Sử Dụng La Bàn Tìm Phương Hướng
Cách tìm phương hướng dễ dàng chính xác và nhanh chóng nhất là dùng la bàn. Cùng với bản đồ địa hình, la bàn là một công cụ thiết yếu khi các bạn ở trong vùng hoang vu xa lạ. Biết cách sử dụng bản đồ và la bàn sẽ giúp bạn không bao giờ bị thất lạc.
CÁC LOẠI LA BÀN VÀ CÁCH SỬ DỤNG
Có nhiều loại địa bàn lớn nhỏ khác nhau, từ đơn giản đến tinh vi, nhưng tựu trung có thể phân ra làm hai loại: loại kim di động và loại mặt số di động.
A – LOẠI LA BÀN CÓ KIM DI ĐỘNG
Loại này có một kim từ tính di động, kim này xoay trên một trục và luôn chỉ hướng Bắc Nam. Loại này cũng có hai loại:
La bàn đơn giản: Đây là la bàn loại nhỏ, đơn giản, nắp cố định, trên mặt chỉ ghi 4 hướng chính, có ghi độ hoặc không ghi độ, không được chính xác. Chỉ sử dụng trong những lộ trình ngắn, không quan trọng.
La bàn có nắp di động: Nắp nầy có thể xoay bằng tay. Trên vòng xoay đó có chia 3600 có thể có khe nhắm, có mũi tên chỉ hướng cần tìm hay “hướng di chuyển”.
CÁCH SỬ DỤNG LA BÀN CÓ KIM DI ĐỘNG
Tìm một hướng đã biết số độ
- Cầm địa bàn thăng bằng trên bàn tay, đưa trước mặt.
- Vặn số độ đã biết nằm ngay trên mũi tên chỉ “hướng đi”.
- Xoay người sao cho đầu kim màu đỏ nằm ngay chữ N (Bắc) tức là song song với những vạch chỉ hướng Bắc Nam.
- Nhìn theo hướng “trục di chuyển” để tìm mục tiêu.
Xác định chỉ số độ của một hướng (phương giác)
- Cầm la bàn thăng bằng trên tay đưa ra trước mặt
- Đưa “mũi tên chỉ hướng” về hướng cần xác định
- Vặn nắp labàn cho chữ N nằm ngay trên đầu đỏ của kim từ tính.
- Ghi nhận số độ hiện ra ngay trên “mũi tên chỉ hướng”
Sử dụng la bàn kết hợp với bản đồ
- Định vị bản đồ
- Đặt la bàn theo lộ trình cần phải di chuyển trên bản đồ (hình 1)
- Xoay mặt tròn la bàn cho chữ N nằm ngay đầu đỏ của kim từ tính (hình 2).
- Cầm la bàn trên tay, xoay người và cả la bàn làm sao cho đầu đỏ của kim từ tính nằm ngay chữ N (North = Bắc).
- Giữ nguyên vị trí, nhắm theo mũi tên chỉ hướng đi để xác định mục tiêu sẽ đến (hình 3).
- Khi sử dụng la bàn có kính chiếu và khe nhắm. Cầm địa bàn như hình 4, các bạn có thể nhìn thấy mặt địa bàn phản chiếu trong kính, cùng lúc các bạn nhắm qua khe để xác định mục tiêu sẽ đến.
B – LOẠI ĐỊA BÀN MẶT TRÒN DI ĐỘNG.
La bàn thấu kính (lensatic) – còn gọi là la bàn quân sự – là một dụng cụ khá tinh vi, chính xác và dễ sử dụng. Ngày nay, phiên bản của loại la bàn này đã được bán rất nhiều trên thị trường. La bàn thấu kính gồm có những thành phần mô tả sau đây :
1/. Khoen đồng: Dùng để khoá nắp la bàn và luồn ngón tay cái, giữ cho la bàn thăng bằng khi nhắm hướng .
2/. Nắp địa bàn: Có một khe hình chữ nhật tròn cạnh, giữa có một sợi dây nhỏ gọi là “chỉ nhắm hướng”, để nhắm ban ngày. Hai đầu “chỉ nhắm hướng” có hai chấm lân tinh dùng để nhắm ban đêm. Nắp được gắn với thân địa bàn bằng một bản lề.
3/. Mặt địa bàn: Gồm có hai mặt kính:
Mặt thứ nhất: xoay tròn được, và có 120 nấc (mỗi nấc bằng 3 độ). Trên mặt kính có một vạch và một chấm lân tinh hợp với nhau thành một góc 450, góc là trục của địa bàn. Chấm và vạch lân tinh này dùng để đi ban đêm.
Mặt thứ hai: cố định, có một vạch chuẩn màu đen, hướng về nắp địa bàn, đó là vạch chỉ hướng đi.
4/. Mặt kính tròn di động có in số: được gắn vào một thanh nam châm và xoay quanh một trục. Trên đó có hai mặt số.
Vòng ngoài chữ số màu đen chỉ ly giác. Có 6400 ly giác (Được lược giản còn 64) .
Vòng trong chữ số màu đỏ chỉ độ. Có 360 độ
Trên mặt kính di động này còn có những chữ E = East (Đông) ; W = West (Tây); S = South (Nam) và một tam giác lân tinh chỉ về hướng Bắc hay 6400 ly giác hoặc 3600 .
5/. Bộ phận nhắm: gồm có khe nhắm và kính phóng đại.
6/. Thước đo: nằm ngoài cạnh trái của la bàn khi mở ra, sử dụng cho những bản đồ có tỷ lệ là 1/25000 (là bản đồ thông dụng của quân đội)
CÁCH SỬ DỤNG LA BÀN THẤU KÍNH
- Mở và ấn khoen đồng xuống phía dưới.
- Mở nắp và bẻ thẳng góc với mặt la bàn
- Mở bộ phận ngắm xiên 450 so với mặt la bàn.
- Luồn ngón cái tay phải qua khoen đồng.
- Ngón tay trỏ phải ôm quanh thân địa bàn, ba ngón còn lại đỡ thân địa bàn.
- Tay trái nâng và ôm bàn tay phải, hai cùi chỏ ngang vai.
- Đưa la bàn sát vào mắt, lấy đường ngắm.
Muốn tìm phương giác của một hướng
Đưa la bàn lên nhắm một đường thẳng tưởng tượng xuất phát từ khe nhắm qua chỉ nhắm và hướng thẳng đến mục tiêu. Liếc mắt nhìn qua kính phóng đại và đọc chỉ số độ hay ly giác nằm dưới vạch chuẩn đen.
Muốn tìm hướng tương ứng với phương giác đã biết
Các bạn chỉnh la bàn theo số độ hoặc ly giác đã được cho, làm sao cho số độ hoặc ly giác đó nằm dưới vạch chuẩn đen. Giữ như thế rồi đưa lên mắt, vừa lấy đường ngắm, vừa kiểm tra chỉ số độ hay ly giác.
Kéo một đường thẳng tưởng tượng từ khe nhắm qua chỉ nhắm xem có vật gì để làm mốc hay không. Nếu có các bạn ghi nhận điểm mốc đó. Nếu không có hoặc quá xa, khó xác định, thì các bạn tìm những mục tiêu phụ gần đó.
CÁC CÔNG DỤNG KHÁC CỦA LA BÀN QUÂN SỰ
Ngoài công dụng tìm phương hướng, định hướng bản đồ, đo mục tiêu hoặc xác định một mục tiêu ngoài địa thế, tương ứng với độ hay ly giác đã cho, la bàn quân sự còn cho chúng ta nhiều công dụng khác như:
Bám theo đội hình khi di chuyển ban đêm
Ban đêm mở nắp la bàn thật thẳng và buộc sau lưng. Nhờ hai chấm lân tinh, các bạn có thể nối đuôi nhau di chuyển dễ dàng mà không sợ lạc nhau. Ngoài ra, lân tinh của địa bàn còn dùng làm mật hiệu trong các trò chơi lớn.
Đi theo một hướng ban ngày:
- Cầm la bàn đúng phương pháp
- Xoay người cùng với la bàn cho đến khi số phương giác của hướng đi nằm dưới vạch chuẩn đen
- Nhìn qua khe kính phóng đại và chỉ nhắm hướng để tìm một điểm chuẩn trên hướng di chuyển.
- Di chuyển đến điểm chuẩn và cứ như thế dùng la bàn để tìm điểm chuẩn mới.
Ghi chú: Nên dùng phương giác thoái (nghịch) để kiểm soát lại hướng đi.
Đi theo một hướng ban đêm:
Có 2 trường hợp:
- Chuẩn bị lúc còn ánh sáng
- Xoay la bàn cho phương giác phải đi nằm dưới vạch chuẩn đen.
- Xoay mặt kính thứ nhất cho vạch lân tinh dài trùng lên tam giác lân tinh (tức hướng Bắc)
- Tối đến, khi dùng la bàn, xoay cho tam giác lân tinh nằm dưới vạch lân tinh dài.
Di chuyển theo hướng xác định với 2 chấm lân tinh ở 2 đầu chỉ nhắm hướng. Nắp la bàn phải mở thẳng.
- Di chuyển lúc không có ánh sáng
- Xoay mặt kính thứ nhất cho vạch lân tinh dài trùng lên vạch chuẩn đen (nhờ lân tinh dưới thành địa bàn hay dùng đèn pin).
- Xoay mặt kính thứ nhất ngược chiều kim đồng hồ tùy theo số nấc tương ứng với số độ hay ly giác (1 nấc = 3 độ hay 53 ly giác).
- Di chuyển theo hướng xác định bởi 2 chấm lân tinh ở 2 đầu chỉ nhắm hướng.
Ghi chú: ban đêm, nếu không tìm được điểm chuẩn trên hướng di chuyển, các bạn cho một người đi trước một đoạn trong tầm nhìn rồi đứng lại, để làm điểm chuẩn phụ. Nắp địa bàn phải mở thẳng để sử dụng hai chấm lân tinh.
GIỮ GÌN LA BÀN
Nếu la bàn không được gìn giữ và bảo quản cẩn thận, sẽ bị lệch kim từ tính, mờ kính, vỡ mặt la bàn … Cho nên:
- Sau khi sử dụng, đậy nắp lại, bỏ vào bao da hay bao vải
- Không cất địa bàn vào chỗ ẩm
- Không để địa bàn dưới ánh nắng
- Không để gần đường dây điện cao thế
- Không để gần các khối sắt và các vật kim loại
CHẾ TẠO MỘT LA BÀN
Khi các bạn ở những nơi xa lạ mà trong tay không có la bàn, nếu có một ít vật dụng bằng sắt thép trong tay, các bạn có thể chế tạo một cái la bàn đơn giản như sau.
Trước tiên, các bạn cần tạo ra một cái kim hay một miếng thép mang từ tính (xin lưu ý: phải là thép thì mới nhiễm từ tính, còn sắt non, inox hay đa số các kim loại khác thì không nhiễm từ).
Để làm kim hay miếng thép nhiễm từ, các bạn làm theo một trong những phương pháp sau:
- Chọn một cái kim hay một miếng thép có hình thù thích hợp rồi dùng một thỏi nam châm chà sát theo một chiều (không chà tới chà lui) một lúc sau, cái kim hay miếng thép đó sẽ nhiễm từ tính. Nếu không có nam châm, các bạn có thể dùng cái tua-vít (tourne-vis), dao bỏ túi đa năng … những vật dụng nầy thường mang sẵn một từ tính nhẹ.
- Lấy một sợi dây điện (còn vỏ cách điện) cuộn thành một cái lò xo chung quanh một cái kim cho gọn và đều. Tuốt vỏ hai đầu dây, và nối với hai đầu một cục pin trong vòng vài phút, kim sẽ mang từ tính.
- Dùng một lưỡi lam cũ hay một miếng thép mỏng rồi cẩn thận chà xát một chiều trên bàn tay hay trên tóc, lưỡi lam hay miếng thép sẽ nhiễm từ tính nhẹ.
Khi các bạn đã có một cái kim hay miếng thép mang từ tính rồi, thì mọi việc sẽ trở nên đơn giản hơn.
- Các bạn gắn cái kim đã nhiễm từ tính vào một vật nổi nhỏ như: miếng bấc, lá khô, gỗ nhẹ. . . rồi thả nổi trên mặt nước. Hai đầu kim sẽ tự động xoay về hướng Nam Bắc.
- Các bạn có thể thả nổi một cái kim nhiễm từ tính đã dính dầu (bằng cách cọ vào sống mũi hay chà lên tóc) rồi thả một cách nhẹ nhàng lên mặt nước, kim sẽ tự nổi mà không cần vật đỡ.
- Treo lơ lửng miếng thép hay lưỡi lam cũ đã nhiễm từ trên một sợi tơ tằm, tơ nhện hay các loại dây mảnh, không bị vặn xoắn (vì sẽ làm cho vật bị treo quay vòng vòng, hay bị định hướng bởi ứng suất của dây). Sau một hồi chao đảo lắc lư, miếng thép sẽ ổn định và cho chúng ta hướng Nam Bắc. (Nếu trời có gió, các bạn có thể thả miếng thép vào trong một cái chai, ly hay một vật che chắn nào đó).
Bởi: Hổ Hăng Hái Phạm Văn Nhân
(Code 8.1.3.1)