồng thời thoát ra ngoài máy bay mà mất ít thời gian nhất có thể.

Đừng phồng áo phao ra trong giai đoạn này.

Bạn có nên dừng lại để giúp đỡ người khác thoát thân không? Điều này tùy thuộc vào bạn cũng như tình huống cụ thể.

Rảnh tay

Mọi người thường có những hành động khác thường sau khi tai nạn máy bay xảy ra, một trong những việc đó là cố gắng vơ lấy tất cả tư trang của mình. Điều tối quan trọng là hãy từ bỏ chúng, vì bạn sẽ không có đủ thời gian và tư trang sẽ làm bạn bị chậm khi thoát ra ngoài. Do đó cần phải để hai tay mình không vướng bận bất cứ thứ gì để có thể rảnh tay dỡ bỏ chướng ngại vật khi chạy, hoặc che mũi và miệng tránh ngạt khói. Tuy nhiên, nếu bên cạnh bạn có một em bé. Hãy ẵm nó theo bạn, vì đây là mạng sống con người, không thể bỏ lại. Tóm lại: BỎ LẠI HÀNH LÝ, MANG THEO EM BÉ.

Thoát khỏi máy bay

Nếu tai nạn xảy ra khi vừa cất cánh hay hạ cánh khẩn cấp (có nghĩa là máy bay còn ở trên mặt đất) thì mới được mở cửa máy bay. Các loại máy bay chở hành khách, ở cửa thoát hiểm (emergency exit) thường có thang cứu sinh khí nén tự phồng lên khi mở cửa máy bay.

Cửa thoát hiểm (Emergency Exit)

Cửa thoát hiểm được thiết kế dọc thân máy bay để sơ tán khẩn cấp hành khách trong trường hợp nguy hiểm. Cửa này chỉ có thể mở chúng từ bên trong và nó sẽ bung ra phía ngoài.

Cho dù có gặp sự cố, bạn cũng phải chờ hiệu lệnh của các nhân viên phi hành, không được tự động mở cửa. Sau khi có lệnh, người khỏe và ngồi gần cửa nhất, tiếp cận, mở chốt, nâng lên và đẩy ra, giựt chốt kích hoạt thang cứu sinh, thang sẽ tự thổi phồng lên. Các bạn tháo giày cao gót, khoanh tay chéo trước ngực nhảy vào thang, trượt xuống đất.

Lưu ý: Nếu không gặp tình huống khẩn cấp, đừng bao giờ dại dột tự động mở cửa thoát hiểm. các bạn sẽ bị phạt rất nặng và có thể còn bị truy tố nữa!

17

1. Mở chốt cửa >>>2. Vừa nâng vừa kéo>>>3. Đẩy ra

18

4. Kích hoạt thang cứu sinh >>> 5. Khoanh tay nhảy vào

Thoát nhanh ra khỏi máy bay, (đừng tiếc nuối hành lý, sinh mạng là quan trọng) chạy đến một khoảng cách an toàn đề phòng máy bay bị cháy nổ.

SAU KHI THOÁT KHỎI MÁY BAY

Sau khi đã ổn định và không thấy còn nguy hiểm thì các bạn mới quay lại máy bay để lấy hành lý, thu lượm thực phẩm và những vật dụng cần thiết (phi cơ thường được trang bị rất  đa dạng) tìm kiếm các Túi cứu thương (First Aid Kit), Túi mưu sinh (Survival Kit), Máy truyền tin (Radio) …

Quan sát, nhận định tình hình, tìm đường và định hướng. Nếu thấy chúng ta đang ở gần khu dân cư thì tốt nhất là nên cử một vài người khoẻ mạnh, tháo vát …đi đến đó để kêu gọi sự  trợ giúp.

Nhưng nếu chung quanh chúng ta là một vùng hoang vu vô tận thì sao? Các bạn hãy yên tâm, vì thông thường thì sau những tai nạn như thế này, chính quyền sở tại và những tổ chức khác sẽ phái những đội cứu hộ đi tìm kiếm.

Vì vậy,  các bạn và  những người đồng hành không nên rời quá xa địa điểm xảy ra tai nạn (trừ trường hợp bất khả kháng), vì đây là một mục tiêu dễ nhận thấy bằng mắt thường từ phi cơ cứu hộ. Hơn nữa phần còn lại của máy bay (thân, cánh) là một nơi trú ẩn tránh mưa nắng rất an toàn và tiện lợi, (nhưng phải chắc chắn là không còn sự nguy hiểm cháy nổ nào)

Minh họa: Thân và cánh máy bay là nơi trú ẩn tốt nhất

Minh họa: Thân và cánh máy bay là nơi trú ẩn tốt nhất

Tổ chức sinh hoạt cho nhóm sống sót sau tai nạn

Vì không biết bao lâu thì những người cứu hộ mới đến, nên các bạn phải chuẩn bị tinh thần để đối phó, vì có khi hàng tuần, thậm chí hàng tháng người ta mới có thể tìm ra các bạn, cho nên các bạn phải biết cách tổ chức để duy trì ổn định cuộc sống những người sống sót trong thời gian này. Ra các quyết định tập thể khôn ngoan, sử dụng nguồn lực hiệu quả … là các công việc tối cần mọi người làm việc chung.

Nếu là một nhóm, thì cũng như trong bài thất lạc, các bạn phải bầu chọn một nhóm trưởng để điều hành mọi sinh hoạt của nhóm, ngoài những sinh hoạt thường lệ như đã đề cập phần trước, các bạn còn có những công việc như: chăm sóc người bị thương, chôn cất người chết (nếu có), tìm kiếm nước uống và lương thực. Và nhất là phải chuẩn bị những vật liệu để làm tín hiệu liên lạc với phi cơ cứu hộ như: các chất tạo khói, lửa, ánh sáng (cỏ khô, củi, đèn pin…), các vật phản chiếu ánh sáng mặt trời (gương soi, kim loại bóng…), các pa-nô, vải hay giấy màu thật nổi so với địa thế chung quanh, máy truyền tin, hỏa pháo, khói màu…

Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân

Xin xem thêm phần:  Kỹ năng sinh tồn

(Visited 737 times, 1 visits today)

Chia sẻ

Trả lời